Trường hợp Võ Phiến

Võ Phiến hoặc Tràng Thiên là bút danh của Ðoàn Thế Nhơn (1925) - nhà văn ở miền nam trước năm 1975, hiện định cư ở Mỹ. Văn nghiệp của Võ Phiến khá phức tạp mà nổi lên là xu hướng "chống cộng" cho nên được chính quyền Sài Gòn trước đây và một số người ca ngợi (!). Vừa qua, vì "được biết một tổ chức phi chính quyền trong nước đang có kế hoạch tích cực phổ biến những tác phẩm Võ Phiến chứa nội dung chính trị sai lầm", nên từ Mỹ, tác giả Thu Tứ (bút danh của Ðoàn Thế Phúc - một người con của Võ Phiến) đã viết bài Trường hợp Võ Phiến nhằm phản bác kế hoạch nêu trên.

Dù viết về quan điểm chính trị - xã hội trong tác phẩm của cha mình, nhưng tác giả Thu Tứ đã có cách tiếp cận khách quan, để đưa ra một số lý giải, kết luận. Ðược sự đồng ý của tác giả, trong hai số báo ra ngày 7-10 và 10-10, Báo Nhân Dân trích đăng bài viết để bạn đọc tham khảo, qua đó nhận diện một người viết văn với nội dung chính trị sai lầm trong văn nghiệp của mình, đã đi ngược lại sự nghiệp chân chính của dân tộc như thế nào (Có thể đọc các tác phẩm của tác giả Thu Tứ tại website cá nhân gocnhin.net)...

Chẳng ai muốn chỉ ra cái sai của người đẻ ra mình! Chúng tôi làm việc này vì vừa được biết một tổ chức phi chính quyền trong nước đang có kế hoạch tích cực phổ biến những tác phẩm của nhà văn Võ Phiến chứa nội dung chính trị sai lầm. E rằng việc làm của họ có thể khiến một số người đọc hoang mang, ảnh hưởng tới đoàn kết dân tộc, chúng tôi quyết định tự mình phản bác nội dung này. Chúng tôi cảm thấy có một chút trách nhiệm về việc làm nêu trên của tổ chức phi chính quyền kia. Số là, trong hai năm qua, NXB Thời đại và Công ty Nhã Nam ở Hà Nội có in lại hai tác phẩm của nhà văn Võ Phiến là Quê hương tôi và Tạp văn. Cả hai tác phẩm này đều do chúng tôi chọn lựa và biên tập, theo sự ủy quyền từ lâu của thân phụ. Chúng tôi cố gắng chọn những tác phẩm giá trị nhất, không chứa hoặc chứa rất ít nội dung chính trị. Nếu có nội dung chính trị, khi biên tập chúng tôi loại bỏ hết. Mục đích của việc chọn và bỏ như thế là đưa những thành tựu văn học đỉnh điểm của văn nghiệp Võ Phiến đến với người đọc mà không gây hại cho nước. Chúng tôi đã tưởng mình thế là chu đáo với nhà, với nước! Hóa ra, việc hai tác phẩm Quê hương tôi và Tạp văn được người đọc trong nước đón nhận khá tốt lại chính là cái nền rất tiện lợi cho tổ chức kia toan đặt lên đấy thứ nội dung hoàn toàn bất ổn trong tác phẩm của Võ Phiến! Chuyện đang xảy ra còn làm chúng tôi sốt ruột về tương lai. Sẽ hết nhóm nọ đến phe kia những lúc nào đó đem vận dụng văn nghiệp Võ Phiến một cách có hại cho đất nước. Phải làm cho thật rõ về cái phần nội dung chính trị sai lầm trong văn nghiệp ấy ngay từ bây giờ.

Chúng tôi còn một lý do nữa khiến việc lên tiếng càng không thể tránh được. Do quan hệ đặc biệt và do ở gần nhà văn Võ Phiến trong không biết bao nhiêu năm, chúng tôi được nghe tận tai những phát biểu của ông về tình hình đất nước mà chắc chắn chưa ai từng nghe. Ngoài ra, do yêu thích văn học, chúng tôi đã đọc rất kỹ tất cả tác phẩm của Võ Phiến. Hơn nữa, chúng tôi còn đọc để soát lại trước khi đưa in phần lớn tác phẩm của Võ Phiến tái bản hoặc xuất bản ở nước ngoài. Kết quả của không biết bao nhiêu lượt nghe những lời phát biểu thoải mái và đọc rất kỹ tác phẩm là: không ai có thể biết lập trường chính trị và cách nhìn lịch sử của nhà văn Võ Phiến rõ bằng chúng tôi. Cái biết ấy trong tình hình lập trường bất ổn và cách nhìn cũng bất ổn đang được một số người tìm cách tái phổ biến, nó trở thành một sức nặng bắt chúng tôi phải bất chấp quan hệ tối thân thiết mà lên tiếng chỉ sai.

Trước khi về thăm quê hương lần đầu năm 1991, chúng tôi đã tuyệt đối tin những nghĩ ngợi của thân phụ mình về chuyện đất nước thời chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ. Chúng tôi về nước rất nhiều lần, mỗi lần rất lâu, thăm thân rất ít, coi như toàn bộ thời gian ở trong nước dành cho việc đi tham quan, chủ yếu tại miền bắc. Chúng tôi không ở khách sạn sang trọng, không đi "tua", mà ở những nhà khách rẻ tiền, đi xe khách, xe ôm, xích-lô, có lần mua xe đạp đạp dạo quanh vùng ngoại ô Hà Nội thường xuyên đến nỗi có người ngồi chợ tưởng nhầm là dân buôn! Với lối đi tham quan như vừa nêu, chúng tôi trở nên rất đỗi hoang mang! Chúng tôi thấy người Việt Nam ngoài bắc vui vẻ, bình thản, vừa giữ được phần lớn nền nếp cũ, lại vừa có thêm cái phong cách "cách mạng", mọi người bình đẳng, cũng rất hay. Bấy giờ miền bắc cũng như cả nước, đang có một số hiện tượng xã hội tiêu cực do kinh tế trì trệ kéo dài, vật chất rất thiếu thốn, nhưng nhìn chung người tuy nghèo mà văn hóa tinh thần rất đáng hãnh diện. Ðâu là cái ảnh hưởng cực xấu của chủ nghĩa cộng sản đối với văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam mà mình đã đọc thấy trong tác phẩm của người đẻ ra mình?! Than ôi, hóa ra chỉ là kết quả của những kinh nghiệm rất giới hạn cả về không gian lẫn thời gian cộng với những câu chuyện kể của một ít bạn bè người miền trung cùng hoàn cảnh, một số đồng nghiệp người bắc di cư, vài cán bộ cộng sản "hồi chánh", thêm vài tác phẩm "nhân văn giai phẩm", tất cả được một trí tưởng tượng hết sức phong phú và một tâm lý đặc biệt bi quan suy diễn nên!

Ngoài cái biết trực tiếp như vừa nêu, nhờ thói quen hay đọc sách báo mà chúng tôi biết thêm được vô số chuyện lạ đối với mình. Từ văn hóa, chúng tôi tìm hiểu sang lịch sử, mới biết đến, hay biết rõ nhiều chuyện đất nước rất to, như Tuyên ngôn Ðộc lập, Hà Nội kháng chiến 60 ngày đêm, chiến dịch Biên giới, chiến dịch Ðiện Biên Phủ, mà cho đến lúc ấy hoặc chưa nghe bao giờ hoặc chỉ nghe hết sức loáng thoáng với lời bình phẩm hạ giá kèm theo. Những "voi" sự kiện theo nhau lù lù bước ra từ quá khứ khiến chúng tôi hết sức bỡ ngỡ! Vì đã bị "tuyên truyền" rất kỹ, cũng phải đến hơn 10 năm sau lần về nước đầu tiên, sau khi nghĩ đi nghĩ lại không biết bao nhiêu lần, chúng tôi mới thấy được thật rõ ràng lịch sử dân tộc trong khoảng thời gian từ năm 1945 đến 1975 thật ra là như thế nào...

Nhà văn Võ Phiến viết nhiều thể loại. Lập trường chống cộng của ông được đưa ra rải rác khắp nơi trong nhiều loại tác phẩm khác nhau, khi là hẳn một bài tạp luận hay tạp bút, khi là lời nhân vật trong truyện ngắn hay truyện dài, khi là những đoạn trong một tác phẩm phê bình hay nhận định văn học, v.v. Lập trường chống cộng của nhà văn Võ Phiến liên hệ đến ba vấn đề: giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, chọn lựa ý thức hệ.

Về giải phóng dân tộc, nhà văn Võ Phiến khẳng định không có nhu cầu! Ông cho rằng sớm muộn Pháp cũng trả độc lập cho ta, viện dẫn những chuyện xảy ra trên thế giới. Ðúng là đế quốc Anh đã tự giải tán trong hòa bình. Nhưng Pháp không phải là Anh. Pháp cương quyết tiếp tục giữ thuộc địa và cướp lại những thuộc địa tạm mất trong Thế chiến thứ hai. Song song với hành động tái xâm lược ở Việt Nam, tháng 8-1945 quân đội Pháp thảm sát hàng chục nghìn người dân nổi dậy ở thành phố Xê-ríp, An-giê-ri (Sérif - Algérie), và từ tháng 3-1947 đến tháng 12-1948 đàn áp kháng chiến ở Ma-đa-ga-xca (Madagascar), giết có thể đến hơn 100.000 người! Ngay cả sau khi thua to ở Ðiện Biên Phủ, phải chấp nhận rút khỏi Việt Nam, Pháp vẫn cố giữ Algérie để rất nhiều máu phải đổ nữa rồi mới chịu thôi làm đế quốc... Nhà văn Võ Phiến nhắc đến việc những miền đất ở châu Phi được Pháp trả lại độc lập dễ dàng: thì chính những nơi ấy đã may mắn được hưởng thành quả rực rỡ của kháng chiến Việt Nam và kháng chiến Algérie đấy chứ! Mà thực ra cũng không phải may mắn: ai cũng biết những "nước" Phi châu mới kia chỉ có cái vỏ độc lập chứ ruột thì vẫn nằm trong tay Pháp. Từ ngày "độc lập" năm 1960, các nước ấy đã bị Pháp ngang nhiên can thiệp quân sự hơn 30 lần! Vai trò áp đảo của Pháp trong vùng rõ ràng tới nỗi từ lâu đã sinh ra cái từ Francafrique: Phi nhưng mà "Phi Pháp"! Dân tộc Việt Nam với ít nhất hai mươi mấy thế kỷ văn hiến, dân tộc Việt Nam mà chính toàn quyền Ðông Dương Pôn Ðu-me (Paul Doumer) đã nhận xét là nhất ở Ðông - Nam Á, phải qua đến Nhật mới gặp được trình độ tương đương (dẫn theo Phạm Cao Dương, Lịch sử dân tộc Việt Nam, NXB Truyền thống Việt, California 1987), dân tộc ấy lại ngồi chờ giặc thua to ở nơi khác, ban phát cho một thứ gọi là độc lập hay sao?! Sau Thế chiến thứ hai, không phải đế quốc nào cũng chọn buông thuộc địa. Chính dân tộc Việt Nam Anh hùng đã dẫn đầu những dân tộc bị trị trong việc bắt thực dân Pháp phải buông thuộc địa... Lý luận "không cần kháng chiến" hoàn toàn không có giá trị. Gốc của nó là ở ý muốn bào chữa cho những người không tham gia kháng chiến và cái ý muốn phủ nhận công lao to lớn của Ðảng Cộng sản Việt Nam và ở một tâm lý tự ti về văn hóa dân tộc mà chúng tôi sẽ trình bày sau.

Về thống nhất đất nước, nhà văn Võ Phiến đặt chống cộng lên trên thống nhất đất nước. Sau khi thua ở Ðiện Biên Phủ, đế quốc Pháp phải chấp nhận rời khỏi nước ta. Cuộc kháng chiến lâu dài, anh dũng do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã thành công! Nhưng một số người Việt Nam - những người không tham gia kháng chiến hoặc theo giặc đàn áp kháng chiến (!) - không chịu để toàn dân đi bầu tự chọn chính quyền mà dựa vào thế lực siêu cường Mỹ dựng lên một "nước" trên một nửa nước! Tổ tiên ta bao nhiêu công phu, xương máu, qua bao nhiêu đời mới mở được chừng này đất, để bây giờ đất chia hai sao? Dân tộc Việt Nam mấy nghìn năm trải qua bao lượt thử thách vẫn là một để bây giờ thôi là một sao? Hễ có cơ hội, phải cố hết sức thống nhất đất nước. Cơ hội đã có: từ năm 1960, chính quyền Ngô Ðình Diệm bắt đầu lung lay, khởi đầu do một số đảng phái bất mãn về chính sách, sau đó do đông đảo Phật tử đấu tranh chống thiên vị tôn giáo. Năm 1963, chính quyền Ngô Ðình Diệm bị lật đổ. Tiếp theo là đảo chính liên miên. Nhân tình hình thuận lợi, quân kháng chiến miền nam và quân đội miền bắc tiến công mạnh mẽ. Ðâu muốn chết đến người Mỹ, nhưng thấy "tiền đồn Việt Nam Cộng hòa" quá nguy ngập, Mỹ đành gấp rút cho hơn nửa triệu lính đổ bộ. Chính quyền Sài Gòn trở nên tạm ổn định, khoản tiền viện trợ lớn lại gây ra nạn quan chức tham nhũng hết sức trầm trọng. Tổn thất sinh mạng binh lính Mỹ, ảnh hưởng tai hại đến kinh tế Mỹ, sự kiên cường của kháng chiến ở miền nam và quân dân miền bắc, cùng với sự bất lực của chính quyền Sài Gòn, khiến nội bộ Mỹ trở nên chia rẽ trầm trọng, dẫn đến quyết định rút hết quân. Chỉ hai năm sau khi lính Mỹ rút, nước Việt Nam thống nhất. Tổn thất hơn 210.000 lính chết và bị thương, thả xuống gấp 3,5 lần lượng chất nổ đã thả trong Thế chiến thứ hai (!), tiêu tốn gần một nghìn tỷ USD (tính theo giá USD năm 2011), mà siêu cường Mỹ rút cuộc vẫn thất bại trong ý đồ chia hai nước ta... Mỹ thảm bại, chắc chắn có một phần do đã ủng hộ một chính quyền không được lòng dân. Bất chấp cơ hội thống nhất đất nước đã tới, nhà văn Võ Phiến vẫn tiếp tục ủng hộ sự tồn tại của chính quyền Sài Gòn. Ðó là một lập trường đi ngược lại với lý tưởng dân tộc.

(Còn nữa)