Tự hào về Ðảng, tự hào về sự phát triển của đất nước

Những ngày đầu năm 2020, không chỉ đồng bào trong nước chào đón dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2020), mà nhiều người Việt Nam ở nước ngoài cũng bày tỏ sự tin tưởng, niềm tự hào về chính đảng đã tổ chức, lãnh đạo dân tộc nỗ lực giành lại độc lập, chống ngoại xâm, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp. Ðó cũng là nội dung bài viết của ông Hồ Ngọc Thắng từ CHLB Ðức mới gửi tới Báo Nhân Dân. Ðặc biệt trong bài, ông đã trích dịch một số đánh giá của báo chí phương Tây về vai trò của Ðảng Cộng sản với cách mạng Việt Nam. Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

(Kỳ 1)

Tôi xin được mở đầu bài viết này bằng việc trích dịch từ bài báo nhan đề "Con hổ xã hội chủ nghĩa" (Der sozialistische Tiger), đăng trên tờ Thế giới trẻ (Junge Welt) ở Berlin (Béc-lin - CHLB Ðức) ngày 8-2-2018. Tác giả bài báo là nhà báo người Ðức nổi tiếng H.Kapfenberger (H.Khắp-phen-béc-cơ), và cũng là người viết cuốn Biên niên sử Hồ Chí Minh, và mới đây là cuốn Ðường Hồ Chí Minh. Bài báo có đoạn: "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2018, trong đó nổi lên hai nhiệm vụ lớn nhất là vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam cùng các cơ quan của nhà nước, và đòi hỏi những nỗ lực to lớn để phát triển mọi lĩnh vực của đời sống xã hội... Ðại hội Ðảng lần thứ VI vào năm 1986 đã bật đèn xanh cho đường lối chủ đạo, nói theo ngôn ngữ của quốc gia này là "Ðổi mới". Ðổi mới, trước hết có nghĩa là đổi mới tư duy, là chuyển đổi nền kinh tế quốc gia vốn bị trói buộc vào cơ cấu của nền kinh tế kế hoạch hóa và quản lý nhà nước tập trung theo mô hình của các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, và cơ chế thị trường có kiểm soát từ nay được xây dựng để thúc đẩy phát triển kinh tế. Ðổi mới cũng có nghĩa là đoạn tuyệt với chế độ kinh tế chỉ huy của nhà nước vốn liên kết chặt chẽ với các quốc gia thành viên Hội đồng tương trợ kinh tế, và mở cửa với thị trường quốc tế… Liên kết tất cả các yếu tố này đã và vẫn đang là nhiệm vụ khổng lồ trong việc thực thi một cuộc cách mạng trong nhận thức của mọi tầng lớp xã hội, cách suy nghĩ và hành xử mới, khắc phục những vấn đề vốn là di sản của thời kỳ khó khăn trước đây, sáng tạo tìm ra các ứng biến cần thiết, thích hợp cho cuộc sống. Và từ một đất nước bị cô lập bởi phương Tây, bị cấm vận trong nhiều năm, ngày nay nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang duy trì quan hệ ngoại giao với 185 quốc gia, 15 quốc gia được xác định là đối tác song phương với quan hệ toàn diện hoặc chiến lược, trong đó có CHLB Ðức. Nhờ Ðổi mới, Việt Nam đã có chỗ đứng trong nhiều tổ chức và cơ quan chính trị, kinh tế toàn cầu và khu vực. Từ năm 1995, Việt Nam là thành viên Hiệp hội các nước Ðông-Nam Á (ASEAN); năm 1996, Việt Nam là một trong 26 thành viên sáng lập Hội nghị Á - Âu (ASEM), năm 2004 Việt Nam là quốc gia chủ nhà tổ chức gặp mặt của tổ chức này. Một trong các thành công lớn trong chính sách đối ngoại của Việt Nam là tháng 11-2017 đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh hằng năm của APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương) và người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ từ 21 quốc gia thành viên, mà tiêu biểu như Tổng thống Nga V.Putin (V.Pu-tin), Tổng thống Mỹ D.Trump (Ð.Trăm), Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản và Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình… đã đến Ðà Nẵng dự hội nghị. Từ vai trò này, Việt Nam trở thành đại diện của APEC tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 (nhóm các nền kinh tế lớn) tổ chức tại TP Hamburg (Hăm-bua, Ðức). Nhìn vào các số liệu tăng trưởng về kinh tế có thể thấy vị thế nổi bật của Việt Nam trong số các quốc gia đang phát triển ở ngoài châu Âu. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng từ mức tương đương 104,7 tỷ USD trong năm 2010 lên mức 219,4 tỷ USD trong năm 2016, so với năm 1989 đã tăng gấp 31 lần. Trong 30 năm qua, Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng GDP với mức trung bình hằng năm là 6,6%, năm 2017 là 6,81%... Mặc dù dân số tăng nhanh từ khoảng 50 triệu vào năm 1980 lên 92 triệu người như hiện tại (năm 2018), thì mức sống của dân số vẫn được cải thiện đáng kể. Kể từ những năm 90 của thế kỷ 20, khoảng 30 triệu người đã thoát nghèo; tỷ lệ nghèo giảm từ gần 60% xuống dưới 3%; khoảng 94% cư dân thuộc 54 dân tộc khác nhau đã biết chữ; tất cả trẻ em được bảo đảm học ít nhất là đến lớp bốn… Việt Nam báo cáo rằng họ đã đáp ứng một số Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) của Liên hợp quốc, thậm chí vượt xa trong các tiêu chí về giảm nghèo, giáo dục, và bình đẳng giới... Tính đến tháng 3-2017, quốc gia này đã có hơn 23.000 dự án FDI từ 116 nước và vùng lãnh thổ với tổng số vốn khoảng 300 tỷ USD... Rõ ràng ngay từ đầu ban lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam - chính đảng có tư cách khởi xướng và động lực của đường lối Ðổi mới, trên con đường dẫn đến một nước Việt Nam công nghiệp tiên tiến thông qua sự chuyển đổi căn bản của nền kinh tế, có trách nhiệm chính và đóng vai trò mẫu mực. Trong các Ðại hội Ðảng đã được tổ chức, sự tăng cường không ngừng của ban lãnh đạo và sức mạnh chiến đấu của toàn Ðảng luôn là chủ đề chính. Ðại hội Ðảng lần thứ XII tổ chức vào tháng 1-2016 đã coi xây dựng Ðảng là một thách thức lâu dài. Báo cáo chính trị của Ðại hội XII nhấn mạnh sự cần thiết phải có một tổ chức Ðảng mạnh mẽ, minh bạch trong các vấn đề đạo đức, đồng thời kiên quyết tiến hành cuộc đấu tranh chống lại tình trạng vô kỷ luật và vô trách nhiệm, các hành vi sai trái về ý thức hệ, sự bất tài, tham ô, lãng phí, vô đạo đức, làm giàu bất minh và lối sống tha hóa của một số người trong đội ngũ đảng viên. Thực tế cho thấy đến nay, các quy định này đã được áp dụng với mọi đảng viên, không có ngoại lệ, hay như diễn đạt của các văn bản mà Ðảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành là "không có vùng cấm". Vì thế việc một số phương tiện truyền thông coi đó là "đấu tranh tranh giành quyền lực nội bộ" và "thanh trừng vì ý thức hệ" đều chỉ là bịa đặt, xuyên tạc, không liên quan đến thực tế và không khách quan".

Bài báo trên được công bố tại Ðức tháng 2-2018. Tới tháng 12-2019, các số liệu liên quan đã thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn rất nhiều; hoặc nói cách khác thì từ đó đến nay, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu mới hơn, lớn hơn và rộng hơn, qua đó có thể thấy vai trò lãnh đạo quan trọng, đường lối cách mạng đúng đắn của Ðảng Cộng sản Việt Nam đối với sự phát triển ấy như thế nào. Ðiều đó làm cho một người Việt sinh sống ở nước ngoài như tôi thấy rất tự hào. Tương tự như cách đây ba năm, đọc bài báo "Ðại hội Ðảng Cộng sản Việt Nam: Ðảm bảo vai trò lãnh đạo" đăng ngày 29-1-2016 trên tờ Thời đại của chúng ta (Unsere Zeit - UZ, tuần báo của Ðảng Cộng sản Ðức - DKP), tôi đã rất tự hào về chính đảng đang lãnh đạo công cuộc xây dựng, bảo vệ quê hương của tôi. Như bài báo viết: "Cách đây gần 30 năm, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra đường lối Ðổi mới, và từ đó đã đưa đất nước hướng đến nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Cũng từ đó, nhiều chính trị gia và nhà tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc đã thường xuyên kêu gọi Ðảng Cộng sản Việt Nam phải "từ bỏ sự độc quyền lãnh đạo". Song không như ý muốn của họ, Việt Nam vẫn nhất quán với đường lối phát triển của mình. Như từ ngày 21 đến 28-1-2016, Ðại hội Ðảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII đã tiến hành tại Hà Nội, tại đó Ðảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện khả năng của chính mình, là đại diện của mọi tầng lớp nhân dân, và tiếp tục củng cố vai trò lãnh đạo của Ðảng. Ngày nay, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã có hơn 4,6 triệu đảng viên - trong tổng số 93,5 triệu người Việt Nam. Con số này cho thấy trong khi các đảng cộng sản cầm quyền trước đây ở Ðông Âu tan rã, thì kể từ năm 1990, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã tăng gấp đôi số đảng viên. Trọng tâm Ðại hội XII của Ðảng Cộng sản Việt Nam là đánh giá kết quả 30 năm Ðổi mới. Trong quá trình này, quốc gia nông nghiệp trước đây nay đã phát triển với tốc độ tăng trưởng từ 6% đến 8%. Như đánh giá của Blomberg News (hãng thông tấn quốc tế có trụ sở ở Mỹ) thì kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh trên thế giới, đầu tư công chiếm tỷ lệ trung bình 25% tổng sản phẩm quốc nội hằng năm. Ðây là những con số nói lên thái độ làm việc chăm chỉ của mọi người, trí thông minh của họ, cam kết của họ đối với đất nước của mình, và đó cũng là các nội dung đã được đề cập nhiều lần trong cuộc thảo luận tại Ðại hội Ðảng… Trong khi có hàng triệu người trong thế giới thứ ba sống trong nghèo đói và vì thế mà nhiều người đã vĩnh viễn ra đi, thì người Việt Nam tuy còn có cuộc sống khiêm tốn nhưng tốt hơn nhiều, việc cung cấp thực phẩm cơ bản và nhà ở được đảm bảo. Tất cả các khả năng của giáo dục đều mở cửa cho giới trẻ. Chỉ riêng thành phố Hồ Chí Minh, đã tăng từ hai đến gần tám triệu dân, có hơn 50 trường đại học và cao đẳng. Ðể đảm bảo sự phát triển này, kế hoạch 5 năm được Ðại hội XII thông qua có chứa các chỉ số cao trên các lĩnh vực".

Đó là đánh giá trong bối cảnh và với các thành tựu ở thời điểm hiện tại. Theo tôi, để thấy được vai trò cực kỳ to lớn của Ðảng Cộng sản Việt Nam đối với dân tộc, còn cần phải nhìn xa hơn về quá khứ, vì phải từ đó mới thấy hết, mới khẳng định được rằng sự ra đời của Ðảng là bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Mà nổi lên là sự lựa chọn của Ðảng khi xác định quan điểm về sự thống nhất biện chứng giữa độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, và sự lựa chọn, quan điểm đó thực sự là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam. Ðể rồi 15 năm sau ngày thành lập, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo dân tộc làm nên Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, đưa tới sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Sau đó là 30 năm đấu tranh gian khổ để giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, và ngày 30-4-1975 đất nước thống nhất, toàn dân được sống trong hòa bình, vượt qua khó khăn để tiến hành sự nghiệp đổi mới với các thành tựu không thể phủ nhận, đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

(Còn nữa)