Biến chuyển tích cực

Tiến trình chuyển tiếp chính trị ở Li-bi có những bước tiến tích cực, mở ra cơ hội chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài ở quốc gia Bắc Phi. Tuy nhiên, an ninh bất ổn cùng sự can dự của bên ngoài khiến tình hình Li-bi vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Chính phủ lâm thời Li-bi vẫn đối mặt nhiều thách thức trên con đường thống nhất và đoàn kết dân tộc.

Các cuộc đối thoại do Liên hợp quốc (LHQ) thúc đẩy đã đưa tới việc chọn ra một Thủ tướng lâm thời và thành lập Hội đồng tổng thống của Li-bi, tạo một bước tiến quan trọng nhằm đưa Li-bi thoát khỏi tình trạng chia rẽ kể từ sau làn sóng "Mùa xuân A-rập". Ðây cũng là một phần trong nỗ lực tái thiết các thể chế nhà nước nhằm thiết lập trật tự và ổn định ở Li-bi. Một chính phủ đoàn kết dân tộc mới đang được xúc tiến thành lập, nhằm lựa chọn người đủ năng lực dẫn dắt và mở đường cho các cuộc bầu cử dự kiến cuối năm nay. Ủy ban quân sự chung Li-bi cũng xem xét việc mở lại tuyến đường duyên hải giữa các thành phố Mi-xra-ta và ven biển Xơ-tê theo thỏa thuận ngừng bắn tại Li-bi.

Những động thái tích cực trên chính trường Li-bi đã tạo động lực thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao quốc tế giúp thiết lập sự ổn định ở quốc gia Bắc Phi. Ðặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ G.Cu-bít đã tới Li-bi và gặp chỉ huy quân sự ở miền đông để thúc đẩy đoàn kết các phe phái đối địch trước cuộc bầu cử vào tháng 12 tới. Hai bên đã thảo luận và nhất trí về tầm quan trọng của việc tất cả các phe phái ở Li-bi cam kết và tạo điều kiện cho cuộc bầu cử; đồng thời trao đổi về cách thức thực thi thỏa thuận ngừng bắn ký năm 2020, cũng như việc rút tất cả các lực lượng và lính đánh thuê người nước ngoài khỏi Li-bi. Nhiều năm qua, cuộc xung đột ở Li-bi đã bị bên ngoài can thiệp sâu, khi các bên tham chiến ở nước này nhận sự hậu thuẫn của nước ngoài. Việc các phe phái ở Li-bi chấp thuận đối thoại và nhất trí thành lập chính phủ lâm thời giúp chấm dứt chia rẽ, mở ra cơ hội thúc đẩy đoàn kết dân tộc và giảm nguy cơ đất nước bị chia cắt.

Thủ tướng mới được chỉ định của Li-bi A.Bây-ba vừa có chuyến thăm chính thức nước ngoài đầu tiên, tới Ai Cập, quốc gia láng giềng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy các giải pháp tháo gỡ cuộc khủng hoảng ở Li-bi. Người đứng đầu Chính phủ lâm thời của Li-bi mong muốn có quan hệ đối tác toàn diện với Ai Cập. Cai-rô cũng đang xem xét khả năng mở lại Ðại sứ quán và Lãnh sự quán của Ai Cập ở Li-bi sau bảy năm đóng cửa. Ai Cập đã cho phép hãng hàng không quốc gia Li-bi (Libyan Airlines) nối lại các chuyến bay tới Ai Cập sau hơn một năm đình chỉ. Chuyến bay đầu tiên của hãng hàng không của Li-bi cất cánh từ sân bay quốc tế Bê-ni-na ở thành phố Ben-ga-di tới sân bay Bóc An A-rập ở thành phố A-lếch-xan-đri-a của Ai Cập và có kế hoạch thực hiện thêm nhiều chuyến bay từ sân bay quốc tế Mi-ti-ga ở thủ đô Tơ-ri-pô-li của Li-bi tới Ai Cập. Ðó là những tín hiệu tích cực đối với Li-bi sau nhiều năm chìm trong xung đột, phải đóng cửa hoặc hạn chế giao thương với quốc tế.

Hội đồng tổng thống được thành lập có nhiệm vụ gắn kết các cơ quan nhà nước và bảo đảm an ninh cho đến khi tiến hành bầu cử. Tuy nhiên, chính phủ mới ở Li-bi đứng trước không ít thách thức khi mối đe dọa an ninh luôn rình rập, nhất là sau vụ ám sát bất thành đối với Bộ trưởng Nội vụ. Quốc gia vốn nhiều năm bị chia rẽ không dễ dàng để hàn gắn những "vết thương" do bất đồng, phe cánh. Chưa hết, từng bị xem là "bãi chiến trường", là "nơi tập kết" các chiến binh trong khu vực, với nhiều loại vũ khí được lưu hành tràn lan, Li-bi chưa thể "một sớm một chiều" giải quyết được tình trạng bất ổn về an ninh, nhất là trong điều kiện nước này đang trên lộ trình thống nhất các lực lượng vũ trang.

Những biến chuyển tích cực trên chính trường là bước ngoặt mở ra tương lai sáng hơn cho Li-bi. Cộng đồng quốc tế ủng hộ tiến trình chính trị do người Li-bi dẫn dắt với sự hỗ trợ của LHQ, kêu gọi bên ngoài và các phe phái ở Li-bi ngừng các hành động có thể khơi mào xung đột, để tạo môi trường thuận lợi cho đối thoại vì hòa bình toàn diện ở quốc gia Bắc Phi.