Bình luận - Phê phán

Trường hợp Võ Phiến (Tiếp theo và hết) (*)

Về chọn lựa ý thức hệ, nhà văn Võ Phiến tuyệt đối bác bỏ chọn lựa chủ nghĩa cộng sản. Chọn lựa một chủ nghĩa, phải trên cơ sở nhu cầu đất nước và phải căn cứ vào kết quả cụ thể.

Xét nhu cầu, thời Pháp thuộc có nhu cầu hết sức lớn là đánh đuổi giặc Pháp. Ðến cuối thập niên thứ nhất thế kỷ 20, nỗ lực cứu nước của các nhà Nho đã coi như hoàn toàn thất bại. Công cuộc giành lại độc lập đòi hỏi một đường hướng mới. Ðúng lúc ấy bên Tây phương nảy ra một thứ chủ nghĩa nhiệt liệt bênh vực người bị áp bức, với những phương cách rất cụ thể để tổ chức họ thành lực lượng đấu tranh lợi hại. Quốc gia tiên phong ứng dụng chủ nghĩa ấy là Liên Xô, một cường quốc. Ở Việt Nam đang có vô số người bị áp bức, nếu chọn chủ nghĩa cộng sản thì trước mắt có phương tiện để tổ chức họ thành đoàn thể chặt chẽ, thêm về lâu dài có thể có được nguồn ngoại viện cần thiết cho kháng chiến: tại sao lại không? Thời Pháp thuộc còn có nhu cầu khác cũng rất quan trọng là cải cách xã hội để san bằng những chênh lệch quá độ nảy sinh như một kết quả của tình trạng đất nước bị ngoại nhân cai trị lâu ngày. Tuy ở nước ta không có vấn đề giai cấp như một kết quả của cấu trúc xã hội truyền thống, trong thời Pháp thuộc đã xảy ra chênh lệch giàu nghèo quá độ, vì lúc bấy giờ, quan lại điển hình không còn là cha mẹ dân, không lo cho dân nữa, mà vừa ngay ngáy lo phục vụ giặc cho thật kỹ, vừa ngày đêm "tận tụy" bóc lột dân! Dưới quan, bọn hào lý cũng bận bịu "hai lo": một phục vụ quan, hai bóc lột dân! Và vì trên quan dưới hào đều không vì dân, cho nên các địa chủ cũng tha hồ bóc lột! Chủ nghĩa cộng sản có vẻ là một phương tiện tốt để thực hiện việc cải cách này, tại sao lại không chọn?

Xét kết quả, đối với hai đại sự là giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, chủ nghĩa cộng sản rõ ràng là chọn lựa đúng. Nhờ đông đảo nhân dân đoàn kết chặt chẽ với tinh thần hy sinh cao độ và nhờ có ngoại viện cần thiết, mà cả hai đại sự đã thành công tốt đẹp. Ðối với việc cải cách xã hội, tuy trong một thời gian đã xảy ra sai lầm khiến một số người bị xử oan, nhưng mục đích san bằng bất công đã đạt được. Nhân đây cũng nên nói về ý nghĩa của việc "sửa sai". Nó chính là một thí dụ về khả năng Việt hóa món nhập ngoại của dân tộc Việt Nam... Tiếc một phần do hoàn cảnh chiến tranh, trong cải cách ruộng đất việc xem xét lại đã không được tiến hành kịp thời. Nhìn chung, ở miền bắc văn hóa dân tộc đã làm mềm hẳn chủ nghĩa cộng sản, với kết quả là một xã hội về cơ bản vừa giữ được những giá trị truyền thống tốt đẹp, vừa có một cái không khí bình đẳng hơn trước cũng tốt đẹp. Nghĩa là, ít nhất trong khung thời gian liên hệ, việc chọn chủ nghĩa cộng sản không có gì sai...

Trong khi những người cộng sản Việt Nam lập hết công giải phóng dân tộc đến công thống nhất đất nước, cùng lúc dần dần cải cách ý thức hệ cộng sản cho hợp với văn hóa truyền thống và điều kiện xứ sở, thì nhà văn Võ Phiến hững hờ với giải phóng, thờ ơ với thống nhất, đem toàn lực tiến công cái bản gốc của ý thức hệ ấy! Ông bảo chủ nghĩa cộng sản là xấu. Trông vào kết quả trên nhiều mặt, rõ ràng nó chẳng xấu cho đất nước, quê hương một chút nào!

Ngoài lập trường chống cộng, tác phẩm của Võ Phiến còn chứa một cái nhìn về lịch sử dân tộc trong thế kỷ 20. Ở đây có lẽ nên nhắc ngay đến cái khuynh hướng phân tích tâm lý nhân vật "chẻ sợi tóc làm tư". Thật ra không chỉ khi viết truyện mà cả trong đời sống ông cũng thế, cũng thích chẻ cái mình nhìn ra cho thật nhỏ. Và ông đặc biệt ưa chú mục vào những cái xấu, bất thường (tuy bản thân không hề xấu hoặc bất thường). Mỗi người chỉ có đúng một cách nhìn. Tất nhiên nhà văn Võ Phiến đã nhìn lịch sử dân tộc bằng cách vừa nói. Kết quả là, đọc ông gần như toàn gặp những người dân không biết yêu nước là gì (thỉnh thoảng có gặp thì nhân vật yêu nước hiếm hoi ấy lộ vẻ lạc lõng rõ rệt); không thấy thực dân khai thác tài nguyên bóc lột lao động đâu cả, chỉ thấy cán bộ cộng sản hủ hóa; không thấy giặc Pháp tàn bạo với người Việt Nam đâu cả, chỉ thấy có dân bị đấu tố oan; không thấy đông đảo nhân dân nô nức ủng hộ chiến sĩ, hàng hàng lớp lớp chiến sĩ hăng say đánh giặc ngoại xâm, lập chiến công oai hùng đâu cả, chỉ thấy nhiều người bị làm khổ và nhiều kẻ liều chết ngớ ngẩn! Không có những việc tốt mà nhà nước cộng sản đã làm cho dân nghèo nào hết, chỉ có những xáo trộn xã hội hoàn toàn vô ích!... Dân tộc Việt Nam đâu phải như vậy. Sự thật về cuộc cai trị của thực dân Pháp, về cuộc kháng chiến của Việt Nam, về những việc làm của Ðảng Cộng sản Việt Nam, đâu phải như vậy. Sở dĩ nhà văn Võ Phiến thấy vậy, bởi ông đã chăm chú nhìn những thành phần thiểu số, những chuyện lẻ tẻ, nhất thời...

Cách nhìn là quan trọng nhất. Nhưng nhìn đâu cũng có đóng góp vào cái thấy của người nhìn. Có thể đặt vấn đề, hay là quê hương nhỏ của nhà văn Võ Phiến là huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Ðịnh nó đã "ngoại lệ" khiến ông đâm ra dễ nghĩ lệch về chuyện đất nước? Quả thật, ở Phù Mỹ thời Pháp thuộc gần như không thấy bóng giặc Pháp mà chênh lệch giàu nghèo cũng không đáng kể. Nhưng ngay ở Phù Mỹ, chắc chắn cũng đã có rất nhiều người yêu nước, chẳng qua nhà văn không chú ý đến họ. Hơn nữa, chỉ nhìn tình hình Phù Mỹ mà thôi khó thấy được đại cục nước Việt Nam, thì thiết tưởng một người lên tiếng về đại cục như nhà văn Võ Phiến có trách nhiệm phải nhìn cho thật rộng, nhìn khắp cả nước, chứ đâu được nhận định về toàn quốc trên cơ sở tình hình ở chỉ địa phương mình! Cuối cùng, về "cách nhìn Võ Phiến", có lẽ cũng nên nêu lên rằng lẽ tự nhiên nó dẫn tới tâm lý bi quan, là một nét nổi tiếng của văn chương Võ Phiến. Bi quan trong văn thì không sao cả. Nhưng trong cuộc đấu tranh để sinh tồn của cả một dân tộc, thì hết sức tai hại.

... Viết văn chống cộng thì lắm cây bút từ miền bắc di cư vào chịu khó viết. Nhưng tác phẩm của họ thường là lớn lời mà thiếu chi tiết cụ thể, rỗng lý luận. Tác phẩm chống cộng của nhà văn Võ Phiến ngược lại: lời nhỏ kể lể tỉ mỉ, đay nghiến, với lý luận (sai) kèm theo. Chính quyền Sài Gòn để ý và đánh giá cao lối viết ấy. Năm 1960, truyện vừa Mưa đêm cuối năm của nhà văn Võ Phiến được giải thưởng "Văn học toàn quốc". Như Nhất Linh nhận xét trong Viết và đọc tiểu thuyết, lời văn trong tác phẩm giật giải văn chương ấy hãy còn thô vụng. Nó được chọn rõ ràng vì nội dung chính trị phù hợp với nhu cầu tuyên truyền của những người đang cai trị miền nam.

Sau Mưa đêm cuối năm, được chính quyền Sài Gòn khuyến khích, được "đồng chí" tán thưởng, ông tiếp tục cho ra đời những tác phẩm có nội dung tương tự, viết chống cộng mỗi lúc một thêm "tinh vi". Thật ra tác phẩm của Võ Phiến trở nên "vi" (tỉ mỉ) hơn nữa, chứ không phải "tinh" (thấy đúng bản chất) hơn chút nào, vì nhìn cục bộ thì không thể thấy toàn thể. Cái tiếng "chống giỏi" của nhà văn nhanh chóng lan rộng trong cái tiểu xã hội phức tạp của những người chống cộng mà có lẽ đại đa số không thật sự chia sẻ nội dung cụ thể của tác phẩm Võ Phiến, chưa nói nhiều người hình như không hề cầm tới sách! Nhà văn Mai Thảo có lần đọc, thấy "nhiều sắc thái địa phương". Nhà văn Vũ Khắc Khoan cũng thử đọc, rồi phàn nàn về những nhân vật "tù lù mù". Chi tiết khó "chia", mà lý luận hẳn họ càng thấy khó "sẻ", vì vốn dĩ chính bản thân họ có hay lý luận rắc rối gì đâu. Ðại khái, mỗi người chống cộng vì một số lý do riêng, rồi hễ cứ nghe ai "chống giỏi" là rủ nhau hoan hô, không cần biết người kia cụ thể chống thế nào!

Cái lối được trầm trồ mà không được đọc rồi cũng xảy ra cho nhà văn Võ Phiến ở ngoài bắc. Một số người "Nhân văn giai phẩm" nghe tiếng chống cộng của ông, sinh ngay cảm tình, tuy hầu hết những người ấy chắc chắn chưa bao giờ đọc được một chữ văn của Võ Phiến! Thật ra giữa họ và nhà văn Võ Phiến có chỗ khác nhau rất căn bản: họ đều đồng lòng kháng chiến đánh đuổi giặc Pháp, lấy việc ấy làm quan trọng hơn cả, trong khi nhà văn Võ Phiến thì không. Nông nỗi của họ xảy ra là do họ nghĩ giải phóng dân tộc xong rồi, Ðảng không nên lãnh đạo văn hóa nữa, mà nên để "trăm hoa đua nở". Nhưng việc nước đã xong đâu! Còn phải thống nhất đất nước. Với sự can thiệp của siêu cường Mỹ, công việc sẽ vô cùng khó khăn. Cần phải duy trì ý chí chính trị và tinh thần kỷ luật ở mức cao nhất. Tự do văn hóa sẽ ảnh hưởng xấu đến nỗ lực duy trì này, do đó Ðảng không thể chấp nhận được. Nhìn cách khác, tình hình đất nước bấy giờ chưa thích hợp với một cải cách chủ nghĩa lớn như vậy.

Vào cái khoảng thời gian Liên Xô vừa sụp đổ, cái tiếng chống cộng của nhà văn Võ Phiến còn khiến một số nhà văn Việt Nam ở trong nước tìm cách bắt liên lạc với ông, hẳn vì họ nghĩ Nhà nước Cộng sản Việt Nam cũng sắp sụp đổ! Có người nhân dịp đi công tác qua Mỹ, đã tỏ tình thân ái bằng cách tặng nhà văn Võ Phiến một chiếc đồng hồ đeo tay dùng lâu năm. Người ấy từng tự nói nhờ Ðảng mà tôi mới được thế này. Ấy thế mà khi tưởng Ðảng sắp đổ, ông vội vã đi ôm chầm lấy kẻ thù của Ðảng! Ngán cho "nhân tình thế thái". Thân phụ chúng tôi có kể rằng, qua trò chuyện, thấy nhà văn kia dường như chưa hề đọc một tác phẩm nào của mình!...

Văn nghiệp Võ Phiến vừa có mặt tích cực vừa có mặt tiêu cực. Tiêu cực, đáng bỏ đi, là phần chính trị, bởi đó là cái bi kịch của một người Việt Nam sống giữa thời kỳ lịch sử dân tộc cực kỳ khó khăn mà trước không tha thiết với độc lập, sau không tha thiết với thống nhất, khăng khăng đặt chuyện chống chủ nghĩa cộng sản lên trên tất cả... Sai lầm chính trị đã đưa tác phẩm của Võ Phiến ra khỏi lòng dân tộc. Ðất nước đã độc lập, thống nhất lâu rồi. Nay đến lúc, nhân danh bảo tồn những giá trị văn hóa Việt Nam, đưa tác phẩm của Võ Phiến trở về, sau khi lọc bỏ nội dung chính trị. Nhà nước Việt Nam đã sáng suốt khi quyết định cho tái bản sách của Võ Phiến trong nước. Ðáng tiếc, một số người đang lợi dụng tình hình quốc tế mà âm mưu tái phổ biến cả những nội dung chính trị sai lầm. Việc tái phổ biến này vừa có thể gây mất đoàn kết, hại cho dân, cho nước, vừa xúc phạm sự thật lịch sử.

THU TỨ (Tháng 8-2014)

-------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 7-10-2014.