Cần gỡ bỏ những “nút thắt”

Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) kéo dài một tuần, vừa kết thúc tại Washington (Mỹ). Nhiều ý kiến phát biểu của các chuyên gia tại hội nghị đều có chung nhận định, kinh tế thế giới, vốn đã suy giảm do tác động của các cuộc xung đột thương mại, đang đối mặt hàng loạt thách thức phía trước cũng như những “nút thắt” cần tháo gỡ nhanh chóng.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo IMF và WB đã kêu gọi 189 nền kinh tế thành viên giải quyết những "nút thắt", hay còn gọi là những bất đồng đang gia tăng về thương mại và các vấn đề khác, cảnh báo rằng, những nút thắt này đe dọa làm trầm trọng thêm tác động từ sự giảm tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Tổng Giám đốc IMF - bà K.Georgieva đã chỉ ra tác động tiêu cực từ nhiều yếu tố như cuộc chiến thương mại đang nhấn chìm hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc; tình trạng kinh tế suy yếu lan rộng trên khắp châu Âu liên quan việc Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu (EU) - hay còn gọi là Brexit, và những căng thẳng gia tăng tại Trung Ðông.

Bà K.Georgieva chỉ rõ, những căng thẳng thương mại đang gây tổn hại tới lòng tin của các doanh nghiệp và giới đầu tư. Theo bà, gần 90% các nền kinh tế trên toàn cầu tăng trưởng yếu hơn trong năm nay. Tổng Giám đốc IMF hoan nghênh Mỹ và Trung Quốc đã đạt được một phần thỏa thuận thương mại, song cho rằng tăng trưởng ổn định của kinh tế toàn cầu sẽ không trở lại chừng nào hai nước còn chưa hóa giải hoàn toàn được bất đồng. IMF dự báo tác động toàn diện của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm 0,8%.

Trong khi đó, Chủ tịch WB Ð.Man-pa-xơ cho rằng, sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu đang gây cản trở những nỗ lực nhằm hỗ trợ 700 triệu người trên khắp thế giới đang sống trong điều kiện vô cùng nghèo khó, nhất là ở những nước phải đối phó với dòng người trốn chạy khỏi các cuộc xung đột trong khu vực.

Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu được IMF công bố trong khuôn khổ hội nghị cũng đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay từ 3,2% xuống còn 3%. Ðây cũng là lần thứ tư liên tiếp trong năm IMF điều chỉnh dự báo giảm. Tăng trưởng GDP của các khu vực đầu tàu kinh tế thế giới như Mỹ, Trung Quốc, EU đều được điều chỉnh giảm lần lượt xuống còn 2,4%, 6,1% và 1,2% so với mức 2,6%, 6,2% và 1,3% trong báo cáo tháng 7 vừa qua. Nhà kinh tế hàng đầu của IMF G.Gô-pi-nát cho rằng, kinh tế thế giới hiện ở thời điểm suy giảm nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và thế giới đang bước vào giai đoạn giảm tốc xen phục hồi không chắc chắn, với triển vọng khá bấp bênh.

Tham dự hội nghị thường niên của IMF và WB, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm G20 cũng bày tỏ lo ngại về sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu và dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ mạnh hơn trong năm tới với điều kiện các rủi ro không gia tăng. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản T.Aso - nước giữ chức Chủ tịch G20 trong năm nay - cho biết, giới chức tài chính nhìn chung nhất trí rằng kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhưng tốc độ yếu và những rủi ro vẫn là từ các căng thẳng thương mại và địa chính trị.

IMF dự báo kinh tế thế giới năm 2020 đạt tốc độ tăng trưởng 3,4%, nhờ vào triển vọng kinh tế tích cực ở một loạt các thị trường đang nổi tại Mỹ la-tinh, Trung Ðông và châu Âu. Chủ tịch WB Ð.Man-pa-xơ cho rằng, tăng trưởng diện rộng là điều có thể đạt được trong năm 2020, với điểm sáng nằm ở tiêu dùng và tiền công lao động tăng, nhất là ở các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển, mà những bước cải cách được xây dựng đúng đắn có thể mang lại kết quả ý nghĩa.

Tuy nhiên, để kinh tế thế giới đạt được tăng trưởng diện rộng, giới chức IMF và WB nhấn mạnh, các nền kinh tế toàn cầu, nhất là những nền kinh tế hàng đầu thế giới cần đẩy mạnh một loạt nỗ lực cùng với chính sách quyết liệt nhằm xuống thang xung đột thương mại, tăng cường hợp tác đa phương, hỗ trợ kịp thời hoạt động kinh tế, xử lý những vấn đề ngắn hạn và trung hạn đe dọa ổn định tăng trưởng toàn cầu. Ðây là nhiệm vụ không hề dễ dàng. Ðể đạt được mục tiêu này, cần có thiện chí, nỗ lực, điều phối của tất cả các nền kinh tế trên thế giới, nhất là trong bối cảnh hợp tác toàn cầu, đa phương đang bị chính những "nút thắt" của xung đột thương mại cản trở.