Bức tranh đã sáng hơn

“Bức tranh kinh tế” của Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) đã xuất hiện các gam mầu sáng với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất hơn 10 năm qua và tình hình lạm phát được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, chặng đường phía trước của nền kinh tế Eurozone vẫn còn không ít chông gai, trong bối cảnh những bất ổn bên trong và bên ngoài vẫn có thể làm tổn thương “sức khỏe” nền kinh tế khu vực.

Số liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy, tình hình kinh tế Eurozone đã khả quan hơn khi xuất hiện thêm các “mảng mầu sáng” trong bức tranh kinh tế của khu vực này. Theo đó, tăng trưởng tín dụng cho doanh nghiệp và hộ gia đình đã mạnh hơn, tỷ lệ thất nghiệp giảm và chỉ số lạm phát được cải thiện. Theo ECB, tốc độ tăng trưởng tín dụng cho doanh nghiệp và hộ gia đình ở Eurozone đã tăng mạnh trong tháng 10-2019, sau khi ECB công bố biện pháp kích cầu mới để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, tín dụng cho các doanh nghiệp phi tài chính ở Eurozone trong tháng 10 đã tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2018. Tín dụng cho hộ gia đình ở Eurozone tăng 3,5%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với một năm trước. Tăng trưởng tín dụng của khu vực tư nhân ở Eurozone đã nhích nhẹ từ 3,6 lên 3,7%.

Trong khi đó, Eurostat cũng cho biết, tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7-2008 và tình hình lạm phát của khu vực này được cải thiện trong tháng 11-2019. Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp trên toàn Eurozone trong tháng 10-2019 đã giảm xuống còn 7,5%. Cũng theo Eurostat, một “điểm sáng” đáng chú ý nữa trong bức tranh kinh tế Eurozone là lạm phát giá tiêu dùng của khu vực này trong tháng 11-2019 tăng 1% so với cùng kỳ năm 2018. Eurostat cho rằng, sự gia tăng này phần lớn là do chi phí thực phẩm, rượu và thuốc lá cao hơn.

Tuy nhiên, dù nền kinh tế Eurozone đã xuất hiện các tín hiệu tích cực, nhưng các nhà lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU) và giới chuyên gia của ECB vẫn chưa hết quan ngại về triển vọng kinh tế của khu vực trong bối cảnh tăng trưởng chưa vững chắc, các nguy cơ tài chính vẫn nghiêm trọng và những bất ổn bên ngoài vẫn dễ dàng làm tổn thương “sức khỏe” kinh tế Eurozone. Giới phân tích chỉ ra rằng, kinh tế Eurozone dù đã được cải thiện song vẫn tiếp tục đối mặt các thách thức từ bất ổn bên ngoài cũng như các nguy cơ tài chính bên trong của khối này. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và cọ xát thương mại Mỹ - EU được dự báo tiếp tục căng thẳng và tác động tiêu cực đến các nền kinh tế Eurozone, nhất là lĩnh vực xuất khẩu. EU lo ngại kinh tế khu vực có thể sẽ phải đối mặt với những khó khăn trong tương lai, bao gồm những căng thẳng địa chính trị gia tăng, sự suy yếu của lĩnh vực chế tạo cũng như vấn đề Brexit (Anh rời EU). Hiện tại cả Anh và EU đều chưa thể dự liệu “xứ sở sương mù” sẽ rời “mái nhà chung châu Âu” theo kịch bản nào. Trong trường hợp xảy ra “Brexit cứng” (Brexit không thỏa thuận) thì kịch bản này sẽ tác động hết sức tiêu cực đến các nền kinh tế EU nói chung, Eurozone nói riêng.

Trong khi đó, nội tại kinh tế Eurozone vẫn tiềm ẩn các nguy cơ bất ổn. Theo đó, dù các chỉ số thất nghiệp và lạm phát được cải thiện, nhưng chưa thật sự bền vững. Lạm phát tại Eurozone hiện vẫn nằm dưới mức mục tiêu 2% của ECB. Về tỷ lệ thất nghiệp, số liệu của Eurostat cho thấy sự chênh lệch giữa các quốc gia vẫn còn. Trong khi tại Đức, tỷ lệ thất nghiệp ở mức siêu thấp là 3,1%, thì tại Tây Ban Nha và Hy Lạp lần lượt ở mức 14,2% và 16,7%. Đây vẫn là vấn đề lớn của hai nước nêu trên cũng như cả “đại gia đình Eurozone”. Ngoài ra, các nền kinh tế khu vực vẫn đối mặt nguy cơ bất ổn tài chính tiềm tàng trong bối cảnh thâm hụt ngân sách và nợ công ở nhiều nền kinh tế thành viên vẫn cao. EC vừa nhận định rằng, nợ công của I-ta-li-a (vốn cao nhất EU) năm nay sẽ tăng lên mức tương đương 136,2% GDP. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách năm 2019 của Pháp sẽ tiếp tục cao hơn mức trần; thặng dư ngân sách của Đức sẽ giảm xuống 0,6% GDP năm 2020. Mới đây, EU đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Eurozone, cho rằng kinh tế của khối này sẽ chỉ tăng trưởng 1,1% trong năm nay, giảm so với mức dự báo tăng 1,2% được đưa ra hồi tháng 7.

Với tình hình nêu trên, xem ra các nước Eurozone chưa thể vui với những tín hiệu kinh tế tích cực từ thống kê thất nghiệp và lạm phát. Trái lại, Eurozone vẫn còn nhiều việc phải làm để bảo đảm “sức khỏe” ngân sách và tăng trưởng kinh tế ổn định cho toàn khu vực.