Bình luận - Phê phán

Sáng tạo nghệ thuật và các chuẩn mực văn hóa, luật pháp

Tiếp cận từ góc độ văn hóa thì tác phẩm nghệ thuật trước hết là một tác phẩm văn hóa, và vì thế luôn đặt ra những chuẩn mực mà người làm nghệ thuật chân chính cần tuân thủ. Ðiều đó cũng có nghĩa, dù hư cấu, tưởng tượng như thế nào, nghệ sĩ vẫn cần tự ý thức về các chuẩn mực có vai trò định tính, định giá mọi sản phẩm văn hóa đang tồn tại trong xã hội, để từ đó sáng tạo nên tác phẩm không đi ngược lại các chuẩn mực này.

Phần trình diễn "Tiến lên chiến sĩ đồng bào" trên sân khấu "Giai điệu tự hào". Ảnh: VTV.
Phần trình diễn "Tiến lên chiến sĩ đồng bào" trên sân khấu "Giai điệu tự hào". Ảnh: VTV.

Gần đây, sự kiện liên quan việc bộ phim "Vợ ba" bị dừng công chiếu trong nước vì đã để một diễn viên 13 tuổi tham gia vào một số cảnh quay nhạy cảm đã dấy lên câu hỏi về việc sử dụng trẻ em và hình ảnh của trẻ em trong các tác phẩm nghệ thuật như thế nào cho phù hợp. Soi chiếu từ các quy định của pháp luật, cụ thể là Luật Trẻ em, có thể thấy việc nhà sản xuất sử dụng một em nhỏ 13 tuổi vào các cảnh quay có tính nhạy cảm đã vi phạm cả về văn hóa lẫn luật pháp, gây phản cảm trong công chúng tiếp nhận. Một bộ phim gây tiếng vang ở nước ngoài, đoạt giải thưởng tại một số liên hoan phim quốc tế, được giới phê bình khen ngợi về chất lượng nghệ thuật, nhưng đáng tiếc là đã đi quá giới hạn trong việc sử dụng diễn viên. Cùng thời điểm bộ phim "Vợ ba" bị ngừng công chiếu, cũng liên quan chủ đề trẻ em, sự ra mắt bộ ảnh "Những đứa trẻ mang bầu" để cổ động cho chiến dịch bảo vệ trẻ em trước nạn xâm hại tình dục cũng đã phải nhận rất nhiều chỉ trích của dư luận. Việc để lộ mặt các mẫu nhí từ 8 đến 12 tuổi trong các bức ảnh trẻ em mang bầu bị cho là thiếu tính nhân văn, không tạo nên cảm xúc tích cực trong người xem. Trên các diễn đàn mạng xã hội, không ít phụ huynh bày tỏ ý kiến khá gay gắt, cho rằng dù mục đích đưa ra là rất tốt, nhưng đây không phải là cách phù hợp để tạo ra các bức ảnh nghệ thuật về nạn ấu dâm. Trẻ em đã bị biến thành công cụ cho người nhân danh sáng tạo và điều này là không nên.

Nặng nề hơn, có phụ huynh lên tiếng thẳng thắn rằng, không chỉ vi phạm về đạo đức vì để trẻ em tham gia vào sản phẩm nghệ thuật có tính nhạy cảm, không phù hợp với lứa tuổi, tác giả các bức ảnh còn vi phạm cả Bộ luật Lao động.

Về giới hạn của tự do sáng tạo trong nghệ thuật, dù tồn tại các quan niệm khác nhau, nhưng vẫn cần nhận thức một vấn đề rằng, không chỉ ở Việt Nam, mà ở mọi quốc gia trên thế giới, nghệ sĩ trước hết là công dân của xã hội và hoạt động sáng tạo của họ phải đáp ứng được những chuẩn mực mà văn hóa và luật pháp của xã hội đặt ra. Vì thế, sáng tạo nghệ thuật không chỉ là công việc của tài năng, mà còn trực tiếp liên quan hiểu biết và sự nhạy cảm, nhất là liên quan trách nhiệm công dân của nghệ sĩ. Trong đời sống nghệ thuật, không ít thí dụ cho thấy có thể không cố ý, nhưng sản phẩm sáng tạo của nghệ sĩ đã vượt ra ngoài khuôn khổ văn hóa và pháp luật, dẫn đến việc bị dư luận phản ứng, lên án, thậm chí bị cơ quan luật pháp xử lý với các hình thức khác nhau. Thực tiễn hoạt động tinh thần của xã hội cho thấy, ý tưởng nghệ thuật là tài sản riêng, là kết tinh của tài năng, tri thức và hiểu biết, vốn sống và sự trải nghiệm, sự ưu tư và mối trăn trở... của nghệ sĩ; từ ý tưởng đến sự ra đời tác phẩm là quá trình lao động nghệ thuật phức tạp. Vì thế phần nào có thể chấp nhận những thử nghiệm sáng tạo sự ngẫu hứng thể hiện cá tính nếu khi tác phẩm ra đời, nghệ sĩ cất giữ cho riêng mình, không lấy công chúng là môi trường sinh tồn cho tác phẩm. Song khi đã đưa tác phẩm đến với công chúng, trong bất kỳ lĩnh vực nghệ thuật nào nghệ sĩ cũng không thể nhân danh sáng tạo nghệ thuật để đưa tới cho công chúng loại sản phẩm kỳ quái, trái thuần phong mỹ tục, xuyên tạc lịch sử, vi phạm các chuẩn mực đạo đức. Còn nhớ, năm 2015 triển lãm ảnh nghệ thuật "Hoa nơi chiến trường" tổ chức tại phòng trưng bày Flower box Concept (TP Hồ Chí Minh) đã hứng sự chỉ trích gay gắt, sau đó cơ quan chức năng đã lập biên bản tạm giữ tất cả các bức ảnh. Ðây là những bức ảnh được "sáng tạo lại" một cách vụng về từ các bức ảnh gốc về chiến tranh ở Việt Nam do một số phóng viên chiến trường phương Tây chụp. Việc xóa hình ảnh súng, ống, hàng rào dây thép gai để thay thế bằng những bông hoa với mục đích "truyền đi thông điệp hòa bình" của nhóm tác giả ảnh triển lãm bị dư luận đánh giá là không chỉ sống sượng, xúc phạm các nhân vật trong ảnh, mà còn vi phạm nghiêm trọng vấn đề bản quyền. Tư duy nghệ thuật, cùng với hạn chế trong hiểu biết, cách xử lý với lịch sử và sự thật đã khiến nhóm tác giả này tạo ra một loại sản phẩm không được xã hội chấp nhận, nên đã nhanh chóng bị xóa sổ khỏi đời sống sinh hoạt nghệ thuật. Ðây là một minh chứng cho thấy nghệ sĩ có quyền sáng tạo, song nếu khi thực hành quyền này, nghệ sĩ không tự mình kiểm soát, điều chỉnh phù hợp với chuẩn mực văn hóa và yêu cầu luật pháp thì kết quả sáng tạo sẽ bị xã hội và công chúng lên án, tẩy chay.

Trên thực tế, không có công thức chung cho hoạt động sáng tạo của nghệ sĩ, và các yêu cầu đối với sản phẩm sáng tạo không phải do công chúng hoặc tổ chức, cá nhân nào tự ý đặt ra, mà đó là yêu cầu của xã hội. Bởi nghệ sĩ cũng là công dân, do đó cần có ý thức tự giác về trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, để lao động nghệ thuật nghiêm túc và làm nên tác phẩm nghệ thuật lành mạnh, vừa đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu tinh thần của công chúng, hướng công chúng tới những giá trị Chân - Thiện - Mỹ, giúp bồi đắp và làm phong phú tâm hồn con người, vừa góp phần vào sự phát triển xã hội. Ðáng tiếc, nhìn vào thực trạng các lĩnh vực nghệ thuật hiện nay, chúng ta thấy xuất hiện một số hiện tượng thiếu lành mạnh. Một số nghệ sĩ vì những lý do, mục đích riêng đã bỏ qua các chuẩn mực văn hóa và pháp luật cần thiết, để tạo ra thứ nghệ thuật hù dọa, gây sốc, câu like, câu view, như để mưu cầu sự nổi tiếng hơn là đóng góp các giá trị đích thực cho cuộc sống. Chẳng hạn trong văn học đã có một số tác phẩm chạy theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng bằng cách đưa vào tác phẩm thứ ngôn ngữ tục tĩu, bậy bạ và cho rằng đó là "sáng tạo để văn chương gần với đời sống"; rồi nữa là thứ thơ được tạo dựng bằng thứ ngôn ngữ gợi dục... Với âm nhạc, việc một số ca sĩ làm mới, gây sốc bằng những cách thể hiện "không giống ai", hay một số nhạc sĩ trẻ lại có xu hướng viết các ca khúc với ca từ phản cảm, dung tục để gây chú ý với người nghe, người xem nhưng rốt cục chỉ nhận lại những sự bất bình, tẩy chay của công chúng. Hay trường hợp một nghệ sĩ trình diễn phải dừng buổi trình diễn nghệ thuật có tên "Chợ quê" với mục đích tái hiện hình ảnh cuộc sống của những người nông dân, nhưng lại bị chính những người nông dân ở bãi giữa sông Hồng (Hà Nội) tới ngăn chặn vì làm ảnh hưởng đến hoa màu và cản trở lối đi. Ðây cũng là thí dụ cho thấy luôn có giới hạn cần thiết cho người sáng tạo, nếu họ muốn được công chúng tán thưởng, ghi nhận, cổ vũ, truyền bá.

Trái ngược với đó, trường hợp các ca sĩ Trọng Thủy, Thành Nam, Justa Tee và Big Daddy làm mới ca khúc Tiến lên chiến sĩ đồng bào của nhạc sĩ Huy Thục trong chương trình Giai điệu tự hào tổ chức năm 2014 với chủ đề Bài ca năm tấn là một thí dụ thú vị. Với một ca khúc có phần lời trang trọng, thiêng liêng như vậy, nghệ sĩ trẻ muốn làm mới thành công, họ phải là người có kiến thức về lịch sử dân tộc, thấu hiểu tâm tư, tình yêu của đồng bào, chiến sĩ cả nước trong các năm tháng chiến tranh cam go, quyết liệt nhưng rất hào hùng, tràn đầy lạc quan,... để bảo đảm cái mới trong thể hiện tác phẩm phải dựa trên nền tảng của truyền thống, trân trọng các giá trị mà nhiều thế hệ cha anh đã hy sinh để có được, và các nghệ sĩ này đã thành công. Ðó không chỉ là nghệ thuật, mà còn là đạo đức và trách nhiệm của nghệ sĩ trẻ. Nếu việc làm mới đó thiếu nỗ lực lành mạnh, nghệ sĩ trẻ có thể trở thành người vô cảm, không biết trân trọng, giữ gìn, thậm chí phá hoại những sáng tạo có giá trị tư tưởng - nghệ thuật của người đi trước.

Một số người làm nghệ thuật thường không mấy mặn mà, thậm chí phản đối quan niệm "giới hạn" trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật, vì họ cho rằng điều này ảnh hưởng tới tự do sáng tác, hoặc đó là "cái khung" khiến nghệ sĩ không thể tự do sáng tạo. Ðây là điều không thể đồng tình. Bởi nếu hoạt động theo xu hướng "tự do không giới hạn", nghệ sĩ sẽ dễ dàng bỏ qua các yêu cầu của văn hóa, bất chấp các yêu cầu của pháp luật, từ đó làm ra loại sản phẩm phản văn hóa, hư vô với các giá trị xã hội ưu việt đã tạo dựng tiền đề phát triển con người. Ðể tác phẩm mang chứa tinh thần Chân - Thiện - Mỹ, nghệ sĩ cần kết hợp một cách hài hòa giữa nỗ lực sáng tạo trên cơ sở các phẩm chất và năng lực của chính mình với tinh thần trách nhiệm công dân, bằng tình yêu với đất nước, con người. Ở đó, tinh thần, trách nhiệm công dân giúp nghệ sĩ có thái độ nghiêm túc khi nhận thức hiện thực, xác định góc nhìn và tiếp cận hiện thực một cách khách quan, suy nghĩ một cách trong sáng, sáng tạo một cách lành mạnh,... để biến ý tưởng nghệ thuật thành tác phẩm có giá trị tư tưởng - thẩm mỹ, lay động tâm hồn con người, hướng công chúng theo những điều tốt đẹp. Nói cách khác, một khi đã nắm bắt, nhận thức được giới hạn của văn hóa và luật pháp, biết tự ý thức khi kiểm soát các giới hạn đó, nghệ sĩ sẽ tìm thấy tự do trong hoạt động sáng tạo. Xét đến cùng, dù ở quốc gia nào và dù muốn sáng tạo ra sao, nghệ sĩ cũng không thể vượt ra ngoài mọi quy định của pháp luật và chuẩn mực đạo đức của cộng đồng. Và ở Việt Nam, suốt bao năm qua những tác phẩm đi vào lòng công chúng bao giờ cũng là sự kết hợp chặt chẽ giữa yếu tố hiện đại, tiên tiến với bản sắc văn hóa.