Bình ổn thị trường dầu mỏ

Sau những ngày thảo luận khó khăn tại hội nghị trực tuyến cấp bộ trưởng đầu tiên trong năm nay, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác, hay còn gọi là OPEC+, đã nhất trí tăng nhẹ sản lượng khai thác trong tháng 2 và tháng 3-2021, song chỉ áp dụng đối với Nga và Ca-dắc-xtan. Trong khi đó, A-rập Xê-út tự nguyện cắt giảm bổ sung một triệu thùng/ngày so với thỏa thuận trước đó. Các thành viên OPEC+ tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường dầu mỏ một cách thận trọng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Hội nghị trực tuyến cấp bộ trưởng của OPEC+ diễn ra trong bối cảnh các nước thành viên nỗ lực hỗ trợ thị trường dầu mỏ vốn chịu tác động của đại dịch. Tiêu thụ dầu mỏ trong năm 2020 đã giảm mạnh do dịch Covid-19. Mục tiêu của OPEC+ là đạt được sự cân bằng, cho dù là mong manh, giữa việc đẩy giá dầu lên đủ để giúp củng cố ngân sách của các quốc gia thành viên, nhưng không quá nhiều để khiến sản lượng của đối thủ Mỹ tăng vọt. Sau hội nghị gần đây nhất diễn ra hồi tháng 11-2020, các nước thành viên OPEC+ đã nhất trí tăng sản lượng dầu thêm 500.000 thùng/ngày từ tháng 1-2021. Cũng tại hội nghị đó, 13 thành viên của OPEC+ đã nhất trí mỗi tháng nhóm họp một lần vào đầu tháng để thảo luận bất cứ thay đổi nào về sản lượng cho tháng tiếp theo. Tuy nhiên, tại hội nghị đầu tiên trong năm 2021, các nước trong nhóm vẫn bất đồng sâu sắc, dẫn tới việc khó khăn trong đạt thỏa thuận. Một số thành viên cho rằng làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành tại nhiều nước cho nên sẽ là quá sớm để bổ sung gần hai triệu thùng/ngày vào thị trường. Trong khi đó, việc giá dầu thô tăng 25% trong tháng trước, cũng như triển vọng tích cực về phát triển vắc-xin ngừa Covid-19 khiến một số nước thấy “ánh sáng cuối đường hầm” và kêu gọi giữ nguyên lịch trình tăng sản lượng đã định. Trên thực tế, việc cắt giảm sản lượng và hậu quả là giảm thu nhập từ dầu mỏ, đã khiến một số quốc gia gặp khó khăn, dù việc cắt giảm này cũng phần nào đẩy giá dầu lên.
 
 Thỏa thuận đạt được tại hội nghị lần này sẽ cho phép Nga và Ca-dắc-xtan tăng sản lượng tổng cộng 75.000 thùng/ngày trong tháng 2 và tháng 3. OPEC+ sẽ hạ mức cắt giảm tổng sản lượng dầu thô xuống còn 7,125 triệu thùng/ngày trong tháng 2 và 7,05 triệu thùng/ngày trong tháng 3 tới so với mức đưa ra trong thỏa thuận trước đó là 7,2 triệu thùng/ngày, tương đương 7% nhu cầu toàn cầu. Trước đó, một tài liệu nội bộ của OPEC đã đề xuất cắt giảm 500.000 thùng dầu/ngày trong tháng tới như một phần của một số kịch bản được xem xét cho năm 2021. Tài liệu này cũng cho biết, OPEC+ đã nhấn mạnh những rủi ro của việc giảm giá dầu và cho rằng việc tái áp đặt các biện pháp phong tỏa trên các lục địa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 đang cản trở sự phục hồi nhu cầu về dầu mỏ trong năm 2021. Tuy nhiên, giữa các thành viên OPEC+ có những tính toán nhằm vừa bảo đảm lợi ích riêng vừa không đi chệch mục tiêu của khối là hỗ trợ giá dầu vốn bấp bênh do tác động của đại dịch. Nga và Ca-dắc-xtan ủng hộ việc tăng sản lượng dầu mỏ thêm 0,5 triệu thùng/ngày trong khi I-rắc, Ni-giê-ri-a và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) đề nghị duy trì sản lượng hiện tại. Để đạt được thỏa thuận trong hội nghị lần này, các nước đã phải thỏa hiệp về chính sách dài hạn trong thời gian còn lại của năm.
 
 Trước một thị trường mong manh, A-rập Xê-út đã kêu gọi các thành viên OPEC+ linh hoạt trong việc đáp ứng nhu cầu về dầu mỏ khi nước này xây dựng kế hoạch hướng tới áp dụng chính sách thắt chặt sản lượng dầu vào năm 2021 để ứng phó nhu cầu suy giảm. Bộ trưởng Năng lượng A-rập Xê-út cho rằng, thị trường sẽ không rộng lượng với những người không tuân theo các thỏa thuận và OPEC+ phải sẵn sàng điều chỉnh các điều khoản trong thỏa thuận nếu cần, không để cho các thị trường vì bất kỳ lý do nào phải phản ứng tiêu cực. Bởi thế, đạt được sự đồng thuận về điều chỉnh sản lượng là không dễ dàng đối với các nước thành viên OPEC+, song là trách nhiệm chung trong duy trì vai trò dẫn dắt thị trường của khối. OPEC+ đã hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ trong năm 2021, qua đó thể hiện sự ủng hộ chính sách siết chặt nguồn cung.
 
 Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp làm sự phục hồi nhu cầu dầu mỏ toàn cầu không đồng đều và được dự báo có thể chậm hơn. Điều này gây khó khăn hơn cho nỗ lực của các nhà sản xuất nhằm cân bằng thị trường và bình ổn giá dầu.