ASEAN+3 đoàn kết, hợp tác vượt khủng hoảng do đại dịch

Trong Hội nghị cấp cao (HNCC) đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó dịch Covid-19 diễn ra theo hình thức trực tuyến mới đây, lãnh đạo 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Ðông - Nam Á (ASEAN) và ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3) đã ra Tuyên bố chung khẳng định cùng đoàn kết chống dịch Covid-19, cùng cam kết hợp tác phục hồi sau đại dịch.

 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại một bệnh viện ở Băng-cốc, Thái-lan. Ảnh Nikkei
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại một bệnh viện ở Băng-cốc, Thái-lan. Ảnh Nikkei

Các HNCC đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó dịch Covid-19 do Việt Nam, với tư cách Chủ tịch ASEAN 2020, chủ trì diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trở thành thách thức nghiêm trọng nhất đối với nhân loại, là cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và cũng là thử thách lớn nhất với ASEAN trong hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển. Chỉ sau hơn ba tháng, đại dịch Covid-19 đã tàn phá, gây thiệt hại nặng nề cả về sức khỏe, tính mạng con người cũng như về kinh tế - xã hội, dự đoán vượt xa mức độ tác động của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 hay khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009. Trong báo cáo mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở châu Á từ 5,8% xuống còn 1%.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã chia sẻ kinh nghiệm và bàn các biện pháp cụ thể để sớm đẩy lùi dịch bệnh, chăm lo, bảo vệ lợi ích của người dân, giảm thiểu tác động kinh tế - xã hội do dịch Covid-19 gây ra và kế hoạch phục hồi sau khi dịch bệnh kết thúc. Các nhà lãnh đạo cho rằng những bài học kinh nghiệm từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong kiểm soát, ngăn ngừa dịch Covid-19 rất hữu ích với ASEAN trong
cuộc chiến chống dịch bệnh còn nhiều cam go và thách thức. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh cần đặt lợi ích người dân lên hàng đầu, bảo đảm sức khỏe và sinh kế của nhân dân, hỗ trợ kịp thời và đối xử bình đẳng với công dân các nước ASEAN+3 bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong đó có lao động di cư, không để ai bị bỏ lại phía sau. Ðồng thời cam kết duy trì thị trường mở, sớm ký kết Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đa dạng hóa kết nối nguồn cung trong và ngoài khu vực, bảo đảm lưu thông hàng hóa, dịch vụ, nhất là các nguyên vật liệu, sản phẩm y tế thiết yếu. Các nhà lãnh đạo nhất trí giao Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) nghiên cứu đưa ra các khuyến nghị chính sách kịp thời ứng phó với các rủi ro suy thoái và tận dụng các cơ chế dự phòng bảo đảm ổn định kinh tế, tài chính, an ninh lương thực đã có của ASEAN+3 như Thỏa thuận đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM), Quỹ dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 (APTERR). Các nước nhấn mạnh tình đoàn kết và tương trợ lẫn nhau giữa các quốc gia là chìa khóa thành công để các nước trong khu vực vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay; nêu rõ, song song việc phòng, chống dịch, cần chú trọng công tác khắc phục hậu quả, giảm thiểu các tác động kinh tế - xã hội của đại dịch Covid-19. Trước mắt, kịp thời triển khai hỗ trợ những nhóm yếu thế trong xã hội và các gói hỗ trợ kinh tế, tài chính cho doanh nghiệp ổn định sản xuất - kinh doanh, duy trì các hoạt động giao thương.

Các đại biểu đánh giá cao Việt Nam tích cực, chủ động tổ chức thành công các HNCC đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 lần này, đóng góp thiết thực cho cuộc chiến chung chống Covid-19 của khu vực và cộng đồng quốc tế. Theo Tổng Thư ký ASEAN Lim Giốc Hoi, chủ đề "Xây dựng một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng" trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam rất phù hợp tình hình mà khu vực đang trải qua. Tổng Thư ký ASEAN Lim Giốc Hoi cho rằng Việt Nam đã thể hiện "tầm lãnh đạo mạnh mẽ" trong việc dẫn dắt một phản ứng tập thể của khu vực trước đại dịch Covid-19. Tổng Thư ký ASEAN đánh giá, về mặt kinh tế, ASEAN đã tái khẳng định các cam kết nhằm bảo đảm sự ổn định kinh tế, tài chính vĩ mô và thanh khoản; bảo đảm kết nối chuỗi cung ứng, duy trì sản xuất và phân phối, nhất là các vật tư thiết yếu như vật tư y tế, thực phẩm và nông sản; giảm thiểu các tác động của đại dịch đối với các hộ gia đình và cá nhân dễ bị tổn thương, các ngành bị ảnh hưởng, cũng như các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Tổng Thư ký ASEAN cũng cho rằng, hai HNCC đặc biệt này đã tái khẳng định sự cần thiết của một kế hoạch phục hồi sau đại dịch. Kế hoạch này sẽ thu hút sự phối hợp giữa các ngành công nghiệp, khu vực tư nhân và các chủ thể khác.