Bình luận - Phê phán

Vai trò của công nghệ trong bảo tồn di sản

Khoa học - công nghệ, nhất là lĩnh vực công nghệ số đang thể hiện tính ưu việt và phát huy vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Tuy nhiên hiện nay, việc đầu tư cho ứng dụng công nghệ trong bảo tồn di sản vẫn còn tình trạng “mạnh ai nấy làm”, thiếu sự đồng bộ.

Di sản, gồm di sản vật thể và di sản phi vật thể, đều là những giá trị được sáng tạo, kết tinh từ trong quá khứ và được thế hệ trước trao truyền lại. Nhưng công nghệ lại là lĩnh vực gắn với những phát minh, làm ra các sản phẩm có tính sáng tạo, luôn phải thích ứng với đòi hỏi phát triển của nền văn minh. Vì vậy, nhiều người vẫn quan niệm khó có thể ứng dụng công nghệ hiện đại vào bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản. Trên thực tế, việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đang trở thành xu hướng tất yếu, ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Thí dụ, năm 2008, một vụ cháy đã thiêu rụi cổng thành Namdeamun (Xơ-un, Hàn Quốc), khiến cộng đồng yêu mến các di sản trên thế giới bàng hoàng. Nhưng 5 năm sau, với sự trợ giúp đắc lực của công nghệ 3D scanning (quét 3D trong không gian thực của công trình bằng tia hồng ngoại), các nghệ nhân đã sử dụng các phương pháp thủ công truyền thống từ đục đá, nung ngói, chạm khắc gỗ,... để tái tạo, sau đó cổng thành nổi tiếng này được khôi phục. Như vậy, lợi thế của công nghệ đã cho phép thu thập hình ảnh công trình, hiện vật trong không gian ba chiều với mọi chi tiết dù nhỏ nhất, với tỷ lệ chính xác tuyệt đối, đã giúp di sản được phục chế đúng theo kích thước, tỷ lệ, hình thức vốn có. Sau vụ cháy Nhà thờ Đức Bà (Pa-ri, Pháp) đầu năm nay, câu chuyện phục hồi di sản quý báu này cũng được đặt ra, và với các nhà bảo tồn, việc khôi phục không quá khó khăn vì Nhà thờ Đức Bà đã được các chuyên gia công nghệ 3D lập hồ sơ và có sẵn một kho tư liệu.

Tại Việt Nam, công nghệ bắt đầu “xâm nhập” lĩnh vực bảo tồn di sản thông qua việc số hóa các di tích, di sản văn hóa phi vật thể phục vụ lưu trữ, quảng bá trên in-tơ-nét. Thời gian gần đây, công nghệ cao bắt đầu được ứng dụng nhiều hơn, nhờ đó đã xuất hiện bảo tàng ảo, di tích ảo thông qua công nghệ thực tế ảo; rồi phim 3D, 4D và sự ra đời của công nghệ 3D vừa hỗ trợ công tác bảo tồn, vừa giúp công nghệ thực tế ảo đạt tầm cao mới; hệ thống thuyết minh tự động, hệ thống dữ liệu di sản được kết nối, chia sẻ, trích xuất ngày càng hiện đại…

Điển hình cho ứng dụng công nghệ mới vào di sản ở nước ta là công trình số hóa 3D đình Tiền Lệ (huyện Hoài Đức, Hà Nội). Đây là công trình đầu tiên của Việt Nam được sử dụng công nghệ 3D scanning. Nhờ công nghệ này, giới nghiên cứu cũng như khách tham quan không chỉ được quan sát tổng thể di sản mà còn được tìm hiểu từng chi tiết nhỏ nhất, từ những nét chạm khắc, từng thớ gỗ, vết nứt, vết ố trên tường, cho đến những viên ngói xô lệch hay có thể “bóc tách” các chi tiết, đo đạc các cấu kiện,… để qua đó có được hiểu biết sâu sắc về đình Tiền Lệ nói riêng, kiến trúc cổ truyền Việt Nam nói chung.

Sau đình Tiền Lệ, hàng loạt di sản đã được ứng dụng công nghệ 3D scanning. Ở Hà Nội có thể kể đến các di tích: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà hát Lớn và một số kiến trúc kiểu Pháp. Tại Quảng Nam, UBND tỉnh đã giao Trường đại học Duy Tân triển khai đề tài khoa học “Số hóa phố cổ Hội An trên nền công nghệ 3D nhằm bảo tồn và giới thiệu di sản Việt Nam ra thế giới”. Để thực hiện đề tài, các nhà khoa học đã xây dựng hệ thống thông tin quản lý và mô phỏng thực tế ảo các công trình, vật thể kiến trúc có giá trị tại trục đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Bạch Đằng (trong đó số hóa và mô phỏng thực tại ảo chi tiết sáu di tích có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc).

Từ đó, kết nối với bản đồ đô thị Hội An và xây dựng ứng dụng trên nền trang mạng (website) để giới thiệu di sản văn hóa thế giới này. Một số công trình thuộc quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên Huế) cũng đã được ứng dụng công nghệ 3D, như lăng Tự Đức, cung An Định, bức tranh Long Vân Khế Hội (chùa Diệu Đế). Riêng lăng Tự Đức được tập đoàn Google đưa vào ứng dụng Google Art and Culture - ứng dụng với công nghệ 3D tạo nên một bảo tàng trực tuyến cho phép người dùng có cái nhìn cận cảnh về nghệ thuật của các di sản trên thế giới.

Bên cạnh tác dụng giúp di sản “trường tồn” trong không gian số, công nghệ 3D còn đưa việc số hóa dữ liệu di sản sang một giai đoạn mới, bởi với hệ thống dữ liệu chuẩn xác, công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality - VR) đã tạo ra các trải nghiệm dựa trên việc mô phỏng hiện thực, từ đó cho phép con người “nhập vai”, hòa mình, tương tác với đối tượng trong một không gian ảo nhưng giống như thật. Không gian “ảo” này có thể được tạo ra bằng số hóa 3D thông qua phần mềm, ảnh 360 độ và hiện nay, trải nghiệm thực tế ảo đang ngày càng trở nên chân thật. Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam và Nhà hát Lớn Hà Nội là những công trình có sự kết hợp hài hòa giữa sử dụng ảnh 360 độ với quét 3D để tái tạo bảo tàng trong môi trường số. Các chuyên gia đã “số hóa” hiện vật, xây dựng từng chuyên đề giới thiệu bằng hình ảnh, kết hợp thuyết minh bằng song ngữ Việt - Anh và ứng dụng công nghệ thực tế ảo.

Công nghệ thực tế ảo cũng đã được đưa vào ứng dụng tại Huế, với sự ra đời của “Trung tâm Thông tin diễn giải lịch sử Hoàng thành Huế và Trải nghiệm thực tế ảo VR - Đi tìm Hoàng Cung đã mất”, nhờ đó khách tham quan lại có thể chiêm ngưỡng cố đô Huế từ “phi thuyền” trên cao, hoặc đi lại khắp Hoàng cung bằng máy chạy bộ tại chỗ. Các di sản phố cổ của Hà Nội, mặc dù chưa ứng dụng công nghệ 3D, nhưng với công nghệ ảnh 360 độ, cũng đem lại những trải nghiệm thú vị cho khách du lịch giúp họ được “tham quan thử” các di tích, các con phố cổ trước khi tham quan thật. Ngoài các ứng dụng kể trên, nhiều cơ quan, đơn vị đã xây dựng những ứng dụng, đưa lên nền tảng của phần mềm iOs hay Android để mọi người có thể tải về điện thoại, máy tính bảng và trải nghiệm di sản một cách dễ dàng.

Để bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Viện Âm nhạc (thuộc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) cũng triển khai nhiều dự án sưu tầm, bảo tồn nghệ thuật biểu diễn dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam, trên cơ sở đó số hóa để lưu giữ, phục vụ nghiên cứu và quảng bá. Ngoài ra, nhiều cơ quan, địa phương khác cũng đã và đang xây dựng “ngân hàng” dữ liệu số với các di sản văn hóa phi vật thể. Công tác bảo tồn di sản cũng đang thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Một trong những công trình nghiên cứu đáng chú ý hiện nay là “Ứng dụng thực tế ảo trong bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể” do một nhóm sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), thực hiện. Điểm độc đáo của ứng dụng này là với phần mềm và một chiếc kính VR, người dùng sẽ được “nhập vai” vào môi trường thực tế ảo, lạc vào “thế giới” của những vở chèo hay điệu múa dân tộc, những cuộc trình diễn trang phục truyền thống, biểu diễn rối nước...

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực xã hội. Trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản, mặc dù đã bước đầu tiếp cận những công nghệ mới của thời đại, nhưng so với thế giới, chúng ta vẫn còn có khoảng cách khá lớn. Như hiện nay, một số quốc gia đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện các cấu trúc hư hại của di tích, từ đó tính toán số lượng vật liệu tu bổ chính xác hơn, giúp quá trình tu bổ tiết kiệm thời gian, công sức hơn. Trí tuệ nhân tạo cũng được ứng dụng trong giáo dục, quảng bá về di sản. Với sự ra đời của mạng lưới thiết bị kết nối in-tơ-nét, còn gọi là vạn vật kết nối (internet of things - IoT), sau khi số hóa, việc kết nối, chia sẻ thông tin về di sản sẽ thuận tiện hơn. Thậm chí, nhiều hiện vật còn được gắn chíp để thu thập thông tin liên tục về tình trạng. Bên cạnh đó, công nghệ sinh học còn giúp bảo quản các hiện vật, kiến trúc cổ. Tuy nhiên, những ứng dụng này vẫn còn khá xa lạ ở Việt Nam. Việc đầu tư cho ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực di sản còn tình trạng “mạnh ai nấy làm”, còn có sự “lệch pha” khá lớn, những thành tựu mới nhất chủ yếu được ứng dụng trong bảo tồn di sản văn hóa vật thể.

Ngày 6-5-2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 581/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020. Hơn bốn năm sau, ngày 29-11-2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 4227/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn 2030.

Tuy nhiên, do thời điểm quyết định được ban hành việc tiếp cận với cách mạng công nghiệp 4.0 còn có phần hạn chế, cho nên các vấn đề ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản chưa được đề cập đúng mức. Vì thế, các hạn chế này cần được bổ khuyết trong chiến lược phát triển văn hóa, chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của ngành văn hóa trong giai đoạn mới.

Trên cơ sở hoàn thiện chính sách, chúng ta có thể đầu tư và huy động các nguồn lực một cách thỏa đáng như cần chú trọng đào tạo nhân lực, đáp ứng những yêu cầu mới. Có thể thấy rằng, ứng dụng công nghệ hiệu quả không chỉ giúp bảo tồn di sản, mà còn có thể đem lại những giá trị kinh tế trong phát triển du lịch di sản, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới.