Vượt quá giới hạn sẽ là phản văn hóa

Trong đời sống xã hội, văn hóa vừa là hệ giá trị, vừa là tiêu chí xác định chuẩn mực trong hành vi của con người. Đó là căn nguyên lý giải tại sao những việc làm phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục của cộng đồng luôn phải đối diện với sự phê phán, lên án của dư luận, thậm chí bị xử lý theo pháp luật. Vì thế mỗi người cần tự ý thức về các giới hạn để ứng xử một cách có văn hóa.

Vừa qua, sau khi hình ảnh ngôi chùa Shwedagon (Xuê-đa-gôn) ở Myanmar (Mi-an-ma) xuất hiện trên chiếc áo dài truyền thống Việt Nam được đăng tải trên trang bìa tạp chí Heritage số tháng 11 - ấn phẩm do Vietnam Airlines phát hành, đã nhận phản ứng dữ dội của người dân Myanmar và cộng đồng mạng. Sự kiện buộc chúng ta phải quan tâm đến câu hỏi: Đâu là giới hạn của hành vi văn hóa? Trên thực tế, lâu nay việc in hình ảnh danh lam thắng cảnh lên áo dài Việt Nam vốn không phải là chuyện lạ. Chúng ta đã thấy áo dài in hình Hồ Gươm, chùa Một Cột, vịnh Hạ Long, ruộng bậc thang Sa Pa, phố cổ Hội An, phố cổ Hà Nội; thậm chí có bộ sưu tập áo dài in hình công trình kiến trúc trong quần thể Kremlin (Nga) khiến người xem thích thú. Nhưng tại sao áo dài in hình ngôi chùa Shwedagon lại bị phản ứng?

Shwedagon được xem là ngôi chùa linh thiêng nhất của Myanmar. Tại đây hiện còn lưu giữ bốn báu vật mà tương truyền là tám sợi tóc của Phật Thích Ca, cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn, cái lọc nước của Phật Câu Na Hàm, mảnh áo của Phật Ca Diếp. Ngôi chùa là niềm tự hào, là biểu tượng thiêng liêng của người theo đạo Phật ở Myanmar. Vì thế họ coi việc in hình tháp xá lợi Phật chùa Shwedagon phía dưới tà áo dài là sự xúc phạm và ảnh hưởng đến tâm linh, sự tôn kính đức Phật. Như trên trang facebook của mình, nhà sư Venerable Nayaka (Vê-nê-ra-bơn Nay-a-ca) đã viết: “Chúng tôi, những người Myanmar thực sự thấy buồn khi thấy bức ảnh này. Shwedagon là nơi thiêng liêng của một tôn giáo và là di tích đã được ghi nhận.

Xin hãy tránh những hành vi thiếu tôn trọng, xúc phạm văn hóa, tín ngưỡng của người khác. Xin không sử dụng các hình ảnh của Shwedagon. Chúng tôi không cho phép người mặc váy, quần ngắn bước chân vào chùa. Vậy mà giờ đây cô gái Việt của các bạn mặc trang phục truyền thống in hình ảnh của ngôi chùa thiêng liêng này. Đó là một điều không thể chấp nhận”.

Không chỉ những người theo đạo Phật ở Myanmar phản đối việc in hình ngôi chùa mà độc giả Việt Nam cũng bày tỏ thái độ không đồng tình, vì cho rằng việc làm này chạm đến các nguyên tắc cấm kỵ thuộc lĩnh vực tâm linh. Ngay sau khi có ý kiến của dư luận, Vietnam Airlines có lời xin lỗi qua trang facebook: “Ban Biên tập Tạp chí Heritage đã nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc sử dụng các hình ảnh mang tính biểu tượng tôn giáo. Xin khẳng định rằng chúng tôi luôn đặt sự kính ngưỡng và tôn trọng tất cả thánh tích thờ tự của các tôn giáo cũng như những tín ngưỡng tâm linh và văn hóa của mỗi quốc gia trên thế giới trong tôn chỉ hoạt động. Chúng tôi chỉ có ý tốt, tuy nhiên đã không nhận ra được sự khác biệt trong cách tôn kính hình ảnh ngôi chùa ở những nước khác nhau”. Hãng cũng cam kết thu hồi các ấn bản tạp chí Heritage số tháng 11 đã phát hành. Thiết nghĩ đây là việc làm kịp thời, thể hiện thái độ cầu thị, có văn hóa của Vietnam Airlines, và cũng là một bài học để trước khi thực hiện một hành vi văn hóa mọi người cần lưu ý. Đây không phải là lần đầu việc sử dụng biểu tượng một tôn giáo bị phản ứng ở Myanmar. Đầu năm 2015, một công ty rượu của Malaysia (Ma-lai-xi-a) sử dụng hình ảnh chùa Shwedagon làm nhãn minh họa chai rượu whisky đã bị người dân Myanmar phản ứng dữ dội, thậm chí cửa hàng của công ty này bị đốt cháy. Tháng 3-2015, vì đăng tải hình đức Phật đeo tai nghe lên facebook để quảng cáo cho quán bar, một người New Zealand (Niu Di-lân) và hai người Myanmar đã bị kết tội báng bổ tôn giáo và phải ngồi tù 2,5 năm!

Lại nhớ chuyện ồn ào năm 2014, liên quan một nhóm nhạc đã biến tấu chiếc khăn piêu - vốn là vật dụng thiết thân của phụ nữ Thái ở Tây Bắc, thành “khố” để mặc biểu diễn trên một sân khấu lớn. Dư luận và nhiều nhà nghiên cứu văn hóa bức xúc coi đây là biểu hiện nhố nhăng, phản cảm, còn chính bà con người Thái thì bày tỏ sự phẫn nộ: “Chúng tôi cần một lời xin lỗi!”. Và theo ý kiến của GS, TS Ngô Đức Thịnh thì: “Phụ nữ Thái thường dùng chiếc khăn piêu để đội đầu, nó là một phần văn hóa tinh thần của phụ nữ nơi đây. Câu chuyện quanh chiếc khăn piêu mang rất nhiều ý nghĩa, không chỉ là thước đo đánh giá người phụ nữ tài hoa, siêng năng hay vụng dại, lười nhác, mà chiếc khăn piêu còn là cầu nối đời sống tình cảm của các cô gái và chàng trai người dân tộc Thái. Đây là một lỗi sai trầm trọng về kiến thức, nếu không muốn nói là sự phản văn hóa”.

Rõ ràng trên thực tế mọi hành vi văn hóa luôn có các giới hạn, nhất là trong hành vi sáng tạo có tính tiếp biến kế thừa. Thiếu ý thức về điều đó, hành vi ngỡ là có văn hóa lại có thể làm tổn thương, xúc phạm các giá trị, quan niệm văn hóa của cộng đồng dân tộc khác, thậm chí của thế hệ trước. Bởi tiếp cận từ quan hệ giữa cái chung với cái riêng thì văn hóa vừa mang những giá trị chung có tính nhân loại phổ biến, vừa mang các giá trị riêng có tính cách là bản sắc của cộng đồng văn hóa. Bởi vậy, khi tiếp biến, kế thừa để sáng tạo cần tôn trọng bản sắc riêng của mỗi cộng đồng văn hóa, chú ý đến các giới hạn không thể vượt qua, nhất là khi đề cập tới giá trị có ý nghĩa thiêng liêng được cộng đồng văn hóa nào đó luôn kính trọng, đề cao. Trong sáng tạo văn hóa - nghệ thuật, giới hạn này có yêu cầu rất khắt khe, đôi khi giữa sáng tạo và thảm họa chỉ cách nhau trong gang tấc. Như tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ năm 2009, việc kết hợp kimono, thắt lưng obi với quần lót ren hồng, đôi tất chân đồng màu của thí sinh đại diện cho Nhật Bản khiến công chúng nước này nổi giận, vì họ cho rằng bộ trang phục kệch cỡm, lố lăng. Thí sinh T.D của Việt Nam cũng gặp phản ứng tương tự khi tham dự cuộc thi Hoa hậu Trái đất năm 2011 vì chị trình diễn trang phục dân tộc, nhưng đậm nét một game online có mầu sắc võ hiệp! Cách đây ít lâu, một nữ ca sĩ đã trở thành đối tượng bị phê phán khi công bố vi-đê-ô - clip quay cảnh cô này trình bày một ca khúc sướt mướt trong trang phục hở hang, uốn éo giữa bối cảnh một bên là bức tượng thể hiện tình quân dân, một bên là bức tượng thể hiện tinh thần đoàn kết đấu tranh. Lắp ghép khiên cưỡng giữa các giá trị truyền thống với tiết mục giải trí đơn thuần đã cho ra một sản phẩm rất kém chất lượng được coi là thảm họa. Và phản ứng của dư luận chính là đã trực tiếp đòi hỏi phải tuân thủ các chuẩn mực văn hóa khi thể hiện hành vi trước cộng đồng.

Điều đáng lo ngại là, thời gian gần đây, ở nước ta có không ít “thảm họa” đến từ sự thiếu hiểu biết, non kém về nhận thức của một số người. Bởi khó có thể chấp nhận việc “trai thanh gái lịch” ăn mặc theo lối “tiết kiệm vải tối đa” đứng gác chân lên ra-đa phòng không, trèo lên các hiện vật lịch sử để khoa chân múa tay chụp ảnh “tự sướng”. Và không thể hiểu tại sao vào dịp lễ halloween (ha-lâu-uyn) vừa qua tại một thành phố lớn, một nhóm người trẻ lại mặc trang phục Quân đội nhân dân Việt Nam nhưng cố làm cho thật hở hang để rồi nhảy múa ưỡn ẹo? Đáng nói là trong số người tham gia, có cả người mẫu và nhà thiết kế thời trang nổi tiếng. Dù muốn hay không, thì hành vi của những người này hoàn toàn có thể ảnh hưởng, tác động đến một bộ phận công chúng, xúc phạm đến biểu tượng của Bộ đội Cụ Hồ, là niềm tự hào của dân tộc. Gần đây hơn, cộng đồng mạng đã hết sức phẫn nộ về việc một thanh niên Việt Nam lập facebook giả mạo thành viên tổ chức IS để đưa thông tin khiêu khích, kích động bạo lực. Sự việc còn trở nên phức tạp hơn khi thanh niên này sử dụng phần mềm dịch của Google để đưa ra bình luận đáp trả mang tính chất đe dọa bằng tiếng Saudi Arabia (A-rập Xê-út). Trước diễn biến và từ sự cần thiết phải ngăn chặn sự việc, cơ quan chức năng đã tập trung xác minh làm rõ, và xử lý nghiêm những người lợi dụng Internet (in-tơ-nét), mạng xã hội để đưa tin, bài bình luận, kích động tư tưởng bạo lực cực đoan. Sau đó trang facebook này đã được xóa bỏ, người lập trang thừa nhận mình chỉ “giỡn vui tí”! Nhưng có lẽ họ không thể hình dung hết hậu quả tai hại của việc làm, vì ngay sau đó, một số trang khác tiếp tục được lập với danh nghĩa là người của IS, đăng tải nội dung kích động bạo lực.

Có thể nói sự thiếu hiểu biết, sự vô ý thức và cả sự cố tình của một số người đã dẫn tới các việc làm, hành vi vượt khỏi giới hạn văn hóa đã đến mức báo động. Họ không chỉ tỏ ra thiếu văn hóa, chửi bới bất chấp đúng sai, mà còn ngang nhiên lăng mạ và xúc phạm người khác, lấy ý kiến ấu trĩ và hời hợt của mình làm chuẩn mực để đánh giá người khác. Đó là các hiện tượng không thể chấp nhận. Dư luận lành mạnh đã có phản ứng tức thời trước hiện tượng này. Khi các giới hạn của văn hóa vô tình hay cố tình xâm phạm sẽ gây nên nhiều tổn hại cho cộng đồng, hậu quả khó lường. Những giới hạn về văn hóa đòi hỏi mỗi người phải luôn luôn học hỏi, nâng cao trình độ mọi mặt, tự ý thức về hành vi. Đó không chỉ thể hiện đạo đức, trách nhiệm công dân với xã hội, mà còn thể hiện sự tự trọng của chính mình trước cộng đồng.