Xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dân chủ gây bất ổn xã hội (Kỳ 1)

Tình trạng lợi dụng dân chủ đưa tin sai sự thật, gây mất niềm tin trong nhân dân đang có những diễn biến phức tạp. Ngày 23-10-2017, Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV khẳng định: “Ðấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dân chủ, đưa tin bịa đặt, sai sự thật, kích động, gây bất ổn xã hội” là một trong các nhiệm vụ quan trọng nhằm làm tốt hơn nữa công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

Bài 1: Nhận diện âm mưu và thủ đoạn

Việc các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam sử dụng phương tiện truyền thông để đưa ra luận điệu sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc, bịa đặt, sai sự thật, kích động, gây bất ổn xã hội,... xuất hiện đã khá lâu. Tuy nhiên gần đây, những hoạt động này được triển khai ngày càng ráo riết hơn, trong không gian rộng hơn, tần suất nhiều hơn. Các hoạt động này được tiến hành thường xuyên, có lớp lang, kẻ tung người hứng. Trên internet (in-tơ-nét), không ít địa chỉ từ blog, website, facebook đến YouTube,... liên tục đăng tải, phát hình đủ loại “lời kêu gọi, điều trần, lên tiếng” của các tổ chức, đảng phái hữu danh vô thực, kết hợp với sự phụ họa, tiếp tay thường xuyên của các trang tiếng Việt thuộc RFA, BBC, VOA, RFI...

Đáng tiếc là từ thái độ thiếu khách quan, thiếu thiện chí mà mỗi khi đánh giá tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, nhất là về tự do ngôn luận, tự do báo chí, một số chính phủ hoặc cơ quan chính phủ, một số nghị sĩ ở nước ngoài, một số tổ chức thế giới nhân danh nhân quyền,… đã sử dụng những thông tin bịa đặt đó làm “tài liệu” phê phán Đảng và Nhà nước Việt Nam, đưa ra đòi hỏi vô lý. Đáng nói là dù nhiều địa chỉ xấu, độc trên internet đã bị ngăn chặn, nhưng một số đối tượng vẫn tìm mọi cách chuyển nội dung đến người đọc trong nước qua facebook, email (thư điện tử), qua vận chuyển hàng hóa giao thương, qua đi lại thăm viếng…

Ở giai đoạn trước, các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí thường chạy theo sự kiện để phê phán, kêu gọi đấu tranh chung chung, nhưng ngày nay họ tỏ ra xảo quyệt hơn và diễn biến tình hình cho thấy rất rõ hình hài một chiến lược có tổ chức, có tính toán, có phân công trách nhiệm, có phối hợp chặt chẽ giữa sử dụng internet làm công cụ truyền thông với hành vi phạm pháp trên thực tế, như tụ tập đông người gây rối loạn trật tự, an toàn xã hội...

Tới hiện tại, có thể khẳng định mục tiêu họ xác định làm trọng điểm tập trung chống phá là: thực hiện âm mưu “hạ bệ thần tượng” qua việc xuyên tạc làm tổn hại uy tín lãnh đạo để gây hoài nghi, dẫn tới phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận định hướng xã hội chủ nghĩa, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự phát triển đất nước; đặt các câu hỏi giả định về lịch sử làm cho người tiếp xúc vì nhận thức mơ hồ mà nghi ngờ quá khứ, hoài nghi hiện tại và tương lai. Để tiến công vào tư tưởng chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến công chế độ xã hội, họ phớt lờ định hướng phát triển và các đặc trưng của văn hóa dân tộc,… mà thi nhau ca ngợi “mô hình phương Tây”, tảng lờ các khiếm khuyết cốt tử của mô hình này và đòi sao chép vào Việt Nam, từ đó mê hoặc người nhẹ dạ, cả tin.

Một trong những trọng tâm chống phá của các thế lực thù địch là vấn đề dân chủ, nhân quyền được khai thác theo biên độ rộng, từ tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, thực thi pháp luật, chính sách của Nhà nước,... đến các vấn đề, sự kiện, hiện tượng liên quan trực tiếp một số người, địa phương cụ thể; từ đó gieo rắc trong xã hội quan niệm lệch lạc về nhân quyền như “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “nhân quyền không biên giới”, “lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia”... Và tranh thủ cơ hội Việt Nam mở rộng giao lưu văn hóa với nước ngoài, các đối tượng chống phá cổ súy sự biến đổi theo hướng thực dụng trong lối sống (nhất là lối sống của thế hệ trẻ), từ đó gieo rắc vào xã hội một lối sống không chỉ thực dụng trong hưởng thụ, mưu cầu lợi ích cá nhân cực đoan, mà còn thực dụng trong nhận thức - đánh giá một số vấn đề chính trị - xã hội, làm cho con người dần sao lãng nghĩa vụ, trách nhiệm với xã hội.

Một trọng điểm trong âm mưu thâm độc của họ là hướng tới giới trí thức, văn nghệ sĩ để kích động phản ứng tiêu cực qua các phát ngôn, công trình nghiên cứu, tác phẩm nghệ thuật. Họ lập một số hội đoàn mang danh “độc lập” để thu hút trí thức, văn nghệ sĩ; tìm mọi cách khơi dậy một số sự vụ liên quan văn học và nghệ thuật trong quá khứ; bịa ra một số vấn đề giả tạo như “văn nghệ độc lập với chính trị”, “văn nghệ sĩ là đối trọng của quyền lực chính trị”, “văn nghệ sĩ có sứ mạng phản biện xã hội”,... nhằm tác động, đẩy tới sự chống đối. Họ khích lệ loại tác phẩm nghệ thuật ngầm ẩn xu hướng “nổi loạn”, hoặc moi móc, phê phán chế độ, phê phán lý tưởng và lý luận của Đảng, hay phê phán một số sai lầm, tổn thất trong quá trình cách mạng; kích động một số người bất mãn, hoặc nhân danh yêu nước để thực hiện mưu đồ, tham vọng cá nhân...

Các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí còn ráo riết tập hợp lực lượng, cố gắng hoạt động trong sự phối hợp giữa trong nước và ngoài nước. Nếu trước đây, lực lượng chống cộng chủ yếu là bộ phận người gốc Việt lưu vong tại Mỹ, thì nay lực lượng này lan ra cả những nước khác, tập trung trong hàng trăm hội đoàn, đảng phái mà nổi lên là “Việt tân” - tổ chức khủng bố gần đây đã ngang nhiên tuyên bố sẽ công khai hoạt động ở Việt Nam! Một số người được RFA, VOA ưu ái dành blog trên trang tiếng Việt để đăng bài. Bài vở của các blog đó chỉ tập trung đề tài duy nhất là chống phá Việt Nam. Dưới nhãn quan của người viết loại blog này thì mọi chủ trương, chính sách, mọi hoạt động ích nước lợi dân của Nhà nước Việt Nam đều tiêu cực, đều xấu.

So với trước đây, phương tiện mà các thế lực thù địch và các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam sử dụng để chống phá đã tăng cường hơn rất nhiều, dưới hình thức đa dạng, tinh vi, phức tạp. Khi sự kiện nào đó xảy ra trong nước có thể khai thác, thì ngoài việc đưa tin xuyên tạc, làm rùm beng, cố tình đẩy vấn đề sang phạm vi chính trị, họ nhanh chóng cho ra đời website, blog, facebook mang tên sự kiện để tạo diễn đàn chống phá. Đáng lưu ý là dưới danh nghĩa “phản biện xã hội”, một số website của vài cá nhân, nhóm cá nhân trong nước đã được lập ra nhưng máy chủ đặt ở nước ngoài.

Qua đó, các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí cố tình đánh đồng blog, facebook với báo chí, lập cái gọi là “báo lề dân” để đối lập với báo chí chính thống, ủng hộ và cổ súy một số người viết facebook, blog,... rồi lấy đó làm cơ sở để vu cáo Việt Nam vi phạm tự do ngôn luận. Các hoạt động này thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, từ đưa tin đến bình luận, đăng tải tài liệu ngụy tạo; hô hào ký các loại đơn thư kiến nghị để công bố trên internet, thậm chí tiến hành trên một số trang mạng mang danh nghĩa văn học, nghệ thuật. Họ cố gắng đưa ra nhiều loại “món ăn” đa dạng để tạo ấn tượng có sự tham gia của nhiều người, từ đó tìm mọi cách truyền bá, thẩm thấu tin tức thất thiệt, tài liệu giả,… vào đời sống xã hội.

Với âm mưu ngày càng điên cuồng, cố gắng tạo ra nhiều hình thức tuyên truyền tinh vi nhằm lung lạc một số cá nhân còn bị chi phối bởi nhận thức cảm tính, thiếu tỉnh táo; lợi dụng sự bức xúc của dư luận trước một số sự kiện, hiện tượng đã hoặc đang xảy ra; liên tục soi mói, bới móc, phân tích theo hướng xuyên tạc hiện tượng hoặc sự kiện, đánh đồng hiện tượng với bản chất, làm mờ nhòe quan hệ giữa ngẫu nhiên và tất nhiên;... các thế lực thù địch cùng một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam đã mở rộng quy mô, tăng cường chống phá; có móc nối trong - ngoài phối hợp, tung hứng,… nhằm tác động tới nhận thức của một số bộ phận xã hội nhất định, từ đó tìm cách phóng chiếu các phản giá trị vào xã hội. Bối cảnh và diễn biến phức tạp đó cho thấy ngày nay, việc đấu tranh chống các luận điệu sai trái không chỉ dừng lại ở các bài báo bác bỏ, vạch rõ chân tướng, cung cấp thông tin,… mà khi kẻ xấu đã có những bước đi táo tợn, nguy hiểm thì cần phải xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dân chủ, đưa tin bịa đặt, sai sự thật, kích động, gây bất ổn xã hội.

(Còn nữa)