Bài toán nan giải của EU

Quyết định ngân sách đang trở thành “bài toán nan giải” của các quốc gia Liên hiệp châu Âu (EU) khi giữa các cơ quan lãnh đạo liên minh này cũng như các nước trong “mái nhà chung châu Âu”, còn nhiều bất đồng về khung tài chính dài hạn của khối. Điều này khiến các nhà lãnh đạo EU có thể còn phải họp nhiều lần nữa để cùng “giải bài toán ngân sách” cho cả liên minh.

Ngày 20-2, các nhà lãnh đạo EU tham gia hội nghị tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về ngân sách giai đoạn 2021-2027, với những vấn đề trước mắt như khoảng trống đóng góp lên tới 75 tỷ ơ-rô do sự ra đi của Anh và nhu cầu tài trợ cho các sáng kiến của Thỏa thuận xanh châu Âu có tổng trị giá lên tới 1.000 tỷ ơ-rô. Theo truyền thống, các lãnh đạo EU luôn cần hai hội nghị cấp cao để quyết định khung tài chính dài hạn (MFF), sau khi đã tiến hành các cuộc đàm phán khó khăn theo chu kỳ bảy năm/lần. Tuy nhiên, bất đồng đã diễn ra ngay tại hội nghị cấp cao ngày 20-2 ở Bỉ nhằm quyết định ngân sách trong giai đoạn bảy năm của khối sau khi Anh thực hiện “cuộc ly hôn lịch sử” rời khỏi EU (Brexit).

Theo đó, Hội nghị cấp cao EU lần này đã nóng lên bởi các tranh luận và bất đồng giữa các nước thành viên EU cũng như giữa Ủy ban châu Âu (EC) và Nghị viện châu Âu (EP) về các vấn đề ngân sách. Mối quan tâm và tranh cãi của các thành viên EU chủ yếu xoay quanh những vấn đề như san sẻ trách nhiệm tài chính mà Anh để lại; thời gian tới, ngân sách của khối cần tăng thêm bao nhiêu, cần điều chỉnh chi ngân sách cho các vấn đề ưu tiên như thế nào và mỗi nước thành viên nên đóng góp bao nhiêu phần trăm trong GDP của mình. Hà Lan, Thụy Điển, Áo, Đan Mạch đề xuất mức đóng góp của các quốc gia thành viên là 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đức, quốc gia đầu tàu EU chấp nhận mức cao hơn 1%, nhưng dưới 1,07% GDP. Tuy nhiên, Pháp chỉ trích mức đóng góp của Hà Lan, Thụy Điển, Áo, Đan Mạch và Đức là thấp. EC đề nghị đóng góp 1,1% GDP và EP đề xuất mức đóng góp cao hơn rất nhiều, lên tới 1,3% GDP.

Các nước EU cũng bất đồng về ngân sách hoàn lại cho một số nước giàu hơn trong khối. Các nước được coi là giàu có hơn như Hà Lan, Thụy Điển, Áo, Đan Mạch và Đức muốn thắt chặt ngân sách và giữ nguyên phần ngân sách hoàn lại cho nước mình. Trong khi đó, các nước ở đông và nam châu Âu muốn tăng phần ngân sách hoàn lại để nâng cấp cơ sở hạ tầng cho cân bằng với các thành viên giàu có trong liên minh. Pháp, Tây Ban Nha và Ba Lan muốn giữ các khoản trợ cấp cho nông dân…

Không chỉ các nước thành viên bất đồng về mức đóng góp và ngân sách hoàn lại, các cơ quan hoạch định chính sách của EU cũng mâu thuẫn về kế hoạch ngân sách. Trong khi Nghị viện châu Âu muốn tăng khung tài chính dài hạn lên 1.320 tỷ ơ-rô thì Ủy ban châu Âu muốn giữ MFF ở mức 1.130 tỷ ơ-rô. Trong khi đó, để tạo thuận lợi cho đàm phán, Chủ tịch Hội đồng châu Âu đề xuất tổng ngân sách 1.095 tỷ ơ-rô cho giai đoạn bảy năm, thấp hơn so với mức đề xuất ban đầu của EC.

Với những bất đồng nêu trên, truyền thông châu Âu nhận định, có thể EU phải cần một hoặc hai hội nghị nữa mới có thể tìm ra lời giải cho “bài toán ngân sách” của khối. Điều này đúng như dự đoán của Thủ tướng Đức A.Merkel mới đây là, các cuộc đàm phán về khung ngân sách dài hạn tại cuộc họp cấp cao đầu tiên sau Brexit sẽ “rất khó khăn và phức tạp”.

Thực tế cho thấy, với việc Anh rời khỏi “mái nhà chung châu Âu”, EU đang rất khó khăn trong việc cân bằng các chính sách truyền thống. Bên cạnh đó, cuộc thảo luận ngân sách “không đi đến đâu” ngày 20-2 vừa qua cũng cho thấy, dù tiến trình Brexit đã ngã ngũ, các cuộc khủng hoảng kinh tế, di cư đã lắng dịu, nhưng nội bộ EU vẫn tồn tại bất đồng, chia rẽ nghiêm trọng và điều này có thể cản bước EU trong việc củng cố vị thế của khối này trong thời gian tới.