Về cuốn sách được cho là "kiệt tác sử học"!

Trong những năm gần đây, một số công trình nghiên cứu của người Việt Nam ở nước ngoài đã được xuất bản trong nước. Có thể xem đây là sự bổ sung thêm tư liệu, ý kiến tham khảo về một số vấn đề, sự kiện văn hóa, lịch sử,... đồng thời là thể hiện của tinh thần hòa hợp dân tộc. Tuy nhiên khi xuất bản, một số tác phẩm lại được quảng bá không tương ứng với giá trị của tác phẩm.

Vừa qua, cuốn sách Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ 20 của một tác giả người Pháp gốc Việt được xuất bản tại Việt Nam. Như lời giới thiệu thì ban biên tập sử dụng cuốn Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến năm 1858 (Histoire du Viêt-Nam, des origines à 1858 - NXB Sud-Est Asie, Paris, 1982) làm nền, thêm mục 5 (chương tám) và chương chín cuốn Việt Nam, Lịch sử và Văn minh (Le Viêt-Nam, Histoire et Civilisation - NXB Minuit, Paris, 1955) để hình thành một bộ lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, và thành lập nước Việt Nam độc lập (tr.10). Còn theo bìa 4, cuốn sách là "sự kết hợp của hai chuyên khảo mang tính kinh điển về lịch sử và văn hóa Việt Nam... từ lâu đã được các nhà sử học Việt Nam coi như sách tham khảo căn bản khi nghiên cứu về lịch sử Việt Nam. Ðây là lần đầu tiên tác phẩm được coi như kiệt tác sử học này được xuất bản bằng tiếng Việt". Như vậy, dù có tư cách "kết hợp" thì với việc lần đầu một cuốn sách mang tên Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ 20 được xuất bản liệu đã mang "tính kinh điển", "kiệt tác sử học" hay chưa, vì các phẩm chất (nếu có) này, trước hết thuộc về hai cuốn sách được sử dụng để "kết hợp"? Do đó thiết nghĩ, một sự rạch ròi khi giới thiệu là hết sức cần thiết!

Nhìn từ tổng thể, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ 20 là cuốn sách được viết bởi một tác giả giàu lòng tự hào về lịch sử, văn hóa dân tộc. Qua cuốn sách, bạn đọc sẽ được tiếp xúc với nhiều tư liệu lịch sử, tiếp xúc với một số quan niệm, luận chứng ít nhiều hữu ích. Trong bối cảnh lịch sử, văn hóa Việt Nam được giới thiệu trên thế giới chưa nhiều, đôi khi lại chịu ảnh hưởng của quan niệm khác nhau, có thể coi đây là cuốn sách giúp bạn đọc nước ngoài có thêm hiểu biết về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, căn cứ vào điều tác giả cho rằng: "Ý định viết một cuốn sử Việt Nam cho người ngoại quốc đọc trước hết là một ý định chính trị, sau mới là ý định khoa học (nhưng tránh tuyên truyền)" thì có thể hiểu khoa học không phải là mục đích trước hết của tác giả, vậy liệu có nên coi Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ 20 như là "kinh điển, kiệt tác" nghiên cứu lịch sử Việt Nam? Câu hỏi được đặt ra còn vì đọc cuốn sách, dễ nhận thấy một số vấn đề như: có rất ít nội dung có tính chất là phát hiện mới của riêng tác giả; đề cập tới một số sự kiện, hiện tượng lịch sử hoặc văn hóa, tác giả chủ yếu trích dẫn, khái quát kết quả nghiên cứu của người khác; đôi khi, thay vì phân tích trên cơ sở sử liệu gốc, tác giả chỉ đưa ra cách nhìn, lập luận của ông về sự kiện, hiện tượng.

Ðáng lưu ý, cuốn sách coi lịch sử Việt Nam là đối tượng nghiên cứu, dựng lại theo hai chiều lịch đại và đồng đại, nhưng lại thiếu những kết quả nghiên cứu cập nhật trong nước, nhất là về khảo cổ. Chưa kể với lịch sử Việt Nam, một số dấu tích quá khứ chỉ được biết đến qua văn hóa dân gian, thì việc không trực tiếp nghiên cứu nguồn "tư liệu sống" này mà chỉ tham khảo từ sách vở cũng là một hạn chế. Hơn nữa, có lẽ là sản phẩm kết hợp hai cuốn sách, cho nên Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ 20 có hai phần khá riêng biệt: nếu lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến năm 1858 được dựng lại, mô tả và đánh giá trên một toàn cảnh (dù chưa hoàn chỉnh) từ kinh tế, chính trị, xã hội đến văn hóa, nghệ thuật,... thì phần từ năm 1858 tới giữa thế kỷ 20 hầu như chỉ là lịch sử chính trị, kinh tế, xã hội, thiếu vắng nội dung văn hóa,... Trong khi đây là giai đoạn rất quan trọng tạo nên bước ngoặt về văn hóa, nhất là nghệ thuật...

Xin dẫn một số thí dụ. Giới thiệu các dân tộc miền núi phía bắc, tác giả viết: "Người Mèo (220.000 người) mang tên gọi này vì họ có tài leo trèo" (tr.46)! Không rõ sử liệu nào đưa tác giả tới kết luận kỳ khôi như vậy, chẳng lẽ tác giả không biết đầu những năm 60 của thế kỷ 20 trở về trước ở Việt Nam, tộc người này thường gọi là "người Mèo" với xuất xứ từ chữ "Miêu"; từ đó đến nay gọi là người Mông. Vậy tác giả suy đoán để kết luận, hay dựa vào tài liệu nào đó mà không khảo sát tận gốc? Về đời sống xã hội dưới triều Trần, đề cập đến chèo - thể loại nghệ thuật hát nói của dân tộc, tác giả giới thiệu: "Theo giả thuyết ban đầu, nguồn gốc của chèo là các bài ca tang tế.

Trong các đám tang nhà vua, dân chúng chen chúc nhau ở các ngã ba đường đến độ khó tạo được một lối đi cho đám tang. Bởi vậy, người ta nghĩ ra cách cho lính đi theo đám tang hát để báo cho đám đông biết mà tránh đường. Các bài ca này được con hát bắt chước khi tới các nhà có đám tang. Họ hát các bài ca này, kèm theo điệu bộ, có trống, có kèn phụ họa. Rồi các bài ca này biến thành các bài "hát cửa đình". Khi làng có lễ, con hát kéo tới, vẽ mặt, rồi hát và múa trước đình để lễ thần linh. Và cuối cùng, chèo ra đời từ các cuộc trình diễn này", "theo một giả thuyết khác, chèo có xuất xứ từ tuồng"; rồi sử dụng ý kiến của một số tác giả để kết luận: "Nếu chèo không có nguồn gốc thật sự dân gian thì chắc chắn cũng phải do các nho sĩ sống trong dân sáng tác ra. Có cảm hứng từ tuồng, nhưng đề tài lại được lấy từ lịch sử và đời sống Việt Nam, từ thần thoại và truyện kể. Do đó, trong chèo có các câu tục ngữ, cách ngôn, bài hát dân gian chen vào. Dù sao, chèo cũng chỉ thật sự có tính sân khấu vào nửa sau thế kỷ 18".

Ðến nay, tuy còn có ý kiến khác nhau về nguồn gốc của chèo, nhưng chưa thấy ai coi chèo ra đời từ "bài ca tang tế", ngay đoạn ghi chép của Phạm Ðình Hổ trong Vũ trung tùy bút cũng không cho thấy cụ thể "nguồn gốc của chèo là các bài ca tang tế"! Hơn nữa, chèo thường gắn liền với chèo sân đình, chiếu chèo, còn hát cửa đình là hình thức trình diễn thường gắn với nghệ thuật ca trù (hát xoan cũng có hát cửa đình, nhưng phổ biến ở phạm vi địa phương). Bàn về nguồn gốc của chèo không thể bỏ qua việc các thế hệ nghệ sĩ chèo vẫn coi bà Phạm Thị Trân là "tổ nghề". Tương truyền thời Ðinh Tiên Hoàng, bà (được cho là sinh năm 926, mất năm 976) là nghệ sĩ hát chèo nổi tiếng xinh đẹp, tài năng, "là người nổi tiếng nhất trong đám hý phường ở Hồng Châu". Vua Ðinh "mời bà về kinh đô Hoa Lư, phong cho chức Ưu Bà, chịu trách nhiệm dạy quân lính múa hát, đánh trống, gảy đàn, diễn các tích trò, lúc đó gọi là hát trò nhời hay còn gọi là hát chèo". So với hai giả thuyết về sự ra đời của tuồng: năm 1005, Liêu Thủ Tâm đến Hoa Lư được Lê Long Ðĩnh "thâu dụng, bổ làm phường trưởng để dạy cung nữ ca hát trong cung"; và thời Trần, Hưng Ðạo Vương đã tha cho Lý Nguyên Cát - tù binh nhà Nguyên vốn là kép hát, rồi sai dạy lối hát đó cho binh sĩ, thì xét theo thời gian giả thuyết, chèo lại ra đời trước tuồng! Phải chăng, do khảo sát còn sơ sài nên tác giả chỉ đưa ra hai giả thuyết thiếu thuyết phục về nguồn gốc của chèo?

Chương 6 cuốn sách đề cập tới thời Trịnh - Nguyễn, về văn chương chữ Nôm thời kỳ này, tác giả viết: "tiểu thuyết bằng thơ cũng nở rộ, thường là của các nho sĩ sống giữa người dân, nhưng không đề tên tác giả. Những tác phẩm được nhắc đến nhiều nhất là Thạch Sanh, Quan Âm Thị Kính, Phan Trần, Nhị độ mai... Các tiểu thuyết này sử dụng thể thơ lục bát và đỉnh cao hoàn hảo của thể thơ này là Truyện Kiều. Kỹ thuật của các tiểu thuyết này, nhiều khi sử dụng hàng mấy nghìn câu thơ, vẫn còn thô thiển: cách diễn tả thường là vụng về, bố cục lỏng lẻo, nhưng hấp dẫn ở nội dung, trạng thái tinh thần..." (tr.346-347).

Ở đây, đánh giá của tác giả rất khác so với đánh giá của giới nghiên cứu văn học trong nước về truyện thơ Nôm, chí ít theo Từ điển văn học - bộ mới (NXB Thế giới, H.2004) thì Thạch Sanh: "Bản phổ biến nhất là bản có lời văn chải chuốt nhất. Ngôn ngữ bình dị nhưng không kém tinh tế. Nhiều đoạn rất giàu hình ảnh... Ngay trong việc xây dựng tâm lý cũng có phân biệt giữa nhân vật Lý Thông và mẹ y..." (tr.1624); Quan Âm thị Kính: "bút pháp viết truyện của tác giả già dặn, lời thơ nhiều chỗ điêu luyện, chải chuốt" (tr.1473); Phan Trần: "là một truyện thơ viết giản dị, ngôn ngữ trong sáng, không có nhiều từ Hán, hoặc nhiều điển cố khó hiểu... Một số đoạn thơ đạt đến trình độ điêu luyện" (tr.1397); Nhị độ mai: "Ngôn ngữ thơ nhìn chung giản dị, trong sáng, có dùng chữ Hán, điển cố song liều lượng vừa phải và nhuần nhị" (tr.1265 - 1266)... Qua hai cách đánh giá khác nhau trên, người đọc nên tin vào ý kiến của tác giả Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ 20 hay tin vào ý kiến của giới nghiên cứu văn học trong nước?

Cuốn sách Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ 20 còn một số nội dung cần bàn, như tác giả cho rằng: "nước Việt Nam xưa, theo chúng tôi không thể được gọi là "phong kiến" do không có các chế độ chư hầu và đất phong, không có tổ chức xã hội và chính trị đặt nền tảng trên hệ thống các ràng buộc con người và sự phân chia quyền hành giữa một số đông các lãnh chúa lớn" (tr.149) để từ đó ông thay khái niệm "phong kiến" bằng khái niệm "quân chủ"; chưa chỉ ra được bản chất bù nhìn của Bảo Ðại và mấy "chính phủ" do ông lập ra dưới sự chi phối, quyết định của thực dân Pháp, phát-xít Nhật;...

Không phủ nhận những cố gắng của tác giả khi xuất bản các cuốn sách để giới thiệu lịch sử, văn hóa Việt Nam với bạn đọc nước ngoài, nhưng dù sao, với một số nội dung còn thiếu thuyết phục, khó có thể cho rằng, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ 20 là "sách tham khảo căn bản khi nghiên cứu về lịch sử Việt Nam", càng không thể coi là tác phẩm "kinh điển", là "kiệt tác sử học". Một tác phẩm được coi là "kinh điển" trước hết phải chứa đựng những giá trị mẫu mực, tiêu biểu, có ảnh hưởng lớn, được biểu thị qua khả năng khảo sát, khái quát, từ đó phát hiện vấn đề mới, đưa ra kết luận có tính khả tín,... Do đó, dù hâm mộ đến đâu thì vẫn nên thận trọng; không vì sự hâm mộ của mình mà khuyến khích người đọc thâu nạp các tri thức kiểu như: "Người Mèo mang tên gọi này vì họ có tài leo trèo"!