Về sự "vọng ngoại" trong nghệ thuật Việt Nam đương đại

Vài năm trở lại đây, có một nghịch lý đã nảy sinh trong sinh hoạt nghệ thuật ở Việt Nam là, trong khi một số cơ quan truyền thông cho biết, một số nghệ sĩ người Việt Nam được trao giải thưởng hoặc tham gia hoạt động nghệ thuật ở nước ngoài thì trên thực tế, hình ảnh của hầu hết cá nhân này lại rất mờ nhạt. Bài viết dưới đây là một trong những câu trả lời về nghịch lý đó.

Trong bối cảnh nghệ thuật Việt Nam đang từng bước hội nhập với nghệ thuật thế giới, nhu cầu được các nền nghệ thuật khác biết đến là tất yếu, cần thiết, và sự vinh danh đối với nghệ sĩ càng cần được trân trọng. Nhưng chính lúc này, lại xuất hiện hiện tượng một số nghệ sĩ lợi dụng "mở cửa" để làm những việc ngoài nghệ thuật, ít nhất là về mặt tạo nên danh tiếng, bằng việc tận dụng sự mù mờ trên một số kênh truyền thông hễ thấy "nhãn mác" giải thưởng nước ngoài là lập tức xướng danh mà không biết rõ nguồn gốc, ý nghĩa, mục đích của giải thưởng. Mới đây, một tạp chí của Bộ Khoa học và Công nghệ đăng bài phỏng vấn một họa sĩ người Việt Nam hiện sinh sống tại Mỹ - người được giới thiệu là đã sáng lập ra một "trường phái" mới trong hội họa. Nhưng đi tìm "dấu vết" của trường phái nghệ thuật này, từ các trang thông tin có uy tín về hội họa đến các website phổ thông như Wikipedia, danh tiếng của vị họa sĩ vẫn là một bí ẩn!? Không biết tại sao trang thông tin về "trường phái" của họa sĩ này đã từng được lập trên Wikiepedia nhưng sau đó lại bị gỡ bỏ vì không đạt yêu cầu nội dung? Tìm kiếm trên internet thì phát hiện phần lớn những gì làm nên cái gọi là "trường phái" của vị họa sĩ chỉ tồn tại trên website của cá nhân ông, số lượt truy cập vào trang này còn thua xa website của một số người nổi tiếng tại Việt Nam. Đáng chú ý là trước tạp chí kể trên khá lâu, sau khi nghe giới thiệu về họa sĩ, một số tờ báo ở Việt Nam cũng đăng tải thông tin trên mà không chú ý kiểm chứng độ xác thực. Rồi "danh tiếng của danh họa" cũng chỉ nổi nên một thời gian trước khi bị một số người, trực tiếp là cộng đồng sử dụng Wikipedia lật tẩy. Nên không rõ tại sao, tạp chí của Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn tiếp tục tự biến thành "sân chơi" để lăng-xê tên tuổi một họa sĩ hầu như vô danh?

Họa sĩ nêu trên không phải trường hợp hiếm có ở Việt Nam đã sử dụng một số phương tiện truyền thông, lợi dụng sự ít hiểu biết của một số người để phô bày các chứng nhận, giải thưởng có tính địa phương, phong trào như "bằng chứng quốc tế" về tài năng. Qua báo chí, công chúng biết về các "giải thưởng" tên gọi rất lòe loẹt được một số nghệ sĩ trưng ra và không biết đó chỉ là giải thưởng của cuộc thi không chuyên, giải thưởng do một tổ chức phi lợi nhuận nào đó tổ chức, ít có giá trị nghệ thuật. Vẫn biết các cuộc thi không chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp là cơ hội để người có năng khiếu nghệ thuật thể hiện, cũng là nguồn quan trọng để phát hiện tài năng bổ sung vào đội ngũ nghệ sĩ chuyên nghiệp. Nhưng không phải cá nhân có tài năng nào cũng có thể vượt qua khoảng cách giữa chuyên nghiệp với không chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp. Từ phát hiện tài năng đến khi được công nhận là một câu chuyện dài. Lại có người không tìm được nơi nào ở nước ngoài trao bằng khen, giấy xác nhận, liền nghỉ biểu diễn tại Việt Nam ít lâu để ra nước ngoài học tập, lưu diễn trong vài show nghệ thuật, lập gian triển lãm, phòng trưng bày,... rất ít tiếng tăm. Sau đó về Việt Nam thì trưng ra tấm bằng đào tạo biểu diễn, sáng tác tại cơ sở nước ngoài, nhưng thực tế nếu giọng hát vẫn y như cũ, thì sáng tác cũng không có gì thay đổi, vì tác phẩm vẫn nhan nhản loại ca từ vốn tạo nên hình ảnh xấu của họ trước khi "du học"! Lại có "ngôi sao" cho biết, từng lưu diễn tại nhà hát sang trọng ở quốc gia lớn, tuy nhiên ảnh chụp đi kèm chỉ quẩn quanh khoe nơi ăn, chốn ở phù hoa, không đả động tới địa điểm trình diễn. Thời gian sau khán giả mới biết kỳ thực họ chỉ biểu diễn tại vũ trường, quán bar còn sơ sài hơn cả sân khấu biểu diễn bình dân ở Việt Nam. Rồi nữ diễn viên nọ bỏ tiền túi đến dự vài sự kiện nổi tiếng ở nước ngoài nhưng lại khoe được chuyên gia tổ chức sự kiện lớn mời vì sự nổi tiếng, ảnh hưởng tại Việt Nam. Khi không thể tự bỏ vốn liếng, không có "mạnh thường quân" hỗ trợ, có nghệ sĩ lại làm những việc có thể nói là rất không bình thường. Như gần đây, mạng xã hội ồn ào về tuyên bố của một người mẫu rằng đứa con trong bụng cô có thể là con trai của danh thủ... Beckham! Dù chỉ nói đùa như lời cô giải thích thì xem ra ý nghĩa tình mẫu tử trong chuyện này đã không được coi trọng? Tin tức như vậy đến với phóng viên nước ngoài sẽ tạo ra xì-căng-đan, chịu hậu quả trực tiếp không phải là cô người mẫu mà chính "người không quen biết" cô đã ghi trong dòng tâm sự. Chuyện như cô người mẫu không phải không có tiền lệ trên thế giới, nhưng nếu không nhìn nhận một cách nghiêm túc và nếu việc làm kiểu này trở nên phổ biến, sẽ trở thành một thói xấu làm méo mó hình ảnh của người Việt Nam.

Chưa hết, hiện tại ở Việt Nam, hiện tượng lấy nghệ danh như tên người nước ngoài đang là mốt của một số nghệ sĩ trẻ, thay thế cho hiện tượng đặt tên "nhái" theo người nổi tiếng đã tồn tại trước đây. Bi hài là với cái tên nước ngoài không ăn nhập với ngoại hình và tài năng, chỉ sau một thời gian ngắn mấy nghệ danh khó đọc này nhanh chóng biến mất! Đáng lưu ý là chuyện một vài nghệ sĩ đang "bấp bênh" về tinh thần nhưng lại ngộ nhận về tài năng; phát hiện nghịch lý này, một số kẻ liền lôi kéo họ vào các mưu đồ chính trị, chạy theo hư danh phù phiếm, tin vào lời xưng tụng của một số kẻ ở nước ngoài, không chú tâm xem xét để nhận ra đó là ca ngợi vô nghĩa, sai sự thật, ẩn sau là suy tính xấu xa. Nên không có gì tự hào khi phê bình tập truyện ngắn của một nữ nhà văn viết về chiến tranh nhưng không được xuất bản trong nước, một nhà phê bình gốc Việt viết: "Sau hơn ba mươi năm kết thúc chiến tranh, những đề tài về chiến tranh dường như cũng biến mất trên văn đàn chính thống Việt Nam. Chúng đã đầu thai thoát kiếp hoặc trốn ra nước ngoài". Tiếp đó, để khẳng định tập truyện ngắn là tác phẩm duy nhất về chiến tranh Việt Nam sau năm 1975, người này viết: "Người ta đã và sẽ còn bỏ nhiều thời giờ, ngân quỹ để nghiên cứu, viết sách, làm phim, phân tâm những lính Mỹ bị điên sau khi tham dự chiến tranh Việt Nam. Nhưng chưa ai nghĩ đến việc phân tâm lính Việt, người Việt, bởi dân tộc ta thuộc dạng "hơn người", hùng tính hơn người, chịu đựng hơn người, cần gì đến thứ khoa học phô trương, tốn tiền, phù phiếm, vô bổ". Qua đó có thể đưa ra hai nhận định: một là nhà phê bình không đọc văn học Việt Nam, không theo dõi các loại hình nghệ thuật khác trong các thập niên gần đây nên nói bừa; hai là nhà phê bình cố tình "hạ thấp" người làm nghệ thuật trong nước một cách thô thiển để tôn vinh nhà văn có sách không được xuất bản! Ngạc nhiên là trong khi đó nữ nhà văn vẫn phát biểu trên các trang mạng trong, ngoài nước về sự "oan uổng" và "giá trị" tác phẩm của mình, nhưng lại im lặng trước mấy lời khen "sai sự thật"!

Cùng với sự sùng bái danh hiệu ngoại, nhiều người làm nghệ thuật cũng đang vin vào những kiến thức họ học được từ các khuynh hướng, trào lưu nước ngoài để tạo ra loại sản phẩm quái dị rồi muốn khán giả, thính giả, độc giả chấp nhận như là "sản phẩm nghệ thuật chân chính"! Trong sáng tạo nghệ thuật, mọi trăn trở thể nghiệm là điều cần khuyến khích, nhưng không vì thế mà người làm nghệ thuật cố cường điệu công việc của họ. Thể nghiệm thất bại là bình thường đối với mọi ngành nghề, trong đó có nghệ thuật. Không ngẫu nhiên có người coi việc sáng tạo một tác phẩm không phải sự vinh danh tài năng bản thân, mà trước hết là sự an ủi đối với chính tác giả, và an ủi đó được nhân lên nếu nhận được sự đồng cảm của cộng đồng. Một số nghệ sĩ ở Việt Nam lại không nghĩ như vậy, họ cho rằng phải đạt được thành tựu để sánh ngang với nghệ thuật của nước này, nước khác. Khi không được đón nhận, họ chê bai người tiếp nhận không đủ trình độ, suy nghĩ lỗi thời! Không thể phủ nhận hiện tại một bộ phận khán giả Việt Nam có năng lực thẩm mỹ tương đối yếu, phần lớn trong số này là khán giả trẻ, chưa nhận thức sâu sắc về nghệ thuật, song không thể từ đó quy vào mọi người thưởng thức nghệ thuật. Dù không ít người yêu nghệ thuật ở Việt Nam đã biết các tác giả nổi tiếng như Nabokov, Murakami, Umberto Eco,... và các tác phẩm bạn đọc trên thế giới xếp vào loại khó đọc như Đi tìm thời gian đã mất, Lolita,... thì cũng không có nghĩa họ phải có trách nhiệm tán thưởng loại tác phẩm mà một vị Giáo sư thẳng thắn nhận xét: "Cầm sách trên tay, đọc xong trang bìa 4, tôi bỗng ngần ngại: Nếu cuốn sách được viết theo lối hậu hiện đại, và nếu hậu hiện đạilà thế thì hãy khoan khoan, để đấy, lúc nào thảnh thơi tâm trí thì hãy đọc, chứ vội mua cái mệt vào mình làm gì!". Thời gian qua, nhiều khán giả yêu thích sân khấu đến rạp xem kịch của cố tác giả Lưu Quang Vũ, đó là tín hiệu vừa vui, vừa buồn. Vui vì khán giả đã không quay lưng với nghệ thuật kịch nói như bàn tán của một số nghệ sĩ; còn buồn vì nó chứng tỏ sân khấu đương đại chưa tìm được sự đồng cảm với khán giả đương đại. Hẳn vì thế, một nhà nghiên cứu từng nhận định, từ năm 1945 các tác phẩm hay trong nền văn học nước ta hầu hết có phong thái cổ điển. Có lẽ câu nói đó không chỉ dành để đánh giá riêng trong văn học, mà có thể từ đó nhìn rộng ra cả nền nghệ thuật Việt Nam đương đại. Và sẽ thấy một số người làm nghệ thuật ở Việt Nam đang rất hăng hái phán xét, đánh giá, đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho khán giả, nhưng lại rất thiếu cái nhìn chân xác về công việc sáng tạo của chính bản thân mình.

Được biết đến, được ghi nhận, tôn vinh là nhu cầu chính đáng của người làm nghệ thuật; tuy nhiên, điều này chỉ có ý nghĩa khi đặt trong quan hệ với tài năng và đóng góp của nghệ sĩ với xã hội. Thỏa mãn nhu cầu đó bằng các thứ danh hão, phù du, giả tạo, tự huyễn hoặc,... không bao giờ mang lại danh tiếng cho nghệ sĩ mà chỉ đưa tới sự chê cười. Trong quan hệ với nghệ thuật thế giới cũng vậy, giải pháp để thu hẹp khoảng cách là vừa học hỏi, vừa phát huy và phát triển thế mạnh của nghệ thuật dân tộc, chứ không phải là bắt chước, học đòi, hoặc chạy theo các xu hướng được cho là thời thượng.