Bình luận quốc tế

Ăn miếng, trả miếng

I-ran đã gửi bản kế hoạch hòa bình đối với Eo biển Hormuz tới các quốc gia trong khu vực, một động thái nhằm bác bỏ liên minh do Mỹ đứng đầu đang kêu gọi thành lập ở vùng Vịnh. Iran muốn chứng tỏ là một đối thủ “khó chịu” của Mỹ trong việc đáp trả sức ép mà Washington nhằm vào quốc gia Hồi giáo thông qua các biện pháp tăng cường trừng phạt và siết chặt “vòng kim cô” đối với nền kinh tế Tehran.

Bản đầy đủ của Sáng kiến hòa bình Hormuz (HOPE) đã được Iran gửi đến các thành viên Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Iraq. Tehran nhấn mạnh, tất cả các quốc gia tại vùng Vịnh, Eo biển Hormuz và Liên hợp quốc đều có thể tham gia HOPE. Động thái này của Iran nhằm khẳng định quyền bảo đảm an ninh của các nước vùng Vịnh đối với vùng biển thuộc khu vực này. Tehran đã nhiều lần khẳng định như vậy và bác bỏ sự can thiệp của bên ngoài, cụ thể là sự tham gia của Mỹ, trong các hoạt động bảo đảm an ninh tại vùng Vịnh. Mỹ đang cố gắng tập hợp một liên minh riêng do Mỹ đứng đầu nhằm bảo vệ Eo biển Hormuz cũng như các vùng biển khác tại vùng Vịnh khỏi cái mà Oa-sinh-tơn cho là mối đe dọa từ Iran. Tới nay, một số đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh như Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), A-rập Xê-út, Ba-ren, cùng Anh và Ô-xtrây-li-a tuyên bố tham gia liên minh. Một số nước như Pháp, Đức, Nhật Bản, Na Uy, Hàn Quốc, Iraq đã từ chối lời mời của Mỹ.

Những động thái từ phía Iran được đưa ra trong bối cảnh quốc gia Hồi giáo đối mặt nhiều thách thức về an ninh và kinh tế bởi leo thang căng thẳng với Mỹ. Oa-sinh-tơn mới đây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với lĩnh vực xây dựng và một số vật liệu nhất định bị cho là đang được sử dụng liên quan quân đội và chương trình tên lửa đạn đạo của Iran. Các biện pháp này nhằm gây khó khăn hơn nữa cho Tehran khi các “đòn trừng phạt” trước đó nhằm vào mạng lưới tài chính và ngành kinh tế chủ lực của Iran là xuất khẩu dầu mỏ.

“Chiến dịch gây sức ép tối đa” mà Mỹ tuyên bố sử dụng với Iran, trong đó có việc áp đặt các biện pháp trừng phạt, đã tác động tới nền kinh tế đang chồng chất khó khăn của Tehran. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế Iran sẽ suy giảm tới 9,5% trong năm nay, so với ước tính trước đó là giảm 6%, và mức tăng trưởng GDP thực tế của Iran được cho là sẽ gần bằng 0% vào năm tới. Dự báo, lạm phát của đồng nội tệ Iran là 35,7% vào năm nay và 31% vào năm tới. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Iran được cho là sẽ giảm xuống còn 60,3 tỷ USD trong năm 2019, so mức 103,2 tỷ USD của năm ngoái và sẽ tiếp tục giảm xuống còn 55,5 tỷ USD trong năm tiếp theo. Iran có thể thâm hụt ngân sách tài khóa ở mức 4,5% GDP trong năm 2019 và 5,1% trong năm 2020.

Mặc dù chịu áp lực từ Mỹ, song Iran vẫn duy trì những động thái đáp trả cứng rắn. Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Iran M.Vaezi mới đây tuyên bố, Iran chắc chắn sẽ thực hiện bước đi thứ tư nhằm giảm cam kết hạt nhân nếu các yêu cầu của Tehran không được đáp ứng trong các cuộc đàm phán với các thành viên còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Iran đã giảm một số cam kết khi tăng giới hạn làm giàu u-ra-ni vượt mức 3,67% và lượng u-ra-ni làm giàu thấp vượt ngưỡng 300 kg. Đại giáo chủ Iran A.Khamenei đã cấm tổ chức các cuộc đàm phán với Mỹ cho tới khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Lãnh tụ tối cao của Iran tuyên bố, Iran sẽ không đầu hàng trước sức ép của Mỹ. Iran khẳng định sẽ đáp trả bằng vũ lực ở mức độ cao nhất và mạnh mẽ nhất, không hạn chế trong phạm vi biên giới địa lý, nếu nước này bị xâm phạm. Tehran liên tiếp công bố các thành tựu về khoa học - công nghệ cũng như khẳng định có thể tự lực hoàn toàn trong ngành sản xuất và phát triển hạt nhân, nhằm khẳng định khả năng đối phó các mối đe dọa từ Mỹ.

Mặc dù cả Iran và Mỹ đều để ngỏ cánh cửa đối thoại cho nhau, song những động thái “ăn miếng, trả miếng” từ cả hai phía chỉ càng làm leo thang căng thẳng. Đối thoại thay đối đầu vẫn là biện pháp duy nhất có thể làm “hạ nhiệt” căng thẳng ở vùng Vịnh hiện nay.