BÌNH LUẬN - PHÊ PHÁN

Phát huy vai trò, hiệu quả của bảo tàng trong đời sống

Việt Nam hiện có gần 200 bảo tàng thuộc sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân. Tuy nhiên, số bảo tàng hoạt động thật sự có hiệu quả lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vừa thừa, vừa thiếu đang là tình trạng chung trong hoạt động của các bảo tàng, đòi hỏi sự sắp xếp lại cho hợp lý và tránh lãng phí.

Vừa qua, các thay đổi về quản lý nhà nước đối với Bảo tàng Hà Nội và Bảo tàng Văn hóa Huế đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Với Bảo tàng Hà Nội, tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, trong văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Dương Minh Ánh về việc quản lý, sử dụng công trình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết công trình Bảo tàng Hà Nội đã được chính thức điều chuyển về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL). Liên quan Bảo tàng Văn hóa Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành Quyết định số 676/QĐ-UBND thành lập Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP Huế trên cơ sở hợp nhất Đài Truyền thanh TP Huế, Bảo tàng Văn hóa Huế, Trung tâm Văn hóa và Thể thao TP Huế. Căn cứ vào quyết định này, Bảo tàng Văn hóa Huế trở thành một bộ phận trực thuộc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao TP Huế.

Băn khoăn của dư luận đồng thời cũng là một trong những lý do dẫn đến thay đổi về mặt quản lý đối với hai bảo tàng trên, có nguyên nhân không nhỏ xuất phát từ hiệu quả hoạt động của các bảo tàng này trên thực tế. Đối với Bảo tàng Hà Nội, đây là công trình khánh thành vào dịp chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, được xây dựng gần Trung tâm Hội nghị quốc gia, số vốn đầu tư lên tới 2.300 tỷ đồng, được đánh giá là “một công trình văn hóa tiêu biểu ghi dấu ấn của thời kỳ Thủ đô đổi mới và hội nhập”, được kỳ vọng “làm nơi nghiên cứu, trưng bày và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử vô cùng phong phú, rực rỡ của Thủ đô và đất nước”. Tuy nhiên sau 10 năm, bảo tàng vẫn “đang hoàn thiện thiết kế trưng bày”. Trong khi đó, nếu theo kế hoạch đã được phê duyệt thì đến năm 2016, bảo tàng phải hoàn thiện công tác trưng bày để sẵn sàng mở cửa đón khách. Tình trạng tương tự cũng diễn ra với Bảo tàng Văn hóa Huế. Được thành lập năm 2012, nằm trên phố Lê Lợi, ngay trung tâm TP Huế. Theo thông tin trên báo chí, khi thành lập bảo tàng có kèm theo đề án cải tạo, nâng cấp và trang bị hệ thống trưng bày liên quan với tổng mức đầu tư 53 tỷ đồng. Điều đáng nói là Bảo tàng Văn hóa Huế dù mới thành lập nhưng đã được tiếp quản và kế thừa nhiều hiện vật có giá trị từ nhà Bảo tàng Huế, như: tư liệu hiện vật gắn với các giai đoạn lịch sử của Huế, hệ thống văn bản Hán - Nôm vùng Huế, hiện vật văn hóa Chăm... Tuy nhiên, thời gian qua nơi đây lại hoạt động cầm chừng, như chỉ mang tính hình thức. Sân bảo tàng thành nơi cho các loại xe đỗ ngổn ngang. Không ít khách tìm đến đây chỉ để... uống cà-phê!

Từ đánh giá sơ bộ trên đây có thể thấy, dù xây dựng ở hai địa phương khác nhau nhưng điểm giống nhau ở cả hai bảo tàng là đều có mức kinh phí xây dựng tốn kém, đều đặt ở những vị trí đắc địa song hoạt động không hiệu quả, chưa đáp ứng được kỳ vọng của công chúng. Nhìn rộng ra có thể thấy tình trạng như vậy không phải hiếm gặp đối với nhiều bảo tàng trên cả nước. Theo thống kê, cả nước hiện có gần 200 bảo tàng đang hoạt động. Như vậy trung bình mỗi địa phương có tới 3 bảo tàng. Tuy nhiều về số lượng, song việc vận hành các bảo tàng này đang bộc lộ không ít điều bất cập: nghèo nàn về tư liệu, nội dung na ná nhau, hình thức trưng bày không đa dạng, thông tin sơ sài, chậm ứng dụng công nghệ mới, đội ngũ thuyết minh non yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, nội dung thuyết minh kém hấp dẫn... Điều này giúp lý giải tại sao bảo tàng vẫn mở cửa nhưng không đủ sức hấp dẫn khách tham quan.

Bảo tàng là một thiết chế văn hóa quan trọng, là nơi lưu giữ các tư liệu hiện vật có giá trị, góp phần tích cực bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa, lịch sử của dân tộc, tuy nhiên thực trạng hoạt động tại các bảo tàng trên cả nước hiện nay cho thấy sự tốn kém, lãng phí rất lớn về con người và vật chất. Các bảo tàng hoạt động cầm chừng nhiều năm, không những không đem lại doanh thu mà còn chưa phát huy được vai trò tích cực trong sinh hoạt của cộng đồng,... là khá phổ biến. Thậm chí có bảo tàng ở tình trạng “chân ngoài dài hơn chân trong”, nghĩa là hoạt động chuyên môn chỉ duy trì theo kiểu làm cho có, trong khi đất đai của bảo tàng được tận dụng để kinh doanh, làm nhà hàng, quán nhậu, bãi đậu xe,... hoặc chỉ được sử dụng như nơi trú chân tạm thời để các tua du lịch sử dụng làm điểm tập kết hay trạm trung chuyển đón khách đi ăn trưa, luân chuyển đến điểm tham quan mới.

Trên phạm vi toàn quốc, một số bảo tàng thật sự tạo được dấu ấn bản sắc riêng và hoạt động có hiệu quả như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Tôn Ðức Thắng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ,... Còn lại, khá nhiều bảo tàng đang vận hành theo một công thức chung đơn điệu, nhàm chán vốn được duy trì từ vài chục năm qua. Thí dụ tại tỉnh Thừa Thiên Huế, với sáu bảo tàng đang hoạt động, nhưng theo PGS, TS Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế, thành viên Hội đồng nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế, tại đây đang có tình trạng trùng lặp chức năng nhiệm vụ quản lý và bảo tồn, trưng bày hiện vật ở các bảo tàng khiến cho các bảo tàng thiếu tính chuyên sâu, kém hấp dẫn: “Nói thật, có một số bảo tàng ở Huế chỉ có thể gọi là “nhà kho” chứ không thể đạt chuẩn để gọi là bảo tàng”. Nên không ngẫu nhiên, vừa thừa, vừa thiếu là cảm giác chung của không ít người khi đánh giá hoạt động của các bảo tàng hiện nay.

Ở một số địa phương, dù duy trì cùng lúc nhiều bảo tàng thuộc những lĩnh vực khác nhau nhưng hệ thống hiện vật sưu tập và cách thức trưng bày, giới thiệu đa phần đều na ná nhau. Chưa kể sự đơn điệu, xơ cứng trong việc tổ chức các hoạt động, chủ yếu vẫn là những bảng giới thiệu sơ sài kèm hiện vật, khách tự đọc, tự tìm hiểu. Một số bảo tàng đã mở cửa miễn phí như là một cách “kích cầu” khách du lịch song đây không phải là giải pháp có tính bền vững, bởi nếu bản thân bảo tàng không tạo ra được những giá trị khác biệt và tạo được sự lôi cuốn thì bài toán “miễn phí” cũng sẽ không thể phát huy tác dụng lâu dài. Trên thế giới cũng như Việt Nam, du khách sẵn sàng bỏ tiền, thậm chí nhiều tiền mua vé thăm bảo tàng nếu điểm đến đó thật sự xứng đáng. Như với các Bảo tàng Louvre (Pháp), Bảo tàng Hermitage (Nga), Bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên Quốc gia (Mỹ), Bảo tàng Van Gogh (Hà Lan),... nếu không muốn xếp hàng nhiều giờ đồng hồ để mua được một tấm vé vào tham quan, du khách thường phải đặt vé trước với số tiền không nhỏ.

Không có khách tham quan, bảo tàng sẽ không phát huy được giá trị. Đã đến lúc cần một cuộc tổng rà soát trên toàn quốc nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động của các bảo tàng thuộc sở hữu Nhà nước. Trên cơ sở đó có sự sắp xếp lại cho hợp lý, trong trường hợp cần thiết có thể xem xét đóng cửa bảo tàng hoạt động kém hiệu quả. Như Quyết định số 429/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 18-4-2019 phê duyệt quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2021, định hướng đến năm 2030 nêu rõ giai đoạn đến năm 2021: các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ yêu cầu công tác quản lý, kết quả hoạt động, quy mô của các bảo tàng, ban quản lý di tích trực thuộc, thực hiện rà soát, nghiên cứu tổ chức lại bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cơ bản có 1 bảo tàng cấp tỉnh. Đối với các bảo tàng chuyên đề cấp tỉnh, căn cứ yêu cầu công tác quản lý, điều kiện thực tế của địa phương, nghiên cứu rà soát, sắp xếp, tổ chức lại theo hướng sáp nhập hoặc hợp nhất các bảo tàng có chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực nghiên cứu tương đồng hoặc sáp nhập vào bảo tàng cấp tỉnh. Yêu cầu đối với giai đoạn 2021 - 2030 đó là: tiếp tục rà soát, nghiên cứu tổ chức lại các bảo tàng, ban quản lý di tích trực thuộc bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục duy trì 1 bảo tàng cấp tỉnh. Đối với các bảo tàng chuyên đề cấp tỉnh, tiếp tục thực hiện giảm đầu mối, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Các bảo tàng, ban quản lý di tích phấn đấu chuyển đổi cơ chế hoạt động của đơn vị ở mức độ tự chủ cao hơn, giảm chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Việc triển khai quyết định trên sẽ góp phần tích cực giúp hạn chế tình trạng kém hiệu quả trong hoạt động bảo tàng, đồng thời từng bước chấn chỉnh, sắp xếp lại hoạt động của các bảo tàng, mạnh dạn giải thể, sáp nhập bảo tàng hoạt động kém hiệu quả. Và để tồn tại, mỗi bảo tàng cần xác định khách tham quan là mục tiêu phục vụ cần hướng đến, phải nhanh chóng loại bỏ tâm lý chủ quan, duy ý chí, trưng bày cái mình có thay vì đáp ứng, thỏa mãn những yêu cầu công chúng kỳ vọng khi tìm đến với bảo tàng. Trên cơ sở đó, đổi mới cách tổ chức, vận hành của bảo tàng, kiện toàn đội ngũ theo hướng tinh gọn, chất lượng, cập nhật ứng dụng công nghệ, thích ứng với xu hướng chung của thế giới, phù hợp nhu cầu ngày càng đa dạng của khách tham quan. Chỉ khi làm được điều này, bảo tàng mới thật sự phát huy được vai trò tích cực trong đời sống.