Bình luận quốc tế

Thông điệp đoàn kết

Tại cuộc họp khẩn mới đây, các thành viên Liên đoàn A-rập (AL) tái khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn đối với Nhà nước Pa-le-xtin độc lập.

Sự đoàn kết trong AL tiếp thêm động lực khích lệ người Pa-le-xtin tiếp tục cuộc đấu tranh giành các quyền tự quyết và các quyền cơ bản, cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Ðông, tháo gỡ bế tắc đang cản trở đàm phán giữa I-xra-en và Pa-le-xtin.

Cuộc họp khẩn của AL diễn ra tại Ai Cập, trong bối cảnh tình hình khu vực có nhiều biến động. Khối A-rập thừa nhận thời gian qua chịu nhiều thách thức, gồm cả rạn nứt về ý thức hệ và vấn đề chính trị, trong khi các nhóm khủng bố lợi dụng khoảng trống an ninh ở một số quốc gia. Tác động của đại dịch Covid-19 tạo thêm nhiều gánh nặng về kinh tế - xã hội cho các quốc gia A-rập. Việc một số nước A-rập bình thường hóa quan hệ với I-xra-en dấy lên không ít những hoài nghi về quan điểm thống nhất của khối trong vấn đề Pa-le-xtin. Trong khi đó, hoạt động đơn phương của I-xra-en trên các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Pa-le-xtin đã cản trở việc khôi phục đàm phán hòa bình. Bởi thế, cuộc họp là cơ hội để các nước AL đối thoại cởi mở, minh bạch nhằm khẳng định lại tinh thần đoàn kết, coi đây là ưu tiên trong việc thiết lập hòa bình ở Trung Ðông.

Trước những thách thức khó lường, các thành viên AL đã khẳng định tăng cường đoàn kết và khôi phục sự đồng thuận hoàn toàn ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của người Pa-le-xtin. Việc thành lập một Nhà nước Pa-le-xtin độc lập, có chủ quyền, với thủ đô là Ðông Giê-ru-xa-lem, tiếp tục là mục tiêu chủ chốt mà các nước A-rập theo đuổi. Nghị quyết mà AL vừa thông qua khẳng định về các quyền hợp pháp của người Pa-le-xtin và nhấn mạnh rằng, sự ổn định trong khu vực chỉ đạt được nếu có một nền hòa bình lâu dài và toàn diện, dựa trên một giải pháp công bằng, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người Pa-le-xtin.

Vấn đề Pa-le-xtin tiếp tục là trọng tâm trong chương trình nghị sự của khối A-rập, việc nối lại đàm phán hòa bình I-xra-en - Pa-le-xtin cũng nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) A.Gu-tê-rét kêu gọi I-xra-en và Pa-le-xtin kiềm chế bất cứ hành động đơn phương nào có thể gây nguy hiểm cho việc tổ chức hội nghị quốc tế nhằm tái khởi động tiến trình hòa bình Trung Ðông. LHQ khẳng định ủng hộ lời kêu gọi của Tổng thống Pa-le-xtin về triệu tập hội nghị quốc tế trong năm nay, với sự tham dự của các thành viên nhóm bộ tứ về Trung Ðông và Hội đồng Bảo an LHQ.

Ðàm phán hòa bình giữa I-xra-en và Pa-le-xtin cũng đứng trước cơ hội được nối lại, khi chính quyền Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn có những bước đi đầu tiên nhằm tháo gỡ bế tắc trong tiến trình hòa bình Trung Ðông và chính quyền Pa-le-xtin (PA) đã nối lại tiếp xúc với Chính phủ Mỹ sau hơn ba năm gián đoạn. Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn ngay sau khi nhậm chức đã công bố dự định khôi phục các chương trình viện trợ của Mỹ về hỗ trợ nhân đạo và phát triển kinh tế dành cho người Pa-le-xtin, đồng thời tiến hành các thủ tục nhằm mở lại các phái đoàn ngoại giao vốn bị chính quyền tiền nhiệm đóng cửa. Giới lãnh đạo Pa-le-xtin hoan nghênh dự định của chính quyền mới ở Mỹ về mở lại văn phòng của Tổ chức Giải phóng Pa-le-xtin (PLO) ở thủ đô Oa-sinh-tơn. Cam kết của chính quyền Tổng thống G.Bai-đơn theo đuổi "giải pháp hai nhà nước" là tín hiệu tích cực nhằm cải thiện quan hệ vốn bị đóng băng giữa Pa-le-xtin với Mỹ, đưa Mỹ trở lại với vai trò trung gian quan trọng trong tiến trình hòa bình Trung Ðông.

Các nước A-rập gửi đi thông điệp đoàn kết trong vấn đề Pa-le-xtin góp thêm động lực mạnh mẽ để người Pa-le-xtin tiếp tục cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc. Trong bối cảnh các cuộc đàm phán hòa bình I-xra-en - Pa-le-xtin đang được cộng đồng quốc tế nỗ lực thúc đẩy và với những điều kiện thuận lợi như hiện nay, hòa bình Trung Ðông được kỳ vọng có thể khởi động lại, trên một chặng đường mới, dù không ít chông gai.

BẢO ANH