Ẩn họa trong trạng thái mới

Mặc dù đại dịch Covid-19 vẫn nghiêm trọng ở nhiều nơi trên thế giới, song nhiều quốc gia phải chấp nhận “sống chung với Covid”, đưa nhiều lĩnh vực đời sống trở lại “trạng thái bình thường mới”. Tuy nhiên, việc duy trì trạng thái mới này cũng đối mặt không ít khó khăn và cả những “ẩn họa” khôn lường.

Trong tuần qua, chính sách chống Covid-19 của hàng loạt quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã có những điều chỉnh đáng chú ý nhằm đưa cuộc sống của người dân vào "trạng thái bình thường mới". Theo đó, nhiều nước châu Á và châu Âu đã mở cửa lại trường học sau một "kỳ nghỉ Covid" tưởng như dài bất tận. Tại Trung Quốc, khi năm học mới bắt đầu, sinh viên đại học đang trở lại ký túc xá ở thủ đô Bắc Kinh với các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Ủy ban Giáo dục thành phố Bắc Kinh cho biết, các trường đại học áp dụng biện pháp trên được phép mở cửa trở lại theo kế hoạch từ ngày 15-9. Chính quyền I-ran, Mông Cổ, Hồng Công (Trung Quốc) cũng cho phép học sinh tới trường vào năm học mới. Tại Ấn Ðộ, hơn 2 triệu sinh viên đeo khẩu trang đã bắt đầu kỳ thi vào các trường đại học y và kỹ thuật trên cả nước.

Tại Nga, Bỉ, Pháp, Anh..., giáo viên và học sinh trên 11 tuổi tựu trường phải đeo khẩu trang bắt buộc. Nhiều chính phủ khẳng định rằng họ phải cho học sinh đến trường trở lại bởi thanh, thiếu niên đang hổng rất nhiều bài học quan trọng. Việc tiếp tục giữ học sinh cách ly ở nhà chống dịch cũng tạo gánh nặng quá lớn cho cha mẹ khi họ phải đi làm.  Bộ trưởng Giáo dục Anh đánh giá việc học sinh trở lại trường là hết sức quan trọng không chỉ với giáo dục, mà còn với sự phát triển thể chất của trẻ.

Các hoạt động của người dân ở nhiều thành phố Ðông - Nam Á cũng từng bước được khôi phục. Tại Phi-li-pin, chính phủ vừa tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế, cho phép các phòng tập, tiệm cắt tóc và quán cà-phê in-tơ-nét ở thủ đô Ma-ni-la được phép mở cửa trở lại một phần. Theo quy định mới, thời gian giới nghiêm vào ban đêm cũng được rút ngắn ở phần lớn các thành phố chung quanh thủ đô Ma-ni-la và các tỉnh vùng xa. Trong khi đó, tại Gia-các-ta, Tổng thống In-đô-nê-xi-a G.Uy-đô-đô khẳng định tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát so với nhiều nước trên thế giới.

Các nước châu Âu từng là "tâm bão" của đại dịch, cũng đang từng bước đưa cuộc sống trở lại bình thường. Chính phủ Anh khuyến khích người dân ra ngoài ăn tối, nhằm kích cầu tiêu dùng, qua đó hỗ trợ ngành dịch vụ ăn uống hồi phục. Ngành hàng không ở nhiều nước cũng rục rịch tái khởi động sau một thời gian dài "ngủ đông" và chìm trong nợ nần, thua lỗ. Chính phủ Ga-na quyết định khôi phục đường bay quốc tế nhằm khôi phục tình trạng bình thường mới, bất chấp dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan. 

Tuy nhiên, việc vực dậy các ngành kinh tế và cả nền kinh tế đã "sức tàn lực kiệt" vì dịch bệnh thời gian qua, đồng thời bảo đảm đưa cuộc sống người dân trở lại trạng thái "bình thường mới" là thách thức không nhỏ với các chính phủ hiện nay. Ðối với các ngành hàng không, du lịch, việc thực hiện "mục tiêu kép" vừa bảo đảm hoạt động kinh doanh diễn ra bình thường, vừa ngăn các làn sóng Covid-19 tái phát là một bài toán nan giải. Man-đi-vơ là một thí dụ điển hình. Từ giữa tháng 7, Man-đi-vơ đã mở cửa trở lại các đảo nghỉ dưỡng sang trọng sau nhiều tháng phong tỏa và không yêu cầu du khách xét nghiệm hay trình chứng nhận không nhiễm Covid-19 khi nhập cảnh. Tuy nhiên, kể từ đó, 29 nhân viên người bản địa và 16 khách nước ngoài tại các khu nghỉ dưỡng đã nhiễm bệnh và đang được cách ly. Do vậy, gần đây chính quyền đảo quốc này đã phải siết chặt các yêu cầu về nhập cảnh đối với khách du lịch sau khi số ca nhiễm tăng cao tại hơn 10 khu nghỉ dưỡng.

Việc vực dậy các doanh nghiệp cũng khó khăn và chứa đựng nhiều rủi ro. Tại Ðức, hôm 2-9 vừa qua, Tổng Giám đốc điều hành của Deutsche Bank lên tiếng cảnh báo rằng viện trợ của Chính phủ Ðức giúp các công ty yếu kém ứng phó đại dịch Covid-19 có thể dẫn tới sự ra đời của "các công ty xác sống", theo đó sẽ tạo gánh nặng cho nền kinh tế Ðức. Bên cạnh đó "trạng thái bình thường mới" đòi hỏi sự phối hợp tích cực giữa các địa phương, các chính phủ. Chẳng hạn, các quy định chung về hàng không, du lịch quốc tế cần được các bên thống nhất, thỏa thuận theo hướng "có đi có lại". Việc khôi phục các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu cũng cần sự bàn bạc, nhất trí của các chính phủ để bảo đảm tất cả các "mắt xích" đều vận hành trơn tru.

Từ yêu cầu thực tế đặt ra nêu trên cho thấy, nếu muốn thế giới sớm bước vào trạng thái "bình thường mới" và duy trì được trạng thái này, tất cả các quốc gia đều phải quyết liệt ngăn chặn ẩn họa từ các làn sóng Covid-19 mới; đồng thời, "đồng tâm hiệp lực" để cùng vực dậy các ngành, lĩnh vực kinh tế.