Bình luận quốc tế

Xây dựng cộng đồng thịnh vượng

Các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vừa thông qua Tầm nhìn APEC đến năm 2040 tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 27. Với kết quả này, APEC đã hoàn tất thực hiện sáng kiến do Việt Nam khởi xướng và được thông qua tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 về định hướng xây dựng cộng đồng hòa bình và thịnh vượng trong khu vực.

Tầm nhìn APEC đến năm 2040 xác định mục tiêu là xây dựng "cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình, vì sự thịnh vượng chung của tất cả người dân và các thế hệ tương lai". Trong Tuyên bố Pu-tra-giay-a sau Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 27, các nhà lãnh đạo trong khu vực khẳng định cam kết tiếp tục sứ mệnh của APEC và nỗ lực đạt các mục tiêu trong Tầm nhìn, thông qua đẩy mạnh các trụ cột hợp tác nền tảng về thương mại, đầu tư mở và tự do, liên kết kinh tế khu vực, kết nối toàn diện, hợp tác kinh tế - kỹ thuật...

Các nhà lãnh đạo APEC cũng chỉ rõ ba động lực kinh tế và cũng là nền tảng quan trọng để thúc đẩy tầm nhìn dài hạn của Diễn đàn. Về thương mại và đầu tư, APEC khẳng định ủng hộ các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương hiệu quả, dòng chảy thương mại quốc tế ổn định, môi trường thương mại và đầu tư tự do, mở, công bằng, minh bạch. Về đổi mới và số hóa, APEC tiếp tục đẩy mạnh liên kết kinh tế, hướng tới xây dựng Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP); xây dựng môi trường thuận lợi phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất và tính năng động. Về tăng trưởng kinh tế, APEC thúc đẩy các chính sách tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, an toàn, bền vững và bao trùm, mang lại lợi ích cụ thể cho tất cả người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Những định hướng hợp tác dài hạn của APEC nêu trên được thông qua đúng thời điểm quan trọng với Diễn đàn. Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt khi đánh dấu mốc APEC hoàn tất thực hiện Mục tiêu Bô-go về thương mại và đầu tư, được các nhà lãnh đạo khu vực nhất trí tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ hai tại In-đô-nê-xi-a năm 1994. Ðồng thời, thông qua tầm nhìn mới, đưa Diễn đàn bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo, trong bối cảnh thế giới chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc dưới tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư.

Cam kết xuyên suốt của APEC kể từ khi hình thành năm 1989 là thúc đẩy thương mại, đầu tư và liên kết kinh tế trong khu vực. Mục tiêu Bô-go đặt thời hạn hoàn tất thực hiện các cam kết về thương mại, đầu tư tự do và mở vào năm 2010 đối với các thành viên phát triển và năm 2020 đối với các nền kinh tế đang phát triển. Với những nỗ lực bền bỉ, sau giai đoạn 15 năm triển khai Mục tiêu Bô-go, hầu hết các nền kinh tế thành viên đạt mức tăng trưởng mạnh về thương mại và đầu tư. Tổng giá trị thương mại hàng hóa và dịch vụ của APEC tăng gần bốn lần, với tốc độ tăng trung bình 6,9%/năm; lượng vốn FDI ra và vào khu vực cũng tăng trung bình 10%/năm, với mức đóng góp ngày càng lớn của các nền kinh tế đang phát triển; tăng trưởng GDP thực tế đạt 3,9%/năm, cao hơn mức tăng trung bình của thế giới.

Chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới trong thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21, các thành viên Diễn đàn tích cực trao đổi nhằm phác thảo tầm nhìn, định hướng dài hạn cho hợp tác APEC. Trên cương vị chủ nhà APEC năm 2017, Việt Nam đã đề xuất và thúc đẩy APEC xây dựng tầm nhìn sau năm 2020, nhằm duy trì vai trò của châu Á - Thái Bình Dương là động lực tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu, khẳng định vị thế của APEC là diễn đàn kinh tế hàng đầu, với định hướng hoạt động hướng tới người dân và doanh nghiệp, ở khu vực vốn đại diện cho khoảng 39% dân số thế giới, đóng góp tới 59% GDP và 49% giá trị thương mại toàn cầu.

Tầm nhìn APEC đến năm 2040 vừa được thông qua phản ánh rõ rệt quyết tâm và nỗ lực của các nền kinh tế thành viên hướng tới một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hợp tác, vì sự thịnh vượng chung. Sự kiện này đánh dấu thành công của chặng đường thực hiện Mục tiêu Bô-go, trong đó có dấu ấn đóng góp của Việt Nam, với tư cách một thành viên chủ động, tích cực của Diễn đàn.

VŨ HÀ