Từ một cuốn sách, nghĩ về hiện tượng "đạo văn"

NDO -

Nhiều năm qua, báo chí nhiều lần đề cập tới hiện tượng "đạo văn", thậm chí còn chỉ đích danh tác phẩm và tác giả. Dư luận nhiều lần phê phán hiện tượng này, vì nó không chỉ liên quan tới bản quyền, tới đạo đức của người viết mà còn liên quan tới quá trình quảng bá tri thức một cách lành mạnh.

Bài viết của tác giả TTPT và cuốn sách Văn hóa Hmông của TS Trần Hữu Sơn. (Ảnh: thethaovanhoa.vn)
Bài viết của tác giả TTPT và cuốn sách Văn hóa Hmông của TS Trần Hữu Sơn. (Ảnh: thethaovanhoa.vn)

Gần đây, tạp chí Văn hóa dân gian số 2 (2013) đăng bài Về việc sử dụng và trích dẫn một tài liệu ở công trình Trường ca, sử thi trong môi trường văn hóa Tây Nguyên, trong đó khẳng định tác giả Trường ca, sử thi trong môi trường văn hóa Tây Nguyên (NXB Văn hóa dân tộc, H.2005) đã sử dụng một số nội dung về sử thi Ba Na trong công trình Folklore Bahnar (GS, TS Tô Ngọc Thanh chủ biên, Sở Văn hóa - Thông tin Gia Lai - Kon Tum xuất bản năm 1988) mà không dẫn nguồn. Sự kiện này làm nhớ tới cuốn sách Văn hóa HMông của TS Trần Hữu Sơn do NXB Văn hóa dân tộc phát hành năm 1996 (khi cuốn sách này xuất bản chưa có quy định viết là "người Mông"). Cuốn sách là một khảo cứu dân tộc học về văn hóa người Mông ở Lào Cai, là kết quả nghiên cứu sau rất nhiều năm điền dã của tác giả. Tuy nhiên vừa qua, TS Trần Hữu Sơn nói rằng: "Tiếp tục nghiên cứu, tôi phát hiện một số vấn đề trước đây khảo sát, đánh giá chưa chính xác, phải bổ sung, viết lại". Tức là theo tác giả, cuốn sách chưa thật sự hoàn chỉnh và đó là thái độ khoa học nghiêm túc. Nhưng hơn 10 năm qua, cuốn sách liên tục bị một số người "đạo văn" để đưa vào tác phẩm của họ. Như năm 2000, có tác giả "đạo" một số nội dung từ cuốn sách của TS Trần Hữu Sơn để viết cuốn sách về văn hóa người Mông ở một tỉnh miền trung. Về sau, dù đã bị phê phán, khi tái bản, cuốn sách vẫn giữ nguyên một số đoạn "đạo văn"! Gần đây, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật (cơ quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) số 4-2013 đăng bài Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Mông Lào Cai của TTPT, bài viết cũng bị phát hiện chủ yếu là đã "đạo" từ sách của TS Trần Hữu Sơn và cuốn Văn hóa tâm linh của người HMông ở Việt Nam truyền thống và hiện tại của Vương Duy Quang (NXB Văn hóa thông tin và Viện Văn hóa phát hành năm 2005). Cách đây không lâu, báo chí cũng chỉ rõ cuốn Các dân tộc ở Thanh Hóa của các tác giả VQT, LNT, MVT đã "đạo văn" từ các cuốn Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía bắc) (NXB Khoa học Xã hội, H.1978), Người Khơ Mú ở Việt Nam (PGS Khổng Diễn chủ biên, NXB Khoa học Xã hội, H.1999), Tín ngưỡng, phong tục, lễ hội của người Mường ở Thanh Hóa của Phạm Văn Ðấu. Song có lẽ chưa ai biết, các tác giả của "công trình nghiên cứu đầu tiên có hệ thống về các dân tộc ở Thanh Hóa" (Giới thiệu của PGS, TS Lâm Bá Nam) đã "đạo văn" của TS Trần Hữu Sơn như thế nào. Vì, từ trang 109 tới trang 186 của cuốn sách Các dân tộc ở Thanh Hóa chủ yếu là chép lại nguyên văn từ câu chữ đến dấu chấm, dấu phẩy hoặc xào xáo một số nội dung từ cuốn sách Văn hóa HMông của TS Trần Hữu Sơn!

Trong khoa học xã hội và nhân văn, từ tính chất và mục đích, người nghiên cứu có thể không khảo sát thực tế cụ thể, mà giới hạn phạm vi khảo sát qua sách vở, tài liệu,... Tuy nhiên, giới hạn này luôn có thể đẩy nghiên cứu tới xu hướng tư biện, thiếu ý nghĩa thực tiễn. Vì từ vai trò của khoa học đối với sự phát triển xã hội - con người, từ quan hệ giữa lý luận với thực tiễn, mọi công trình nghiên cứu đều phải có giá trị và ý nghĩa xã hội nhất định, chí ít là với cộng đồng nghề nghiệp. Với một số chuyên ngành như Văn hóa học, Dân tộc học, Sử học, Ngôn ngữ học, Văn hóa dân gian,... việc tiếp xúc, khảo sát trực tiếp đối tượng nghiên cứu luôn là yêu cầu quan trọng, thậm chí là một trong những yêu cầu hàng đầu. Không phải ngẫu nhiên, khái niệm "điền dã" lại gắn liền với Dân tộc học - gần đây ở Việt Nam bộ môn này được gọi là Nhân học. Công việc "mô tả dân tộc" (ethnography) đòi hỏi người nghiên cứu phải cố gắng tiếp xúc trực tiếp với đối tượng để có thể mô tả chính xác. Và mọi người đều biết, thành quả khoa học của GS Trần Quốc Vượng; GS Phan Huy Lê; GS, TS Tô Ngọc Thanh; GS, TS Phan Ðăng Nhật... đều gắn với các cuộc điền dã. Riêng GS Từ Chi - người đã được khẳng định là nhà Dân tộc học hàng đầu của Việt Nam, sau nhiều năm điền dã, ông để lại cho hậu thế một số công trình khoa học mà có lẽ sau ông ít người làm được, như: Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ (1984), Hoa văn Mường (1978), Hoa văn các dân tộc Djarai-Bhana (1986), Người Mường ở Hòa Bình...

Ðọc những công trình nghiên cứu văn hóa tộc người hay văn hóa dân gian, thường thấy có hai dạng thức: một là nghiên cứu có tính phổ quát về văn hóa, hoặc một lĩnh vực văn hóa nào đó (có thể rất chi tiết) của một tộc người; hai là nghiên cứu văn hóa của một nhóm nhỏ thuộc một tộc người cư trú trên địa bàn cụ thể. Với dạng thức thứ nhất, trong khi khái quát các đặc điểm cơ bản, tác giả vẫn tiến hành so sánh, chỉ ra nét khu biệt giữa các cộng đồng nhỏ sinh sống ở các khu vực. Với dạng thức thứ hai, đó không chỉ là kết quả điền dã khu biệt, mà còn là nhận thức của nhà nghiên cứu khi đứng trước khả năng khác nhau về văn hóa có thể xảy ra giữa các nhóm nhỏ cùng một tộc người nhưng cư trú trên địa bàn khác nhau. Chẳng hạn, người Việt ở các tỉnh phía bắc có tục thờ cúng tổ tiên, người Việt ở các tỉnh phía nam có đạo ông bà, tuy gần gũi về quan niệm song lại có một số chi tiết khác nhau trong cách thức thờ cúng, văn khấn... Ngay tục thờ thành hoàng, giữa một số địa phương cũng có nét khác (tham khảo qua công trình Tín ngưỡng Thành hoàng Việt Nam của PGS Nguyễn Duy Hinh). Hoặc cơ cấu tổ chức làng người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ có nét khác so với cơ cấu tổ chức làng của người Việt ở Trung Bộ, Nam Bộ...

Phải dẫn giải như trên vì khi "đạo văn" từ cuốn sách của TS Trần Hữu Sơn, một số tác giả tỏ ra rất thiếu ý thức về khoa học, nếu không nói họ nghiên cứu khoa học khi chưa có khả năng đáp ứng một số yêu cầu cơ bản. Họ "điền dã" trên sách vở, không tiếp xúc với thực tế để phát hiện, nắm bắt sự khác nhau trong một số nét, chi tiết (thậm chí có yếu tố là bản sắc riêng) về văn hóa giữa các cộng đồng người dù cùng nguồn gốc nhưng sinh sống tại các khu vực địa lý khác nhau. Như đã đề cập, cuốn sách của TS Trần Hữu Sơn là công trình nghiên cứu văn hóa người Mông ở Lào Cai. Khi "đạo văn", tác giả cuốn sách về văn hóa người Mông ở tỉnh miền trung nọ đã đưa nguyên xi quan niệm, tín ngưỡng, phong tục,... của người Mông ở Lào Cai vào cuốn sách và như thế, quan niệm, tập quán, tín ngưỡng, phong tục,... của người Mông ở Lào Cai bị biến thành của người Mông ở miền trung! Tương tự với bài Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Mông Lào Cai, bên việc "đạo văn" từ cuốn sách của TS Trần Hữu Sơn, tác giả còn "đạo" từ cuốn Văn hóa tâm linh của người HMông ở Việt Nam truyền thống và hiện tại của Vương Duy Quang mà không biết cuốn sách chủ yếu nghiên cứu văn hóa tâm linh của người Mông ở Hà Giang! Tình trạng cũng diễn ra như thế với cuốn sách Các dân tộc ở Thanh Hóa, người "đạo văn" biến văn hóa của người Mông ở Lào Cai thành văn hóa của người Mông ở Thanh Hóa.

Hiện tại, hiện tượng "đạo văn" đã trở nên khá phổ biến trong nhiều bộ môn khoa học, báo chí... Dư luận đã phát hiện một số cuốn sách, bài báo, thậm chí cả công trình khoa học có hành vi "đạo văn". Thường khi không thể chối cãi, người "đạo văn" thường xin lỗi mấy câu, hoặc lập lờ rằng do "sơ suất" nên không đưa nội dung "chép" của người khác vào ngoặc kép. Quan ngại hơn, sau khi bị phát hiện "đạo văn" thì cuốn sách, bài báo, công trình khoa học đó hầu như không thấy bị thu hồi, thậm chí vẫn được sử dụng làm tài liệu giảng dạy ở trường đại học. Sự trôi nổi của các ấn phẩm này hoàn toàn có thể làm người đọc ngộ nhận, trích dẫn mà không biết đó là tài sản có được do xâm phạm bản quyền của người khác, thậm chí không biết nội dung trích dẫn không phù hợp với thực tế văn hóa. Trong các trường hợp như vậy, hành vi "đạo văn" không chỉ liên quan đến đạo đức của người viết mà còn dẫn tới tình trạng "giả tri thức", có thể tác động tiêu cực đến nhận thức lý luận - thực tiễn của người tiếp nhận.

Có thể nói khoa học là một trong các yếu tố cơ bản nhất, trực tiếp làm nên lịch sử phát triển của văn minh nhân loại. Với Việt Nam cũng vậy, khoa học đã có nhiều đóng góp với sự phát triển đời sống vật chất, tinh thần của đất nước và ngày nay chúng ta cũng đang rất nỗ lực để khoa học trực tiếp góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao dân trí, phát triển và làm phong phú tri thức, trí tuệ. Tất nhiên, đó phải là khoa học có ý nghĩa và tác động tích cực tới sự phát triển xã hội - con người, là kết quả lao động của các chủ thể nghiên cứu nghiêm túc, biết trân trọng, kế thừa thành quả nghiên cứu của đồng nghiệp, của người đi trước... một cách lành mạnh. Do đó, nếu một mặt cần nâng cao hơn nữa đạo đức khoa học, thì mặt khác, bên sự lên tiếng của dư luận và báo chí, đã đến lúc các cơ quan quản lý khoa học và cơ quan chức năng cần có biện pháp chế tài để xử lý nghiêm khắc, vì bỏ qua hành vi "đạo văn" là dung túng cho cái xấu, làm ảnh hưởng tới uy tín trong giới khoa học.

NGUYỄN HÒA