Bài học từ câu chuyện về “người khổng lồ” Thomas Cook

NDO -

NDĐT - Dù Thomas Cook đã tuyên bố phá sản nhưng bài học từ sự thành công cho đến sai lầm của công ty du lịch lâu đời bậc nhất thế giới chắc chắn vẫn có giá trị đối với những doanh nghiệp muốn phát triển trong ngành công nghiệp không khói hiện nay.

CAA khuyến cáo hành khách của Thomas Cook đang ở nước ngoài không nên tới sân bay cho đến khi chuyến bay trở về Anh được xác nhận trên website chính thức. (Ảnh: Reuters)
CAA khuyến cáo hành khách của Thomas Cook đang ở nước ngoài không nên tới sân bay cho đến khi chuyến bay trở về Anh được xác nhận trên website chính thức. (Ảnh: Reuters)

Thành công nhờ sáng kiến đột phá

Vào ngày Thomas Cook tuyên bố phá sản, Giám đốc điều hành của doanh nghiệp này, ông Peter Fankhauser phải thừa nhận rằng: “Hôm nay (23-9) đánh dấu một ngày vô cùng buồn đối với công ty tiên phong trong lĩnh vực cung cấp kỳ nghỉ trọn gói và giúp cho hàng triệu người trên khắp thế giới có cơ hội đi du lịch”. Nhìn lại lịch sử 178 năm tồn tại và phát triển của Thomas Cook, thật khó có thể phủ nhận những đóng góp mà công ty này mang đến cho ngành du lịch toàn cầu.

Năm 1841, doanh nhân người Anh Thomas Cook (sinh năm 1808 - mất năm 1892) đã tổ chức cho hơn 500 hành khách tham gia hành trình di chuyển bằng tàu từ khu vực Leicester, miền trung nước Anh tới thị trấn Loughborough lân cận. Chuyến tàu đặc biệt và đoạn đường ngắn đó (khoảng 19 km) đã đặt nền móng cho sự phát triển dài hơi của ngành du lịch thế giới sau này.

Đến năm 1855, Thomas Cook tổ chức tour du lịch nước ngoài đầu tiên, ông đưa hai đoàn khách từ cảng Harwich, miền đông nước Anh tới cảng Antwerp và thủ đô Brussels của Bỉ; hai thành phố Cologne và Heidelberg của Đức; TP Strasbourg của Pháp và điểm đến cuối cùng là triển lãm quốc tế tại thủ đô Paris. Chuyến tham quan này chính thức đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối với ngành du lịch hiện đại bởi nó chứa đựng sáng kiến mang tính đột phá là cung cấp tour du lịch trọn gói, gồm có kế hoạch di chuyển, chỗ ăn ở cho khách hàng. Cũng trong thời gian này, ông Thomas đã nảy ra ý tưởng mở dịch vụ ngoại hối để tạo điều kiện thuận lợi cho chuyến đi nước ngoài của các du khách.

Từ những bước đi đầu tiên đầy hứng khởi này, Thomas Cook đã để lại nhiều dấu ấn khó quên. Tính đến năm 2019, “ông trùm” trong ngành du lịch thế giới đã vận hành hàng loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng và hãng hàng không, mỗi năm phục vụ hơn 19 triệu khách hàng tại 16 quốc gia. Năm 2018, doanh thu của Thomas Cook là 9,6 tỷ bảng Anh. Khoảng 21 nghìn người đang làm việc cho công ty này.

Thế nhưng câu chuyện phía trên chỉ còn lại trong quá khứ của công ty Thomas Cook, tính đến ngày 22-9. Còn hiện tại, Chính phủ Anh đang khẩn trương đề nghị Cơ quan Hàng không dân dụng Anh (CAA) triển khai chương trình hồi hương lớn nhất của nước này trong thời bình, diễn ra từ ngày 23-9 đến 6-10, để đưa hành khách của Thomas Cook trở về Anh. Khoảng 600 nghìn khách hàng của Thomas Cook đang ở nước ngoài, trong đó có hơn 150 nghìn công dân Anh.

Thất bại từ đâu?

Sau khi Thomas Cook chính thức tuyên bố phá sản, có lẽ câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là: “Vì sao “ông trùm” trong ngành du lịch lại có kết cục như vậy?”. Theo tờ Guardian của Anh, câu trả lời nhanh nhất cho thắc mắc này là Thomas Cook không thể thuyết phục các ngân hàng, trong đó có ngân hàng RBS thuộc sở hữu của Chính phủ Anh, đầu tư 200 triệu bảng Anh để cứu công ty này thoát khỏi nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, trên thực tế, khó khăn của Thomas Cook đã manh nha từ lâu, khi công ty này sáp nhập với MyTravel vào năm 2007, khi internet phát triển như vũ bão làm thay đổi thói quen của du khách và khi có những dự báo về tương lai bất ổn liên quan đến tiến trình Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là Brexit...

Quay trở lại thương vụ sáp nhập năm 2007, thỏa thuận giữa Thomas Cook và MyTravel được kỳ vọng sẽ tạo ra một trong những hãng du lịch lớn nhất châu Âu, hứa hẹn giúp Thomas Cook tiết kiệm chi phí 75 triệu bảng Anh mỗi năm và tạo bàn đạp giúp công ty này cạnh tranh với các đối thủ nổi lên trong thời đại internet. Song, thỏa thuận nêu trên không những chẳng đáp ứng được mong đợi của Thomas Cook mà còn khiến công ty này gánh thêm nhiều khoản nợ lớn. Tháng 5 vừa qua, tập đoàn này đã báo lỗ 1,5 tỷ bảng Anh và tính đến thời điểm phá sản, con số này lên tới 1,7 tỷ bảng Anh.

Thomas Cook cũng từng đứng bên bờ vực phá sản vào năm 2011 với khoản nợ 1,1 tỷ bảng Anh. Sau khi nhận khoản “cứu trợ” khẩn cấp từ chủ nợ để tiếp tục hoạt động, Thomas Cook hiểu rằng thực chất khoản nợ họ phải trả đã phình ra.

Trong những năm gần đây, Thomas Cook đã huy động được 900 triệu bảng Anh, trong đó 50% số tiền đến từ hãng Fosun (Trung Quốc), cổ đông lớn nhất của công ty này. Tháng 8 vừa qua, Thomas Cook mong muốn tìm kiếm thêm khoản đầu tư trị giá 200 triệu bảng Anh để vượt qua giai đoạn thấp điểm trong mùa đông tới. Và trong cuộc đàm phán tại London, ngày 22-9, các chủ nợ đã nói không với đề nghị của Thomas Cook.

Nguồn cơn dẫn đến sự ra đi của Thomas Cook còn nằm ở cách công ty này tiếp cận khách hàng. Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại Du lịch Anh (ABTA), 60% người dân Anh đã lựa chọn kỳ nghỉ ở nước ngoài trong năm 2018, tăng 57% so năm 2017. Con số này cho thấy thói quen du lịch của người dân “quốc đảo sương mù” đã thay đổi nhanh chóng. Ngoài ra, trong thời đại công nghệ số, khách hàng dần chuyển sang thực hiện các giao dịch trực tuyến để phục vụ chuyến đi của mình. Trong khi đó, Thomas Cook lại đầu tư vào khoảng 560 cửa hàng đặt tại các đường lớn với chi phí đắt đỏ. Theo ABTA, trong bảy người Anh thì chỉ có một người tìm đến các đại lý du lịch trên các khu phố thương mại. Khách hàng lựa chọn đặt vé trực tiếp tại đại lý thuộc nhóm khách hàng hơn 65 tuổi và chi tiêu không “mạnh tay”.

Cuộc khủng hoảng khí hậu cũng tác động đến sự sụp đổ của Thomas Cook. Đợt nắng nóng xảy ra trên khắp châu Âu vào tháng 5-2018 khiến nhu cầu du lịch giảm mạnh. Không những vậy, theo dự báo của Thomas Cook trong năm 2019, người Anh sẽ hoãn kế hoạch du lịch mùa hè do những bất ổn chung quanh vấn đề Brexit.

Đầu tuần này, việc “lão làng” trong thị trường du lịch thế giới tuyên bố phá sản đã trở thành thông tin nóng nhất xuất hiện trên các tờ báo, nhưng nó không phải là thông tin gây sốc. Có ý kiến cho rằng sự ra đi của Thomas Cook chỉ còn là vấn đề thời gian khi công ty này không chịu được những khoản nợ quá lớn và không đánh giá chính xác hành vi của khách hàng dưới tác động của các yếu tố như xu hướng phát triển công nghệ mới và diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu.

* Anh: Công ty lữ hành lâu đời nhất thế giới phá sản