Bình luận quốc tế

Bước khởi đầu gian nan

Tổng thống Mỹ Ð.Trăm đã ca ngợi lễ ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa I-xra-en với Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) và Ba-ren là "bình minh của Trung Ðông mới", coi đây là "thời khắc lịch sử" dọn đường cho các bước tiếp theo tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa Nhà nước Do thái với các quốc gia A-rập.

Dù được coi là thành tựu đối ngoại của Tổng thống Ð.Trăm trong vai trò trung gian, song việc thỏa thuận này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Pa-le-xtin và một số nước trong khu vực khiến các kế hoạch của chính quyền Oa-sinh-tơn đối với Trung Ðông đứng trước nhiều thách thức.

Chủ trì lễ ký thỏa thuận giữa Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ni-a-hu với các Bộ trưởng Ngoại giao UAE và Ba-ren, Tổng thống Mỹ Ð.Trăm đã hết lời ca ngợi động thái bình thường hóa quan hệ giữa I-xra-en với hai quốc gia A-rập ở vùng Vịnh. Ðây là kết quả của quá trình đàm phán do Tổng thống Ð.Trăm làm trung gian. Ông còn tiết lộ sẽ có thêm khoảng năm hoặc sáu quốc gia A-rập sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với I-xra-en.

Với các thỏa thuận này, cơ hội hợp tác mới về kinh tế thương mại giữa hai bên sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ khi những chuyến bay thẳng được kết nối. Ðối với I-xra-en, thỏa thuận với hai quốc gia A-rập giúp Nhà nước Do thái thoát khỏi thế bị cô lập ở khu vực. Ðối với UAE và Ba-ren, việc thúc đẩy quan hệ với I-xra-en, đồng minh chiến lược của Mỹ ở Trung Ðông, giúp hai quốc gia A-rập ở vùng Vịnh củng cố vững chắc hơn mối quan hệ với Mỹ, vốn cam kết bảo đảm "chiếc ô an ninh" cho các đồng minh trước "mối đe dọa" từ I-ran.

Tuy nhiên, việc UAE và Ba-ren lựa chọn quan hệ với I-xra-en đồng nghĩa đã bỏ qua vấn đề cốt lõi trong mối quan hệ giữa I-xra-en với khối A-rập là giải quyết cuộc xung đột I-xra-en và Pa-le-xtin dựa trên giải pháp hai nhà nước. Mặc dù UAE khẳng định việc I-xra-en trì hoãn kế hoạch sáp nhập khu Bờ Tây theo thỏa thuận sẽ không gây tổn hại thêm nữa cho giải pháp hai nhà nước đối với cuộc xung đột I-xra-en - Pa-le-xin, song điều này không thể thuyết phục được Pa-le-xtin. Các nhà lãnh đạo Pa-le-xtin coi việc UAE và Ba-ren quyết định bình thường hóa quan hệ với I-xra-en là "sự phản bội" đối với sự nghiệp của người Pa-le-xtin nhằm chấm dứt sự chiếm đóng của I-xra-en, phá vỡ nhiều thập kỷ đồng thuận trong thế giới A-rập rằng một thỏa thuận hòa bình với Pa-le-xtin là một điều kiện tiên quyết cho việc bình thường hóa quan hệ với Nhà nước Do thái. Thủ tướng Pa-le-xtin cho rằng, sự kiện này đánh dấu "một ngày đen tối" đối với khối A-rập. Trong khi đó, I-ran, quốc gia từng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ba-ren, đồng thời hạ cấp quan hệ với UAE, cũng lên tiếng phản đối thỏa thuận mà hai nước này ký với I-xra-en, đồng thời cảnh báo những hậu quả khôn lường của việc ký kết.

Cả I-xra-en, Ba-ren, UAE và Mỹ đều khẳng định việc mở ra đối thoại và quan hệ trực tiếp giữa hai xã hội năng động và các nền kinh tế tiên tiến sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển mình tích cực của Trung Ðông, cũng như tăng cường ổn định, an ninh và thịnh vượng tại khu vực. I-xra-en cho đây là bước đột phá lớn nhất trong quan hệ giữa I-xra-en với khối A-rập trong 26 năm qua. Thúc đẩy bình thường hóa quan hệ giữa khối A-rập và I-xra-en cũng nằm trong mục tiêu xây dựng liên minh mới tại Trung Ðông của Tổng thống Mỹ Ð.Trăm, trong bối cảnh Oa-sinh-tơn thực hiện chính sách "Nước Mỹ trước tiên" và chuyển dịch ưu tiên chiến lược sang Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Quan điểm của người đứng đầu Nhà trắng là "các quốc gia Trung Ðông không thể chờ đợi sức mạnh Mỹ", mà việc thành lập các liên minh khu vực, bao gồm các đồng minh của Mỹ, sẽ rất quan trọng và hiệu quả, nhằm giúp củng cố sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Oa-sinh-tơn ở Trung Ðông. Tuy nhiên, Mỹ còn phải thuyết phục đồng minh chủ chốt ở khu vực là A-rập Xê-út trong vấn đề bình thường hóa quan hệ với I-xra-en, trong bối cảnh Sáng kiến hòa bình A-rập năm 2002 do Ri-i-át đề xuất tiếp tục được khối A-rập ủng hộ để giải quyết cuộc xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin.

Các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa I-xra-en với hai quốc gia A-rập được coi là bước khởi đầu mới cho quan hệ hợp tác giữa hai bên, song không dễ dàng gì để thực hiện tham vọng của Mỹ trong việc cải thiện quan hệ giữa I-xra-en và khối A-rập. "Bắt tay hợp tác" là xu hướng mà cộng đồng quốc tế hướng tới, song để thật sự mang lại "bình minh" cho Trung Ðông thì phải có một giải pháp toàn diện và được cả hai phía chấp thuận cho cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỷ qua giữa I-xra-en và Pa-le-xtin.

MỸ ANH