Sự thật không thể chối cãi!

(Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Lừa bịp để nuôi dưỡng ảo tưởng chống phá


“Sinh hoạt báo chí và mọi sinh hoạt khác ở miền nam vừa tự do, vừa văn minh hơn hẳn các quốc gia trong vùng, không thua gì các quốc gia tân tiến”, đó là một trong số các luận điệu mà nhiều năm qua, một số kẻ vẫn cố tình tô vẽ, sơn phết và rêu rao để minh chứng, ca ngợi sự “ưu việt” của chế độ “Việt Nam cộng hòa”. Nhưng sự thực thì như thế nào? Nhận diện rõ vấn đề này sẽ phần nào hiểu kỹ hơn mánh lới xảo quyệt của các thế lực thù địch nhằm tác động tới nhận thức của những người không tìm hiểu thấu đáo, từ đó thực hiện mưu đồ chống phá Việt Nam…

Nhằm chia cắt Việt Nam, năm 1955 Ngô Đình Diệm lập cái gọi là “Việt Nam cộng hòa” (VNCH) để ông ta lên làm Tổng thống. Năm 1956, một hiến pháp được ban hành, trao cho Ngô Đình Diệm quyền lực rất lớn là có thể triệt tiêu, làm tê liệt đạo luật nào ông ta không vừa ý, và ban hành, thi hành đạo luật nào có lợi. Để duy trì chế độ độc tài bù nhìn, VNCH coi “tố cộng, diệt cộng” là chính sách của quốc gia, tiến hành các chiến dịch đàn áp dã man phong trào cách mạng. Có thể dẫn ra vô số tài liệu về sự tàn bạo của các chiến dịch “tố cộng, diệt cộng”, song ở đây chỉ dẫn lại điều ông R.McNamara (R.Mắc-na-ma-ra) đã viết trong Patriots: The Vietnam War Remembered from All Sides (Người yêu nước: ghi nhận từ tất cả các bên) là đủ: “Năm 1959, tôi đi thăm các tiền đồn của quân đội, nơi mà họ (quân đội Ngô Đình Diệm) chặt đầu những người họ cho là cộng sản. Họ treo những chiếc đầu người vào ngay trước cổng tiền đồn của họ, đôi khi với hai điếu thuốc lá cắm lên mũi. Thậm chí, họ còn mời mọi người chụp ảnh tại đó. Binh lính ở đây rất tự hào về hành động của họ”. Không chỉ cố gắng tận diệt phong trào cách mạng, chính quyền Ngô Đình Diệm còn dùng bạo lực thẳng tay đàn áp các tôn giáo Cao Đài, Hòa Hảo, và cuộc tàn sát đẫm máu đối với Phật giáo năm 1963 trở thành một trong các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của một chế độ bù nhìn độc tài.

Trong bối cảnh đó, cái gọi là “tự do báo chí của VNCH” như một số kẻ vẫn rêu rao thực chất chỉ là lừa bịp, giả dối. Vì không ai khác, chính ngay những người trong cuộc đã mô tả trái ngược. Như trong cuốn Bốn mươi năm nói láo xuất bản năm 1969 tại Sài Gòn - nay là TP Hồ Chí Minh, nhà báo Vũ Bằng viết: “Trong suốt một thời gian kéo dài từ tháng 5-1963 cho đến tháng 11 cùng năm đó, tràn đầy máu lửa và nước mắt, tàn sát Phật tử không khác gì phát-xít Đức tàn sát người Do thái trong thế chiến thứ nhì, không có một tờ báo chính thức nào dám ho he một lời can ngăn - chớ đừng nói cảnh cáo hay đả kích - Ngô Đình Diệm và gia đình ông ta. Được lệnh của cố vấn Ngô Đình Nhu, Tổng Giám đốc thông tin mỗi ngày ra một chỉ thị cho các báo. Báo nào báo nấy theo răm rắp, nhưng cũng chưa yên; đến lúc đưa kiểm duyệt, lại thay đổi ý kiến, có tin cấm lại cho ra, có tin không nói đến, tới giờ cuối cùng lại cấm”.

Đến thời Nguyễn Văn Thiệu, tình hình báo chí dưới chế độ VNCH cũng không khả dĩ hơn. Luật báo chí do chế độ này ban hành năm 1969 quy định mỗi tờ báo phải ký quỹ 500 nghìn đồng; báo chí không được thóa mạ từ nhân viên chính phủ tới tổng thống; và dưới chiêu bài để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, thuần phong mỹ tục, tổng trưởng nội vụ có quyền ra lệnh tịch thu một tờ báo trước hay trong khi lưu hành, các tỉnh trưởng cũng có quyền tương tự... Ba năm sau (năm 1972), nhằm tiếp tục hạn chế tối đa tự do báo chí, hay như nhà báo Lý Quí Chung nhận xét là “bóp cổ báo chí”, Nguyễn Văn Thiệu đã ký sắc luật quy định tờ báo nào bị tịch thu lần hai vì đăng bài vi phạm an ninh quốc gia, vi phạm trật tự công cộng sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn; tư nhân muốn ra báo hằng ngày phải ký quỹ 20 triệu đồng (47 nghìn USD theo thời giá năm 1972), còn muốn ra báo định kỳ (hằng tuần, hằng tháng) phải ký quỹ 10 triệu đồng; tiền được gửi vào ngân hàng để khấu trừ khi phải trả tiền phạt, bồi thường, hay bị thua kiện… Lập tức, 16 báo hằng ngày, 15 báo định kỳ phải đóng cửa vì không có tiền ký quỹ. Sau đó, một số chủ báo bị phạt, tiền ký quỹ bị tịch thu, một số người bị bỏ tù. Hệ quả là hơn 50% số nhà báo bị thất nghiệp và dẫn đến sự ra đời của “ngày ký giả đi ăn mày”. Trong Hồi ký không tên (NXB Trẻ, năm 2005), nhà báo Lý Quí Chung - cựu dân biểu từng giữ chức Bộ trưởng Thông tin của VNCH, viết: “Có vài con số thống kê đáng chú ý như sau: từ vụ xử đầu tiên theo sắc luật 007/72 (tờ báo bị đưa ra Tòa án quân sự mặt trận biệt khu Thủ đô đầu tiên là Điện tín ngày 18-8-1972) cho đến hết năm 1973 có tất cả 228 vụ tịch thu và truy tố báo chí. Trước đó, khi chưa có sắc luật 007/72, từ tháng 12-1969 đến tháng 8-1972 có đến 5.000 vụ “vi phạm luật báo chí” cũ”.

Đáng nói là không chỉ các nhà báo Vũ Bằng, Phan Nghị… bị cảnh sát bắt giam, mà còn có cái chết tức tưởi của nhà báo P.Leandri (P.Le-an-đờ-ri) Phó Văn phòng đại diện hãng thông tấn Pháp AFP ở Sài Gòn: ngày 14-3-1975 ông bị giết ngay tại trụ sở Tổng nha cảnh sát Sài Gòn do đưa tin Buôn Mê Thuột thất thủ… Sự tàn bạo này tiếp tục theo tàn quân VNCH lưu vong đến Mỹ, với những vụ ám sát dẫn đến cái chết của hàng loạt nhà báo như: Dương Trọng Lâm, Đạm Phong, Lê Triết, Phạm Văn Tập, Đỗ Trọng Nhân. Lý do, vì họ đã viết báo để vạch trần bản chất xấu xa của tổ chức khủng bố “Việt tân”.

Với những lĩnh vực khác của đời sống xã hội dưới chế độ VNCH, tình hình cũng không có gì sáng sủa. Rất nhiều số liệu về VNCH đã được công bố, không một ai dám bác bỏ như: trong vùng VNCH kiểm soát, do thiếu trường học hoặc do điều kiện kinh tế khó khăn cho nên chỉ có khoảng 24% tổng số thanh, thiếu niên ở lứa tuổi từ 12 đến 18 được đi học; năm 1974, tỷ lệ người dân biết đọc, biết viết của VNCH ước tính khoảng 70% dân số; hệ thống y tế nhỏ bé và thường bị quá tải, thiếu thuốc men; năm 1967, toàn miền nam chỉ có khoảng 160 bác sĩ và năm nữ hộ sinh cho 100 nghìn người dân; toàn bộ chương trình y tế công cộng chỉ được dành khoảng 2% ngân sách… Thế nên, nếu biết xấu hổ, mấy kẻ đang “tôn thờ VNCH” nên im lặng và biết thừa nhận. Bởi, tuy còn không ít khó khăn nhưng thực tế cùng thời điểm trước và sau 1975, giáo dục, và y tế của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phát triển mạnh mẽ về cả số lượng và chất lượng, vượt xa so với giáo dục, y tế của cái chế độ “VNCH” mà họ ca ngợi.

Cũng phải khẳng định, mấy kẻ đang tô son, trát phấn cho VNCH, giương “cờ vàng” để lập ra đủ loại “chính phủ lưu vong” kỳ quặc tồn tại vất vưởng trên đất Mỹ, có một nỗi ê chề không dám thừa nhận là “quốc ca” mà họ vẫn ôm súng gỗ, gân cổ gào vào mỗi dịp tụ tập chỉ là sản phẩm đạo nhạc từ ca khúc Tiếng gọi thanh niên của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Vậy có gì đáng tự hào, có gì đáng ngợi ca khi một chế độ không thể gợi cảm hứng để nhạc sĩ sáng tác quốc ca, phải đạo nhạc của người mà họ vẫn coi là kẻ thù? Việc sau mấy chục năm, một số kẻ lại coi “VNCH là hình mẫu” để tự huyễn hoặc và lòe bịp người khác, đã cho thấy họ không có liêm sỉ để thừa nhận điều nhà báo người Anh D.Hotham (D.Hô-thâm) đã khẳng định: “Người ta khoe rằng, VNCH đã độc lập thật sự, nhưng thật ra không có gì độc lập cả. Một nước làm sao có thể độc lập được khi cả ngân sách của quân đội mình đều do nước ngoài gánh chịu? Một nước làm sao có thể độc lập được khi 80% tiền mua hàng hóa nhập cảng không phải trả bằng tiền bán hàng hóa xuất cảng mà bằng tiền lấy trong ngân khố của Washington (Oa-sinh-tơn)”.

Không chỉ vậy, vì mục đích cá nhân đen tối, họ còn lớn tiếng chê bai, giễu cợt khó khăn mà nhân dân miền bắc đã chịu đựng trước năm 1975, nhân dân cả nước đã vượt qua sau năm 1975. Đó là bất lương trước lịch sử. Vì trên thế giới này, không có quốc gia nào sau khi phải chắt chiu mọi nguồn lực để đấu tranh giành độc lập mà không gặp khó khăn, càng không có quốc gia nào đi ra từ bom đạn của chiến tranh là lập tức có cuộc sống sung túc. Trên thực tế, sau ngày 30-4-1975, Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, và thời bao cấp là khó tránh khỏi, vì cùng lúc Việt Nam vừa phải khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa chịu hậu quả từ chính sách cấm vận của Mỹ, vừa phải chống lại hai cuộc chiến tranh xâm lược ở biên giới tây nam, biên giới phía bắc, vừa phải chống lại hoạt động chống phá của mấy kẻ “tôn thờ cờ vàng” như Nguyễn Hữu Chánh, Lê Quốc Túy, Hoàng Cơ Minh… Để rồi, từ tư duy mới, nhận thức mới về phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khởi xướng, lãnh đạo, tổ chức toàn dân bắt đầu sự nghiệp đổi mới. Và sau hơn 30 năm, đất nước có bước phát triển vượt bậc về mọi mặt, khiến dư luận thế giới khâm phục, rất nhiều người gốc Việt về thăm quê hương phải kinh ngạc. Chưa kể, mấy kẻ cố “đánh bóng VNCH” để chống đối mê muội hoặc ai đó thiếu hiểu biết nên nhớ chính Nhà nước Việt Nam đã phải trả món nợ 145 triệu USD (85 triệu USD nợ gốc, cộng tiền lãi, chi phí phát sinh trượt giá) mà chính quyền bán nước, hại dân của họ còn nợ nước Mỹ. Họ cũng nên biết, dù Việt Nam còn khó khăn cần giải quyết, dù thời giá có thể khác nhau và còn thấp so với thế giới, nhưng với dân số hiện nay hơn 93 triệu người, nhưng đến năm 2017, thu nhập bình quân theo đầu người của Việt Nam là 2.300 USD, vượt xa 65 USD (khoảng 494 USD theo thời giá năm 2015) thu nhập bình quân đầu người ở VNCH năm 1974. Đó là những sự thật không thể chối cãi.

Tháng 6-2018, trong chương trình truyền hình Tiếng quê hương số 26 đã phát trên Youtube, đề cập mấy kẻ còn ảo tưởng về VNCH rầm rĩ kỷ niệm cái gọi “tháng tư đen”, bà Phùng Tuệ Châu - người Mỹ gốc Việt Nam, thẳng thắn chỉ rõ VNCH có tên nhưng là một chế độ bù nhìn, không được hoàn toàn độc lập, tự do như Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; mấy kẻ chống cộng cực đoan kỷ niệm “tháng tư đen” vì VNCH của họ không còn nữa, chế độ đó đã bị chôn vùi cùng tuyên bố đầu hàng vào ngày 30-4-1975, “cờ vàng” vĩnh viễn bị hạ xuống. Bà Phùng Tuệ Châu cho rằng với mấy kẻ “tôn thờ cờ vàng” thì “tháng tư đen” là nỗi nhục, là nỗi xấu hổ, họ hò hét suốt 43 năm nhưng sẽ không bao giờ đạt được điều gì. Bà khẳng định, với quê hương Việt Nam, dân tộc Việt Nam, với Đảng Cộng sản Việt Nam thì 30-4-1975 là Ngày Chiến thắng, ngày của niềm vinh dự. Bà khảng khái cho rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục lãnh đạo đất nước. Đảng Cộng sản Việt Nam đem lại hòa bình cho đất nước, đương nhiên tôi phải ủng hộ”. Thiết nghĩ, đó là một ý kiến tỉnh táo, sáng suốt và lương thiện. Mấy kẻ vẫn “nuôi mộng cờ vàng” cần lắng nghe để nhanh chóng thức tỉnh!


(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 28-8-2018.