Bình luận quốc tế

"Ðình chiến"

Sau nhiều tranh cãi, cuối tuần qua, EU và Mỹ tuyên bố "đình chiến"  trong cuộc chiến trợ giá cho hai hãng sản xuất máy bay Airbus của châu Âu và Boeing của Mỹ.

Ðộng thái này giúp giảm bớt khó khăn cho các nhà sản xuất máy bay đang điêu đứng vì dịch bệnh, đồng thời cho thấy căng thẳng quan hệ thương mại xuyên Ðại Tây Dương đã bắt đầu hạ nhiệt.

Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) đã áp thuế trả đũa lẫn nhau do bất đồng kéo dài 16 năm qua liên quan trợ cấp của các chính phủ hai bên đối với hãng sản xuất máy bay châu Âu Airbus và đối thủ Boeing của Mỹ. Theo đó, phía Mỹ áp thuế nhập khẩu 15% đối với máy bay Airbus từ năm 2019 sau cuộc tranh chấp kéo dài khiến hai bên phải đưa vụ việc này lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Sau đó, EU đáp trả phía Mỹ bằng mức thuế tương ứng đối với máy bay Boeing. "Cuộc chiến thuế" giữa hai bên còn lan sang các mặt hàng rượu vang, rượu uýt-xki và các hàng hóa khác.

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) U.Lây-en vừa thông báo, EU và Mỹ nhất trí tạm ngừng áp thuế trả đũa trong vòng bốn tháng liên quan cuộc tranh cãi về vấn đề trợ cấp cho hai hãng sản xuất máy bay Airbus và Boeing. Thông cáo của EC dẫn lời bà U.Lây-en nêu rõ, hai bên nhất trí tạm ngừng mọi khoản thuế đã áp đặt liên quan tranh cãi Airbus - Boeing, gồm các mặt hàng máy bay và các hàng hóa khác, trong thời gian bốn tháng. 

Việc các nhà lãnh đạo ở hai bên bờ Ðại Tây Dương quyết định ngừng áp thuế theo kiểu "ăn miếng trả miếng" đối với máy bay và các hàng hóa khác cũng đồng thời giúp giảm bớt khó khăn cho các nhà sản xuất máy bay đang điêu đứng vì dịch bệnh. Cuối tháng 2 vừa qua, Giám đốc điều hành của hãng sản xuất máy bay châu Âu Airbus G.Phao-ri lên tiếng kêu gọi hai bên ngừng áp thuế trả đũa lẫn nhau và ông cho rằng, "cuộc chiến thuế" Mỹ - EU đã làm trầm trọng thêm thiệt hại do cuộc khủng hoảng Covid-19 gây ra đối với cả hai bên. Thống kê của Airbus cho thấy, hãng này lỗ ròng 1,3 tỷ USD trong năm 2020, trong khi đó, Boeing có kết quả kinh doanh đáng buồn khi tổng thiệt hại trong cả năm 2020 lên đến 11,9 tỷ USD.

Giới phân tích nhận định rằng, việc Mỹ và EU "đình chiến" trong cuộc chiến trợ giá máy bay nêu trên cho thấy, sau khi nước Mỹ có Tổng thống mới, căng thẳng quan hệ thương mại xuyên Ðại Tây Dương đã bắt đầu hạ nhiệt. Dưới thời cựu Tổng thống Ð.Trăm, quan hệ thương mại Mỹ - EU liên tục xuống dốc. Oa-sinh-tơn áp thuế đối với 7,5 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ EU.

Ðáp lại, EU áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ trị giá bốn tỷ USD. Bởi vậy, giới lãnh đạo châu Âu đã phản ứng tích cực trước thông tin hai bên "đình chiến" trong cuộc chiến thuế đánh vào hàng hóa của nhau nêu trên. Cuối tuần qua, Bộ Thương mại Pháp hoan nghênh thỏa thuận giữa EU và Mỹ, cho rằng đây "là một bước đi đầu tiên trong tiến trình giảm leo thang". Các nước thành viên EU sẽ cân nhắc đưa ra những quy định mới về vấn đề trợ cấp công cho lĩnh vực hàng không vũ trụ.

Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh nước Mỹ đang đối mặt với các thách thức gay gắt chưa từng có như hiện nay, còn EU nhọc nhằn tìm cách vượt qua khủng hoảng kinh tế và dịch bệnh; việc hai bên "hạ nhiệt" căng thẳng thương mại có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phục hồi kinh tế khu vực và toàn cầu. Bên cạnh đó, sự kiện ngừng áp thuế lẫn nhau nêu trên còn mở đường cho Mỹ và EU khôi phục, phát triển nhiều nội dung hợp tác toàn cầu khác về an ninh, chống biến đổi khí hậu… đã bị đình trệ hoặc gián đoạn trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ Ð. Trăm.

THĂNG LONG