Thách thức chuyển thể tác phẩm văn học sang điện ảnh

Sau phim “Cậu Vàng” dù được chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Nam Cao nhưng vẫn bị nhiều khán giả thờ ơ do kém sức thuyết phục, mới đây, bộ phim “Kiều @” cũng chung số phận bởi bị đánh giá là yếu từ kịch bản đến cách kể chuyện. Thực tế này một lần nữa cho thấy, việc đưa tác phẩm văn học lên màn ảnh luôn là một thách thức không nhỏ đối với các nhà làm phim trong nước.
 

Điện ảnh Việt Nam có thể tự hào là trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của mình, có rất nhiều phim hay mà điểm xuất phát là từ tác phẩm văn học đã tạo được những dấu ấn hết sức sâu đậm trong khán giả. Có thể kể đến các phim như: “Chị Dậu” (chuyển thể từ tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố), “Vợ chồng A Phủ” (dựa trên tác phẩm cùng tên của Tô Hoài), “Mẹ vắng nhà” (chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Thi), “Làng Vũ Đại ngày ấy” (chuyển thể từ một số truyện ngắn của Nam Cao), “Mê Thảo - thời vang bóng” (chuyển thể từ tác phẩm “Chùa Đàn” của Nguyễn Tuân), “Bến không chồng” (chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Dương Hướng), “Thời xa vắng” (chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Lê Lựu), “Mùa len trâu” (chuyển thể từ tác phẩm “Hương rừng Cà Mau” của Sơn Nam)... Nhất là, khi điện ảnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ hơn, số lượng các phim điện ảnh được chuyển thể từ tác phẩm văn học cũng nhiều và đa dạng hơn. Như phim “Thiên mệnh anh hùng” (chuyển thể từ tác phẩm “Bức huyết thư” của Bùi Anh Tấn), “Chuyện của Pao” (chuyển thể từ tác phẩm “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của Đỗ Bích Thúy), “Hương Ga” (chuyển thể từ tác phẩm “Phiên bản” của Nguyễn Đình Tú), “Cánh đồng bất tận” (chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư)... Việc các phim được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn ăn khách chuyên viết cho tuổi mới lớn Nguyễn Nhật Ánh, như “Cô gái đến từ hôm qua”, “Mắt biếc” có doanh thu “khủng” càng cho thấy văn học là nguồn chất liệu quý giá đối với điện ảnh...
 
 Tuy nhiên, việc khai thác “vỉa quặng” này như thế nào để vừa đạt hiệu quả mong muốn, vừa góp phần làm phong phú điện ảnh lại là một thách thức với nhà sản xuất phim, biên kịch và đạo diễn. Hiện tại, cuộc thử sức với văn học của một số nhà làm phim vẫn đang hết sức sôi động. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chuẩn bị bấm máy phim “Số đỏ” - chuyển thể từ tác phẩm nổi tiếng cùng tên của nhà văn Vũ Trọng Phụng và hy vọng rằng đây sẽ là một bộ phim hài châm biếm thu hút sự quan tâm của khán giả. “Truyện Kiều” - một tác phẩm bất hủ của văn học Việt Nam, dù đã được khai thác và thể hiện trong một số loại hình nghệ thuật khác nhau, vẫn sẽ được một lần nữa đưa lên màn ảnh. Nhà sản xuất Mai Thu Huyền ấp ủ dự án này suốt 10 năm qua, và đạo diễn gạo cội Phi Tiến Sơn đã bắt đầu thực hiện trong sự chờ đợi háo hức của khán giả.
 
 Không chỉ điện ảnh Việt Nam, mà điện ảnh thế giới cũng luôn xem văn học như một “mảnh đất màu mỡ”. Báo Le Figaro (Pháp) từng làm một cuộc khảo sát về tác động của tác phẩm văn học nổi tiếng, nhất là tiểu thuyết kinh điển, với điện ảnh và đưa ra kết luận: cứ năm bộ phim thì có một bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học. Nhiều thập kỷ qua, “mắt xanh” của người làm điện ảnh khắp thế giới không ngừng tìm kiếm những câu chuyện thú vị, những số phận con người gây xúc động từ các tác phẩm văn học đã thành công, có sức lan tỏa với bạn đọc trước đó để tìm đến với khán giả dưới một hình thức nghệ thuật mới.
 
 Có nhiều lý do để các nhà sản xuất, đạo diễn phim quyết định chuyển thể, đưa một tác phẩm văn học lên màn ảnh. Trước hết là sự hấp dẫn của câu chuyện được kể trong tác phẩm. Dù cho nền công nghiệp điện ảnh đã tiến bộ vượt bậc trong công nghệ hay kỹ xảo thì xét đến cùng, về bản chất, làm một bộ phim vẫn là kể một câu chuyện bằng hình ảnh sao cho cuốn hút. Vai trò của cốt truyện luôn là số một. Có câu chuyện hay, tức là có một chất liệu tốt ban đầu, như cái khung của ngôi nhà, đạo diễn nhờ vậy sẽ dễ dàng hơn trong hành trình xây dựng nên ngôi nhà đó. Một tác phẩm văn học hay thường chứa đựng những yếu tố hấp dẫn tiềm tàng về tình huống, tâm lý nhân vật,... sẽ là mảnh đất màu mỡ tạo cơ hội để đạo diễn khám phá, khai thác, sáng tạo. Chưa kể, tiếng tăm, sức thu hút trước đó của tác phẩm văn học mà đoàn làm phim lựa chọn cũng sẽ là điểm “cộng” trong việc quảng bá, thu hút sự quan tâm của công chúng. Nếu tác phẩm điện ảnh làm tốt và biết cách khai thác hiệu quả cùng với sự cộng hưởng của độc giả trước đó sẽ dễ mang lại những thành công nhiều khi ngoài cả dự đoán của nhà sản xuất. Chẳng hạn gần đây nhất, thành công của các phim được chuyển thể từ tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh có thể xem là một trong những thí dụ điển hình.
 
 Tuy nhiên, sự thuận lợi ấy cũng chính là áp lực nặng nề đè lên vai nhà làm phim, đạo diễn. Bởi sự thành công của tác phẩm văn học không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với thành công của tác phẩm điện ảnh. Bên cạnh khá nhiều tác phẩm điện ảnh chuyển thể thành công, cũng cần phải nhắc đến không ít tác phẩm đã thất bại ngay từ lúc vừa ra rạp, vì còn chứa đựng những yếu tố thiếu thuyết phục, thậm chí sống sượng, kém cỏi. Thí dụ, bộ phim “Cậu Vàng” bị khán giả phản ứng từ việc đạo diễn lựa chọn chú chó Nhật Shinba làm “bạn” của Lão Hạc, đến kịch bản rối rắm, cách kể chuyện hời hợt kém duyên, thiếu nhất quán và kém sinh động. Còn “Kiều @” - dù là một phim có tính phóng tác nhiều hơn, chỉ lấy cảm hứng từ nhân vật Kiều và đặt trong bối cảnh đời sống hiện đại hôm nay, song lại thiếu thu hút vì nội dung đưa ra không thuyết phục được khán giả, thậm chí có ý kiến trong giới phê bình coi đây là một “thảm họa” của phim Việt.
 
 Vậy, đâu là công thức cho thành công của một bộ phim điện ảnh khi được chuyển thể từ một tác phẩm văn học? Chắc chắn sẽ khó có một công thức cụ thể, nhưng có một yếu tố không thể phủ nhận và luôn được nhấn mạnh. Đó chính là tài năng của người chuyển thể kịch bản, của đạo diễn. Một bộ phim điện ảnh hay chắc chắn không phải chỉ dừng lại ở việc minh họa tác phẩm văn học. Các tác giả làm phim phải tôn trọng tác phẩm văn học gốc, nhưng đồng thời phải không ngừng sáng tạo bằng ngôn ngữ của điện ảnh, để mang lại sự hấp dẫn mới với khán giả. Việc khán giả không còn bất ngờ với nội dung tác phẩm (vì đã đọc tác phẩm văn học từ trước đó) là một thử thách với đạo diễn. Họ buộc phải vượt qua bằng cách mang tới những “bất ngờ mới”, từ lựa chọn bối cảnh, diễn viên, đến xây dựng tâm lý của nhân vật, các kỹ xảo... Chưa kể, nếu văn học chỉ sử dụng ngôn từ để biểu hiện thì điện ảnh lợi thế hơn khi có hình ảnh động, có sự hỗ trợ của máy móc, công nghệ, cộng với khả năng biểu cảm của nghệ sĩ. Và đạo diễn tài năng là người thể hiện được hết các “ngón nghề” của mình để kể chuyện, khiến bộ phim có một cuộc sống mới, phong phú hơn, thú vị hơn đời sống mà nó mang trong hình hài một tác phẩm văn học. Khám phá những gì căn cốt, tinh túy nhất của tác phẩm văn học và sáng tạo theo ngôn ngữ điện ảnh, để thuyết phục khán giả là nhiệm vụ đôi khi “bất khả thi” với đạo diễn, nếu chưa đủ tài năng, tình yêu và năng lực thẩm thấu nhuần nhuyễn tác phẩm văn học.
 
 Chuyển thể toàn bộ tác phẩm văn học hay một phần tác phẩm đó hoặc chỉ khai thác ý tưởng của câu chuyện văn học để sáng tạo nên một tác phẩm điện ảnh hoàn toàn mới là lựa chọn mang tính cá nhân của đạo diễn, nhà sản xuất phim. Có rất nhiều con đường khác nhau đưa một tác phẩm văn học đến với điện ảnh, tùy theo góc tiếp cận của đạo diễn để qua đó tạo ra một phiên bản mới trong hình hài điện ảnh. Nhưng dù ở góc độ nào chăng nữa, sự sáng tạo của đạo diễn cũng không được phép phá hỏng hình tượng nhân vật, phải phù hợp tâm lý tiếp nhận của người xem,… thì bộ phim mới có thể được công chúng đón nhận. Vấn đề đặt ra là vừa phải tôn trọng tác phẩm văn học, vừa phải tìm cách vượt lên để mang đến những cảm xúc mới cho người xem. Đây được xem là một lộ trình khó khăn với bất kỳ nhà làm phim nào. Nếu vượt qua, thành quả của các nhà làm phim sẽ hết sức giá trị, nhận được hưởng ứng tích cực của người xem.
 
 Một yếu tố cũng cần được nhắc đến là tâm lý khán giả. Trên một số diễn đàn, khi phân tích tỷ lệ thành công hay thất bại của các bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học, không ít đạo diễn tỏ ra ngần ngại khi nhắc đến khán giả. Họ cho rằng không dễ vượt qua tâm lý có tính “bảo thủ” của nhiều khán giả, những người đã thưởng thức tác phẩm văn học từ trước và như đã “mặc định” trong tâm trí cái hay, cái đẹp của tác phẩm, của nhân vật. Bởi vậy, khi đến với tác phẩm điện ảnh nhiều người không dễ tiếp nhận các sáng tạo của đạo diễn. Họ dễ phản ứng với điều họ cho là “thái quá”, cho dù điều đó có thể chấp nhận hoặc hoàn toàn phù hợp đặc thù ngôn ngữ của điện ảnh. Điều đó cũng phần nào có lý. Rõ ràng sự cởi mở trong cách nhìn, cách tiếp cận tác phẩm điện ảnh phụ thuộc rất nhiều vào sự hiểu biết của khán giả về nghệ thuật điện ảnh, nhưng trong thực tế cũng có rất nhiều người từng say mê tác phẩm văn học sẵn sàng chia sẻ, hào hứng, chấp nhận những thử nghiệm, những cái mới mà đạo diễn mang tới trong tác phẩm điện ảnh. Một điều luôn cần nhấn mạnh từ phía các nhà làm phim, đó là sự thấu hiểu đối với khán giả. Khi chọn tác phẩm văn học để chuyển thể, các nhà làm phim cần tìm hiểu để biết khán giả của mình muốn gì, và để thành công, họ cần sáng tạo trên cơ sở đáp ứng kỳ vọng chính đáng của khán giả. Nếu không, dù sản phẩm sáng tạo công phu, tốn kém bao nhiêu cũng dễ sẽ bị công chúng khước từ.
 
 Những năm gần đây, điện ảnh Việt Nam đang phải đối mặt và tìm cách giải quyết một vấn đề lớn là khan hiếm kịch bản hay. Đã có không ít cuộc vận động sáng tác được tổ chức nhằm tìm kiếm kịch bản hay nhưng vẫn rất khó khăn để “săn” được một kịch bản đủ sức thuyết phục nhà sản xuất bỏ tiền đầu tư. Đó là một trong các lý do khiến dòng phim “remake” (phim có kịch bản nước ngoài được Việt hóa), gồm cả phim điện ảnh và phim truyền hình, phát triển khá mạnh mẽ gần đây. Tuy nhiên, hiệu quả đem lại rõ ràng chưa như mong muốn. Trong bối cảnh đó, kịch bản phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học có thể là một lựa chọn khôn ngoan của nhà làm phim. Dẫu còn không ít khó khăn, thách thức khi đưa một tác phẩm văn học lên màn ảnh, nhưng rõ ràng văn học trong nước vẫn luôn là “vỉa quặng” dồi dào để điện ảnh khai thác. Vấn đề còn lại là tài năng và tâm huyết của các nhà làm phim.