Vì sự an toàn của xã hội

Thời gian gần đây, hành vi chống trả cảnh sát giao thông khi đang làm nhiệm vụ có dấu hiệu gia tăng cả về số lượng cũng như mức độ nguy hiểm khiến dư luận bất bình. Tình trạng trên cần sớm được ngăn chặn và xử lý kịp thời nhằm ổn định trật tự xã hội, giữ gìn kỷ cương pháp luật, đồng thời bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi tham gia giao thông.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), sáu tháng đầu năm nay, trên toàn quốc đã xảy ra 30 vụ việc chống đối cảnh sát giao thông (CSGT) đang làm nhiệm vụ. Hậu quả của các hành vi này khiến hai chiến sĩ CSGT hy sinh, nhiều người bị thương. Từ mức độ của các vụ việc, cơ quan chức năng đã khởi tố sáu vụ. Lâu nay, CSGT vẫn được nhìn nhận là nghề chịu nhiều áp lực khi phải thường xuyên tuần tra, chốt chặn trên các tuyến đường, tuyến phố, không kể ngày đêm, nắng, mưa khắc nghiệt,... để bảo đảm trật tự an toàn giao thông và việc chấp hành pháp luật về giao thông. Giờ đây, họ còn phải đối mặt với nguy cơ bị tiến công từ người vi phạm trật tự an toàn giao thông, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Mới đây, dư luận phẫn nộ về vụ việc xảy ra ngày 30-6 trên địa bàn huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Lái xe Phan Thành Hưng điều khiển xe công-ten-nơ BKS 77C-016.47 chạy quá tốc độ, khi bị yêu cầu dừng xe xuất trình giấy tờ, lái xe không những không chấp hành mà còn bất chấp Thượng úy CSGT Nguyễn Anh Đức đang đứng trước đầu xe, đã điều khiển phương tiện vi phạm bỏ chạy. Thượng úy Đức phải bám vào gọng gương chiếu hậu trước ca-bin trong tư thế nguy hiểm, song lái xe vẫn cho xe chạy tiếp. Thậm chí sau khi chạy khoảng 400 m, lái xe còn đánh lái sang trái làm Thượng úy Đức rơi xuống đường, đập đầu vào dải phân cách, bị chấn thương nặng. Tin tức, hình ảnh sự việc được đăng tải trên báo chí đã khiến nhiều người bức xức. Thời gian qua, không hiếm gặp vụ việc do vi phạm pháp luật giao thông cho nên bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe để xử lý, lái xe đã đâm thẳng xe vào CSGT.

Công tác tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông tại nhiều địa phương thời gian qua đã được tăng cường dưới nhiều hình thức: báo chí, truyền hình thường xuyên đưa tin, bài và nhiều chuyên đề về an toàn giao thông; các pa-nô, áp-phích hướng dẫn an toàn giao thông tại khu dân cư; loa phát thanh công cộng của phường, xã; trong các buổi sinh hoạt tập thể ở trường học và cơ quan… Việc xử lý những vi phạm trong lĩnh vực này cũng rốt ráo hơn, với nhiều đợt ra quân, tăng mức xử phạt... Nhưng dường như các nỗ lực đó chưa làm thay đổi thói quen cũng như cách hành xử của một số người. Khi lưu thông trên đường, không hiếm gặp cảnh vượt đèn đỏ, rẽ phải hoặc rẽ trái không bật đèn xi-nhan, đi quá tốc độ cho phép… Đối với một số người, lời nhắc nhở “nhanh một phút là chậm cả đời” hoàn toàn không có ý nghĩa. Đây là một trong các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông luôn ở mức cao, như theo thống kê của cơ quan chức năng, trong sáu tháng đầu năm 2017, toàn quốc xảy ra 9.776 vụ tai nạn giao thông, làm 4.197 người chết, 7.801 người bị thương. Nhiều vụ việc nếu người tham gia giao thông thực hiện đúng quy định an toàn giao thông thì tai nạn thương tâm đã không xảy ra. Người mất thì không thể sống lại được, nhưng sự mất mát sẽ còn để lại hậu quả nặng nề đối với gia đình, người thân của họ. Đặc biệt các vụ việc chống đối CSGT, bất chấp luật pháp đã và đang khiến cho nhiều người dân thêm phần lo ngại khi ra đường.

Một nguyên tắc hiển nhiên áp dụng với mọi người tham gia giao thông là đều phải nắm được Luật Giao thông. Hiện nay, việc giáo dục về các quy tắc an toàn giao thông đã được phổ cập tới các trường phổ thông từ cấp tiểu học. Pháp luật cũng quy định rất chi tiết, cụ thể về các biện pháp xử lý nếu có vi phạm xảy ra theo các mức độ: Khiển trách, cảnh cáo, phạt tiền, bồi thường thiệt hại, cao nhất là bị xử lý về hình sự. Vậy, tại sao trong nhiều trường hợp, người vi phạm vẫn bất chấp quy định pháp luật, không tôn trọng văn hóa giao thông, sẵn sàng tiến công CSGT đang làm nhiệm vụ,…? Tại sao tính chất bạo lực trong các vụ việc lại ngày càng tăng? Trên thực tế, giờ đây nhiều người không thấy yên tâm khi hằng ngày bước chân ra đường là phải chứng kiến cảnh phóng nhanh, vượt ẩu, và lại có một số người điều khiển xe ô-tô, xe máy sẵn sàng gây gổ với người chung quanh mỗi khi được nhắc nhở vì đã có hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Hơn nữa, ngay với lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ mà người vi phạm còn sẵn sàng hành hung, thách thức thì không có gì bảo đảm họ không dám làm việc khác nguy hiểm hơn. Do đó, theo ý kiến của nhiều người dân, cần phải có chế tài mạnh với người vi phạm luật giao thông có hành vi không đúng mực, cố tình không chấp hành hiệu lệnh của CSGT. Hành vi tiến công, gây tổn hại cho CSGT không chỉ cản trở người đang làm nhiệm vụ, xâm hại trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần của họ, mà còn gây mất trật tự nơi công cộng, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Nhằm chấn chỉnh tình trạng nêu trên, ngày 8-7 vừa qua, Cục Cảnh sát giao thông đã có Công điện chỉ đạo CSGT các đơn vị, địa phương tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi chống đối lực lượng CSGT đang thực thi công vụ. Nội dung Công điện chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và quản lý lái xe nhiều năm nay bị buông lỏng, một bộ phận không nhỏ lái xe thiếu đạo đức, manh động; đồng thời các quy định của pháp luật về xử lý các hành vi chống đối người thi hành công vụ còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Mặt khác, tác phong của một bộ phận nhỏ cán bộ, chiến sĩ chưa chuẩn mực; cách xử lý tình huống, giải quyết công việc chưa kiên quyết, linh hoạt cho nên khi thực hiện nhiệm vụ còn lúng túng, thiếu ý thức cảnh giác, nhanh nhạy. Cục Cảnh sát giao thông chỉ đạo lực lượng CSGT rà soát, bảo đảm việc xây dựng phương án, kế hoạch tuần tra, kiểm soát phải bố trí đủ lực lượng, phương tiện; đội hình tuần tra kiểm soát bảo đảm có hiệu quả, đồng thời phòng ngừa và đấu tranh trấn áp kịp thời khi có tội phạm; tổ chức vận động quần chúng cùng phối hợp phòng, chống tội phạm,... Đây là chỉ đạo kịp thời của lực lượng chức năng, nhưng sẽ là không đủ nếu chỉ có nỗ lực của lực lượng này, mà cần có sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể, cũng như của mọi cá nhân. Nếu cộng đồng vẫn còn người coi thường luật pháp, bất chấp cả tính mạng của bản thân thì sự an nguy của cộng đồng vẫn còn bị đe dọa. Nếu trong mỗi gia đình vẫn còn có người cha say sưa rượu chè, người con thích phóng nhanh vượt ẩu,… thì tính mạng các thành viên trong gia đình chưa thể an toàn. Vì thế, nâng cao ý thức về an toàn giao thông là việc hết sức cần thiết của mọi gia đình, của mỗi cá nhân khi tham gia giao thông, đặc biệt là của người lớn. Muốn hay không, thái độ ứng xử của mỗi người khi ra đường cũng ảnh hưởng đến trật tự, an toàn của cộng đồng, của xã hội. Và chỉ khi nào mỗi người trong chúng ta ý thức sâu sắc, nghiêm túc về điều đó, thì mới có thể đẩy lùi được tình trạng vi phạm pháp luật giao thông, góp phần làm cho xã hội an toàn hơn.