Cách tiếp cận tích cực

Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn đã có một loạt quyết định đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm, cho thấy ưu tiên chấm dứt xung đột kéo dài ở Y-ê-men. Với việc dừng bán vũ khí cho A-rập Xê-út, hay rút phiến quân Hu-thi khỏi danh sách khủng bố, Oa-sinh-tơn đã tránh để Y-ê-men bị nhấn chìm sâu hơn vào cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác nhận kế hoạch thu hồi quyết định của chính quyền cựu Tổng thống Ð.Trăm, theo đó liệt phong trào Hu-thi ở Y-ê-men vào danh sách "tổ chức khủng bố". Oa-sinh-tơn tuyên bố, kế hoạch này hoàn toàn vì mục đích nhân đạo, sau khi Liên hợp quốc (LHQ) và nhiều tổ chức cảnh báo rằng, việc liệt Hu-thi vào danh sách khủng bố sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới hiện nay tại Y-ê-men.

Trước đó, Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn cũng quyết định dừng bán vũ khí cho A-rập Xê-út nhằm chấm dứt sự hỗ trợ của Oa-sinh-tơn đối với các hoạt động tiến công quân sự do Ri-i-át dẫn đầu ở Y-ê-men. Nhiều nghị sĩ Quốc hội Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Ð.Trăm từng phản đối các hợp đồng bán vũ khí của Lầu năm góc cho A-rập Xê-út vì sự can dự của Ri-i-át trong cuộc chiến này. Chính quyền mới ở Mỹ đang thực thi các chính sách nhằm đóng vai trò tích cực hơn trong nỗ lực chấm dứt cuộc nội chiến tại Y-ê-men.

Lo ngại các quyết định mới có thể tác động tới quan hệ đồng minh khăng khít với A-rập Xê-út, Mỹ khẳng định các động thái này không liên quan quan điểm của Oa-sinh-tơn về lực lượng Hu-thi, đồng thời nhấn mạnh cam kết hỗ trợ A-rập Xê-út bảo vệ lãnh thổ trước các cuộc tiến công của lực lượng Hu-thi. Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp A-rập Xê-út, tân Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đã trấn an đồng minh, khi nêu rõ, các động thái mới nhằm thực thi một số ưu tiên then chốt của chính quyền Tổng thống G.Bai-đơn, trong đó có việc chấm dứt cuộc chiến tại Y-ê-men. Phía Mỹ vẫn khẳng định bảo đảm "chiếc ô an ninh" cho các đồng minh ở vùng Vịnh. A-rập Xê-út tái khẳng định sự ủng hộ đối với một giải pháp chính trị toàn diện cho Y-ê-men và việc Mỹ coi trọng hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng. Ri-i-át cũng hoan nghênh cam kết của chính quyền Tổng thống Bai-đơn hợp tác với A-rập Xê-út để bảo vệ chủ quyền và chống các mối đe dọa nhằm vào Ri-i-át; khẳng định tiếp tục phối hợp với Mỹ nhằm ứng phó những thách thức chung ở khu vực.

Y-ê-men rơi vào nội chiến từ cuối năm 2014 khi các tay súng Hu-thi, lực lượng bị cáo buộc nhận sự hậu thuẫn của I-ran, đánh chiếm thủ đô Xa-na, khiến chính phủ của Tổng thống M.Ha-đi phải lưu vong. Liên minh quân sự A-rập do A-rập Xê-út đứng đầu đã can thiệp vào Y-ê-men để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Ha-đi. Xung đột triền miên cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, phần lớn là dân thường Y-ê-men, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.

LHQ mới đây cảnh báo, hàng nghìn dân thường Y-ê-men tại tỉnh Hô-đây-đa, miền tây Y-ê-men, đang gặp nguy hiểm do xung đột gia tăng, khi phiến quân Hu-thi tiến công vào khu vực phía nam Hô-đây-đa, nơi các lực lượng ủng hộ chính phủ đang kiểm soát. Thành phố cảng này vốn là cửa ngõ chính đối với các hoạt động viện trợ nhân đạo, lương thực và nhiên liệu cho các khu vực còn lại của Y-ê-men. Theo ước tính của LHQ, 80% trong số 24 triệu người Y-ê-men đang chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng. Trước những diễn biến ngày càng xấu đi ở Y-ê-men, LHQ đang thúc đẩy các nỗ lực đàm phán giữa Chính phủ Y-ê-men và Hu-thi.

Chính phủ Y-ê-men ra tuyên bố bày tỏ lo ngại việc Mỹ đưa nhóm phiến quân Hu-thi ra khỏi danh sách khủng bố sẽ làm phức tạp thêm tình hình ở Y-ê-men. Tuy nhiên, các động thái của chính quyền Tổng thống Mỹ Bai-đơn nhằm thúc đẩy giải pháp ngoại giao và ngăn chặn nguồn lực có thể "tiếp lửa" cho cuộc chiến ở Y-ê-men được cho là cách tiếp cận tích cực, mở cánh cửa đối thoại nhằm tìm giải pháp chấm dứt khủng hoảng.