Cánh cửa để ngỏ

Liên hiệp châu Âu (EU) đang xúc tiến các nỗ lực ngoại giao nhằm bảo vệ thỏa thuận hạt nhân với Iran vốn trở nên mong manh sau khi ba nước châu Âu kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp trong thỏa thuận, động thái bị cho là chịu sức ép từ Mỹ. Iran tuyên bố để ngỏ cánh cửa đàm phán, đáp ứng kêu gọi của cộng đồng quốc tế về kiềm chế, tránh làm gia tăng căng thẳng ở khu vực.

Trong cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Iran G.Zarif mới đây tại thủ đô New Dehli của Ấn Độ, Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại G.Borrell đã hối thúc Tehran bảo vệ thỏa thuận hạt nhân, mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), mà Iran ký với nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức). Đại diện EU nhấn mạnh, thỏa thuận hạt nhân Iran có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết, trong bối cảnh căng thẳng liên tục gia tăng tại Trung Đông. Hai bên đã có cuộc đối thoại thẳng thắn, trong đó ông Borrell khẳng định EU luôn mong muốn duy trì JCPOA.

Thủ tướng Anh B.Johnson và Tổng thống Pháp E.Macron đều tái khẳng định muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran và có những tuyên bố mềm dẻo hơn đối với Tehran khi cho rằng, cần một khuôn khổ dài hạn cho việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận. Điều này đồng nghĩa với châu Âu đang “nới biên độ”, để hai bên có thời gian tiến hành các biện pháp xây dựng lòng tin, sau khi căng thẳng bị đẩy lên mức nguy hiểm sau động thái của Anh, Pháp và Đức kích hoạt điều khoản về giải quyết tranh chấp theo JCPOA.

Việc kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp theo JCPOA được xem như lời cảnh báo của ba nước châu Âu về sự hết kiên nhẫn trước việc Iran gần đây liên tục thu hẹp các cam kết theo thỏa thuận. Nếu không được giải quyết tại ủy ban chung, thì vấn đề tranh chấp sẽ được đưa lên một ban cố vấn và cuối cùng là đưa ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, vì thế có thể dẫn tới việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Iran. Nếu “kịch bản xấu” này xảy ra đồng nghĩa không còn cơ hội cứu JCPOA, thỏa thuận mà khó khăn lắm các bên mới đạt được, giúp phương Tây giảm bớt lo ngại về khả năng Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Iran chỉ trích các nước châu Âu “phục tùng” Mỹ, đồng thời loại trừ mọi khả năng đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân mới mà Mỹ hối thúc tiến hành. Tehran cảnh báo, các nước châu Âu chuẩn bị đón nhận hậu quả sau động thái kích hoạt điều khoản giải quyết tranh chấp, đồng thời cáo buộc các nước này đã “bán rẻ” JCPOA để tránh những biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào ngành xuất khẩu ô-tô của EU. Tổng thống Mỹ D.Trump đã dọa áp thuế 25% với các sản phẩm ô-tô nhập khẩu từ EU nếu ba nước châu Âu tham gia JCPOA không có động thái rõ ràng hơn đối với Iran. Việc kích hoạt “cơ chế tranh chấp” vì thế được cho là nhằm xoa dịu chỉ trích của Mỹ đối với EU trong xử lý “hồ sơ hạt nhân” Iran. Mặc dù vậy, Anh, Pháp, Đức khẳng định vẫn tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, đồng thời bày tỏ quyết tâm làm việc với tất cả các bên còn lại để bảo vệ thỏa thuận.

Tổng thống Mỹ D.Trump hối thúc các bên liên quan đàm phán về một thỏa thuận mới nhằm tăng cường hạn chế chương trình hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, Tê-rê-ran đã thẳng thừng bác bỏ khả năng này, đồng thời cho biết vẫn “để ngỏ cánh cửa đàm phán” về JCPOA. Tehran khẳng định, việc có tiếp tục giảm thêm các cam kết hạt nhân hay không còn tùy thuộc hành động của các bên, cũng như lợi ích của Iran có được bảo đảm hay không. Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế lo ngại căng thẳng Mỹ - Iran có thể làm tăng nhiệt “điểm nóng” Trung Đông, Tổng thống Iran H.Ru-ha-ni vẫn khẳng định Tehran muốn đối thoại với thế giới, đồng thời nhấn mạnh rằng, Tehran đang nỗ lực hằng ngày “nhằm ngăn chặn đối đầu quân sự hoặc chiến tranh”.

Các nỗ lực quốc tế vẫn ưu tiên giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại. Cánh cửa đàm phán nhằm cứu thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn để ngỏ, cho dù đây là vấn đề không dễ dàng đối với các bên liên quan, khi các điều khoản trong JCPOA tiếp tục được các bên sử dụng như công cụ để mặc cả lẫn nhau, nhất là với mối quan hệ giằng co Mỹ - Iran - EU hiện nay.