Thích ứng để vượt qua khó khăn, phát triển bền vững

Bài 3: Thưởng thức âm nhạc trên nền tảng công nghệ

Mua vé, đến nhà hát xem chương trình ca nhạc mình yêu thích là cách thức quen thuộc lâu nay đối với nhiều người. Thế nhưng, trong thời đại công nghệ phát triển, nhờ hình thức livestream (truyền hình trực tiếp qua internet) người xem có thể thưởng thức mọi chương trình ca nhạc mà không cần phải di chuyển. Khai thác tốt và hiệu quả hình thức tiếp cận này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho âm nhạc trong nước, khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, cần hạn chế việc tập trung đông người, đồng thời đáp ứng nhu cầu người dân trong việc thưởng thức các chương trình ca nhạc.

Nắm bắt xu hướng ngày càng phổ biến của hình thức thưởng thức âm nhạc trực tuyến, năm 2018, kênh truyền hình FPT khởi động dự án "Music home" (Thưởng thức âm nhạc tại nhà) với mục tiêu giúp khán giả dù ngồi ở nhà vẫn dễ dàng thưởng thức một chương trình âm nhạc có chất lượng như tại nhà hát. Chương trình được ấn định sẽ livestream vào 20 giờ 30 phút tối thứ sáu cuối cùng mỗi tháng. Nghệ sĩ được chọn để biểu diễn trong các chương trình này đều là nghệ sĩ có cá tính âm nhạc độc đáo, có khả năng hát live tốt, như Tùng Dương, Hà Trần, Thu Phương, Thu Minh, Trọng Tấn,... và các ca sĩ trẻ nhiều triển vọng như Uyên Linh, Văn Mai Hương, Bùi Anh Tuấn, Bùi Lan Hương, Trọng Hiếu…

Dù là chương trình truyền trực tiếp qua internet nhưng "Music home" được đánh giá là có sự đầu tư chuyên nghiệp và hấp dẫn không kém các chương trình biểu diễn tại sân khấu. Ở mùa đầu tiên, sau 14 số phát sóng, "Music home" thật sự thành công khi đạt tới hơn 25 triệu lượt người xem. Quan trọng hơn, chương trình đã dần trở thành một món ăn tinh thần đặc sắc, được khán giả mong chờ. Mới đây, trong danh sách đề cử Giải thưởng âm nhạc Cống hiến lần thứ 15 (năm 2020), "Music home" đã lọt vào danh sách đề cử ở hạng mục "Chuỗi chương trình của năm". Ðây là một sự ghi nhận của giới truyền thông cũng như khán giả cho một xu hướng mới trong biểu diễn và thưởng thức âm nhạc.

Dù còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng các show (chương trình) âm nhạc trực tuyến đang phát huy những lợi thế của mình. Trước hết có thể thấy số lượng chương trình biểu diễn âm nhạc tại các tụ điểm sân khấu hiện nay không nhiều, và chỉ một số ít khán giả yêu âm nhạc có thể tiếp cận được vì giá vé xem các chương trình này đang ở mức khá cao, thậm chí, có chương trình giá vé lên tới 10 triệu đồng cho một "cặp" vé VIP; mức vé bình dân nhất cũng dao động từ 500 nghìn đến một triệu đồng. Vì thế, không phải ai cũng có khả năng mua vé vào xem, nhất là với các khán giả như sinh viên, người có thu nhập trung bình và thấp. Tuy nhiên, các show âm nhạc cung cấp qua nền tảng số có thể giải tỏa được khó khăn của đông đảo khán giả, giúp đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc của các công chúng khác nhau. Họ không phải mất thời gian di chuyển, không phải bỏ một khoản tiền lớn mua vé, hay phải lo chọn chỗ ngồi vừa ý, mà giờ đây với một thiết bị công nghệ cùng với một đường truyền internet tốt, khán giả chỉ cần ngồi nhà là có thể thưởng thức trực tiếp bất kỳ chương trình của nghệ sĩ nào mà mình yêu mến. Nếu vì bận rộn, họ có thể xem lại trong một thời gian phù hợp.

Về phía ca sĩ, làm show qua phương thức livestream khiến họ không phải bận tâm hay lo lắng tìm sân khấu, địa điểm, xếp đặt thời gian biểu diễn, cùng với đó là vô số rủi ro. "Nhà hát internet" đôi khi chỉ là một căn phòng nhỏ đủ tiêu chuẩn cho âm nhạc vang lên chuẩn xác. Ca sĩ, ban nhạc và dẫn chương trình là những người trực tiếp có mặt ở "nhà hát" đó, còn toàn bộ khán giả sẽ theo dõi qua màn hình của các thiết bị điện tử kết nối mạng như máy tính, điện thoại... Và sự thành công của từng chương trình sẽ giúp nghệ sĩ có thu nhập từ quảng cáo. Theo chia sẻ của nhiều ca sĩ, nhất là ca sĩ trẻ, cách thức làm show qua internet hiện nay là giải pháp cho họ trong bối cảnh phần lớn các liveshow (biểu diễn trực tiếp) đều gặp khó khăn trong việc tiếp thị và bán vé sao cho có thể lấp đầy số ghế ngồi hoặc ở tình thế bất khả kháng khiến khán giả không thể đến nhà hát thưởng thức nghệ thuật do tình hình dịch bệnh như hiện nay.

Thực tế, các thông số trên mạng về một sản phẩm âm nhạc thường bị nghi ngờ về tính chính xác, nhưng với một chương trình livestream qua các nền tảng công nghệ số thì lượng người xem có độ tin cậy cao. Trên cơ sở đó, ca sĩ định vị chính xác hơn về chỗ đứng của mình trong lòng khán giả. Một lợi thế nữa không thể không nhắc đến chính là thông qua internet, ca sĩ có thể tương tác ngay lập tức với khán giả trong liveshow. Khán giả có thể comment (viết bình luận) để chia sẻ với ca sĩ các nhận định, đánh giá của mình, thậm chí có thể yêu cầu ca sĩ hát ca khúc mình thích. Ngoài ra, các tính năng của ứng dụng công nghệ còn cho phép khán giả trải nghiệm không gian âm nhạc chân thực nhất, chọn góc nhìn thông qua việc lựa chọn góc máy quay phù hợp với sở thích. Ðiều này tạo sự khác biệt với việc thưởng thức tại các sân khấu biểu diễn truyền thống, vì ở đó khán giả bị phụ thuộc hoàn toàn vào vị trí ghế ngồi của mình. Tuy vậy, nỗi lo lớn nhất của nhiều ca sĩ khi tổ chức show diễn online chính là việc duy trì cảm xúc. Với cách thức biểu diễn truyền thống, nghệ sĩ biểu diễn trước khán giả, tại đó, sự hưởng ứng của khán giả thông qua tiếng reo hò, tiếng vỗ tay, thậm chí sự im lặng lắng nghe cũng tạo "chất xúc tác" giúp cảm xúc của nghệ sĩ thăng hoa. Còn tại "nhà hát online", ca sĩ không có được những điều đó, sự tương tác với khán giả diễn ra thông qua các nút bấm like (yêu thích) hay bình luận trên ứng dụng, và đòi hỏi mỗi nghệ sĩ phải học cách thích ứng. Ðồng thời trong điều kiện biểu diễn cho khán giả gián tiếp như vậy, ca sĩ cần phải có kỹ thuật thanh nhạc, bản lĩnh sân khấu vững vàng cùng khả năng sống với cảm xúc và trí tưởng tượng của mình mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Nghệ thuật luôn song hành cùng sự phát triển của cuộc sống. Với tính cách là sản phẩm của trí tuệ con người, các tiến bộ về công nghệ sẽ tác động trở lại đời sống nghệ thuật và mang đến những cách thức tiếp cận mới không chỉ làm phong phú, sinh động, mà còn có thể thay đổi thói quen thưởng thức, và tiếp cận nghệ thuật của công chúng. Các liveshow trực tuyến rõ ràng đang cho thấy lợi thế, tính ưu việt trong hoạt động biểu diễn hiện nay. Ðây cũng được xem là một bước chuyển mạnh mẽ của công nghiệp âm nhạc, giúp khán giả yêu nhạc có cơ hội tiếp cận nhiều hơn, gần hơn với những nghệ sĩ mình yêu thích.

Thách thức trong việc duy trì chương trình âm nhạc trực tuyến một cách lâu bền chính là chất lượng nghệ thuật. Muốn nói gì thì sự hấp dẫn, sức thu hút khán giả,… của show diễn với khán giả trực tiếp hay gián tiếp vẫn cần phải được nhà sản xuất đầu tư một cách kỹ lưỡng và bài bản, nếu không công chúng sẽ đi tìm các chương trình giải trí khác hấp dẫn hơn. Với các chương trình livestream, có lẽ yêu cầu này còn cao hơn, vì biểu diễn âm nhạc trực tuyến bị hạn chế về không gian thưởng thức. Ðồng thời, một yếu tố không kém quan trọng trong việc thưởng thức các chương trình này bị phụ thuộc vào chất lượng đường truyền internet, do đó luôn cần có sự hỗ trợ của các nhà mạng để không ngừng cải tiến nâng cấp chất lượng của đường truyền, mang đến âm thanh, hình ảnh sống động và chân thực, giúp khán giả thưởng thức nghệ thuật một cách thoải mái, mãn ý.

Có thể khẳng định, khi công nghệ số đang và sẽ đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt của xã hội, các hội sách online, phát hành sách và tác phẩm điện ảnh, âm nhạc trực tuyến, tổ chức liveshow trực tuyến... đã trở thành một phương thức hữu hiệu, có nhiều lợi thế giúp truyền bá, đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu đời sống tinh thần của công chúng, giúp mở ra hướng đi mới trong hoạt động biểu diễn, tạo thêm môi trường sáng tạo cho nghệ sĩ, góp phần hạn chế những bất cập trong thị trường sách, điện ảnh, âm nhạc đương đại. Sự chuyển hướng tích cực này của một số lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong nước cho thấy tinh thần chủ động của các cấp, ngành, doanh nghiệp, nghệ sĩ khi nắm bắt kịp thời xu thế chung của thế giới, đáp ứng ngày càng tốt hơn đòi hỏi của công chúng, cần được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển.

Bài 1 Xuất bản tự gỡ khó

Bài 2: Hướng đi mới cho điện ảnh Việt Nam