Bức tranh u ám

Kinh tế Mỹ đang đối mặt rất nhiều khó khăn khi đại dịch Covid-19 ở nước này vẫn bùng phát dai dẳng. Các báo cáo và số liệu thống kê mới nhất cho thấy, hoạt động kinh tế tại nhiều khu vực của Mỹ đình trệ trong tháng 11-2020, trong khi tăng trưởng việc làm chậm nhất kể từ tháng 7.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa công bố kết quả cuộc khảo sát mà cơ quan này tiến hành cho thấy kinh tế của 4 trong số 12 khu vực của nước Mỹ dường như đang "giậm chân tại chỗ", hoặc tăng trưởng không đáng kể, trong khi kinh tế tại bốn khu vực khác bắt đầu giảm sâu trong tháng 11 vừa qua. Trong báo cáo sáu tháng một lần, FED cho biết ngay cả tại một số khu vực đang ghi nhận tăng trưởng, hoạt động kinh tế vẫn thấp hơn so với mức trước khi xảy ra đại dịch.

Khi làn sóng dịch Covid-19 gia tăng và nước Mỹ liên tục lập kỷ lục mới về số người nhiễm bệnh và số người chết trong ngày những tuần gần đây, thị trường lao động cũng chứng kiến những tín hiệu tiêu cực. Báo cáo của Viện nghiên cứu ADP vừa công bố cho thấy, tăng trưởng việc làm trong tháng 11-2020 của khu vực tư nhân Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7, với việc các nhà tuyển dụng chỉ bổ sung thêm 307 nghìn việc làm mới. Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc ADP nhận định rằng, dù tháng 11 đã chứng kiến sự gia tăng về số lượng việc làm mới, nhưng tốc độ tiếp tục chậm lại. Con số 307 nghìn việc làm mới trong tháng vừa qua chỉ bằng 40% mức tăng của tháng 9-2020 và quá ít để có thể giúp nước Mỹ khôi phục lại 19,7 triệu việc làm bị mất trong tháng 3 và tháng 4 năm nay.

Nhận định về "bức tranh u ám" của nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay, FED cho rằng, nước Mỹ đang phải trải qua đợt bùng phát dịch bệnh lớn nhất thế giới với số ca nhiễm mới theo ngày tăng vọt, cao hơn cả những ngày tồi tệ nhất được ghi nhận trong mùa xuân vừa qua, buộc chính quyền nhiều địa phương phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế, đẩy nền kinh tế đối mặt rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, ngày càng nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng nguy cơ hệ thống y tế "vỡ trận" trước dịch bệnh như hiện nay có thể đẩy kinh tế Mỹ rơi vào một cuộc "suy thoái kép" trong năm 2021.

Trước tình trạng "mây đen" che phủ nền kinh tế số một thế giới, chính giới Mỹ đang đẩy mạnh các giải pháp giải cứu nền kinh tế khỏi nguy cơ tụt dốc. Phát biểu trước Ủy ban Tài chính Hạ viện Mỹ mới đây, người đứng đầu FED G.Pao-oen cảnh báo nhiều doanh nghiệp nhỏ có thể không vượt qua được mùa đông này nếu không được hỗ trợ. Ông G.Pao-oen nhấn mạnh rằng cần thiết phải tăng cường các gói viện trợ của chính phủ để duy trì sự phục hồi và giúp các công ty cùng các hộ gia đình vượt qua giai đoạn dịch bệnh khó khăn hiện nay. Vừa qua, trong bài phát biểu chuẩn bị cho phiên điều trần của Ủy ban Ngân sách Thượng viện Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ X.Mnu-chin đã ca ngợi những thành tựu của Ðạo luật Cứu trợ, Hỗ trợ và An ninh Kinh tế (CARES) trị giá 2.200 tỷ USD trong việc hỗ trợ thúc đẩy việc tuyển dụng và giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 6,9%. Tuy nhiên, ông thừa nhận nhiệm vụ chưa hoàn thành cho tới khi có thể đưa mọi người dân Mỹ trở lại làm việc. Ông đồng thời kêu gọi Quốc hội Mỹ sớm thông qua gói kích thích mới để vực dậy nền kinh tế.

Trước đó, một nhóm gồm 10 nghị sĩ lưỡng đảng thuộc Thượng viện và Hạ viện Mỹ cũng đã đề xuất một gói cứu trợ Covid-19 trị giá 908 tỷ USD. Giới phân tích cho rằng, đề xuất nói trên nhằm phá vỡ thế bế tắc kéo dài trong nhiều tháng qua giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa liên quan gói hỗ trợ khẩn cấp mới cho các doanh nghiệp nhỏ, người lao động thất nghiệp, ngành hàng không cùng nhiều ngành khác đang chật vật trong đại dịch. Cùng với việc đưa ra đề xuất gói cứu trợ mới, Thượng nghị sĩ X.Cô-lin của đảng Cộng hòa đã nhấn mạnh tính cấp thiết của gói cứu trợ để "tăng lực" cho nền kinh tế trong bối cảnh số ca mắc mới Covid-19 tiếp tục gia tăng tại Mỹ.

Thực tế nêu trên cho thấy, kinh tế Mỹ đang đối mặt những khó khăn chưa từng có. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào các gói kích thích kinh tế là chưa đủ để giải cứu nền kinh tế số một thế giới. Muốn phục hồi tăng trưởng, trước hết nước Mỹ phải khống chế được đại dịch Covid-19. Trong bài phát biểu chuẩn bị cho phiên điều trần trước Quốc hội mới đây, Chủ tịch FED G.Pao-oen cũng đã thể hiện quan điểm này khi nhấn mạnh rằng: "Kinh tế không thể hồi phục hoàn toàn cho đến khi mọi người cảm thấy an toàn để nối lại hoạt động hằng ngày".