Bình luận quốc tế

"Bóng ma" của nạn đói

Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, dịch Covid-19 có thể đẩy 60 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực, xóa bỏ mọi thành quả đạt được trong hơn ba năm qua. Chương trình lương thực Liên hợp quốc (WFP) cũng cảnh báo, "bóng ma" của nạn đói đang đe dọa khu vực Ðông và vùng Sừng châu Phi. Ngay lúc này, các nước nghèo cần được giãn nợ và tăng cường viện trợ.

Chủ tịch WB D.Malpass cho biết, nhằm hỗ trợ các nước ứng phó đại dịch Covid-19, WB đã cấp tiền cho các chương trình viện trợ tại hơn 100 quốc gia, trong khuôn khổ cam kết chi 160 tỷ USD trong 15 tháng tới. Ðây cũng là nơi sinh sống của khoảng 70% dân số thế giới. Mặc dù đây là một cột mốc quan trọng, song WB cũng dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm 5% trong năm nay, trong đó các quốc gia nghèo nhất sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Ước tính khoảng 60 triệu người dân sẽ bị đẩy vào tình trạng nghèo đói cùng cực, xóa sạch mọi thành quả đạt được trong công tác xóa đói, giảm nghèo suốt ba năm qua.

Trong khi đó, WFP cảnh báo số người đói kém tại khu vực Ðông và vùng Sừng châu Phi có thể tăng lên gấp hai lần trong ba tháng tới, khi đại dịch Covid-19 kèm theo các vấn đề về khí hậu sẽ tác động tiêu cực đến các hệ thống sản xuất lương thực. Trong báo cáo "Tác động của Covid-19 lên các chuỗi cung cấp, mậu dịch khu vực, các thị trường và an ninh lương thực tại Ðông Phi" vừa công bố, WFP ước tính sẽ có từ 34 đến 43 triệu người - tăng gấp hai lần so với con số 20 triệu người hiện nay, phải đối mặt nguy cơ của nạn đói và suy dinh dưỡng. Báo cáo nhấn mạnh, nếu cộng đồng quốc tế không cùng nhau nỗ lực kiềm chế cuộc khủng hoảng an ninh lương thực và sinh kế đang tràn lan hiện nay, rất có thể đại dịch Covid-19 sẽ gây đại nạn đói.

Nhận định những cư dân tạm trú tại các đô thị và những người tị nạn là nhóm đối tượng chịu tổn thương nhất của gánh nặng lương thực do các chuỗi giá trị nông nghiệp bị gián đoạn vì dịch Covid-19, Giám đốc khu vực của WFP B.Bê-han cảnh báo, sẽ có thêm nhiều người chết do tác động kinh tế - xã hội của Covid-19 hơn là do chính dịch bệnh.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc vào cuối năm 2019, hơn năm triệu người đã mắc bệnh và hơn 325 nghìn người đã chết. Ðến nay, các thể chế tài chính quốc tế, trong đó có WB và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã chi hàng tỷ USD để hỗ trợ các hệ thống y tế, kinh tế và dịch vụ xã hội tại những nước nghèo. Trong đó, WB đã chi 5,5 tỷ USD, IMF chi trả lãi vay cho 25 quốc gia nghèo nhất thế giới trong sáu tháng. Các nước chủ nợ thuộc Câu lạc bộ Paris và Nhóm G20 đã đồng ý hoãn thời hạn trả phần lớn các khoản nợ đáo hạn trong năm 2020 cho những quốc gia nghèo nhất thế giới đang phải đối phó dịch Covid-19. Theo đó, có tất cả 77 quốc gia với tổng số nợ lên đến 36 tỷ USD, có thể được Câu lạc bộ Paris xem xét để hoãn, giãn hoặc xóa nợ trong năm nay. Trong đó, có 41 quốc gia thuộc khu vực châu Phi - Hạ Sahara đang vay nợ khoảng 19 tỷ USD.

Các động thái nêu trên đã được dư luận thế giới hoan nghênh và đánh giá cao. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế cho rằng các nỗ lực này là chưa đủ, nhất là trong bối cảnh các nước đang phát triển sẽ cần hơn 2.500 tỷ USD để vượt qua cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 theo nhận định của IMF. Mới đây, hơn 300 nhà lập pháp từ khắp nơi trên thế giới đã kêu gọi IMF và WB xóa bớt nợ cho các nước nghèo trên thế giới, đồng thời tăng cường các nguồn quỹ để ngăn chặn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Các chuyên gia đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia phát triển tăng cường viện trợ song phương cho những nước nghèo nhằm đẩy lùi "bóng ma" của nạn đói, đồng thời bảo đảm phục hồi kinh tế ổn định. Việc khôi phục dòng chảy tiền gửi và du lịch, vốn là nguồn thu nhập chính cho các nước đang phát triển, sẽ là bước đi quan trọng để mở lại nền kinh tế. Ðược giãn, giảm, hoãn nợ và tăng cường viện trợ, các quốc gia nghèo có thêm nguồn lực để phòng, chống dịch bệnh, ngăn chặn nạn đói cũng như khôi phục nền kinh tế.