Phát huy vai trò xã hội của tranh cổ động

Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vừa qua, một trong những yếu tố quan trọng đem lại thành công bước đầu như hiện nay là chúng ta đã thực hiện tốt việc tuyên truyền, cổ động để người dân có nhận thức, ứng xử đúng đắn trong việc phòng, chống và từ đó chung sức, đồng lòng vượt qua dịch bệnh. Đáng chú ý, bên cạnh hệ thống truyền thông luôn kịp thời cập nhật thông tin, truyền đạt chỉ đạo của chính quyền và ngành chức năng, khuyến cáo phương pháp phòng, chống,... thì ở lĩnh vực nghệ thuật nhiều nghệ sĩ đã tích cực hưởng ứng bằng cách phát huy thế mạnh của mình góp phần tạo nên sức mạnh trong toàn xã hội. Trong số đó phải kể đến vai trò các nghệ sĩ sáng tác tranh cổ động.

Với đặc trưng là thể loại nghệ thuật vừa mang tính khái quát và tính thẩm mỹ, vừa mang tính trực quan qua lối biểu đạt nội dung dễ hiểu, rõ ràng, thuyết phục, tranh cổ động đã trở thành một trong nhiều thế mạnh của nghệ thuật tạo hình Việt Nam, trở thành một phương tiện nghệ thuật hiệu quả góp phần chuyển tải chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân. Với “cuộc chiến” chống đại dịch Covid-19 cũng vậy, sau khi bệnh dịch xảy ra, một cuộc vận động vẽ tranh cổ động về chủ đề này đã được Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đứng ra tổ chức. Thông qua thư mời điện tử, Ban Tổ chức gửi thông điệp đến các họa sĩ, nhất là họa sĩ vẽ tranh cổ động, khuyến khích họ đóng góp tác phẩm của mình vào việc phục vụ tuyên truyền để phòng, chống dịch. Mặc dù cuộc vận động sáng tác diễn ra trong thời gian rất ngắn, chỉ có năm ngày (từ 10 đến 15-3-2020), song kết quả thu được lại hơn cả mong đợi. 103 tác phẩm đã được gửi đến Ban Tổ chức với sự tham gia của 23 họa sĩ. Trong đó có họa sĩ miệt mài vẽ hàng chục bức tranh với các nội dung tuyên truyền khác nhau để tham gia đợt vận động. Ban Tổ chức đã làm việc khẩn trương, chọn ra 14 tác phẩm tiêu biểu nhất để đưa vào các hoạt động tuyên truyền phòng, chống dịch trên phạm vi toàn quốc. Theo Ban Tổ chức, đây là những bức tranh có cách thể hiện xuất sắc những thông tin thiết yếu nhất trong phòng, chống dịch Covid-19. Ngay sau đó, Cục Văn hóa cơ sở đã ấn hành bốn mẫu tranh, sản xuất 1.000 đĩa tranh cổ động gửi đến các địa phương trên cả nước. Các tranh cổ động này hiện đã được treo tại các Trung tâm văn hóa, thể thao quận, huyện, thị xã và địa bàn dân cư thuộc 10.732 xã, phường, thị trấn nhằm góp thêm tiếng nói tuyên truyền, hướng dẫn người dân nắm bắt cách thức chủ động phòng, chống dịch Covid-19.

Nhìn từ lịch sử, có thể nói tranh cổ động xuất hiện trong nền mỹ thuật Việt Nam từ thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nhà nước dân chủ, nhân dân. Với thế mạnh của mình, tranh cổ động nhanh chóng trở thành một loại hình nghệ thuật xung kích, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ mà sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước hay công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc đặt ra. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, tranh cổ động thật sự là một loại hình nghệ thuật nổi bật với nhiều đóng góp vào thành tựu chung của mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Hầu hết họa sĩ Việt Nam, kể cả danh họa nổi tiếng cũng đã từng tham gia sáng tác tranh cổ động, như là một cách thức thể hiện ý thức, tinh thần công dân của mỗi nghệ sĩ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các họa sĩ nổi tiếng như Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Lương Xuân Nhị, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng, Mai Văn Hiến,… đã đóng góp nhiều tranh cổ động về tình quân dân, công tác binh vận, cổ vũ tinh thần của bộ đội khi ra trận... Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, nhiều họa sĩ bằng tài năng và tâm huyết, đã gửi gắm vào tác phẩm lòng yêu nước, tinh thần lạc quan cách mạng, ý chí quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta, góp phần xây dựng và khẳng định niềm tin lớn lao vào sự nghiệp cách mạng, vào thắng lợi tất yếu của cuộc kháng chiến.

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đề tài tranh cổ động đã được các họa sĩ Việt Nam triển khai trên phạm vi rất rộng, từ hậu phương lớn miền bắc đến tiền tuyến lớn miền nam; từ chống chiến tranh phá hoại, tích cực ủng hộ, chi viện đồng bào miền nam, cổ vũ các phong trào “người tốt, việc tốt”, “ba sẵn sàng”, “ba đảm đang”, tinh thần quả cảm và chiến công của bộ đội trên các chiến trường,... đến cổ vũ toàn dân thi đua lao động, sản xuất; phong trào học văn hóa... Không ít thanh niên đã tình nguyện viết đơn nhập ngũ để được chiến đấu trên chiến trường miền nam, và một trong các cội nguồn tinh thần thôi thúc họ có hành động như vậy là có phần đóng góp, lan tỏa từ những bức tranh cổ động gửi gắm thông điệp về tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí chiến đấu vì độc lập, tự do được trưng bày rộng rãi trên từng con đường, góc phố, trên những bức tường sót lại sau những trận bom... hay thậm chí là trao tay nhau. Có thể khẳng định, với vai trò và chức năng nghệ thuật của mình, trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, tranh cổ động đã góp phần to lớn vào việc cổ vũ tinh thần toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vượt mọi khó khăn gian khổ, vượt qua bom đạn của kẻ thù để đến ngày thống nhất đất nước, dân tộc được sống trong hòa bình. Có thể kể đến các họa sĩ vẽ tranh cổ động tiêu biểu của thời kỳ này như: Nguyễn Bích, Trần Gia Bích, Đường Ngọc Cảnh, Nguyễn Tiến Chung, Đỗ Xuân Doãn, Phạm Văn Đôn, Đào Đức, Vũ Hiền, Thế Hùng, Lê Quốc Lộc, Phạm Lung, Tuyết Mai, Thục Phi, Quang Phòng, Trịnh Phòng, Phạm Đức Phong, Huỳnh Văn Thuận... Đáng chú ý trong các năm tháng đó, Xưởng tranh cổ động được Bộ Văn hóa thành lập với nhiệm vụ tổ chức, in ấn, phát hành tranh cổ động trên toàn miền bắc, sẵn sàng phục vụ mọi nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước đề ra. Tới hôm nay, công chúng vẫn có thể chiêm ngưỡng các bức tranh cổ động tiêu biểu vừa mang ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc nhưng vẫn đậm đà yếu tố nghệ thuật, đầy sức lay động lòng người được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, và nhiều bảo tàng khác trên cả nước.

Ngày nay, dù đời sống xã hội cũng như lĩnh vực văn học - nghệ thuật đã có nhiều thay đổi và phát triển vượt bậc, tranh cổ động vẫn luôn giữ giá trị và vai trò xã hội riêng của mình. Có thể thấy, nhiều năm trở lại đây, các triển lãm tranh cổ động chào mừng những sự kiện lớn của dân tộc thường xuyên được ngành văn hóa, và hội mỹ thuật từ trung ương đến địa phương tổ chức. Đó là kết quả các cuộc thi, các cuộc vận động sáng tác tranh cổ động chào mừng Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam, mừng năm mới, các ngày kỷ niệm lớn của đất nước như Quốc khánh, Ngày thành lập Đảng, Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, Ngày Quốc tế Lao động 1-5, Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh... Nếu trong thời kỳ chiến tranh hoặc đất nước còn khó khăn, vật liệu để họa sĩ vẽ tranh cổ động rất hạn chế, thì hiện nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, tranh cổ động được sáng tác khá đa dạng về chất liệu, phong phú về hình thức và cách thức thể hiện. Và các lợi thế trong biện pháp nghệ thuật cho phép họa sĩ mở rộng biên độ sáng tạo để tranh cổ động ngày càng phát huy tốt hơn vai trò cổ vũ, động viên, kêu gọi, khuyến khích nhân dân, người lao động, các tầng lớp, tổ chức xã hội... nỗ lực phấn đấu xây dựng, phát triển đất nước, vì các giá trị văn minh, tiến bộ của xã hội... Đồng thời, tranh cổ động còn có thể phát huy khả năng ứng dụng, thể hiện trong rất nhiều lĩnh vực khác của đời sống, từ quảng cáo các bộ phim, chương trình nghệ thuật đến quảng bá du lịch, giới thiệu sản phẩm tiêu dùng, hoặc dịch vụ...

Trong tác động của nghệ thuật nói chung, hiệu quả mang lại với công chúng thường gián tiếp, nhưng với tranh cổ động thường là trực tiếp, không ít trường hợp đem lại hiệu quả rất nhanh chóng. Điều này có được do ngôn ngữ biểu đạt của tranh cổ động thường súc tích, cô đọng, dễ hiểu. Bằng tài năng, lao động nghệ thuật, qua mầu sắc, hình khối, chữ,... họa sĩ đưa ra thông điệp và thông điệp đó tác động trực tiếp, mạnh mẽ vào thị giác người xem, làm hình thành cảm xúc thẩm mỹ, thẩm thấu vào suy nghĩ, góp phần dẫn đến chuyển biến về nhận thức và hành động. Nên tranh cổ động không cho phép nghệ sĩ lan man, ôm đồm chi tiết, hoặc biểu đạt một cách trừu tượng. Thông điệp thẳng thắn và trách nhiệm từ tranh cổ động cần hết sức tự nhiên, đi vào lòng người, không lên gân, không hô hào cứng nhắc. Các yếu tố này đòi hỏi họa sĩ ngoài khả năng, kỹ năng, trình độ chuyên môn còn cần có nhận thức nhạy bén, tâm huyết, có trái tim biết rung cảm trước sự kiện của đời sống, hòa vào dòng chảy của đời sống, hiểu được tâm tư của cộng đồng. Không chỉ vậy, họa sĩ vẽ tranh cổ động còn cần hiểu biết tường tận, sâu sắc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, có kiến thức và kỹ năng về thói quen tiếp nhận văn hóa của người Việt Nam, cũng như đặc điểm văn hóa Việt Nam nói chung, đặc điểm văn hóa mỗi sắc tộc ở Việt Nam nói riêng; đặc biệt là khả năng điều chỉnh “cái tôi” trong khi sáng tác để phục vụ “cái chúng ta”. Vì mỗi bức tranh cổ động đều nhằm phục vụ tập thể, giúp tạo ra xúc cảm thẩm mỹ và giúp thay đổi suy nghĩ, hành vi của mọi người theo hướng tích cực. Có thể nói, họa sĩ vẽ tranh cổ động cũng chính là chiến sĩ trên mặt trận tuyên truyền, phản ánh vấn đề thời sự trong các lĩnh vực hoạt động của xã hội.

Trải qua một quá trình đồng hành cùng dân tộc, tranh cổ động đã được nhiều thế hệ họa sĩ nối tiếp nhau tiếp thu, sáng tạo và trở thành thể loại tranh đặc sắc mang phong cách riêng của Việt Nam. Tuy nhiên có một thực tế là càng gần đây, số lượng họa sĩ vẽ tranh cổ động có kinh nghiệm, kỹ năng, tay nghề cao có xu hướng giảm, chưa tương xứng với tầm quan trọng cũng như nhiệm vụ chính trị của loại hình nghệ thuật này trong sinh hoạt xã hội. Nguyên nhân một phần là dù có một quá khứ rất đáng tự hào nhưng trong đời sống mỹ thuật hiện đại, tranh cổ động dường như vẫn chưa được đánh giá đúng vị trí, chưa thật sự trở thành mối quan tâm của nhiều họa sĩ. Thêm nữa, trên thực tế, họa sĩ vẽ tranh cổ động không dễ sống được bằng nghề, mà phải làm thêm nhiều việc khác. Vấn đề bản quyền tranh cổ động cũng còn bất cập khi một số họa sĩ than phiền rằng tranh của họ thường xuyên bị in sao bán ngoài thị trường mà không bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt. Vì thế, ngành văn hóa và các cơ quan chức năng cần có các chính sách phù hợp, quan tâm nhiều hơn đến đội ngũ họa sĩ vẽ tranh cổ động, tương xứng với những đóng góp thiết thực và nhanh chóng của đội ngũ này trước những sự kiện lớn, quan trọng của đất nước, của xã hội.