Cơ hội cho đối thoại

Mỹ đã chính thức đưa phong trào Hu-thi ở Y-ê-men ra khỏi danh sách khủng bố và lực lượng nổi dậy này được miễn khỏi các biện pháp trừng phạt của Oa-sinh-tơn. Mặc dù còn có những ý kiến trái chiều về động thái này, song chính quyền mới ở Mỹ hy vọng quyết định sẽ giúp làm dịu cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất thế giới đang nhấn chìm Y-ê-men, đồng thời mở ra cơ hội để thúc đẩy đối thoại nhằm chấm dứt xung đột ở quốc gia nghèo trên bán đảo A-rập.

Bộ Tài chính Mỹ thông báo đưa phong trào Hu-thi, còn được biết là dưới tên gọi phong trào đối lập An-xa-ra-la, ở Y-ê-men ra khỏi danh sách bị trừng phạt sau khi Bộ Ngoại giao nước này thu hồi chỉ định Hu-thi là một thực thể khủng bố toàn cầu. Mỹ kêu gọi Hu-thi ngừng tất cả các hoạt động quân sự ở Y-ê-men, trong bối cảnh lực lượng này đang mở các cuộc tiến công dữ dội nhằm vào Ma-ríp, thành trì cuối cùng của Chính phủ Y-ê-men ở miền bắc. Việc chính quyền của tân Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn thu hồi quyết định từng được đưa ra dưới thời chính quyền tiền nhiệm liên quan phong trào Hu-thi, lực lượng bị cáo buộc nhận sự chống lưng của I-ran, nhằm giảm bớt tình trạng khủng hoảng nhân đạo và nạn đói đe dọa nghiêm trọng Y-ê-men, sau khi Liên hợp quốc (LHQ) và nhiều tổ chức quốc tế đã đưa ra hàng loạt cảnh báo về vấn đề này. Ðể thể hiện vai trò dẫn dắt trong nỗ lực chấm dứt xung đột ở Y-ê-men, ngay sau khi nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn cũng đã tuyên bố chấm dứt sự hỗ trợ của Oa-sinh-tơn đối với các hoạt động tiến công quân sự do A-rập Xê-út dẫn đầu ở Y-ê-men.

Quyết định của chính quyền Mỹ được cho là tin không vui đối với Chính phủ Y-ê-men cũng như A-rập Xê-út. Tuy nhiên, là đồng minh chiến lược của Mỹ ở Trung Ðông, A-rập Xê-út tuyên bố sẽ hợp tác với Mỹ trong tìm kiếm hòa bình ở Y-ê-men. Ri-i-át đánh giá cao việc Mỹ coi trọng hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng. Ðổi lại, Mỹ đã trấn an đồng minh rằng, Oa-sinh-tơn sẽ theo dõi chặt chẽ các hoạt động của Hu-thi và tích cực xác định những mục tiêu trừng phạt mới, nhất là những người chịu trách nhiệm gây ra các hoạt động tiến công nhằm vào tàu thuyền thương mại ở Biển Ðỏ và những cuộc tiến công bằng tên lửa nhằm vào A-rập Xê-út. Thực tế, lực lượng Hu-thi ở Y-ê-men thường xuyên tiến hành các vụ phóng tên lửa nhằm vào lãnh thổ nước láng giềng A-rập Xê-út.

Gần đây, Hu-thi đã thực hiện vụ tiến công nhằm vào sân bay quốc tế Áp-ha ở miền nam A-rập Xê-út, khu vực có chung đường biên giới với Y-ê-men, khiến một máy bay dân dụng đỗ tại sân bay bốc cháy. Hu-thi cũng từng sử dụng máy bay không người lái tiến công sân bay Áp-ha. 

Xung đột ở Y-ê-men đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, phần lớn là dân thường, đồng thời gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Ước tính 80% trong số 24 triệu người dân nước này đang chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nhân đạo, sống nhờ vào viện trợ quốc tế. Trước những diễn biến đáng lo ngại từ cuộc khủng hoảng này, LHQ vừa thông báo sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến cấp cao kêu gọi hỗ trợ nhân đạo cho Y-ê-men vào ngày 1-3 tới. Sự kiện này sẽ được Thụy Ðiển và Thụy Sĩ đồng bảo trợ, nhằm kêu gọi các nước thành viên LHQ và các nhà tài trợ cam kết hỗ trợ cho Y-ê-men. LHQ cũng hối thúc lực lượng Hu-thi lập tức dừng các cuộc tiến công vào khu vực Ma-ríp, đồng thời cảnh báo về một thảm họa nhân đạo tại đây. Hàng triệu người dân Y-ê-men đang gặp nguy hiểm, nhất là khi cuộc chiến đã lan tới cả những khu vực lán trại tạm thời của những người bị mất chỗ ở.

Mỹ và A-rập Xê-út đã thảo luận các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc chiến tại Y-ê-men cũng như việc tăng cường năng lực phòng thủ cho Ri-i-át. Mỹ đã nhấn mạnh một số ưu tiên then chốt của chính quyền mới, trong đó có việc chấm dứt cuộc xung đột ở Y-ê-men. Tuy nhiên, với sự can thiệp của nhiều quốc gia trong khu vực vào cuộc chiến này, việc tìm giải pháp cho Y-ê-men đòi hỏi thiện chí của tất cả các bên liên quan. Lối thoát duy nhất cho cuộc khủng hoảng hiện nay là phải ngừng giao tranh và tổ chức đối thoại chính trị. Ưu tiên trước mắt và khẩn cấp là thiết lập một lệnh ngừng bắn, dỡ bỏ những hạn chế hiện hành và khôi phục tiến trình chính trị tại Y-ê-men.