Bình luận quốc tế

Ánh sáng cuối đường

Ngay sau khi đảng Bảo thủ giành chiến thắng vang dội, lấy lại thế đa số quan trọng tại Hạ viện, Thủ tướng Anh B.Johnson tuyên bố rằng, Brexit giờ không còn là quyết định gây tranh cãi. Sau ba năm gập ghềnh và bế tắc, con đường đưa nước Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU) đã lấp lánh ánh sáng nơi đích đến. Tuy nhiên, thách thức chưa phải đã hết, nhất là khi “quốc đảo sương mù” bước vào giai đoạn “hậu Brexit”.

Giành 365 trong tổng số 650 ghế Hạ viện khóa mới, sau cuộc tổng tuyển cử hôm 12-12, thật sự là “chiến thắng lịch sử” đối với đảng Bảo thủ và thủ lĩnh B.Johnson, người đang cầm lái “con thuyền Brexit” của “xứ sương mù”. Với chiến thắng này, đảng Bảo thủ của ông Johnson tiếp tục nắm giữ vai trò dẫn dắt nước Anh trong 5 năm tới. Lợi thế số ghế vượt xa mức quá bán tại Hạ viện, về lý thuyết, có thể bảo đảm bản thỏa thuận Brexit mà ông Johnson theo đuổi dễ dàng được thông qua, mở đường cho nước Anh rời EU đúng hạn chót ngày 31-1-2020. Thủ tướng Johnson ngay lập tức thông báo sẽ đem bản thỏa thuận từng bị bác bỏ nhiều lần này trở lại Hạ viện trước dịp Giáng sinh tới; và sẽ khởi động đàm phán về thỏa thuận thương mại song phương với EU ngay sau ngày nước Anh rời đi.

Cuộc tổng tuyển cử vừa rồi được cử tri Anh coi như “bỏ phiếu Brexit”. Bởi thế, số phiếu ủng hộ vượt trội mà đảng Bảo thủ có được là cơ sở để ông Johnson mạnh mẽ khẳng định “Brexit không còn là quyết định gây tranh cãi”. Phần đông cử tri Anh đã ủng hộ Brexit trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016, song tiến trình “ly hôn” của London trong hơn ba năm qua vẫn luôn gây tranh cãi và gặp nhiều trở ngại, phải hoãn đi hoãn lại, thậm chí xô đổ cả ghế của người tiền nhiệm ông Johnson. Nguyên nhân chính là do đảng Bảo thủ không hội đủ đa số ghế cần thiết tại Hạ viện, khiến bản thỏa thuận Brexit, mà London chật vật thương thảo với EU mới đạt được, lại nhiều lần bị chặn lại trước ngưỡng cửa cơ quan lập pháp.

Tương quan lực lượng mới tại chính trường Anh có lợi cho đảng cầm quyền giúp Thủ tướng Johnson “có nhiều đất hơn” để thực thi quyền lực, nhất là trong việc chèo lái “con thuyền Brexit”, với lời hứa “chắc như đinh đóng cột” là hoàn tất “vụ ly hôn” đúng hạn. Kết quả cuộc tổng tuyển cử cũng giúp chấm dứt tình trạng “tê liệt” tại Quốc hội Anh, khi vị thế đa số của đảng cầm quyền sẽ lập lại trật tự, khôi phục quyền lực thật sự của thủ tướng và chính phủ trước cơ quan lập pháp, giúp tìm lối ra khỏi “mê cung” mà tiến trình Brexit chìm đắm suốt ba năm qua. Khi không bị chi phối bởi yếu tố phe phái và những “lá phiếu nghịch” tại Hạ viện, Thủ tướng Johnson sẽ không chỉ dễ dàng hơn khi đưa nước Anh “cập bến Brexit”, mà còn thuận lợi trong nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận “hậu Brexit” với EU.

Với EU, kết quả cuộc bầu cử ở Anh cũng là điều họ trông đợi. Không phải câu chuyện ủng hộ đảng Bảo thủ hay Công đảng, mà EU vui mừng vì chiến thắng áp đảo dành cho Thủ tướng Johnson có thể chấm dứt tình trạng bất định của tiến trình Brexit, giúp con đường rời đi của “quốc đảo sương mù” rõ ràng hơn. Chiến thắng này còn có thể làm dịu đi những tiếng nói trái chiều của phía hoài nghi hội nhập châu Âu trong chính đảng Bảo thủ, mở đường để Thủ tướng Johnson xây dựng mối quan hệ gần gũi giữa Anh với EU thời “hậu chia tay”. Cũng như “người lái thuyền Brexit”, giới lãnh đạo EU tuyên bố sẽ khởi động đàm phán thương mại với London ngay sau khi thỏa thuận Brexit được Hạ viện Anh phê chuẩn.

Trở nên rõ ràng hơn trước, song chưa hẳn hành trình Brexit sẽ hoàn toàn “xuôi chèo mát mái”. Khi đáp ứng hạn chót rời đi cuối tháng 1-2020, London sẽ bắt tay ngay vào thương lượng với EU với mục tiêu hoàn tất đàm phán vào cuối năm, theo quy định trong thỏa thuận Brexit. Song, quỹ thời gian chưa đầy một năm để đạt thỏa thuận là không thể, đối với một bản thỏa thuận quan trọng về tương lai của mối quan hệ hai bên. Ấy là chưa kể một loạt nội dung thương thảo được dự báo là vô cùng khó khăn, khi hai bên còn quá nhiều bất đồng, nhất là liên quan các quy định về tiếp cận thị trường, tiêu chuẩn về môi trường. Nếu không giải tỏa được bất đồng, rất có thể hai bên lại bước vào một cuộc khủng hoảng mới vào cuối năm 2020, liên quan thỏa thuận thương mại song phương.

Cuộc tổng tuyển cử đã góp phần định hình tương lai của một nước Anh không còn dưới “mái nhà chung EU”. Tuy nhiên, trong vai trò dẫn dắt, đảng Bảo thủ và Thủ tướng B.Johnson tới đây sẽ đối diện thách thức lớn, đó là hoạch định đường hướng phát triển và xây dựng vị thế mới của nước Anh trên bản đồ địa chính trị thế giới.