Bình luận quốc tế

"Ngã tư đường"

Sau chuyến thăm Nga mới đây, Cao ủy phụ trách An ninh và đối ngoại Liên hiệp châu Âu (EU) G.Bo-ren đã bình luận về mối quan hệ song phương Nga - EU rằng: "Chúng ta đang ở ngã tư đường".

Bình luận này đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Mát-xcơ-va và Brúc-xen tiếp tục xuống dốc và chưa có dấu hiệu được cải thiện.

Quan hệ Nga - EU đã trở nên lạnh nhạt từ năm 2014 sau những căng thẳng liên quan khu vực phía đông U-crai-na. Nhiều nhà phân tích nhận định, mối quan hệ này hiện ở mức thấp nhất kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh. Những động thái gần đây cũng cho thấy hai bên dường như đang "ngắt kết nối" trong quan hệ song phương. Ngay sau khi ông G.Bo-ren kết thúc chuyến thăm Nga, nước này đã trục xuất ba nhà ngoại giao châu Âu để trả đũa việc ba nhà ngoại giao của Nga bị EU trục xuất trước đó. Gần đây, Nga cũng đã bày tỏ lập trường cứng rắn phản đối các lệnh trừng phạt của EU nhằm vào Mát-xcơ-va. Mới đây, lần đầu tiên sau 30 năm, quân đội Nga đã từ chối lời mời tham gia một hội thảo an ninh châu Âu. Bộ trưởng Ngoại giao Nga X.La-vrốp thậm chí còn tuyên bố rằng nước này "sẵn sàng cắt đứt hoàn toàn quan hệ" nếu EU tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt hà khắc với Mát-xcơ-va. Trong khi đó, phía EU cũng chưa thể hiện động thái tích cực cải thiện quan hệ với Nga. Tháng 3 vừa qua, Nghị viện châu Âu thậm chí còn ra một nghị quyết tuyên bố Nga không còn là một "đối tác chiến lược" của khối này.

Các phản ứng từ hai phía cho thấy, dường như Nga và EU đều đang trong thời kỳ "vỡ mộng" về nhau trong mối quan hệ phức tạp giữa hai đối tác này. Bên cạnh đó, việc lòng tin chính trị sa sút, những thay đổi của bối cảnh thế giới và sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của hai bên cũng khiến Nga và EU khó tìm được tiếng nói chung. Về phía Nga, gần đây nước này chủ trương theo đuổi các hoạt động đối ngoại đa phương, theo đó hạn chế chính sách đối ngoại tập trung vào châu Âu như trước đây. Mối quan tâm của Nga hiện hướng tới nhiều khu vực khác ngoài "lục địa già". Trong khi đó, EU cũng có sự thay đổi trong cách tiếp cận với nước Nga. Sau những căng thẳng giữa hai bên liên quan tình hình miền đông U-crai-na, EU đã theo đuổi các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga và ngăn chặn ảnh hưởng chính trị của Nga trong khu vực. Trên thực tế những biện pháp trừng phạt của EU và các nước phương Tây nhằm vào "xứ sở bạch dương" những năm qua đã cản bước tăng trưởng kinh tế, gây áp lực với chính phủ và tác động tới tầm ảnh hưởng của Nga ở nước ngoài.

Nhận định về triển vọng quan hệ Nga - EU thời gian tới, giới phân tích cho rằng hai bên chưa thể sớm "hâm nóng" mối quan hệ song phương đang nhiều sóng gió như hiện nay. Ngay cả những "người trong cuộc" cũng thiếu niềm tin về việc tái khởi động mối quan hệ Nga - EU theo hướng tích cực. Sau chuyến thăm Nga vừa qua, Cao ủy phụ trách An ninh và đối ngoại EU nhận định rằng cuộc gặp giữa ông và Bộ trưởng Ngoại giao Nga cho thấy hai bên đang "rời xa nhau".

Trong bối cảnh quan hệ giữa các nước lớn trên thế giới phức tạp như hiện nay và một cuộc chiến tranh lạnh mới đang manh nha hình thành, việc Nga và EU chưa thể hàn gắn quan hệ song phương sẽ đẩy EU ngày càng xích lại gần hơn với các đối tác khác. Theo các nhà phân tích, việc quan hệ giữa các đối tác lớn Nga - EU "cơm không lành, canh chẳng ngọt" như trên không chỉ gây tổn hại đến lợi ích của cả hai bên, mà còn bất lợi cho cộng đồng quốc tế trong giải quyết, đối phó các thách thức chung của toàn cầu như chống biến đổi khí hậu, tự do hóa thương mại, giải quyết các điểm nóng xung đột vũ trang...

MINH TRUNG