Về một số "giải thưởng nhân quyền" qua ý kiến một người Mỹ gốc Việt

Thời gian qua, việc nở rộ các "giải thưởng nhân quyền" của một số tổ chức nhân danh nhân quyền ở nước ngoài tôn vinh, trao tặng cho các đối tượng có hành vi, hoạt động vi phạm pháp luật chống phá Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã gây ra nhiều phẫn nộ, thắc mắc, nghi hoặc trong dư luận. Bất chấp hậu quả, một số cá nhân vẫn cố tìm mọi cách để được nhận cái gọi là "giải thưởng" đó, song nhiều người đã lên tiếng cảnh báo về mục đích thật sự của các loại giải thưởng nhân danh "dân chủ, nhân quyền". Ý kiến của ông Minh Giang, người Mỹ gốc Việt, đăng tải trên trang Trực Diện TV rất đáng để suy ngẫm. Báo Nhân Dân giới thiệu bản lược ghi ý kiến này để bạn đọc tham khảo.

Ngày 21-11-2020 ở bang California (Ca-li-phoóc-ni-a, Mỹ) tổ chức có tên là "Mạng lưới nhân quyền Việt Nam" đã tiến hành trao giải thưởng năm 2020 cho một số cá nhân và tổ chức mà họ nói rằng "có thành tích trong quá trình đấu tranh dân chủ nhân quyền Việt Nam". Năm nay, giải thưởng trao cho hai cá nhân (Nguyễn Năng Tĩnh và Nguyễn Văn Hóa) và một tổ chức (là "hội nhà báo độc lập Việt Nam"). Từ trước đến nay, trong giới gọi là "đấu tranh dân chủ nhân quyền cho Việt Nam" chúng ta nghe nhiều đến các giải thưởng và những giải thưởng đó thì nằm ở bên ngoài Việt Nam. Một số giải thưởng do người Việt Nam thành lập, một số giải thưởng do tổ chức phi chính phủ nước ngoài và tổ chức "dân chủ, nhân quyền" của quốc tế đứng tên. Việc đánh giá, chọn lựa những cá nhân hoặc tổ chức để trao các giải thưởng này cũng gây khá nhiều tranh luận, như là: đối tượng nhận giải có xứng đáng hay không? Giải thưởng này có mang tính chất chủ quan, vì giải thưởng đã làm tăng lên, thậm chí là tạo ra sự hiềm khích trong nội bộ nữa?

Liên quan "Mạng lưới nhân quyền Việt Nam", đây là một tổ chức được thành lập ngay tại Litte Sài gòn (Sài Gòn nhỏ, Mỹ) do một số người Việt sáng lập nhằm mục đích khuyến khích, ủng hộ và "đấu tranh dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam". Tính từ năm 2002 đến nay, tổ chức này đã trao giải thưởng cho khoảng 47 cá nhân và bốn tổ chức. Ðiểm qua danh sách được giải thưởng có thể thấy có: Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Vũ Bình, Lê Chí Quang, Nguyễn Ðăng Quế, Lê Quang Liêm, hòa thượng Thích Quảng Ðộ, mục sư Phan Văn Lợi, Nguyễn Chính Kết, Lê Thị Công Nhân, Ðiếu Cày Nguyễn Văn Hải, bán nguyệt san "Tự do ngôn luận", Trần Khải Thanh Thủy, Nguyễn Công Chính, Cù Huy Hà Vũ, Tạ Phong Tần, Huỳnh Thục Vy, Cấn Thị Thêu, luật sư Võ An Ðôn, Trần Huỳnh Duy Thức, nhạc sĩ Việt Khang, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Ðặng Minh Mẫn, Phạm Ðoan Trang, Lê Công Ðịnh... Qua các tên tuổi này chúng ta thấy đa phần những người được trao giải đều có bản án, một là đã ra tù, hai là đang bị tạm giam, hoặc đang bị khởi tố, chưa xét xử. Giải của "Mạng lưới nhân quyền Việt Nam" nói rằng họ dựa trên bốn tiêu chuẩn để trao giải, đó là: "Thứ nhất, ứng viên phải còn sống hay là tổ chức đó phải đang hoạt động ở Việt Nam; Thứ hai, những hoạt động cho dân quyền và những cá nhân hay là tổ chức đó phải có tính cách bất bạo động; Thứ ba, các hoạt động tổ chức và cá nhân đó phải tạo được ảnh hưởng tích cực cho cuộc đấu tranh nhân quyền, tức là phải có một sự ảnh hưởng, phải tạo ra một cảm hứng cho những người khác hoặc là một hình mẫu; Thứ tư, các cá nhân hay là tổ chức đã chịu nhiều sự hy sinh, trải qua nhiều gian khổ khi đấu tranh dân chủ nhân quyền". Tuy nhiên, cách họ chọn để trao giải hằng năm cũng bị đánh giá rất nhiều. Thí dụ, năm 2012 trao giải thưởng cho Tạ Phong Tần với số tiền khoảng 3.000 USD, nhưng sau đó Tạ Phong Tần trả lại giải thưởng và nói rằng không muốn nhận vì cách tuyển chọn của tổ chức này không đúng. Hay trong trường hợp của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được trao giải năm 2015 với số tiền lên tới 50.000 Euro. Khi đó có ý kiến nói rằng giải thưởng này thuộc về tổ chức "mạng lưới blogger Việt Nam", tức là cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh chỉ là một trong những thành viên của mạng lưới đó, và tổ chức đó mới đáng được giải thưởng, nhưng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã nhận tiền và sử dụng cho mục đích cá nhân. Nhiều người nói là cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đâu có xứng đáng, đâu có hoạt động gì mà tại sao được cái giải thưởng quá lớn như vậy?

Năm nay, hai cá nhân được giải thưởng của "Mạng lưới nhân quyền Việt Nam" thì Nguyễn Năng Tĩnh là một tù nhân, hiện giờ đang chấp hành án ở Việt Nam (ngày 20-4-2020, tại trụ sở TAND tỉnh Nghệ An, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Năng Tĩnh phạm tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam" quy định tại khoản 1, Ðiều 117, Bộ luật Hình sự 2015 và giữ nguyên mức án sơ thẩm là 11 năm tù, 5 năm quản chế kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù - ND); người thứ hai là Nguyễn Văn Hóa, cũng đang là tù nhân (tháng 11-2017, TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt Nguyễn Văn Hóa 7 năm tù giam, 3 năm quản chế về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo khoản 1, Ðiều 88, Bộ luật Hình sự 1999 - ND). Còn tổ chức gọi là "Hội nhà báo độc lập Việt Nam", chúng ta đã biết trong đó có Phạm Chí Dũng là chủ tịch và đã bị bắt (ngày 21-11-2019, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Phạm Chí Dũng về tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam" theo Ðiều 117, Bộ luật Hình sự 2015 - ND). Tổ chức này bị bắt khá nhiều người chứ không chỉ riêng một mình Phạm Chí Dũng.

Nhà nước Việt Nam cho rằng các giải thưởng gọi là "dân chủ, nhân quyền" là các thủ đoạn nhằm giúp cho các tổ chức chống cộng và để hợp thức hóa cái việc cung cấp tiền bạc cho những người ở trong Việt Nam, o bế họ, khiến họ lầm tưởng rằng họ có quyền lợi. Như để lọt vào danh sách để hưởng trợ cấp của tổ chức HRW (Theo dõi nhân quyền) chẳng hạn, người trong Việt Nam cần phải có hồ sơ cá nhân kèm theo danh sách bài viết đáp ứng được những tiêu chuẩn do HRW đưa ra, và để đáp ứng những tiêu chuẩn đó thì rất dễ vi phạm luật pháp Việt Nam. Mà để lọt vào những giải thưởng như thế cần phải lọt vào mắt xanh của người trong tổ chức đó, rồi phải hoạt động đúng theo các tiêu chí, đường hướng của họ. Nhưng cũng có trường hợp như Lê Công Ðịnh, là người bị phạt 3-4 năm tù, sau khi ra tù sống ở nước ngoài, lâu lâu viết cái này cái kia không có hoạt động gì nổi bật, nhưng vẫn được nhận giải?

Có thể nói một số người Việt Nam ở bên ngoài từ trước tới giờ đấu tranh chống cộng sản, nhưng có lẽ bây giờ họ thấy mình lớn tuổi quá rồi thì không còn khả năng chống cộng được. Họ hô hào thì được nhưng không ai đi về Việt Nam hoạt động bí mật hay lập ra một cái căn cứ giống như trước được nữa, theo kiểu "chuyển lửa về quê hương" hay là bạo động thì càng không được. Cho nên họ muốn đi theo những hướng khác. Vì vậy, khá nhiều tổ chức ở bên ngoài thành lập ra các loại giải thưởng như "giải thưởng Nguyễn Chí Thiện" chẳng hạn. Ông ta là một tù nhân ở Việt Nam rất lâu năm, sau đó được đưa sang Mỹ và đã mất lâu rồi. Bây giờ người ta lập nên một giải thưởng mang tên Nguyễn Chí Thiện, rồi tương tự là giải thưởng Lê Ðình Lượng, Trần Văn Bá (Trần Văn Bá là người đã cùng Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh tổ chức đưa biệt kích cùng khối lượng lớn vũ khí và tiền giả vào Việt Nam với kế hoạch lật đổ chính quyền sau đó đã bị bắt và bị kết án tử hình năm 1985 vì tội phản quốc - ND), hô hào cái gọi là "tinh thần Trần Văn Bá". Vậy tinh thần Trần Văn Bá là gì? Tinh thần đấu tranh bạo động hay tinh thần muốn lật đổ chính quyền cộng sản Việt Nam? Ðáng nói là Nguyễn Chí Thiện qua bên Mỹ, lúc cuối đời không có ai giúp đỡ gì hết, nhưng mà bây giờ khi chết rồi thì một số người bắt đầu dựng lên như thần tượng, xây dựng ra một giải thưởng mang tên ông ta.

Những người được gọi là "tù nhân lương tâm", được Việt Nam nhân đạo thả sớm ra để đi ra nước ngoài, nhưng sau đó họ không có hoạt động gì nổi trội nữa, thậm chí là chìm nghỉm. Vậy có hay không việc hoạt động theo cái kiểu tìm kiếm chuyện ra đi? Mục đích để đấu tranh có phải như thế không? Trường hợp của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh chúng ta thấy rất rõ. Sau khi sang bên Mỹ, hơn một năm vừa qua cô ta chửi chính quyền Mỹ, tạo một sự hiềm khích rất lớn ngay trong cộng đồng. Hoặc trong các trường hợp hoạt động dân chủ, nhân quyền của nhiều người khác nữa, tất cả tạo ra một bức tranh hết sức lộn xộn. Vậy những đảng phái lập ra các giải thưởng họ nhằm mục đích gì? Có lẽ là thông qua những giải thưởng họ lập ra để tặng cho những thành viên của mình theo cái kiểu là hợp thức hóa giải thưởng đó? Chúng ta thấy rằng theo danh sách đã từng được các giải thưởng có hơn 90% là những người đã ở tù!

Ở Việt Nam, Ðảng Cộng sản, Chính phủ, cũng như trong xã hội, luôn chấp nhận việc trong thực tiễn cuộc sống đất nước có sự đấu tranh. Tất nhiên, đấu tranh để thay đổi, đấu tranh để tiến bộ hơn và đấu tranh dĩ nhiên là để xây dựng chứ không phải là đấu tranh để đạp đổ, theo kiểu muốn lật đổ Nhà nước thì rõ ràng bị chống. Ngay ở Mỹ cũng vậy, nếu chống đối lại nền cộng hòa, đạp đổ hiến pháp của Mỹ thì rõ ràng cũng sẽ bị trừng phạt. Và tại Việt Nam, việc đấu tranh cho xã hội minh bạch hơn, các cơ quan nhà nước phải đi vào khuôn khổ hơn hoặc là việc giám sát, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, lạm quyền,… thì người dân Việt Nam họ vẫn làm, dĩ nhiên trong khuôn khổ của pháp luật. Việt Nam xác định rằng, các tổ chức như khủng bố chẳng hạn, hay các tổ chức mà xác định rõ danh tính là chống đối, muốn lật đổ chính quyền Việt Nam thì khi tham gia vào những tổ chức đó và đủ cơ sở thì người ta buộc tội mình thôi. Như trường hợp Lê Thị Công Nhân, một luật sư mới ra trường, hồi đó đã có những phát biểu hết sức là ghê gớm. Ðến bây giờ thì sao? Lê Thị Công Nhân đâu rồi? Sự nhiệt tình biến đâu mất rồi? Có phải cô ta tỉnh lại và hiểu được như thế nào và cần phải làm gì hay không? Cần phải thấy rằng khi ở một môi trường nào thì mình phải hiểu được pháp luật của nơi đó và sự đấu tranh phải tương thích, không thể nào tùy tiện được. Ở bên ngoài người ta có tiền, có điều kiện, nhưng họ vẫn là ngồi một chỗ. Bây giờ thí dụ những người tổ chức các giải liệu họ có dám về Việt Nam hay không? Hay họ chỉ ở bên ngoài hô hào, đưa ra các giải thưởng, mà giải thưởng nhằm mục đích gì?

ÐOÀN DÂN (lược ghi)