Cơ hội cùng phát triển

Diễn ra chỉ ít ngày trước thời điểm dự kiến Anh chính thức rời Liên hiệp châu Âu (EU), Hội nghị cấp cao đầu tư Anh - châu Phi đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác thực chất cho cả hai bên.

Sự kiện lần này không chỉ thể hiện mong muốn của Anh thúc đẩy quan hệ thương mại với các đối tác ngoài EU, mà còn tạo động lực phát triển cho châu Phi, vốn đang tranh thủ mọi cơ hội để vươn lên.

London đang tích cực "bắt tay" với các đối tác, để có sự chuẩn bị kỹ càng nhất cho việc chính thức rời EU, khối thương mại lớn nhất thế giới. Thời điểm dự kiến Anh rời "mái nhà chung" châu Âu (còn gọi Brexit) ngày 31-1 đang đến gần, theo sau là các cuộc đàm phán một thỏa thuận thương mại với EU dự kiến gặp không ít khó khăn. Thời gian qua, luôn bày tỏ sẵn sàng thúc đẩy hợp tác thương mại với những nền kinh tế ở châu Mỹ và châu Á, Anh cũng không quên hướng tham vọng đến châu Phi, lục địa đang nổi lên với nhiều tiềm năng phát triển.

Thu hút sự tham dự của 21 nhà lãnh đạo từ châu Phi, Hội nghị cấp cao đầu tư Anh - châu Phi, do London đăng cai hôm 20-1, là sự kiện mới nhất trong chuỗi các hội nghị được gắn tên "châu Phi + 1", hay cuộc gặp gỡ cấp cao giữa châu Phi với một quốc gia đối tác bên ngoài. Ði thẳng vào vấn đề trong phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Anh B.Johnson kêu gọi đưa Anh trở thành "đối tác đầu tư yêu thích" của châu Phi. Ðề xuất thêm phần sức nặng, khi ông Johnson nêu bật các giao dịch trị giá hàng tỷ bảng, mà London đã ký với các quốc gia châu Phi thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh vai trò đầu tàu của Anh tại châu Phi, nhất là trong các dự án cung cấp lưới điện thông minh ở Nigeria, hay các nhà máy sản xuất bia thân thiện với môi trường ở Kenya...

Số liệu của Cơ quan xuất khẩu Anh cũng cho thấy, trong hai năm qua, Anh đầu tư hai tỷ bảng (khoảng 2,6 tỷ USD) cho các hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp nước này sang châu Phi. London đặt mục tiêu, tại Hội nghị cấp cao lần này, hai bên đạt các thỏa thuận thương mại trị giá tới 6,5 tỷ bảng. Ðiều đáng nói là, tại hội nghị, Thủ tướng Johnson tuyên bố Anh chấm dứt hỗ trợ cho ngành công nghiệp khai mỏ hoặc các dự án nhà máy nhiệt điện ở nước ngoài. Thay vào đó, Anh tập trung hỗ trợ các quốc gia khai thác và sử dụng dầu mỏ và khí đốt một cách thân thiện nhất với môi trường, khuyến khích đầu tư các dự án điện mặt trời, điện gió và thủy điện. Không khó hiểu, khi châu Phi đang đối mặt nhiều thách thức từ ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Hội nghị cũng ghi nhận thêm các cam kết về việc làm, khi Thủ tướng Johnson khẳng định với các lãnh đạo châu Phi rằng, London sẽ mở cửa hơn để chào đón những người di cư từ châu lục này. Theo ông Johnson, Brexit sẽ đặt "dấu chấm hết" cho cơ chế ưu tiên lao động nhập cư từ châu Âu, đồng nghĩa hệ thống nhập cư của Anh công bằng hơn với tất cả các đối tác. Anh có thêm cơ hội thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có châu Phi, theo hướng ưu tiên yếu tố con người, hơn là nguồn gốc của họ.

Không hiển nhiên châu Phi trở thành "người chơi chính" trong các sự kiện "châu Phi + 1" thời gian qua. Trong bối cảnh các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc hay châu Âu tăng trưởng chậm, châu Phi vẫn được xem là một điểm sáng với nhiều nền kinh tế phát triển ấn tượng, chiếm tám trong số 15 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Mới đây, Viện Kế toán Hoàng gia Anh và Xứ Uên (ICAEW) dự báo, năm 2020, nhờ sự đa dạng kinh tế và nguồn nhân lực dồi dào, hầu hết các nền kinh tế châu Phi có thể không bị ảnh hưởng từ nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Không đi đầu trong việc hỗ trợ giải quyết các xung đột ở châu Phi, và có thể "chậm chân" so với Pháp, Trung Quốc và Nga trong việc tổ chức các hội nghị cấp cao thúc đẩy đầu tư với châu Phi, song với tư cách là quốc gia có nguồn đầu tư tư nhân hàng đầu ở châu lục, Anh hoàn toàn có cơ hội trở lại châu Phi với những ảnh hưởng vốn có.