Bước lùi đáng ngại

Đại dịch Covid-19 và cú sốc giá dầu tác động nghiêm trọng đến các nước phía nam Xa-ha-ra của châu Phi (SSA), đe dọa có thể lấy đi thành quả phát triển mà khu vực này đạt được trong một thập kỷ qua. Được đánh giá lần đầu sau 25 năm trải qua giai đoạn suy thoái trầm trọng, nền kinh tế vốn mong manh của khu vực phía nam sa mạc Xa-ha-ra đang bên bờ vực đổ vỡ.

Báo cáo "Áp lực nợ gia tăng ở phía nam Xa-ha-ra của châu Phi" của Cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch cảnh báo, tỷ lệ nợ công trên GDP trung bình của 19 chính phủ được khảo sát (trong tổng số 46 nước SSA) sẽ ở mức 71% vào cuối năm 2020, mức tăng đột biến so với tỷ lệ 57% vào cuối năm 2019 và 26% vào năm 2012. Dự báo, GDP thực tế trung bình của khu vực SSA sẽ giảm 2,1% trong năm 2020 và thâm hụt ngân sách sẽ tăng lên mức 7,4%, từ mức 4,9% năm 2019. Tình trạng này kết hợp với sự mất giá của đồng nội tệ trong nhiều trường hợp sẽ khiến tỷ lệ nợ công trên GDP trung bình tăng 14 điểm phần trăm. Mức xếp hạng trung bình của nhóm nước SSA hiện đã giảm 1,5 bậc kể từ giữa năm 2013, xuống còn mức "B" (thuộc Hạng không đầu tư và tình hình tài chính thay đổi đáng chú ý), trong khi bảy nước thuộc khu vực có mức triển vọng tiêu cực.

Gánh nặng nợ gia tăng, cùng với tác động của dịch bệnh và cú sốc giá dầu càng tăng thêm áp lực đối với các nước SSA trước nguy cơ tụt hạng tín dụng. "Khủng hoảng kép" khiến gánh nặng nợ công và lãi suất vốn đã tồn tại trong hàng chục năm qua trở nên nghiêm trọng hơn và rất khó để đảo ngược xu hướng này. Từ năm 2016, Mô-dăm-bích và Cộng hòa Công-gô đã ở trong tình trạng vỡ nợ và Fitch dự đoán tình trạng tương tự có thể xảy ra ở nhiều nước khác thuộc SSA. Tỷ lệ nợ chính phủ trên GDP tăng nhanh phần lớn là do sự mở rộng của thâm hụt ngân sách và tình trạng này sẽ tiếp tục nghiêm trọng hơn nếu các chính phủ không áp dụng các biện pháp củng cố tài chính một cách hữu hiệu. Nhiều chính phủ SSA đang đối mặt mức tăng tốc độ nợ công nhanh hơn so với các thị trường mới nổi khác (EM), làm tăng nguy cơ hạ cấp tín nhiệm đầu tư và vỡ nợ.

Bức tranh toàn cảnh triển vọng kinh tế của SSA u ám và những vấn đề mà khu vực này đang phải đối mặt thật sự đáng lo ngại. Suy giảm kinh tế được cho là nguyên nhân khiến thu nhập thực tính theo đầu người giảm tới 15% tại hầu khắp các nước, đồng nghĩa với việc toàn bộ khu vực sẽ giảm 7% trong năm 2020, trở lại "xuất phát điểm" cách đây một thập kỷ. Đây được cho là bước lùi đáng lo ngại bởi khu vực nam Xa-ha-ra, vốn phải đối mặt nhiều vấn đề về việc làm, đói nghèo, bệnh tật, sẽ khó có thể trụ vững nếu kinh tế suy thoái nghiêm trọng. Một số nền kinh tế đầu tàu khu vực còn chịu tác động nặng nề, với dự báo năm nay kinh tế Ni-giê-ri-a suy giảm khoảng 5,4%; Ăng-gô-la giảm 4%. Nghiêm trọng hơn, nền kinh tế Xây-sen dự báo giảm 13,8% và Mô-ri-xơ giảm 12,2% do các lệnh cấm bay và lo ngại về dịch bệnh khiến ít du khách đến hai nước này. Nam Phi, quốc gia có nền kinh tế công nghiệp hóa nhất khu vực, cũng được dự báo sẽ suy giảm kinh tế 8% trong năm nay.

Biên độ hạn chế về khả năng phục hồi sau khi nợ tăng nhanh và các điểm yếu tín dụng của SSA khiến Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phải cung cấp khoản hỗ trợ khẩn cấp mới trị giá tám tỷ USD cho 13 nước trong khu vực. Sáng kiến đình chỉ dịch vụ nợ Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (DSSI) - điều chỉnh dịch vụ nợ song phương năm 2020 - đã hỗ trợ cho 15 nước SSA. 41 quốc gia nghèo trên thế giới, trong đó có nhiều nước thuộc SSA, đã nộp đơn xin tạm hoãn trả nợ bởi phải chi hàng tỷ USD cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, DSSI có thể giải phóng 12 tỷ USD cho các nước đối phó vấn đề y tế. Tuy nhiên, các khoản hỗ trợ của IMF và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới có quy mô vừa phải, tương ứng khoảng 0,9% và 1,2% GDP của các nước. Kinh tế của các nước SSA dự báo sẽ phục hồi vào năm 2021, song trong năm nay, nhiều nước dựa vào xuất khẩu dầu mỏ và du lịch sẽ bị suy giảm nghiêm trọng.

Sự hỗ trợ của các thể chế tài chính, cộng đồng quốc tế được cho là "liều thuốc giảm đau" tạm thời nhằm giúp hạn chế những thương tổn do các cú sốc gây ra cho nền kinh tế SSA. Để giảm nguy cơ suy thoái sâu hơn đang kéo lùi những thành tựu phát triển, các quốc gia SSA cần có các giải pháp nhằm giải quyết gốc rễ các vấn đề, trong đó có thúc đẩy thương mại nội khối, tạo việc làm, tự đứng trên đôi chân của mình, tránh phụ thuộc bên ngoài, coi đây là biện pháp hiệu quả giúp ngăn chặn vòng luẩn quẩn đói nghèo - xung đột, tiến tới phát triển bền vững và góp phần thúc đẩy sự thịnh vượng của châu lục hơn 1,3 tỷ người.