Thách thức từ doanh nghiệp công nghệ đa quốc gia

Ở Việt Nam thời gian qua, sự có mặt ngày càng nhiều tập đoàn quốc tế hoạt động trong các lĩnh vực mới, nhất là công nghệ thông tin, đã cho thấy sức hấp dẫn và tiềm năng của nền kinh tế lớn thứ tư khu vực Ðông-Nam Á. Nhưng bên cạnh đó, thực tế cũng cho thấy đã xuất hiện một số vấn đề cần quan tâm, giải quyết. Chẳng hạn, hoạt động kinh doanh, thương mại của một số doanh nghiệp công nghệ đa quốc gia đang gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong áp dụng chính sách thuế quan, cũng như trong một số vấn đề văn hóa, an sinh, trật tự xã hội…

Nhìn từ mối liên hệ qua lại thì khi số tập đoàn lớn lựa chọn Việt Nam để xây dựng nhà máy, cung ứng sản phẩm và dịch vụ không ngừng gia tăng sẽ tỷ lệ thuận với sức ép của hàng loạt vấn đề mới mà Chính phủ, Nhà nước Việt Nam cần phải thích ứng, giải quyết. Cụ thể là phải làm thế nào để bảo đảm cân bằng giữa thu hút đầu tư với xây dựng môi trường kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ doanh nghiệp trong nước, quyền lợi người tiêu dùng và người lao động, tránh thất thu ngân sách. Trên thực tế, đây là điểm nóng đã tồn tại từ nhiều năm qua, từng để lại nhiều bài học đắt giá trong việc quản lý của Nhà nước với doanh nghiệp, trong đó thất thu thuế chính là vấn đề gây đau đầu, không chỉ là việc riêng của Bộ Tài chính, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách quốc gia. Ðơn cử trường hợp hãng đồ uống giải khát Coca-Cola Việt Nam năm 2020 bị phạt, truy thu thuế 821 tỷ đồng, mà nguyên nhân là từ "những sai sót nhỏ" như trình bày của người đại diện hãng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực, mô hình mới như: Thương mại điện tử, mạng xã hội, thanh toán thông minh, dịch vụ trực tuyến, khởi nghiệp sáng tạo,... cũng kéo theo những tác động, hệ quả phức tạp, thách thức cơ quan thuế. Cơ chế điều chỉnh thử nghiệm (regulatory sandbox) đã được Chính phủ cho phép một số doanh nghiệp công nghệ nước ngoài như Grab thí điểm, triển khai dịch vụ nhưng cho thấy còn nhiều bất cập. Ðó là chưa kể một vài hoạt động kinh doanh "lậu" của một số tập đoàn nước ngoài trong các lĩnh vực mà Chính phủ Việt Nam nghiêm cấm hoặc vẫn chưa cấp phép như: Cờ bạc trực tuyến, tiền mã hóa, thị trường ngoại hối (forex),... đang có dấu hiệu bùng phát, tràn lan. Nhiều tập đoàn tên tuổi,... mà người Việt Nam đã quen sử dụng dịch vụ hóa đang vận hành chưa đúng theo quy định của pháp luật, chậm trễ trong khai báo doanh số, kê khai thuế, đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam. Như vậy, trong khi người tiêu dùng hào hứng tiếp nhận sản phẩm, dịch vụ mới từ các tập đoàn quốc tế, mọi thứ lại không hề đơn giản với cơ quan chức năng.

Trên thực tế, thất thu thuế không phải là khó khăn duy nhất mà Chính phủ Việt Nam phải giải quyết trong bối cảnh cần thu hút các doanh nghiệp công nghệ. Tình trạng gây "ô nhiễm văn hóa" cũng là một vấn đề nghiêm trọng không kém đang diễn ra trên các dịch vụ, sản phẩm thuộc nền tảng số hiện nay. Vì các nguyên nhân khác nhau, thậm chí bao gồm cả sự thiếu hiểu biết và kém tôn trọng đối với lịch sử, văn hóa của quốc gia chủ quản, một vài tập đoàn quốc tế đã tạo ra những "bãi rác văn hóa" tại Việt Nam. Chẳng những chây ỳ trong đóng thuế, hoặc cậy mình là nền tảng số, hoạt động trong phạm vi đa quốc gia, một số tập đoàn thoải mái áp dụng tiêu chuẩn "kép" để thu lợi nhuận mà không đếm xỉa đến những nguy cơ, tác hại xã hội mà họ gây nên. Phải đến khi bị các cơ quan chức năng chỉ mặt, điểm tên, một số tập đoàn mới có động thái xử lý theo hình thức làm cho có, chiếu lệ. Cũng chỉ khi bị Bộ Thông tin và Truyền thông "sờ gáy", các đơn vị như Facebook, YouTube hay Netflix mới gỡ bỏ một số nội dung, hình ảnh, video xấu, độc. Chưa kể, trong nhiều trường hợp với Facebook và YouTube, tuyên bố của hai "ông lớn" này gần như không đi đôi với hành động. Bên cạnh việc thiếu kiểm soát, từ chối xóa bỏ nhiều video, bài viết, hình ảnh có nội dung chống phá Việt Nam, chống phá chế độ, hai mạng xã hội này cũng làm ngơ, dung túng cho nhiều hành vi bất hợp pháp của một số đối tượng, tổ chức tội phạm. Tình trạng quảng cáo nội dung cờ bạc trực tuyến, ma túy, các mặt hàng trái với quy định của pháp luật Việt Nam vẫn ngang nhiên tồn tại. Một thí dụ khác là chợ ứng dụng như CH Play, IOS của các hãng Alphabet, Apple khi họ gần như để mặc cho các ứng dụng rác, ứng dụng có hại tràn lan và không hề có biện pháp khắc phục. Hoặc một nền tảng khác đang hoạt động lậu tại Việt Nam như Steam, việc hợp tác, đối thoại với doanh nghiệp này tìm ra hướng đi chung trở nên khó khăn gấp bội. Tại Việt Nam, Steam công khai phát hành nhiều sản phẩm trò chơi bạo lực, thậm chí có nội dung xuyên tạc lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam, bôi nhọ chủ nghĩa cộng sản mà cụ thể là trò chơi bắn súng Rising Storm 2: Vietnam (Bão nổi phần 2: Việt Nam), Call of Duty: Black Ops (Tiếng gọi của sứ mệnh: Chiến dịch Ðen)... Nghiêm trọng hơn, các ứng dụng nước ngoài chứa nội dung tìm kiếm, kết bạn, gửi tin nhắn,... còn ẩn tàng nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân, xâm phạm, gây nguy hại đến tình hình an ninh, trật tự xã hội mà người dùng không thể lường trước.

Một vấn đề khác đáng lưu tâm là nhiều phần mềm, ứng dụng di động, website điện tử đã và đang gây tổn hại lợi ích từ nhiều doanh nghiệp truyền thống đến lao động phổ thông. Một số doanh nghiệp ngoại có hành vi cạnh tranh không lành mạnh với các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ truyền thống. Cá biệt, có doanh nghiệp với ngân sách dồi dào từ cổ đông lớn sẵn sàng chịu lỗ ròng để cạnh tranh thiếu lành mạnh với các đối thủ cùng phân khúc, thị trường. Số khác bằng việc cắt giảm các chi phí bắt buộc cho người lao động như bảo hiểm tai nạn, đăng kiểm định kỳ, điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy, gian lận thuế,... để cung ứng được dịch vụ với mức giá thấp hơn, nhằm hấp dẫn, mê hoặc khách hàng. Về phần người lao động, hợp tác với các dịch vụ, nền tảng kinh doanh này, họ chỉ được nhận thêm một phần thu nhập ít ỏi thay vì phải được bảo hiểm, đãi ngộ và không ngờ mình đang bị các tập đoàn nước ngoài bóc lột công sức lao động.

Cách đây vài năm, không ít người rất hào hứng khi nhắc tới các nền tảng như Grab, Facebook, Airbnb, Netflix, Amazon,... và xem đây là minh họa sinh động cho hàng loạt khái niệm tiến bộ như khởi nghiệp sáng tạo, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, công nghiệp văn hóa. Thực tế, bằng các ưu điểm về công nghệ, các tập đoàn này đã tạo ra những bước đột phá quan trọng, giải quyết nhiều vấn đề nóng của thế kỷ XXI như tận dụng các nguồn tài nguyên "nhàn rỗi", tiết kiệm chi phí vận hành, lưu trữ, kết nối chia sẻ thông tin, nâng cao tính sáng tạo. Tuy nhiên điều đó lại không đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp công nghệ được phép lợi dụng sự khác lạ trong mô hình, loại hình kinh doanh của họ để trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh, làm tổn hại lợi ích của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ mà họ có mặt. Tại Mỹ, Facebook và Google bị Bộ Tư pháp nước này và chính quyền nhiều tiểu bang khởi kiện vì các hành vi: Ðộc quyền, cạnh tranh không lành mạnh, thao túng thị trường, phân biệt đối xử với người lao động.

Các cáo buộc đã cho thấy mối quan hệ giữa Facebook, Google nói riêng và nhiều tập đoàn công nghệ nói chung đang diễn ra hết sức phức tạp. Ðể qua mặt chính quyền nhiều quốc gia, họ đã đồng lõa, bao che cho nhau trong hàng loạt hành vi gian lận, phạm pháp. Do đó, việc gây sức ép, tiến tới những vụ kiện các doanh nghiệp công nghệ vi phạm pháp luật không phải điều đơn giản, nhất là khi họ còn nắm trong tay khách hàng sử dụng dịch vụ, vì lợi ích cá nhân mà có thể quên đi các lợi ích của cộng đồng, xã hội. Ngay trong cuộc tranh luận giữa Tổng cục Thuế và Grab gần đây, dù chưa có kết luận cụ thể, một số người tiêu dùng đã vội vàng quy kết là hành động "hại chết công nghệ", bất chấp các doanh nghiệp gọi xe công nghệ khác như: Be, Gojek cũng chịu mức thuế tương tự. Một vụ việc nhỏ hơn nhưng cũng đáng chú ý là các doanh nghiệp phát hành trò chơi điện tử trong nước tố cáo những nền tảng quốc tế như Steam, Epic, Origin là các cổng "game lậu" do có hành vi gian lận thuế. Song thay vì nhận được sự ủng hộ, trong không ít trường hợp các đơn vị trong nước lại nhận về làn sóng tẩy chay từ những người đang sử dụng dịch vụ của các hãng phát hành trò chơi điện tử quốc tế.

Có thể nói, thực hiện yêu cầu "không đánh đổi môi trường, văn hóa, văn minh để đạt lợi ích kinh tế" đang trở nên hết sức cần kíp, nhất là trong hoàn cảnh một bộ phận tập đoàn công nghệ nước ngoài chỉ có ý định trục lợi mà không hề có ý định hợp tác, phát triển cùng Nhà nước, nhân dân Việt Nam. Biện pháp tối ưu nhất vẫn là khẩn trương rà soát các tập đoàn quốc tế đang có hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam, đề nghị đàm phán cùng tìm ra giải pháp đăng ký, cấp phép kinh doanh ở thị trường trong nước, hoàn chỉnh hành lang pháp lý thuận lợi, đưa ra các chính sách phù hợp trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhưng vẫn bảo đảm tính chặt chẽ trong hoạt động của doanh nghiệp. Một biện pháp không kém quan trọng là bảo đảm cạnh tranh lành mạnh giữa các tập đoàn quốc tế và trong nước, đẩy mạnh chống vi phạm bản quyền, vi phạm sở hữu trí tuệ, tạo niềm tin cho doanh nghiệp về môi trường mạng và nền tảng số tại Việt Nam. Ngoài ra, cần cẩn trọng xem xét, nắm vững bản chất hoạt động kinh doanh của các tập đoàn quốc tế, tiến hành quá trình thử nghiệm mô hình kinh doanh, cung ứng dịch vụ, nhất là các sản phẩm phần mềm của bên thứ ba, hoạt động cộng sinh trên các nền tảng mạng xã hội; tránh tình trạng vội vàng cấp phép cho doanh nghiệp thiếu đạo đức kinh doanh. Bên cạnh đó, phải thường xuyên giám sát hoạt động của các doanh nghiệp này, yêu cầu hợp tác trong công tác điều tra hành vi có dấu hiệu vi phạm Luật An ninh mạng nói riêng, luật pháp Việt Nam nói chung. Cuối cùng, không loại trừ cả các biện pháp cứng rắn như yêu cầu chấm dứt cung cấp dịch vụ, sản phẩm trên lãnh thổ Việt Nam, khởi tố và truy cứu trách nhiệm hình sự.

Có thể thấy, việc mời gọi các doanh nghiệp công nghệ đa quốc gia đặt trụ sở, quan hệ hợp tác, làm ăn tại Việt Nam là một hướng đi đúng đắn, hứa hẹn nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển. Dù vậy, nếu quá trình này không được tiến hành cẩn trọng, quản lý chặt chẽ thì hậu quả về thất thu thuế, về "ô nhiễm môi trường văn hóa" và các tác động xấu đến người tiêu dùng, người lao động là vô cùng lớn.