Yếu tố quyết định là sự lãnh đạo của Đảng

Đâu là yếu tố quyết định thành tựu mọi mặt của Việt Nam trong các năm qua? Đó là câu hỏi mà báo chí phương Tây cố gắng tìm hiểu, lý giải và câu trả lời chủ yếu đề cập vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong nỗ lực tổ chức, quản lý, điều hành sự phát triển đất nước. Về vấn đề này, từ CHLB Đức, tác giả Hồ Ngọc Thắng đã gửi tới Báo Nhân Dân bản trích dịch hai bài báo có nội dung liên quan. Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc để tham khảo.

Yếu tố quyết định là sự lãnh đạo của Đảng

"Năm 2020 đáng nguyền rủa và hát ka-ra-ô-kê tại Hà Nội" là tên bài báo đăng ngày 18-12-2020 trên tờ Thế giới trẻ (Junge Welt) ở Béc-lin. Bài báo viết: "Trong khi Mỹ cho biết số ca nhiễm và tử vong mới vì Covid-19 mỗi ngày, và EU phải thực hiện các biện pháp ngày càng cứng rắn để ngăn chặn đại dịch, thì người dân ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đang ăn mừng sự trở lại với cuộc sống bình thường. TP Hồ Chí Minh đã thu hút du khách từ chính đất nước mình, với lời mời gọi trên trang điện tử của thành phố: "Bạn sẽ tìm thấy các địa điểm lý tưởng tổ chức lễ hội tại đây để trải nghiệm những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong mùa Giáng sinh năm nay cùng người thân và bạn bè". Đầu tuần trước, nhà hát ô-pê-ra của thành phố mở màn chương trình mùa đông với vở ba-lê "Kẹp hạt dẻ" của Trai-cốp-xki. Khán giả chỉ phải đo nhiệt độ, được yêu cầu khử trùng bàn tay, đeo khẩu trang khi xem biểu diễn.

Một nữ blogger Việt Nam là giáo viên đã viết trên Facebook: "Ở các tỉnh của chúng tôi, cuộc sống đã trở lại bình thường từ lâu. Ở Hà Nội, khẩu trang vẫn được yêu cầu đeo ở các trung tâm mua sắm, bến xe, trên phương tiện giao thông công cộng và ở những nơi có nhiều người tụ tập trong một không gian chật hẹp. Ngoài ra không còn hạn chế nào nữa". Một người khác bổ sung thêm: "Người ta muốn bỏ lại năm 2020 đáng nguyền rủa ở phía sau và hy vọng khoảng thời gian tốt đẹp trước khi đón Tết Nguyên đán của Việt Nam". Khách sạn, quán cà-phê ở đường phố, quán ăn, trung tâm mua sắm, quán ka-ra-ô-kê đều mở cửa. Số người chết liên quan đến Covid-19 rất thấp, duy trì ở mức 35 người trong nhiều tháng, các ca lây nhiễm mới đều từ ngoài vào, như báo chí đưa tin, đó là số người có kết quả dương tính khi nhập cảnh vào Việt Nam. Trong trường hợp này, họ phải được cách ly trong các cơ sở đặc biệt, được kiểm dịch nghiêm ngặt. Việt Nam cũng đối phó với khủng hoảng kinh tế tốt hơn nhiều nước khác trong khu vực Đông - Nam Á và toàn thế giới. "Nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương 2,1% tính theo giá trị thực trong ba quý đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước", Hiệp hội Ngoại thương Đức (GTAI) viết trên trang chủ của mình vào ngày 27-11-2020. Tăng trưởng chủ yếu được thực hiện bởi nhu cầu trong nước và đầu tư cao hơn của Nhà nước. Ngành công nghiệp giày, dệt may của đất nước này, vốn bị lay động bởi các biện pháp giãn cách xã hội ở EU và Mỹ, đã lấy lại được vị thế. Hiệp hội Công nghiệp dệt may Việt Nam đưa ra số liệu xuất khẩu mạnh mẽ cho năm 2020, dự kiến sẽ có thêm đơn đặt hàng vào năm 2021. "Đại dịch khuyến khích các công ty địa phương kết nối với nhau để bảo đảm nguồn cung cấp và thiết lập các hoạt động sản xuất chung. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các công ty nhỏ hơn vì họ có thể sử dụng công nghệ tốt hơn, và chia sẻ máy móc", đó là giải thích trên báo điện tử Vietnam News bởi Đỗ Quỳnh Chi ở Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. "Sự tăng cường hợp tác cũng giúp người nông dân vượt qua khủng hoảng rất tốt. Bộ Kế hoạch và Đầu tư muốn phát triển kinh tế hợp tác xã trở lại, và những khuyến nghị đối với các công ty vừa và nhỏ cung cấp các bộ phận, linh kiện cho các công ty nước ngoài như một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đi theo hướng tương tự. Trong tương lai, họ nên thiết lập danh mục sản phẩm của mình theo cách đa dạng hơn, mối quan hệ kinh doanh với các công ty và ngành khác nhau sẽ giúp giảm đến mức thấp nhất khả năng bị khủng hoảng".

Các năm gần đây, những bài báo đánh giá rất cao về vị thế, sự phát triển của Việt Nam như tôi trích dịch nói trên được xuất bản khá nhiều. Từ đó câu hỏi đâu là nguyên nhân giữ vai trò quyết định để Việt Nam đạt các thành tựu không thể phủ nhận đã được đặt ra và câu trả lời thường hướng đến vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo bài báo "Việt Nam đối mặt với tương lai" đăng tải ngày 22-6-2018 trên tờ Thời đại của chúng ta (Unsere Zeit - UZ, tuần báo của Ðảng Cộng sản Ðức - DKP) thì vấn đề then chốt, có tính chất quyết định là sự "thống nhất trong nội bộ Đảng". Bài báo viết: "Đến đầu những năm 1990, đất nước này đã phải hứng chịu sự tẩy chay có chủ ý về mặt chính trị của các nước phương Tây giàu có. Đối với Chính phủ Việt Nam, chủ nghĩa xã hội có nghĩa là bảo đảm nguồn cung cấp phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như điện, thức ăn, thuốc men, xe đạp, xe gắn máy… Điều này trước đây sẽ không thể thực hiện nếu thiếu sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa. Ngày nay thì khác, đường lối phát triển "nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" là giải quyết tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng, thâm hụt ngân sách giáo dục, cung cấp việc làm tốt hơn từ năm này qua năm khác, là thịnh vượng hơn, và cung cấp đầy đủ sản phẩm cho người dân. Điều này được đo lường ở Việt Nam bằng tốc độ tăng trưởng kinh tế. Với sự biến mất của Hội đồng tương trợ kinh tế COMECON (1989) Việt Nam đã thực hiện đổi mới chính sách kinh tế của mình với thuật ngữ Đổi mới. Khu vực tư nhân được cho phép và tăng cường. Các công ty nhà nước được trao quyền tự do hành động hơn để kích hoạt tăng trưởng mạnh mẽ, ổn định... Và một lần nữa, như thường lệ trong lịch sử của mình, Việt Nam lại phải đối mặt với các thách thức mới để duy trì nền độc lập. Vì thế Việt Nam đã chuẩn bị cho sự thay đổi nhanh chóng. Một trong những biện pháp mà nước này đang nỗ lực thực hiện là xây dựng nền công nghiệp có chất lượng cao, có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của công nghiệp. Trong số các công việc đó, có việc thiết lập ngành công nghiệp ô-tô của riêng Việt Nam. Một khu phức hợp khổng lồ gồm các nhà máy sản xuất xe máy và ô-tô được xây dựng ngay tại cửa ngõ Hải Phòng. Tháng 5-2018, trong chuyến thăm địa điểm xây dựng, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã tìm hiểu tình trạng của dự án đầy tham vọng. Đó là những chiếc ô-tô mang thương hiệu VinFast nhằm thỏa mãn nhu cầu sở hữu ô-tô tại Việt Nam. Rồi lộ trình để những chiếc xe máy tay ga, xe SUV chất lượng cao, xe sedan tầm trung, những chiếc ô-tô cỡ nhỏ có động cơ điện,… sẽ lần lượt ra mắt. Trong trung hạn, sản lượng hằng năm sẽ từ 100.000 đến 200.000 chiếc. Nhà sản xuất ô-tô mới này là một phần thuộc tập đoàn kinh tế của Việt Nam có tên là VinGroup thành lập vào năm 2003. Trên thực tế, việc Việt Nam tham gia vào ngành công nghiệp ô-tô thế giới chỉ là một trong nhiều bước của quá trình định hướng lại để phát triển nền kinh tế hiện đại, bền vững...

Tháng 5-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký bản Chỉ thị chỉ đạo các bộ, cơ quan khoa học, chính quyền ở trung ương và địa phương, mọi công ty nhà nước thực hiện các bước cụ thể hướng tới cách mạng công nghiệp 4.0 (Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - HNT). Văn bản dài mười trang chứa các biện pháp cụ thể cho từng bộ với lịch trình chặt chẽ, sau đó phải báo cáo. Tất cả mọi người phải làm việc cùng nhau để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia "khởi nghiệp", ông Nguyễn Xuân Phúc đã nói như vậy. Công nghệ thông tin được coi là yếu tố then chốt thúc đẩy nền kinh tế dựa trên nền tảng tri thức, nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước, bảo đảm phát triển liên tục. Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng nói: Đã đến lúc Việt Nam nỗ lực tập trung vào những đột phá về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số (mạng băng thông rộng), công nhân lành nghề, ứng dụng công nghệ thông tin. Hầu hết phương tiện truyền thông Việt Nam đều dẫn lại chỉ thị này, và đều đưa tin rằng tất cả các bộ đã được hướng dẫn cải tiến quy trình hoạt động của mình thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin, mục đích là để hỗ trợ các doanh nghiệp tốt hơn…

Thời gian gần đây, trong một vài cuộc thảo luận ở Đức về Việt Nam, có ý kiến nói đến cuộc tranh giành quyền lực trong Đảng Cộng sản Việt Nam, tranh giành ảnh hưởng giữa những người cải cách kinh tế với những người theo chủ nghĩa truyền thống, và trong quá trình này, các lực lượng định hướng kinh tế theo xu hướng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã giành được vị trí của mình. Những nhận định như vậy về các đảng cộng sản không có gì mới mẻ. Vai trò của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong sự phát triển cho thấy sự vô căn cứ của các luận điểm đó. Tuy nhiên, như nhiều nước ở khu vực Thái Bình Dương, Việt Nam đang đứng trước tình trạng căng thẳng giữa lợi ích kinh tế và sức mạnh quân sự giữa Trung Quốc với Mỹ, và Việt Nam đã diễn giải vấn đề này một cách biện chứng với những đánh giá thực tế về cán cân quyền lực trong khu vực. Đảng Cộng sản Việt Nam đã duy trì sự đoàn kết nhất trí trong Đảng tại Đại hội Đảng lần thứ XII vào tháng 1-2016, điều này được thể hiện qua quyền đại diện cho người dân trong các cơ quan nhà nước… Nhìn chung, muốn hiểu rõ đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam thì không thể bỏ qua lịch sử đất nước này, cụ thể là về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cần hiểu biết về tư tưởng Hồ Chí Minh và các giá trị truyền thống của châu Á. Trái ngược với các giá trị phương Tây, văn hóa chính trị ở Việt Nam chủ yếu không dựa trên chủ nghĩa cá nhân lấy nguyên tắc cạnh tranh làm nền tảng của dân chủ. Mà điều quan trọng nhất với Việt Nam là nguyên tắc thống nhất trong nội bộ đảng cầm quyền và tinh thần thực tế chính trị. Đó là đặc trưng cơ bản cho suy nghĩ, hành động của các thế hệ nhà lãnh đạo chính trị Việt Nam từ những cuộc đấu tranh chống thực dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ngày nay. Họ luôn đánh giá thực tế về tình hình và sự cân bằng quyền lực trong quan hệ quốc tế, dự liệu những phản ứng có thể xảy ra với việc thực hiện các mục tiêu có tính ý thức hệ. Nếu không có sự thống nhất đó, họ đã không thể giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trong thế kỷ trước, và ngày nay cũng vậy".

HỒ NGỌC THẮNG (Dịch và giới thiệu)