Vinh danh hay mua danh, bán danh?

Với danh nghĩa hội này, trung tâm nọ,... và bằng nhiều cách thức mời chào một số tổ chức, cá nhân đóng tiền để xuất hiện trong các buổi lễ vinh danh ồn ào,... càng gần đây, tình trạng “mua bán danh hiệu” càng gây bức xúc trong dư luận, đòi hỏi cần phải sớm chấm dứt.

Vừa qua, trước phản ánh của báo chí về sự bất thường của Chương trình “Nhân tài đất Việt - Thời đại Hồ Chí Minh” - “Nhà quản lý vì cộng đồng” do Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực - nhân tài Việt Nam (VSATH) và Công ty cổ phần Truyền thông và Phát triển thương hiệu Đại Việt (Công ty Đại Việt) tổ chức, cho nên dù được dự kiến diễn ra vào tháng 4-2017 tại Hà Nội, sự kiện đã buộc phải dừng lại để làm rõ những sai phạm. Sẽ hoàn toàn không có gì đáng bàn cãi nếu chương trình thực hiện đúng như mục tiêu đề ra, là tôn vinh những trí thức Việt Nam có nhiều đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, trong khi thực hiện chương trình đã xuất hiện những điều bất thường làm dấy lên nghi ngờ về chất lượng, uy tín của các cá nhân, tổ chức được tôn vinh, mục đích thật sự của nhà tổ chức. Bởi cùng với giấy mời tham gia hội thảo và bản mẫu đăng ký tham gia chương trình, Ban tổ chức còn gửi kèm “bản đăng ký hỗ trợ tự nguyện”, theo đó các cá nhân tham gia lễ tôn vinh danh hiệu “Nhân tài đất Việt - Thời đại Hồ Chí Minh” phải tự nguyện đóng góp cho Ban tổ chức chương trình (trực tiếp là Công ty Đại Việt) với ba mức kinh phí là 10 triệu đồng; 12 triệu đồng; 14 triệu đồng! Điều khiến nhiều người thắc mắc là nếu chương trình nhằm mục đích vinh danh người xứng đáng thì tại sao lại phải đóng góp kinh phí dưới mác “tự nguyện”? Nếu không đồng ý hỗ trợ tự nguyện theo yêu cầu của Ban tổ chức thì các cá nhân được mời liệu có được vinh danh? Là người “vinh dự” nhận được giấy mời từ Ban tổ chức, nhà thơ Lê Minh Quốc đã bình luận: “Đồng tiền đã chi phối toàn bộ nội dung của cái gọi là “tôn vinh”. Thật ra, trò “tôn vinh” ấm ớ kiểu này không lạ gì. Đã diễn ra nhiều lần ở các đơn vị khác nhau, tuy nhiên vẫn khối người tin theo chỉ vì nó đánh trúng vào tâm lý háo danh”! Không chỉ có vậy, trong hoạt động quảng bá, Công ty Đại Việt còn tùy tiện sử dụng tên tuổi Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Tài Thu - Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam, là đã phong cho giáo sư danh hiệu “Nhà quản lý vì cộng đồng” và in hình ảnh bằng khen tặng ông vào tài liệu truyền thông của chương trình. Bức xúc trước sự việc này, Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Tài Thu cho biết, ông chưa hề nhận được bất cứ danh hiệu nào mang tên “Nhà quản lý vì cộng đồng”, cũng như không hề biết đơn vị nào là Đại Việt! Một giải thưởng mà người nhận không biết, song lại được tùy tiện dùng để quảng bá cho các hoạt động của tổ chức này khiến dư luận nghi ngờ về sự minh bạch của nó. Trước phản ánh của báo chí về sự việc trên, ông Vũ Ngọc Phương - Chủ tịch VSATH cho biết, do sơ suất của Công ty Đại Việt, Hội đã đình chỉ và đang làm kiểm điểm. Tuy nhiên, là đơn vị phối kết hợp tổ chức sự kiện này, VSATH phải chịu một phần trách nhiệm về những sai sót vừa qua.

Có thể thấy một thực tế là khi mức độ “xã hội hóa” các lễ tôn vinh càng trở nên phổ biến thì sự kiểm soát của cơ quan chức năng càng trở nên khó khăn. Chỉ khi sự việc bùng lên, bức xúc của người dân được phản ánh trên các phương tiện thông tin, truyền thông thì biện pháp xử lý mới được ban hành! Nhiều người hẳn vẫn chưa quên sự việc một công ty tư nhân lấy danh nghĩa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa tôn giáo Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc để tổ chức chương trình vinh danh và cấp bằng chứng nhận “Nghệ nhân văn hóa dân gian”, năm 2015. Điều khiến dư luận phẫn nộ là sự trắng trợn của công ty này khi cho người tiếp cận với nghệ nhân yêu cầu đóng tiền với mức ít nhất 30 triệu đồng, và mức cao nhất là một tỷ đồng kèm lời hứa về việc họ được tặng bằng “Nghệ nhân văn hóa dân gian” hoặc “Chứng nhận vì sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa di sản dân tộc”, sẽ được báo cáo thành tích với lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong Phủ Chủ tịch! Không chỉ có thế, họ còn tự ý đưa thông tin Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào chương trình và bằng chứng nhận như một cách mạo danh để trục lợi. Sau đó sự việc lại chỉ bị xử lý ở mức nhắc nhở, chấn chỉnh vì chương trình chưa diễn ra! Năm 2016, dư luận tiếp tục ồn ào trước sự việc hàng loạt PGS, TS nhận thông báo đã được vinh danh danh hiệu “Tri thức Việt Nam sáng tạo và cống hiến” do Liên hiệp hội UNESCO Việt Nam phối hợp Công ty Đại Việt tổ chức. Và kèm theo thư mời, mỗi người cũng nhận được đề nghị về tự nguyện hỗ trợ 22 triệu đồng để được hưởng những quyền lợi như: tham gia Hội thảo chuyên đề đạo đức toàn cầu; nhận biểu tượng Cúp và bảng vàng vinh danh; được giới thiệu về thông tin cá nhân, thành tích trong buổi lễ vinh danh; giao lưu, chụp ảnh cùng lãnh đạo Đảng và Nhà nước,…! Là người nhận được thư mời, PGS, TS Nguyễn Công Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo, Trường đại học KHXH - NV thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, bức xúc lên tiếng: “Tôi thấy đây là một sự sỉ nhục, mua bán. Hiện nay có tình trạng, chạy chức, chạy quyền, chạy chức danh khoa học, chạy bằng cấp, chạy học vị,… bây giờ thêm chạy danh”! Một điều phi lý là dù có tên trong danh sách vinh danh, nhưng khi người được vinh danh hỏi ai là người đề cử mình, thì Ban tổ chức không trả lời được. Hẳn là để không phải chịu trách nhiệm cho nên Ban tổ chức yêu cầu mỗi cá nhân tự gửi bản kê khai thành tích, tự chịu trách nhiệm về nội dung kê khai? Vậy mà không hiểu từ nguồn nào mà đã có tới 200 người đã được đưa vào danh sách đề án vinh danh có cái tên rất hoành tráng: “Nhà quản lý theo tiêu chí đạo đức toàn cầu, trí thức Việt Nam sáng tạo và cống hiến, đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân văn hóa theo tiêu chí của UNESCO”. Thử làm một phép tính đơn giản: chỉ cần 50% số người đồng ý tham gia chương trình với mức đóng góp 22 triệu đồng thì số tiền đã lên tới 2,2 tỷ đồng! Số tiền này được sử dụng như thế nào là một câu hỏi khiến nhiều người phải quan tâm.

Tôn vinh, vinh danh một tổ chức, cá nhân là sự ghi nhận những thành tích và đóng góp của tổ chức, cá nhân đó với cộng đồng. Đây là hoạt động ý nghĩa biểu dương những tấm gương điển hình tiên tiến trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, từ đó cổ vũ, động viên toàn xã hội. Tuy nhiên thời gian qua, một số đối tượng đã có hành vi trục lợi bằng cách biến tướng hoạt động này thành một kiểu mua bán danh hiệu với hàng loạt cuộc vinh danh ồn ào với những danh hiệu na ná nhau, nhưng không ai nhớ được, trừ người được nhận danh hiệu! Điều này thật sự xúc phạm những người làm việc chân chính và có hiệu quả xã hội, gây nhiễu loạn các chuẩn mực được tôn vinh. Nhìn vào các sự việc nổi cộm thời gian qua có thể thấy cách thức phổ biến của loại hình “kinh doanh danh hiệu” là phần lớn được thực hiện bởi một công ty (chủ yếu là công ty tổ chức sự kiện, truyền thông) phối hợp với một hội nghề nghiệp, viện nghiên cứu, trung tâm... nào đó như một kiểu hợp thức hóa về danh nghĩa. Có lễ vinh danh còn thuê hội trường của một cơ quan trung ương, khiến nhiều người ngộ nhận lễ vinh danh do cơ quan này tổ chức. Để tăng sức thuyết phục, ở một số cuộc vinh danh như vậy còn có sự xuất hiện một số lãnh đạo bộ, ban, ngành (trong đó có nhiều vị đã về hưu), và có thể còn được phát sóng trên một kênh truyền hình nào đó. Đây cũng là một “chiêu trò” lừa đảo, vì các đại biểu được mời đến trao giải ngỡ đây là một hoạt động xã hội có ý nghĩa tôn vinh tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực nào đó, và kết quả đã được thông qua hội đồng xét duyệt là các nhà khoa học uy tín, mà hoàn toàn không biết các khuất tất sau lễ vinh danh. Sự việc chỉ vỡ lở khi chính các cá nhân liên quan lên tiếng về việc bỗng dưng thấy tên mình xuất hiện trong thành phần một hội đồng nào đó mà bản thân không hề hay biết, không hề được hỏi ý kiến; hoặc là khi một số cá nhân vì bức xúc khi nhận được thư mời tham dự lễ vinh danh kèm theo khoản tiền phải “tự nguyện” đóng góp lên đến hàng chục triệu đồng nên đã phản ứng trên báo chí.

Bát nháo các danh hiệu tôn vinh dẫn đến tình trạng có doanh nghiệp dù kinh doanh thất bát, nợ lương công nhân triền miên, thậm chí lãnh đạo phải ra tòa nhưng vẫn được xướng tên trong lễ vinh danh doanh nghiệp tiêu biểu! Có doanh nghiệp dù bị tố cáo gây ô nhiễm môi trường thì ngay sau đó lại được nhận danh hiệu “Sản phẩm chất lượng an toàn vì sức khỏe cộng đồng”! Nực cười hơn, có doanh nghiệp đã thông báo phá sản mà lãnh đạo doanh nghiệp vẫn xuất hiện trong lễ tôn vinh là doanh nhân xuất sắc! Và không ít chủ doanh nghiệp hết sức ngán ngẩm khi cứ “xuân thu nhị kỳ” lại nhận được điện thoại, thư điện tử từ các tổ chức với cái tên nghe lạ hoắc mời tham gia lễ công nhận và tôn vinh, đương nhiên kèm theo yêu cầu hỗ trợ về tài chính từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Nếu doanh nghiệp khó khăn thì giá thành có thể được linh hoạt hạ xuống cho “thuận mua vừa bán”, và từ đó cuộc mua bán danh hiệu lại mang màu sắc cò kè “bớt một thêm hai” như ngoài chợ!

Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg về việc ban hành quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp. Tại khoản 2, khoản 4, Điều 4 của Quyết định đã đưa ra quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm, như: cấm “huy động kinh phí dưới các hình thức đối với cá nhân, tổ chức trong danh sách tham gia bình chọn xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng”, và cấm “tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép”. Để lấy lại lòng tin của xã hội về các hoạt động tôn vinh và trao giải thưởng, hơn lúc nào hết, cần có sự vào cuộc nghiêm khắc của các cơ quan chức năng, cần tới thái độ và ý thức trách nhiệm của các tổ chức đứng tên trong các hoạt động vinh danh. Riêng với những đơn vị tư nhân liên kết tổ chức chương trình, nếu có sai phạm cần bị xử phạt nghiêm khắc, thậm chí có thể rút giấy phép hoạt động.