Thích ứng để vượt qua khó khăn, phát triển bền vững

Sự bùng phát của dịch Covid-19 đã và đang tác động hết sức tiêu cực đến sự phát triển của các lĩnh vực hoạt động xã hội, đe dọa gây ra hậu quả nặng nề về kinh tế. Chủ động ứng phó các thách thức đang đặt ra, tìm hướng phát triển thích ứng bối cảnh mới đang được xem là một trong những nguyên tắc, phương thức để mọi ngành nghề trong xã hội vượt qua khó khăn. Ðáng chú ý, cùng với những giải pháp quyết liệt, năng động tập trung tháo gỡ khó khăn để phát triển của nhiều ngành nghề, lĩnh vực hướng đi mạnh dạn trong các lĩnh vực xuất bản, điện ảnh và âm nhạc thời gian qua cho thấy rõ điều đó.

Bài 1 Xuất bản tự gỡ khó

Bước vào năm 2020, giữa khó khăn chung của toàn xã hội trong phòng, chống dịch Covid-19, lĩnh vực xuất bản cũng rơi vào cảnh lao đao, hoạt động cầm chừng. Song, để nhanh chóng thích ứng tình hình mới, không thụ động ngồi chờ độc giả tìm đến, không ngồi yên chờ mùa dịch bệnh qua đi và chịu thua lỗ, một số đơn vị xuất bản đã phát huy tính năng động, sáng tạo, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn để tiếp tục ổn định sản xuất, kinh doanh. Trong đó việc chuyển hướng kinh doanh sang hình thức bán hàng trực tuyến bước đầu mang lại những kết quả khả quan.

TỪ đầu năm 2020, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến toàn ngành xuất bản có nguy cơ bị "đóng băng". Các kế hoạch dự kiến buộc phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Mùa sách đầu năm thường được đón chờ với hoạt động sôi nổi như ra mắt sách, giao lưu, tọa đàm,... giờ không thể tổ chức. Là địa chỉ quen thuộc của những người yêu thích văn hóa đọc, song vào ngày 24-3, Phố sách 19-12 (Hà Nội), Ðường sách Nguyễn Văn Bình (TP Hồ Chí Minh) cùng ra thông báo tạm dừng hoạt động. Theo đó, tại đây sẽ đóng cửa các gian hàng sách, quầy cà-phê, đồng thời tổ chức ngăn hai đầu đường sách, đặt các biển báo không tiếp du khách và bạn đọc. Thực tế từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý, vì lo ngại dịch Covid-19 nên lượng người đến các địa điểm này ngày càng thưa thớt, thậm chí có ngày phố sách không có người ghé qua. Doanh thu của các đơn vị xuất bản, phát hành vì thế cũng sụt giảm mạnh. Ông Nguyễn Hữu Hoạt - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam cho biết: Trung bình cả hệ thống giảm khoảng 30% doanh số so với cùng kỳ năm 2019, thậm chí một số hiệu sách ở Huế, Ðà Nẵng còn giảm tới 50% doanh số. Tương tự, hệ thống nhà sách Cá Chép, một trong các địa chỉ được độc giả yêu thích vì có không gian trưng bày ấn tượng, đầu sách phong phú, thường tổ chức nhiều hoạt động tương tác với độc giả,... cũng gặp khó khăn tương tự. Ðại diện nhà sách cho biết, từ đầu mùa dịch, dù đã thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như đặt nước sát khuẩn, đo thân nhiệt, trang bị khẩu trang cho nhân viên và khách hàng nhằm bảo đảm không gian an toàn cho khách và áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi, tuy nhiên tại đây, lượng khách tìm đến vẫn rất thưa thớt, doanh thu từ bán sách giảm khoảng 30% so với giai đoạn trước.

Các hiệu sách đìu hiu, lượng sách tồn đọng lớn, doanh thu sụt giảm,... đặt các đơn vị xuất bản, phát hành sách đứng trước vô vàn khó khăn. Sách không bán được đồng nghĩa với việc không có doanh thu để tái sản xuất và đầu tư cho các hoạt động khác. Nhiều hoạt động thường được tổ chức vào đầu năm tiêu biểu như hội sách vốn là các sự kiện được toàn ngành trông đợi, thì năm nay vì tình hình dịch Covid-19 cũng không thể tổ chức. Tuy nhiên, "cái khó ló cái khôn", các đơn vị xuất bản vừa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc dừng các hoạt động tụ tập đông người, vừa chuyển sang hướng hoạt động mới là tổ chức hội sách online (trực tuyến) để phù hợp với tình hình. Ðồng loạt trên nhiều trang web, fanpage (nhóm cộng đồng chung sở thích) của các đơn vị xuất bản, phát hành sách đã xuất hiện thông tin và hình ảnh bắt mắt về "hội chợ sách online" quy mô lớn, với sự vào cuộc của hầu hết các nhà xuất bản (NXB), đơn vị phát hành. Thông tin này đã nhanh chóng thu hút sự ủng hộ, quan tâm, chú ý của công chúng yêu thích sách, được coi là điểm nhấn ấn tượng của mùa sách năm nay. Bên cạnh các trang web truyền thống, các fanpage, instagram (mạng xã hội chuyên chia sẻ ảnh, video trên cơ sở sáng tạo ra những hình ảnh đẹp và thu hút) của nhiều đơn vị xuất bản cũng đã phát huy tác dụng. Ðể gây ấn tượng với độc giả, nhiều chương trình khuyến mãi lớn đã được áp dụng. Có thể kể đến các chương trình tiêu biểu như "giảm sốc 70%" của Fahasa, "sale bùng nổ - đồng giá 40%" trong tháng 3 của Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, hay chương trình "Tháng ba sách Trẻ" của NXB Trẻ với nhiều mức khuyến mãi hấp dẫn. Ðáng chú ý, bên việc gửi gắm sản phẩm của mình cho những trang thương mại điện tử lớn như Vinabook, Tiki, Fahasa,... nhiều đơn vị xuất bản còn chủ động xây dựng trang phát hành riêng với các chương trình giảm giá sâu. Từ đó, sức hấp dẫn của thị trường sách online đã thu hút nhiều nhà sách, tư nhân cùng tham gia, góp phần tạo nên môi trường kinh doanh sôi động, thu hút đông đảo người yêu thích sách tìm đến.

Thực ra đây không phải là hình thức kinh doanh mới trong xuất bản, phát hành sách. Những năm gần đây, nắm bắt xu thế tiêu dùng mới trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, một số đơn vị xuất bản, phát hành đã triển khai hình thức kinh doanh sách online. Tuy nhiên, do sự quan tâm, hoặc do đầu tư về cơ sở vật chất cũng như nhân lực của một số đơn vị cho kênh bán hàng online chưa phù hợp, có nơi chỉ làm chiếu lệ, mang tính hình thức, thậm chí chỉ coi là kênh phân phối phụ để tăng thêm giá trị gia tăng cho phương thức bán hàng truyền thống nên hiệu quả còn chưa được như mong muốn. Doanh thu từ kênh bán hàng trực tuyến vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ trong toàn doanh thu của nhiều đơn vị. Song hiện nay, khi phải đối mặt với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, các đơn vị xuất bản, phát hành phải tìm ra hướng đi mới để có thể tồn tại, phát triển. Và kinh doanh online được coi là một giải pháp hữu hiệu, vừa giúp duy trì việc phát hành, vừa bảo đảm an toàn về sức khỏe cho cán bộ, nhân viên, độc giả.

Với lợi thế có hơn 64 triệu người sử dụng internet (in-tơ-nét), Việt Nam là một thị trường tiềm năng của loại hình kinh doanh trực tuyến, trong đó có lĩnh vực xuất bản. Việc sử dụng hình thức này mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng cũng như các đơn vị kinh doanh. Người tiêu dùng không cần dành nhiều thời gian để đến cửa hàng, tốn công để tìm được cuốn sách mình cần, giờ đây cứ việc ngồi nhà, với thiết bị điện tử có kết nối internet, họ chỉ cần gõ tên sách là sẽ xuất hiện hàng loạt sản phẩm và địa chỉ nhà cung cấp. Trên cơ sở đó, họ thoải mái lựa chọn nhà cung cấp uy tín, giá cả hợp lý, điền thông tin của người đặt mua, và chỉ trong vài ngày, thậm chí chỉ sau vài giờ đồng hồ, sách sẽ được giao tới tận tay. Không chỉ đặt mua sách cho bản thân, cũng chỉ với những thao tác đơn giản, người mua còn có thể đặt mua làm quà tặng cho người thân, bạn bè. Chắc chắn với những khuyến mãi đặc biệt dành cho độc giả mua online như: tặng mã giảm giá trên tất cả các thể loại sách, freeship (miễn phí vận chuyển) trên toàn quốc, mua hàng là nhận liền phiếu mua hàng giảm giá, Flash Sale (giảm giá chớp nhoáng) chỉ với 1.000 đồng, mua hàng được tích điểm thưởng,... đủ làm "mềm lòng" bất kỳ độc giả khó tính nào, trong khi việc mua sách kiểu truyền thống tại hiệu sách sẽ khó có cơ hội được nhận các ưu đãi như vậy. Về phía đơn vị xuất bản, thông qua các trang thương mại điện tử, fanpage,... việc cung cấp thông tin về những cuốn sách sẽ nhanh chóng, tiện lợi hơn. Ngoài hình ảnh sản phẩm, giá tiền, trên các trang bán hàng còn có thể đăng tải các bài bình luận, đánh giá về cuốn sách, giúp người đọc có thêm thông tin để tham khảo, cũng là cách để quảng bá sách thiết thực, hiệu quả. Ðồng thời việc kinh doanh online sẽ giúp giảm bớt chi phí từ việc thuê mặt bằng, thuê nhân viên...

Hiệu quả của việc chuyển hướng kinh doanh sách trực tuyến thời gian qua đã được ghi nhận trên thực tế. Thống kê của Tiki cho thấy: trong hai tháng đầu năm 2020, tỷ lệ tăng trưởng của ngành hàng sách trên Tiki tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, năm mảng sách bán chạy nhất là: văn học, kỹ năng sống, thiếu nhi, kinh tế và truyện tranh. Các đơn vị khác như NXB Trẻ, Công ty cổ phần Văn hóa Ðông A cũng cho biết, lượng sách bán qua kênh online của các đơn vị này đều tăng. Ðáng chú ý, theo đại diện Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, lượng sách bán qua kênh online của Phương Nam chiếm tới 70% doanh số so với cùng kỳ năm 2019, được đánh giá là một mức tăng "đột biến". Kết quả đó đã phần nào cho thấy kinh doanh online đang là hướng đi đúng đắn của các đơn vị xuất bản. Bởi không chỉ đáp ứng được nhu cầu mua sách của độc giả trong thời kỳ dịch bệnh mà còn phù hợp với xu thế tiêu dùng mới, khi mà thương mại điện tử ngày càng được nhiều người lựa chọn do tính ưu việt. Chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Hoạt từ Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam đã cho thấy rất rõ điều này: "Online không phải thế mạnh của chúng tôi, nhưng giờ đây nó là một hướng đi mới. Chúng tôi đang xây dựng các chương trình nhằm bảo đảm độc giả được mua sách chất lượng, an toàn".

Rõ ràng, để xây dựng một môi trường kinh doanh bền vững, mỗi đơn vị xuất bản, phát hành cần xây dựng một chiến lược phù hợp để thiết lập nền tảng hoạt động và giá trị bền vững, từ đó vừa đáp ứng nhu cầu của bạn đọc một cách hiệu quả, vừa tạo lợi thế cạnh tranh. Ðó là những yếu tố quan trọng để tồn tại và phát triển, nhất là trong những giai đoạn, hoàn cảnh khó khăn như hiện nay. Thực tế còn cho thấy, khi thị trường sách trực tuyến có một số khởi sắc hoặc có uy thế, một số đơn vị tuy có thiết lập các trang bán sách online song nội dung còn nghèo nàn, thiếu tính tương tác, chưa chú trọng dịch vụ chăm sóc khách hàng cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Do vậy, các đơn vị xuất bản, phát hành còn cần có ý thức định vị được giá trị của đơn vị mình đối với độc giả. Nếu không chú trọng chất lượng sản phẩm, không đầu tư về mọi mặt để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả, thì đơn vị xuất bản, phát hành sẽ tự đánh mất chỗ đứng trên thị trường. Trong cuộc sàng lọc khắt khe này, đơn vị xuất bản, phát hành nào chủ động thích ứng, không ngừng tìm tòi, sáng tạo,... sẽ tồn tại cũng như sớm tìm được cơ hội mới để phát triển.

(Còn nữa)