Bức tranh sáng - tối

Nền kinh tế Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) đã ghi nhận đà phục hồi nhanh chóng trong tháng 4 vừa qua do lĩnh vực sản xuất tăng trưởng mạnh và các nước trong khu vực đã triển khai nhiều biện pháp kích cầu kinh tế. Tuy nhiên, “bức tranh kinh tế” Eurozone vẫn tồn tại không ít “khoảng tối”.

Kết quả thăm dò của hãng dịch vụ và thông tin tài chính của Anh IHS Markit vừa công bố cho thấy, nền kinh tế Eurozone đã ghi nhận đà phục hồi nhanh chóng trong tháng 4, bất chấp đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Theo đó, hoạt động kinh doanh của Eurozone trong tháng 4 đã tăng mạnh nhất kể từ tháng 7-2020 do sản lượng sản xuất tăng mạnh và lĩnh vực dịch vụ lần đầu tiên tăng trưởng trở lại kể từ tháng 8-2020. Thống kê của IHS Markit cho thấy, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) của Eurozone đã tăng từ 53,2 điểm trong tháng 3 lên 53,7 điểm trong tháng 4. Đây là tháng thứ hai liên tiếp hoạt động kinh doanh của Eurozone tăng trưởng. Nhà kinh tế trưởng của IHS Markit nhận định rằng, tại khu vực Eurozone, lĩnh vực sản xuất đã ghi nhận sự bùng nổ trong bối cảnh gia tăng hoạt động chi tiêu, đầu tư vào máy móc thiết bị mới và xu hướng lạc quan vào tương lai góp phần làm tăng sản lượng và đơn đặt hàng mới. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và kích cầu kinh tế của các nước trong khu vực cũng tạo niềm tin và động lực phục hồi kinh tế cho Eurozone.

Tuy nhiên, Eurozone vẫn còn không ít những “khoảng tối” đáng lo ngại. Trên thực tế, kinh tế khu vực này đã rơi vào suy thoái kép trong quý I vừa qua và là đợt suy thoái thứ hai trong vòng chưa đầy một năm. Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) vừa công bố số liệu cho thấy, trong quý đầu năm nay, sản lượng của Eurozone giảm 0,6%. “Đầu tàu” kinh tế của châu Âu là Đức có GDP giảm tới 1,7% trong quý I. Thị trường việc làm vẫn khá ảm đạm khi số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone giảm nhẹ từ 8,2% trong tháng 2 xuống 8,1% trong tháng 3, nhưng vẫn cao hơn mức 7,1% của tháng 3-2020.

Nợ công vẫn là “căn bệnh dai dẳng” đe dọa gây bất ổn. Theo Eurostat, tổng nợ công của 19 quốc gia thành viên Eurozone trong năm 2020 tăng thêm 1.240 tỷ ơ-rô lên mức 11.100 tỷ ơ-rô, tương đương 98% GDP của toàn khu vực. Với mức nợ công này, năm 2020, thâm hụt ngân sách của Eurozone là 7,2% GDP. Cả hai chỉ số trên đều tăng mạnh so với năm 2019. Nguyên nhân khiến “bom nợ” gia tăng mạnh là do các chính phủ chủ yếu dựa vào các khoản vay giá trị lớn để triển khai các gói hỗ trợ nền kinh tế ứng phó tác động của đại dịch Covid-19 trong hơn một năm qua. Một vấn đề lớn nữa là phục hồi kinh tế khu vực đang diễn ra không đồng đều. Những “mắt xích yếu” trong cuộc khủng hoảng nợ công thời gian qua như Hy Lạp, I-ta-li-a, Tây Ban Nha, đang phục hồi khó khăn hơn.

Trong bối cảnh bức tranh kinh tế như trên, các nước châu Âu đang thúc đẩy triển khai quỹ phục hồi kinh tế chung và Thống đốc Ngân hàng Trung ương I-ta-li-a mới đây cho rằng, quỹ phục hồi của EU đóng vai trò rất quan trọng giúp kinh tế khu vực phục hồi và việc trì hoãn triển khai quỹ này sẽ “là một thảm họa.” Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đang gia tăng sức ép buộc chính phủ các nước trong khu vực đẩy nhanh kích cầu kinh tế và cảnh báo nguy cơ kinh tế khu vực không thể phục hồi nếu thiếu đi “liều thuốc tăng lực” từ quỹ nói trên. Phó Chủ tịch ECB mới đây cho rằng, điều quan trọng là “không nên để xảy ra sự chậm trễ không cần thiết”; trong khi Thống đốc Ngân hàng trung ương Hy Lạp cảnh báo “chậm trễ có nghĩa là nền kinh tế Eurozone sẽ không thể phục hồi trong năm nay”.

Tuy nhiên, để đẩy lùi những “gam mầu tối” nêu trên ra khỏi bức tranh kinh tế Eurozone, việc triển khai quỹ phục hồi kinh tế là chưa đủ. Kinh tế Eurozone đã trong trạng thái ốm yếu kéo dài hơn một thập kỷ qua và vừa bị tàn phá nặng bởi đại dịch Covid-19. Vì vậy, để vực dậy nền kinh tế đang suy yếu và tồn tại nhiều vấn đề như hiện nay, đòi hỏi ECB cũng như chính phủ các nước trong khu vực phải có một giải pháp tổng thể từ kích cầu kinh tế, khống chế nợ công, đến tăng cường hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực hàng không, du lịch…