Bài toán khó của lục địa đen

Diễn đàn Aswan về hòa bình và phát triển bền vững ở châu Phi diễn ra ở Ai Cập thu hút sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo châu lục. Ðây là một kênh trao đổi mới nhằm tìm kiếm các biện pháp duy trì hòa bình, bảo đảm an ninh và phát triển bền vững tại "lục địa đen", trong bối cảnh tình trạng xung đột, bạo lực trong khu vực vẫn diễn biến phức tạp.

Chủ nghĩa khủng bố là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất mà châu Phi đang phải đối mặt. Hàng loạt nước, như Libya, Algeria, Tunisia, Mali, Niger, Nigeria…, đang phải đương đầu với các mối đe dọa an ninh và hệ lụy của chủ nghĩa khủng bố. Tổng thống Ai Cập A.Sisi cho rằng, chủ nghĩa khủng bố chỉ có thể được loại bỏ thông qua những nỗ lực tập thể và quyết tâm ngăn chặn nguồn tài trợ khủng bố. Lãnh đạo nước chủ nhà Diễn đàn Aswan cho biết thêm, đối mặt nhiều thách thức, song Ai Cập quyết tâm vừa nỗ lực chống khủng bố, vừa tìm kiếm cơ hội phát triển đất nước. Từ kinh nghiệm của Ai Cập, Tổng thống A.Sisi cho rằng, châu Phi cần tập trung hai mục tiêu chính là duy trì tăng trưởng kinh tế và tăng cường an ninh khu vực.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu kinh tế, các nước châu Phi xác định cần tự mình duy trì an ninh và ổn định. Tổng thống CH Chad I.Deby nhấn mạnh sự cần thiết tìm ra giải pháp hiệu quả cho những vấn đề nan giải của "lục địa đen". Theo nhà lãnh đạo Sát, hiện các nước khu vực Sahel dành khoảng 18% đến 32% ngân sách để duy trì và bảo đảm an ninh. Trong khi đó, Tổng thống Senegal M.Sall cho rằng, những thách thức của châu Phi là do sự can thiệp và những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài. Do đó, châu Phi cần xây dựng và phân bổ ngân sách cho các kế hoạch chống khủng bố, nhất là khu vực Sahel, nhằm tiến tới mục tiêu hòa bình và phát triển.

Một trong những "điểm nóng" khiến các nước châu Phi "đau đầu" là khủng hoảng ở Libya, nơi bị cho là "lò đào tạo" các tay súng thánh chiến để "xuất khẩu" vào các nước trong khu vực. Theo báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ), trong năm 2019, nhiều nhóm vũ trang của Sudan và CH Chad đã can dự vào cuộc xung đột ở Libya. Cuộc khủng hoảng Libya khó tìm được cách tháo gỡ bởi sự can thiệp của bên ngoài, với sự hậu thuẫn dành cho hai phe phái đối địch ở quốc gia này.

Báo cáo của LHQ chỉ ra rằng, một số nước như Jordan và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) thường xuyên hỗ trợ Quân đội miền đông Libya (LNA), trong khi Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ Chính phủ Ðoàn kết dân tộc (GNA). Những hoạt động này được cho là vi phạm lệnh cấm vận vũ khí mà LHQ áp đặt đối với Libya kể từ năm 2011. Các loại vũ khí có xuất xứ từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới dường như đều được sử dụng trong cuộc xung đột ở Libya.

Trong khi đó, tại khu vực Sahel, một "điểm nóng" về buôn lậu vũ khí, nạn ma túy và tội phạm ở châu Phi, lực lượng các nước G5 Sahel (gồm Niger, Burkina Faso, Mali, Mauritania và CH Chad) đã được thành lập vào năm 2014 để chống khủng bố trong khu vực. Tuy nhiên, đến nay, lực lượng này hoạt động chưa hiệu quả. Quân đội Niger đang phải chống chọi nhóm khủng bố Boko Haram ở khu vực biên giới phía nam, giáp Nigeria và các nhóm phiến quân liên kết với tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở vùng phía tây, giáp Mali và Libya. Lực lượng G5 Sahel cũng đang phối hợp lực lượng Pháp nhằm bảo đảm an ninh ở Mali. Tuy nhiên, quốc gia Tây Phi này vẫn chưa thiết lập được sự ổn định và thường xuyên đối mặt nguy cơ khủng bố. LHQ mới đây lên tiếng báo động về một cuộc khủng hoảng nhân đạo "chưa có tiền lệ" đang diễn ra ở Mali do bất ổn và bạo lực gia tăng, khiến 3,9 triệu người dân quốc gia châu Phi này đang cần được giúp đỡ.

Vòng xoáy xung đột, bạo lực là nguyên nhân chính kéo lùi sự phát triển của nhiều quốc gia châu Phi, làm nảy sinh hàng loạt vấn đề như di cư, dịch bệnh, đói nghèo. Việc tìm lời giải cho "bài toán" an ninh và phát triển ở châu Phi vô cùng nan giải và phụ thuộc phần lớn vào nỗ lực của chính các nước trong khu vực.