Bình luận quốc tế

Mục tiêu tham vọng

Gói kích thích kinh tế khổng lồ được Quốc hội Mỹ thông qua đã khích lệ Tổng thống G.Bai-đơn tiếp tục tung ra kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, trị giá hơn 2.000 tỷ USD, mà ông gọi là "khoản đầu tư trăm năm có một".

Tuy nhiên, đề xuất mới sẽ không dễ được chấp thuận, với các khoản đầu tư chủ yếu lấy từ nguồn tăng thuế doanh nghiệp, một trong những vấn đề nhạy cảm, luôn gây tranh cãi tại Mỹ.

Trong phát biểu chính thức lần đầu trên cương vị mới, hôm 5-4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ G.Y-ê-len đề xuất ý tưởng áp mức thuế tối thiểu trên toàn cầu đối với các công ty đa quốc gia, nhằm ngăn chặn sự cạnh tranh thiếu lành mạnh. Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhấn mạnh, chính quyền Tổng thống G.Bai-đơn đang nỗ lực chấm dứt "cuộc đua xuống đáy" về thuế suất doanh nghiệp trên toàn cầu, thông qua hợp tác với các nước thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nhằm đạt được một thỏa thuận về mức thuế tối thiểu toàn cầu. Theo Nhà trắng, loại thuế suất này bảo đảm một sân chơi bình đẳng hơn, cũng như thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và tăng trưởng, thịnh vượng.

Theo quan chức tài chính hàng đầu của Mỹ, với việc áp thuế các tập đoàn siêu khổng lồ và tăng thuế doanh nghiệp, quốc gia có thể tăng nguồn thu để phục vụ người dân. Ðiều quan trọng là, chính phủ cần bảo đảm có hệ thống thuế ổn định để tăng đầu tư vào hệ thống dịch vụ công thiết yếu và ứng phó khủng hoảng, đồng thời mọi công dân đều chia sẻ gánh nặng tài chính với chính phủ.

Ý tưởng nêu trên được Bộ trưởng Tài chính Mỹ đưa ra trong bối cảnh Tổng thống G.Bai-đơn vừa công bố một dự án đầy tham vọng về đầu tư phát triển hạ tầng và tạo việc làm tại Mỹ, đi kèm một loạt đề xuất thay đổi trong chính sách thuế, theo hướng tăng thuế suất áp với doanh nghiệp. Bởi thế, đề xuất của quan chức tài chính Mỹ được xem như động thái mở đường, thúc đẩy gói biện pháp kinh tế mới nhất của Tổng thống G.Bai-đơn được thông qua tại Quốc hội Mỹ.

Tiếp nối gói hỗ trợ kinh tế thời đại dịch Covid-19 được Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 3, kế hoạch đầu tư hạ tầng khổng lồ được Tổng thống G.Bai-đơn công bố tuần trước tại Pít-xbớc, nơi nền kinh tế địa phương có sự chuyển dịch rõ rệt từ các ngành truyền thống như cơ khí và khai mỏ, sang y tế và công nghệ. Gọi kế hoạch nêu trên là tầm nhìn nhằm tạo ra nền kinh tế mạnh nhất, linh hoạt nhất và sáng tạo nhất thế giới, ông Bai-đơn nhấn mạnh, đây là dự án đầu tư cho việc làm lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai và là "khoản đầu tư trăm năm có một". Sau vài chục năm nữa, người Mỹ sẽ nhìn lại và thừa nhận đó là khoản đầu tư đúng đắn cho tương lai.

Với khoản chi dự kiến hơn 2.000 tỷ USD, gói đầu tư cơ sở hạ tầng được thực hiện trong gần 10 năm, với các hạng mục chính là nâng cấp hạ tầng giao thông, cảng biển, sân bay, phương tiện công cộng, mạng lưới điện; mở rộng truy cập băng thông rộng; xây dựng và cải tạo nhà ở xã hội; tăng đầu tư cho trường học, đào tạo nghề, hoạt động nghiên cứu phát triển... Một số mục tiêu cụ thể đã được nêu trong kế hoạch, như hiện đại hóa 20.000 dặm đường giao thông, 10.000 cây cầu, hay xây 500.000 nhà cho người thu nhập thấp... Ước tính, với khối lượng công việc khổng lồ như vậy, hàng triệu việc làm mới, mang lại thu nhập tốt cho người Mỹ sẽ được tạo ra.

Nhiều phản ứng tích cực đã rộ lên sau khi dự án đầu tư mới của Tổng thống G.Bai-đơn được công bố. Giới đầu tư lạc quan. Chỉ số hoạt động sản xuất của Mỹ tăng điểm. Thị trường chứng khoán Mỹ khởi sắc khi bắt đầu quý mới.

Tuy nhiên, triển vọng thông qua gói đầu tư mới không dễ dàng. Tại Quốc hội, đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện, song giữ thế đa số mong manh tại Thượng viện. Quan trọng hơn, nguồn đầu tư cho dự án phụ thuộc vào kế hoạch tăng thuế doanh nghiệp, trong đó Nhà trắng đề xuất tăng thuế suất lên 28% và thiết lập mức thuế tối thiểu trên toàn cầu. Ðây sẽ là rào cản lớn nhất, khi đề xuất tăng thuế luôn bị giới doanh nghiệp Mỹ phản đối.

NINH SƠN