Bình luận quốc tế

Chuyến công du mang nhiều ý nghĩa

Với cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản S.Abe tại Tokyo, Tổng thống Iran H.Rouhani đã trở thành nhà lãnh đạo Iran đầu tiên thăm “đất nước mặt trời mọc” trong gần 20 năm qua.

Diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang đẩy mạnh chiến dịch gây sức ép tối đa đối với Iran, chuyến thăm Tokyo của ông H.Rouhani được coi là một phần trong nỗ lực của Tehran nhằm duy trì quan hệ hữu nghị với Nhật Bản, đồng minh an ninh lâu năm của Mỹ, đồng thời kỳ vọng góp phần giúp phá vỡ thế bế tắc hiện nay liên quan thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với các cường quốc.

Cuộc gặp cấp cao Iran - Nhật Bản trong chuyến thăm lần này là cuộc hội ngộ lần thứ 10 giữa Thủ tướng S.Abe và Tổng thống H.Rouhani, sau lần gần đây nhất vào tháng 9 vừa qua bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở Mỹ. Hồi tháng 6, Thủ tướng S.Abe cũng đã trở thành nhà lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên thăm Iran kể từ năm 1978. Trong chuyến thăm đó, nhà lãnh đạo Nhật Bản đã nỗ lực xoa dịu căng thẳng giữa Mỹ và Iran, song được cho là chưa thành công, bởi ngay trong chuyến thăm, một tàu chở dầu Nhật Bản đã bị tiến công tại eo biển Hormuz ngoài khơi bờ biển Iran. Căng thẳng giữa Mỹ và Iran tiếp tục leo thang sau đó khi các vụ tiến công, bắt giữ tàu liên tục diễn ra tại vùng eo biển này.

Dựa trên cơ sở của quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Iran và Nhật Bản, phía Iran muốn tăng cường quan hệ với cường quốc châu Á nhằm tìm kiếm những cơ hội hợp tác, giúp Tehran giảm bớt những khó khăn, trong bối cảnh đang phải chống chọi sức ép từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Ngoài những thiệt hại do lệnh trừng phạt gây ra cho nền kinh tế, Iran còn đối mặt với hàng loạt vấn đề xã hội khi các cuộc biểu tình bùng phát ở nước này. Các chuyên gia nhận định, Tehran hy vọng Tokyo sẽ nối lại việc nhập khẩu dầu thô của Iran và tăng cường mối quan hệ kinh tế song phương.

Về phía Nhật Bản, Thủ tướng S.Abe kỳ vọng tận dụng cuộc gặp với nhà lãnh đạo Iran nhằm hạ nhiệt căng thẳng tại Trung Đông, một khu vực có tầm quan trọng đối với đất nước nghèo tài nguyên như Nhật Bản.

Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Iran, ông S.Abe đã trao đổi về kế hoạch cử Lực lượng phòng vệ (SDF) tới Trung Đông. Cùng với việc bày tỏ lập trường tiếp tục nỗ lực giảm căng thẳng Mỹ - Iran, Thủ tướng S.Abe nêu rõ cách thức Nhật Bản mong muốn đóng góp cho sự ổn định và hòa bình tại Trung Đông thông qua việc phái SDF tới khu vực này. Đáp lại, Tổng thống Iran H.Rouhani đánh giá cao nỗ lực ngoại giao của Nhật Bản, đồng thời nhấn mạnh ông hiểu ý định của Nhật Bản trong việc góp phần bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền liên quan thông qua sáng kiến riêng. Kết quả hội đàm với Tổng thống Iran sẽ được phía Nhật Bản coi là cơ sở để thông qua việc phái SDF tới Trung Đông trong cuộc họp chính phủ vào ngày 27-12 tới và xúc tiến các điều kiện cần thiết để thực thi kế hoạch này.

Phải nói rằng, những nỗ lực trung gian của Nhật Bản nhằm giúp Tokyo thoát khỏi thế khó trong mối quan hệ với cả Mỹ và Iran. Nhật Bản đang chịu sức ép từ Mỹ trong việc tham gia liên minh quân sự do Washington đứng đầu nhằm bảo đảm an ninh cho khu vực eo biển Hormuz, trong khi Tokyo cần duy trì quan hệ hữu nghị với Iran. Để đáp ứng các yêu cầu của Mỹ mà không cần tham gia liên minh, Chính phủ Nhật Bản xem xét việc triển khai các tàu của SDF tới Trung Đông làm nhiệm vụ điều tra, nghiên cứu tại khu vực từ vịnh Oman đến Biển A-rập và eo biển Báp Bab el-Mandeb mà không đi vào vịnh Persia. Kế hoạch này sẽ độc lập với liên minh hàng hải do Mỹ đứng đầu. Vì thế, một trong những nội dung trong chương trình nghị sự của cuộc gặp cấp cao Iran - Nhật Bản lần này là việc làm rõ cách thức của Tokyo mong muốn đóng góp cho Trung Đông thông qua việc cử SDF tới khu vực này. Nhấn mạnh lượng dầu thô được Nhật Bản nhập khẩu từ Trung Đông chiếm 90% tổng lượng “vàng đen” nhập khẩu của quốc gia Đông - Bắc Á, Chánh Văn phòng Chính phủ Nhật Bản Y.Suga khẳng định, việc bảo đảm an toàn hàng hải cho tàu thuyền có ý nghĩa quan trọng đối với nước này.

Thủ tướng Nhật Bản S.Abe đã kêu gọi Tổng thống Iran tuân thủ các cam kết được nêu trong thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), được ký giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) năm 2015. Dự kiến, ông S.Abe sẽ tiếp tục nỗ lực ngoại giao với các nước ở vùng Vịnh thông qua chuyến công du tới A-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) theo kế hoạch sẽ diễn ra trong tháng 1 năm 2020.

Trong bối cảnh Iran đang tiếp tục giảm các cam kết trong JCPOA và dường như chưa có cơ hội đối thoại nào cho Mỹ và Iran, chuyến công du của Tổng thống Iran H.Rouhani Nhật Bản vừa được coi là dấu mốc lịch sử trong quan hệ hai nước, vừa đem lại hy vọng sẽ làm dịu phần nào bầu không khí “căng như dây đàn” hiện nay ở Trung Đông. Việc Nhật Bản tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của nỗ lực bảo đảm tuân thủ JCPOA đối với hòa bình và an ninh ở Trung Đông được cho là sẽ tác động tích cực tới các bước đi tiếp theo của Iran đối với thỏa thuận hạt nhân vốn đang bên bờ vực đổ vỡ.