Ðừng để quá muộn

Kinh tế I-xra-en chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, với GDP giảm sâu nhất trong 20 năm qua; Thủ tướng B.Nê-ta-ni-a-hu vướng vào những rắc rối pháp lý; Kế hoạch của Ten A-víp sáp nhập một số vùng lãnh thổ ở Bờ tây vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế... đang là những thách thức thử thách chính phủ mới ở I-xra-en.

Dịch Covid-19 giáng đòn mạnh vào nền kinh tế I-xra-en. Theo Ủy ban Thống kê trung ương I-xra-en, GDP của nước này trong quý I-2020 giảm 7,1% so với quý trước đó và là mức giảm GDP sâu nhất trong 20 năm vừa qua. Ðại dịch khiến hơn một triệu người I-xra-en lâm vào cảnh thất nghiệp và cũng là con số chưa từng có trong lịch sử nước này. Với hơn 840 nghìn người đăng ký thất nghiệp trong tháng 3 vừa qua, I-xra-en hiện có tới 24,1% số người lao động không có việc làm. Ðể kéo nền kinh tế ra khỏi khủng hoảng, Chính phủ I-xra-en đã phê duyệt gói hỗ trợ tài chính bổ sung, trị giá khoảng bốn tỷ USD. Với gói đề xuất mới, tổng chi cho các gói hỗ trợ đã lên tới 28 tỷ USD. Số tiền này nhằm giúp phục hồi hoạt động của doanh nghiệp và thúc đẩy tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Trong khi đó, tuyên thệ nhậm chức chưa bao lâu, Thủ tướng B.Nê-ta-ni-a-hu đã phải hầu tòa vì những cáo buộc nhận hối lộ, gian lận và lạm dụng lòng tin. Nhà lãnh đạo 70 tuổi cho rằng, các đối thủ dùng những "cáo buộc vô lý" hòng lật đổ ông, loại bỏ phe cánh hữu khỏi vai trò lãnh đạo tại I-xra-en. Mặc dù khẳng định vẫn "đứng vững" và sẽ tiếp tục lãnh đạo quốc gia, song ông Nê-ta-ni-a-hu không tránh khỏi những rắc rối và bất lợi.

Kế hoạch sáp nhập một số khu vực bị chiếm đóng của Pa-le-xtin tại Bờ tây và thung lũng Gioóc-đan là cam kết trong thỏa thuận thành lập chính phủ liên hiệp ở I-xra-en. Ðây cũng là nội dung cốt lõi trong chiến lược tranh cử của ông Nê-ta-ni-a-hu trong ba cuộc bầu cử vừa qua. Sau khi nhậm chức, chính phủ mới bắt tay ngay chuẩn bị cho kế hoạch sáp nhập vào tháng 7 tới. Tuy nhiên, kế hoạch này của I-xra-en đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ. Chính quyền Pa-le-xtin (PA) cho rằng, hoạt động sáp nhập của I-xra-en sẽ hủy hoại giải pháp hai nhà nước. PA tuyên bố chấm dứt Hiệp định hòa bình Ô-xlô Chính phủ I-xra-en và Tổ chức Giải phóng Pa-le-xtin (PLO) ký năm 1993, trong đó bao gồm mọi thỏa thuận hợp tác an ninh và quan hệ dân sự giữa hai bên. Nhiều quốc gia A-rập cảnh báo, việc I-xra-en thực hiện sáp nhập các vùng lãnh thổ chiếm đóng là vi phạm luật pháp quốc tế và cản trở tiến trình hòa bình khu vực.

Liên hiệp châu Âu (EU) cũng dọa áp đặt trừng phạt I-xra-en liên quan kế hoạch sáp nhập các vùng lãnh thổ của Pa-le-xtin. Cả trong thông điệp chúc mừng chính phủ mới ở I-xra-en, Ðại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại G.Bo-ren cũng cảnh báo về ý định đơn phương của Ten A-víp. Bộ Ngoại giao Pháp khẳng định lại cam kết ủng hộ một giải pháp lâu dài, bình đẳng cho cuộc xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin và nhấn mạnh, kế hoạch của I-xra-en sẽ gây tổn hại mối quan hệ EU - I-xra-en. Ðức cũng nhắc lại quan điểm ủng hộ giải pháp hai nhà nước, qua việc thành lập Nhà nước Pa-le-xtin độc lập dựa trên đường biên giới trước năm 1967, với thủ đô là Ðông Giê-ru-xa-lem. Trong khi chính quyền Tổng thống Ð.Trăm "bật đèn xanh" cho kế hoạch sáp nhập của đồng minh I-xra-en, ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ G.Bai-đơn đã phản đối mạnh mẽ ý định của Ten A-víp.

Giải quyết khó khăn trong nước, trước mắt là đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái, là một nhiệm vụ nặng nề với chính phủ mới ở I-xra-en. Trong khi đó, những chính sách của chính phủ phái hữu tiền nhiệm vốn đã gây nhiều tranh cãi, nay sự phản đối của cộng đồng quốc tế với các "hành động đơn phương" của I-xra-en trong giải quyết cuộc xung đột với Pa-le-xtin gây thêm bất lợi cho Thủ tướng B.Nê-ta-ni-a-hu.

Liên hợp quốc nêu rõ, nếu phớt lờ cảnh báo của cộng đồng quốc tế, tiếp tục thực hiện kế hoạch sáp nhập, I-xra-en sẽ khoét sâu thù hận với người Pa-le-xtin. Từ bỏ kế hoạch sáp nhập, dừng lại trước khi quá muộn, mới giúp khu vực Trung Ðông tránh bị cuốn vào một vòng xoáy xung đột mới.