Bình luận quốc tế

Bước đi đơn phương

Việc chính quyền Mỹ bất chấp sự phản đối của Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ) để đơn phương kích hoạt lại các biện pháp trừng phạt của LHQ chống I-ran đã gây chia rẽ sâu sắc giữa Oa-sinh-tơn với đồng minh châu Âu. Các nước châu Âu tuyên bố sẽ không nhượng bộ trước cách hành xử “một mình một chợ” của Mỹ đối với “hồ sơ hạt nhân” I-ran, trong bối cảnh leo thang căng thẳng Mỹ - I-ran tác động tiêu cực tới sự ổn định và an ninh ở khu vực. 

Sau nỗ lực vận động sự ủng hộ quốc tế không thành, chính quyền của Tổng thống Mỹ Đ.Trăm đã kích hoạt “quy trình đảo ngược” nhằm áp đặt lại các lệnh trừng phạt của LHQ đối với I-ran. Quy trình này cho phép bất kỳ nước nào trong nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) đề xuất áp đặt lại các lệnh trừng phạt của LHQ đối với I-ran nếu Tê-hê-ran không tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Lý do Mỹ đưa ra là I-ran không tuân thủ các điều khoản của JCPOA, dù Oa-sinh-tơn đã rút khỏi thỏa thuận này hồi năm 2018. Động thái đơn phương của Mỹ được tiến hành sau khi HĐBA không thông qua nghị quyết kéo dài lệnh cấm vận vũ khí đối với I-ran, vốn sẽ hết hiệu lực vào ngày 18-10 tới và chính quyền Oa-sinh-tơn muốn thực hiện chính sách “gây sức ép tối đa” đối với I-ran. Hơn thế, Tổng thống Đ.Trăm cũng muốn “ghi điểm” về một chính sách cứng rắn nhằm kiềm chế “tham vọng hạt nhân” của I-ran, vào thời điểm trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra ngày 3-11 tới.

Bước đi đơn phương của Mỹ đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước, trong đó có cả các nước Liên hiệp châu Âu (EU). Các nước còn lại tham gia JCPOA cho rằng, động thái của chính quyền Đ.Trăm có thể phá hủy hoàn toàn một thỏa thuận từng được coi là “di sản đối ngoại” của chính quyền tiền nhiệm B.Ô-ba-ma. Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại G.Bo-ren cho là Oa-sinh-tơn không thể khởi xướng quá trình khôi phục các lệnh trừng phạt theo Nghị quyết 2231 của HĐBA, khi Mỹ không còn là một bên tham gia thỏa thuận hạt nhân I-ran.  EU cam kết tiếp tục bảo đảm việc duy trì và thực hiện đầy đủ JCPOA, coi thỏa thuận này là trụ cột chính của cấu trúc không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu, đồng thời kêu gọi kiềm chế “hành động có thể được coi là leo thang trong tình hình hiện tại”. Tổng thống Pháp E.Ma-crông cảnh báo, động thái của Mỹ có thể làm suy yếu HĐBA và gia tăng căng thẳng ở Trung Đông. Các nước châu Âu cho rằng, chính sách của Tổng thống Mỹ Đ.Trăm gây áp lực tối đa với I-ran không mang lại tác dụng kiềm chế tầm ảnh hưởng của Tê-hê-ran trong khu vực như Oa-sinh-tơn mong muốn, cũng không giúp bảo đảm I-ran từ bỏ “tham vọng” sở hữu vũ khí hạt nhân như phương Tây cáo buộc.

Tổng thống Mỹ Đ.Trăm đã ký một sắc lệnh “bật đèn xanh” cho các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ đối với các nước, công ty và cá nhân vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với Tê-hê-ran. “Cây gậy trừng phạt” đã được Tổng thống Đ.Trăm sử dụng liên tục nhằm gây áp lực đối với I-ran. Các biện pháp siết chặt cấm vận của Mỹ đã gây thiệt hại khoảng 150 tỷ USD cho nền kinh tế I-ran. Bên cạnh đó, Mỹ còn thường xuyên sử dụng biện pháp răn đe. Trong lúc căng thẳng gia tăng, một nhóm tàu sân bay tiến công do tàu USS Nimitz dẫn đầu và hai tàu tuần dương, cùng một tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường đã tiến vào vùng Vịnh để hoạt động và huấn luyện với các đối tác của Mỹ. 

I-ran khẳng định Mỹ đang “tự cô lập” khi quyết tâm áp đặt lại các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Tê-hê-ran. Đáp lại các biện pháp gia tăng trừng phạt của Mỹ nhằm vào Bộ Quốc phòng I-ran cũng như các cá nhân, thực thể bị Oa-sinh-tơn cáo buộc liên quan chương trình vũ khí và hạt nhân của Tê-hê-ran, I-ran tiếp tục biểu dương sức mạnh quân sự của mình. Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo I-ran (IRGC) vừa giới thiệu loại tên lửa đạn đạo mới Zolfaqar Basir của hải quân nước này. Loại tên lửa này có tầm bắn lên tới 700 km và đầu đạn được trang bị bộ truy tìm quang học. Lực lượng bộ binh I-ran cũng “trình làng” một số thiết bị quân sự công nghệ cao do các chuyên gia I-ran nghiên cứu và chế tạo. Giới chức Tê-hê-ran thậm chí còn tuyên bố có thể biến các lệnh trừng phạt của Mỹ thành cơ hội để tăng cường tiến bộ trong ngành công nghiệp quốc phòng. 

Mỹ đang đi “ngược đường” trong giải quyết các vấn đề liên quan thỏa thuận hạt nhân I-ran. Các nước còn lại tham gia JCPOA tiếp tục coi việc tuân thủ thỏa thuận này là cách duy nhất để giúp duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực. Tạo áp lực thông qua các đòn trừng phạt cũng như những động thái răn đe chỉ càng đẩy Mỹ và I-ran ra xa bàn đàm phán, gây bế tắc cho việc xử lý “hồ sơ hạt nhân” I-ran và làm gia tăng căng thẳng ở khu vực.