Chặn “lửa xung đột” cháy lan

Hội nghị quốc tế về Libya vừa diễn ra tại thủ đô Berlin của Đức với hy vọng ngăn chặn “lửa xung đột” ở quốc gia Bắc Phi, trong bối cảnh cuộc chiến tại Libya ngày càng mang dáng vẻ một Xy-ri thứ hai.

Với sự hiện diện của người đứng đầu và đại diện các cường quốc cũng như hai phe nhóm đối địch ở Libya tại hội nghị, Berlin muốn chứng tỏ vai trò trung gian nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng kéo dài vốn đe dọa lợi ích an ninh không chỉ của Libya mà còn cả châu Âu nằm bên kia bờ Địa Trung Hải.

Hội nghị Berlin đã thu hút sự tham dự của Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) G.Salame, Tổng thống các nước Nga, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, nhiều nhà lãnh đạo các nước trong khu vực, cùng người đứng đầu Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) và Tướng K.Haftar, lãnh đạo lực lượng miền đông Quân đội quốc gia Libya (LNA) tự xưng. Đây là cơ hội để các cường quốc cùng hai phe đối địch ở Libya thúc đẩy một cuộc đối thoại chính trị sâu rộng dưới sự bảo trợ của LHQ. Nước chủ nhà đã mời đại diện 11 quốc gia dự hội nghị nhằm kêu gọi sự đồng thuận trong việc chấm dứt sự can thiệp của lực lượng nước ngoài, trong bối cảnh chia rẽ quốc tế về vấn đề Libya đang ngày càng sâu sắc.

Tình hình Libya trở nên nghiêm trọng kể từ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết định triển khai binh sĩ tới đây theo lời kêu gọi hỗ trợ từ GNA, Chính phủ được LHQ ủng hộ hiện nay ở Libya. Nhiều nước đã lên tiếng phản đối và bày tỏ lo ngại về sự can thiệp của Ankara có thể khiến tình hình Libya rối ren hơn. Nghị viện A-rập bày tỏ phản đối đối với bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của Thổ Nhĩ Kỳ vào Libya, khi cho rằng việc làm này sẽ kích động xung đột và chia rẽ giữa các bên, đe dọa sự ổn định của khu vực và an ninh của các nước láng giềng. Libya hiện đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang khi ở nước này cùng tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. GNA được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ, trong khi Tướng K.Haftar được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) hỗ trợ, đồng thời nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga, Pháp.

Việc tìm kiếm giải pháp chính trị cho Libya vẫn lâm vào bế tắc khi ngay trước thềm hội nghị Berlin, hai phe đối địch ở Libya đã không thể đạt thỏa thuận ngừng bắn dưới nỗ lực trung gian của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Phái đoàn của GNA và LNA tiến hành thương lượng tại Moscow, song Tướng K.Haftar đã rời bàn đàm phán mà không ký kết thỏa thuận ngừng bắn, chấm dứt chín tháng xung đột. Kể từ khi Tướng K.Haftar phát động chiến dịch quân sự nhằm đánh chiếm thủ đô Tripoli, nơi đặt trụ sở của GNA, hồi tháng 4-2019, đến nay, giao tranh ác liệt đã khiến hàng nghìn người chết, buộc khoảng 350 nghìn người phải rời bỏ nhà cửa và khoảng 800 nghìn người phải trông chờ vào viện trợ nhân đạo. LHQ lo ngại nếu xung đột tiếp tục leo thang sẽ xảy ra thảm họa nhân đạo nghiêm trọng tại nước này.

Trong khi đó, chia rẽ quốc tế về vấn đề Libya khiến tình hình nước này ngày càng phức tạp bởi có sự hậu thuẫn và can thiệp của bên ngoài. Bất chấp phản ứng của nhiều nước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Erdogan tuyên bố tiếp tục điều quân tới Libya. Ông T.Erdogan còn khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt đầu hoạt động khoan và khai thác dầu khí tại các giếng dầu ở đông Địa Trung Hải, nằm trong khu vực đã được Ankara và GNA ký kết thỏa thuận về phân định quyền tài phán trên biển giữa hai nước hồi tháng 11-2019, một động thái bị cả Hy Lạp và CH Síp phản đối. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Erdogan cảnh báo, châu Âu có thể sẽ phải đương đầu với những mối đe dọa mới từ các tổ chức khủng bố, nếu như GNA tại Libya sụp đổ. Theo nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, việc Liên hiệp châu Âu (EU) không thể có được sự ủng hộ tương xứng dành cho GNA là “một sự phản bội đối với những giá trị cốt lõi của liên minh này”.

Các tổ chức xã hội dân sự và các nhà hoạt động ở miền đông Libya đã kêu gọi phong tỏa các cảng dầu để phản đối sự can thiệp của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào quốc gia Bắc Phi. Theo nhận định của chính quyền miền đông, các khoản thu từ dầu mỏ đã được sử dụng để hỗ trợ các nhóm vũ trang chống LNA, trong khi thu nhập từ dầu khí là nguồn thu duy nhất giúp duy trì nền kinh tế cũng như bảo đảm đời sống cho người dân Libya. Trong khi đó, người đứng đầu Tập đoàn Dầu khí quốc gia Libya cảnh báo, việc ngừng sản xuất và xuất khẩu dầu sẽ dẫn đến sự mất giá mạnh của đồng nội tệ, gia tăng thâm hụt quốc gia, quyết định rút lui của các nhà thầu nước ngoài cũng như sự sụp đổ của nền sản xuất của Libya trong tương lai.

Giao tranh tiếp diễn ở Libya ngay trước khi diễn ra hội nghị Berlin. Cộng đồng quốc tế kêu gọi duy trì một lệnh ngừng bắn lâu dài, đồng thời bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của Libya, tránh sự can thiệp của bên ngoài. Trong khuôn khổ một hội nghị diễn ra vỏn vẹn một ngày, để giải quyết được hàng loạt vấn đề phức tạp tại Libya là điều khó khăn. Tuy nhiên, các nỗ lực ngoại giao cần được khích lệ, bởi chỉ có giải pháp chính trị mới có thể đem lại hòa bình và ổn định cho quốc gia Bắc Phi này.